Dân miền Trung vật lộn trong ‘đại hồng thủy’: Quảng Bình thất thủ
Nước lũ cuồn cuộn đổ về nhấn chìm tỉnh Quảng Bình trong đêm 18/10. Nước vây tứ bề, nước trùm lên mái nhà, khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, tiếng người dân thất thanh kêu cứu vời vợi trong đêm.
Cả Quảng Bình bị nước lũ nhấn chìm
Chạy đua với lũ dữ
Quảng Bình gần như thất thủ trước cơn đại hồng thuỷ chưa từng có trong lịch sử thiên tai của tỉnh này, từ miền núi đến miền xuôi, nơi đâu cũng ghi nhận mức lũ lụt kỷ lục. Từ sáng 18/10 lũ được ghi nhận ở mức vượt ngưỡng lịch sử 10 năm qua, đến chiều cùng ngày, lũ dâng cao vượt ngưỡng lũ lịch sử năm 1979. Đến rạng sáng 19/10, nhiều nơi vượt mức lũ lớn đã cao và dữ nhất từ năm 1950 đến nay. Cuộc chạy đua cứu người diễn ra từ sáng 18/10 cho đến chiều tối ngày 19/10, tất cả đều gấp gáp, và ở đâu cũng nghe tiếng người dân kêu cứu.
Tỉnh Quảng Bình đã huy động tối đa các lực lượng biên phòng, quân sự, công an cùng các phương tiện để khẩn trương cứu hộ dân bị mắc kẹt trong mưa lũ. Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu các lực lượng đẩy nhanh tiến độ cứu hộ, huy động tối đa lực lượng và phương tiện, tranh thủ thời gian để cứu dân sớm nhất có thể, trước khi mưa lũ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Do bị ngập lụt nên hầu hết các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế ở Quảng Bình đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, do máy móc trang thiết bị y tế bị hư hỏng, đặc biệt là nguồn lương thực, thực phẩm cho cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, do hầu hết các địa bàn của tỉnh Quảng Bình đều ngập lụt, việc di chuyển của lực lượng cứu hộ hết sức khó khăn. Nhiều vùng lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận do gió lớn, nước chảy xiết. 3 giờ sáng ngày 19/10, PV Tiền Phong gọi điện cho ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhờ cử lực lượng giải cứu nhiều hộ dân bị lũ nhấn chìm nhà cửa ở vùng cồn nổi nằm giữa sông Gianh, đầu máy bên kia tiếng gió vù vù, chỉ nghe ông Phong nói như hét nhưng câu được, câu mất: “Ở đó giờ chỉ có thể để lực lượng trong thôn hoặc dân tự cứu dân thôi, không phương tiện nào có thể vượt được sông Gianh lúc này được. Đây là cơn lũ kỷ lục, dân cả tỉnh kêu cứu khắp nơi, lực lượng chức năng đã trắng đêm trong lũ nhưng vẫn ứng cứu không kịp”.
Đêm 19/10 là một đêm không ngủ của chính quyền và người dân Quảng Bình. Mặc dù đã có dự báo, cảnh báo từ trước nhưng không ai có thể ngờ nước lũ lên nhanh đến thế ngay trong đêm. Ngay cả TP Đồng Hới, lũ từ sông Nhật Lệ cũng “tấn công” thành phố này. Cả thành phố náo động vì tiếng xe cộ gầm rú, tiếng còi inh ỏi cả đêm vì chạy lũ.
Theo người dân địa phương, việc Đồng Hới ngập lụt là chưa có tiền lệ. Bởi thành phố nằm ngay cửa biển, lâu nay chỉ bị ứ nước mưa cục bộ do thoát không kịp, còn lũ ở thượng nguồn có lớn mấy khi về đến Đồng Hới, nước lũ theo sông Nhật Lệ chảy hết ra biển. Nhưng lần này thì khác, dòng Nhật Lệ đã không đủ rộng để thoát nước của cơn đại hồng thuỷ. Lần đầu tiên trong lịch sử, TP Đồng Hới bị ngập lụt.
Cần lắm những tấm lòng ngay lúc này
Lũ lớn nhấn chìm làng mạc, nhà cửa ở Quảng Bình, người dân đang trong tình trạng thiếu thức ăn và nước uống đang cần cứu trợ khẩn cấp. Nước lên quá nhanh, lại mất điện, nên dù dân có trữ được lương thực, thực phẩm thì cũng không có gì để đun nấu. Những người dân chạy lên khu vực tập trung tránh lũ, họ cũng không mang theo được gì.
Ông Hoàng Công Sự, thôn Đông Thành, một thôn cồn nổi nằm giữa sông Gianh thuộc xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn qua điện thoại cho biết: Nhà ông có nền móng thuộc diện cao nhất trong làng, nhưng nước lũ cũng gần chạm mái nhà. Mọi người trong gia đình phải trèo lên tra (tầng lửng) để tránh lũ. Nước lên nhanh trong đêm, nên không chuẩn bị được củi khô, mất điện nên không có gì để đun nấu, cả nhà phải ăn mì tôm còn sót lại và nhai gạo sống cầm hơi.
Dân chơi vơi trên nóc nhà giữa bốn bề nước lũ
Nhiều gia đình mà PV Tiền Phong tiếp cận được tại huyện Quảng Ninh cũng nói, họ rất cần cồn khô, bình ga mi-ni, dầu hỏa lúc này. Nếu có lửa, họ sẽ chống chọi được với lũ thêm nhiều ngày nữa. Trong lúc đó, công tác cứu trợ đang gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Lũ lớn, sóng to chỉ có thuyền chuyên dụng của lực lượng chức năng mới tiếp cận được những vùng ngập lụt. Nhưng lực lượng này thì mỏng, trong lúc người dân cả tỉnh đang cần cứu trợ.
Ngay trong chiều 19/10, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình đã phải phát đi lời kêu gọi hỗ trợ các bệnh viện. Theo đó, hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế xã trên địa bàn Quảng Bình bị ngập lụt. Nặng nhất là Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thuỷ và Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (nước lũ lên cao gần hết tầng 1 và vẫn đang lên). Các bệnh viện đã khẩn trương vận chuyển trang thiết bị, cơ sở vật chất, giường bệnh lên tầng trên và nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì các hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, một số máy móc có trọng lượng nặng không thể chuyển lên tầng trên nên đang ngập trong nước.
Khó khăn lớn nhất của các bệnh viện lúc này là thiếu lương thực, thực phẩm nhằm cung cấp cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế đang làm việc .
Lũ ở Quảng Bình nguy cơ vượt mốc "đại hồng thủy" năm 1979
Gần 35.000 nhà dân ở Quảng Bình bị ngập cục bộ, có nơi nhà bị ngập sâu tới 4m. Nước từ thượng nguồn vẫn đang đổ về ào ạt khiến vùng hạ lưu sông Gianh đặt ở mức báo động, địa phương này đứng trước nguy cơ vượt mốc cơn "đại hồng thủy" năm 1979.
Clip: Vùng "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa trong trận lũ trước, nhà bị ngập tới nốc, dân chới với trong "mùa nước nỗi"
Lúc 14 giờ hôm nay (18-10), Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình phát đi cảnh báo lũ khẩn cấp trên các con sông ở địa phương này. Đáng chú ý là 2 con lớn Sông Gianh và sông Kiến Giang.
Nhà dân vùng hạ lưu sông Gianh có nguy cơ ngập lụt chưa từng thấy
Cụ thể, lúc 13 giờ cùng ngày, mực nước sông Gianh tại xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) đo được 6,55m trên mức báo động 3 tới 0,5m. Sông Kiến Giang tại thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) dâng cao tới 4,05m trên mức báo động 3 tới 1,35m. Trên lũ lịch sử năm 1979 là 0,14m.
Dự báo trong 12 giờ tới, nước trên các con sông ở Quảng Bình tiếp tục lên nhanh, vượt mức báo động và đạt đỉnh. Không loại trừ khả năng sông Gianh, sông Kiến Giang sẽ xuất hiện lũ đặc biệt lớn, nhiều địa phương ven sông và vùng hạ lưu sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng chưa từng thấy.
Tại huyện Lệ Thủy hiện đã có 17.600 nhà dân ở hầu hết các xã bị ngập, một số xã ngập sâu như: An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang... nước lũ 1-2,5m.
Nhiều nhà dân ở Quảng Bình bị ngập lụt nặng
Ông Phạm Minh Huấn - chủ tịch UBND xã Hồng Thủy - nhận định trận lũ này vượt qua mốc lũ lịch sử của cơn "đại hồng thủy" năm 1979 bởi nhiều khu vực trước kia chưa bị ngập thì lần này lũ nhấn chìm với mức độ sâu.
Cá biệt, tại khuôn viên Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy chưa bao giờ nước ngập thì nay lũ tràn vào khá sâu, bệnh viện mất điện, phải chạy máy phát điện nên công tác khám chữa bệnh gặp khó khăn.
Tại các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn nằm ở khu vực hạ lưu sông Gianh hiện có gần 3.700 ngôi nhà bị ngập lụt từ 0,2m-1,5m; 45 hộ của các xã, phường đã được di dời đến các điểm cao tập trung như trường học, nhà thờ... Trong đó, một số địa phương ngập sâu, như: thôn Văn Phú xã Quảng Văn; thôn Công Hòa, xã Quảng Trung; các thôn: Cồn Nâm, Tân Định, Minh Hà, Đông Thành xã Quảng Minh; thôn Cồn Sẻ xã Quảng Lộc...
Rốn lũ "Tân Hóa" nhà ngập tới nóc
Trong khi đó, ông Trương Thanh Duẫn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - cho biết hiện nước lũ lại địa phương này đang dâng lên rất nhanh làm 600 ngôi nhà dân bị ngập sâu từ 1,5 - 4m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
"Hiện trời vẫn đang mưa to cộng thêm nước từ thượng nguồn đổ về, "rốn lũ" Tân Hóa trước nguy cơ chạm mốc cơn "đại hồng thủy" từ những năm lũ lớn về trước. Toàn bộ người dân và đàn gia súc của xã vẫn an toàn; tuy nhiên nếu trời tiếp tục mưa lớn, nước lũ dâng cao, vượt các cột định vị của nhà phao thì sẽ rất nguy hiểm..." - ông Duẫn thông tin.
Trong ngày 18-10, ông Trần Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cũng đã đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại các xã Cảnh Hóa, Cảnh Dương (Quảng Trạch), xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) và xã Võ Ninh (Quảng Ninh).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ tại xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn
Ông Trần Phong yêu cