Dân mong Đảng loại bỏ cán bộ tham nhũng để bộ máy trong sạch
“Tham nhũng cũng như sâu đục thân cây, dù cây có đau cũng phải loại bỏ con sâu cho bằng được mới mong cây phát triển…”
Trước sự quyết liệt của Đảng về xử lý cán bộ sai phạm, tham nhũng để làm trong sạch bộ máy, người dân đã bày tỏ tin tưởng và gửi gắm nhiều kỳ vọng đến Đảng. Pháp Luật TP.HCM xin trích một vài ý kiến của người dân trước công tác chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm, để làm cho bộ máy của Đảng ngày một trong sạch, vững mạnh hơn.
Dân mong cán bộ đảng viên ở cấp cao phải thực sự nêu gương
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên BCH Trung ương. Đây là việc nhất định phải làm được, ai không làm được thì phải mạnh tay xử lý.
Cử tri Đồng Văn Khiêm, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM. Ảnh: L.THOA
Bác Hồ cũng đã nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Đảng viên nói thì phải làm. Nếu như các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư và ủy viên Trung ương Đảng ai cũng là tấm gương về việc chống tham nhũng, tiêu cực thì sẽ khiến những cán bộ cấp dưới noi theo. Từ đó mới mong làm nên một bộ máy từ Trung ương đến địa phương trong sạch. Chứ nếu người tuyên truyền chống tham nhũng lại tham nhũng thì nói được ai, nói ai nghe?
Hiện nay công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đang đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó đã bẩy lên những hòn đá tham nhũng ẩn sâu, kiên cố. Điều này đang tạo ra sức lan tỏa niềm tin rất lớn trong đảng viên và xã hội.
Tuy nhiên tình hình tham nhũng hiện nay còn rất phức tạp, nhất là nạn tham nhũng vặt đang gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Dù một cái phong bì chỉ vài ba trăm ngàn nhưng đi vào chỗ nào cũng thấy. Đi xin học cho con cũng phong bì, vào bệnh viện đau ốm cũng phong bì, ra phường đóng con dấu cũng phong bì,… Điều này đòi hỏi Đảng cần phải quyết liệt hơn nữa để phòng ngừa, diệt trừ vấn nạn này.
Việc cần làm bây giờ là vấn đề con người, chúng ta phải có những người tâm huyết, quyết liệt với sự nghiệp này. Vì đây chỉ mới là bước đầu và không thể một sớm một chiều mà làm trong sạch bộ máy. Tham nhũng cũng như sâu đục thân cây, dù cây có đau cũng phải loại bỏ con sâu cho bằng được mới mong cây phát triển.
Ông ĐỒNG VĂN KHIÊM, quận 8, TP.HCM
Video đang HOT
Phải ngăn ngừa tham nhũng từ khâu lựa chọn, bố trí cán bộ
Năm 2018 qua đi, “dấu ấn” khiến người dân nhớ đến chính là việc khởi tố, xử lý kỷ luật hàng loạt cựu lãnh đạo cấp cao và có cả lãnh đạo đương chức.
Ông Đinh Văn Tranh, Bí thư khu phố 3, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
Người dân đều đồng tình rằng thà mất cán bộ nhưng sẽ làm cho Đảng trong sạch. Vậy nên dân chờ đợi và hy vọng lắm, hy vọng những vụ việc sai phạm sẽ được xử lý đến nơi đến chốn, lôi dần ra từng cán bộ đang làm hỏng bộ máy hiện nay.
Dân biết, thời gian qua đằng sau những cán bộ cấp cao sai phạm vừa bị mang ra ‘trảm’ thì vẫn còn những nhóm lợi ích lớn đang ăn mòn mồ hôi công sức của nhân dân. Vì vậy, bên cạnh việc lôi ra từng người sai phạm thì phải siết chặt từ khâu chọn lựa, bố trí cán bộ từ ban đầu.
Lãnh đạo mỗi cơ quan, đơn vị phải quản lý chặt cán bộ của mình, cơ quan cấp trên giám sát cơ quan cấp dưới, từ sinh hoạt, quan hệ xã hội, công việc, nếu không làm được thì dễ nảy sinh tiêu cực lắm. Mỗi cán bộ Đảng viên phải tự giác nêu gương không phân biệt cao, thấp.
Ông ĐINH VĂN TRANH, quận Bình Tân, TP.HCM
LÊ THOA ghi
Theo PL
Trung ương lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.
Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã khai mạc hôm qua, 25-12, với phần công việc đầu tiên là lấy phiếu tín nhiệm đối với từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
"Có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ"
Trong phần phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội là một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã đề ra. Công việc này được triển khai ở khóa trước và mới đây Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Các hoạt động như vậy được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ.
Tại Hội nghị Trung ương 9 này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Mục đích là nhằm giúp người được lấy phiếu "tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".
Triển khai nội dung làm việc này, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đọc tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm của trung ương với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau đó, các ủy viên trung ương về các tổ thảo luận báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; nghiên cứu các tài liệu và thực hiện việc bỏ phiếu kín đánh giá tín nhiệm với từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - những chức danh do trung ương bầu và phải chịu trách nhiệm trước trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc và quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra thế nào?
Như chúng tôi đã đề cập, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội bắt đầu được triển khai từ khóa trước, sau Đại hội XI. Từ kết quả của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 262 làm cơ sở cho công việc quan trọng này.
Ở cấp cao nhất, theo quy định này, Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và trưởng các ban đảng ở trung ương là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì lấy phiếu tín nhiệm từ các ủy viên trung ương. Với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác mà đồng thời giữ chức danh nhà nước do Quốc hội bầu, phê chuẩn thì còn lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội theo luật định.
Nội dung lấy phiếu tín nhiệm được phân theo hai nhóm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn. Trong hai nhóm này đều có tiêu chí về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trục lợi cá nhân; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống, chấp hành pháp luật; công tác giải quyết đơn thư, khiếu tố trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.
Giống như lấy phiếu tín nhiệm tại cơ quan dân cử, việc đánh giá tín nhiệm trong Ban Chấp hành Trung ương được thể hiện tập trung qua phiếu, được thiết kế sẵn theo ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, theo Quy định 262 của Bộ Chính trị, trước hết là "để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ".
Ngoài ra, với các trường hợp có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ "được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn và bố trí, sắp xếp công tác phù hợp". Trường hợp xấu hơn, có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì "cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".
Phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm
Thông thường, mỗi năm trung ương tiến hành hai lần hội nghị. Nhưng năm nay, đây là lần thứ ba trung ương nhóm họp. Điều chỉnh này, theo giải thích chính thức tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị Trung ương 8 tuần đầu tháng 10 là để trung ương có thêm thông tin tham khảo từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Nhưng đây cũng chỉ là một kênh thông tin tham khảo. Nguồn tin am hiểu công tác lấy phiếu tín nhiệm trong trung ương cho biết:
"Hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều tự kiểm điểm và có báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Trong báo cáo đó đều mổ xẻ chi tiết từng lĩnh vực, nhóm nhiệm vụ cụ thể mà qua đối chiếu đều có thể liên hệ tới cá nhân các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công phụ trách. Tất cả đều được gửi cho trung ương. Đến Trung ương 9 này cũng vậy. Trong năm giữa nhiệm kỳ thì có bản kiểm điểm cuối năm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kèm theo đó là kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của từng ủy viên. Đấy là các tài liệu chính thức".
Ngoài ra, theo nguồn tin này, "từng ủy viên trung ương đều có tìm hiểu, đánh giá riêng về các đồng chí mà mình bầu ra".
Về cách thức, phương pháp lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ của khóa XII này, nguồn tin cho hay có những điều chỉnh để phát huy tốt hơn tinh thần dân chủ, trách nhiệm ở từng ủy viên trung ương.
"Tất cả ý kiến đóng góp lớn nhỏ, không cần biết người góp ý là ai... đều được tập hợp để Bộ Chính trị họp, giải trình" - nguồn tin cho hay.
Lấy phiếu tín nhiệm 21/24 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Tổng số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiện tại là 24 người. Tuy nhiên, lần lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ này chỉ áp dụng với 21 vị, gồm 16 thành viên Bộ Chính trị và năm thành viên Ban Bí thư. Ba trường hợp không đủ điều kiện lấy phiếu gồm Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh do đang nghỉ chữa bệnh dài ngày. Hai bí thư Trung ương Đảng là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9-5, chưa đủ thời gian công tác nửa nhiệm kỳ để đánh giá tín nhiệm theo quy định.
NGHĨA NHÂN
Theo PL
Trung ương làm việc với TP HCM sau một năm thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù Ngày 12-1, TP HCM tổ chức hội nghị báo cáo 1 năm triển khai thực hiện kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho...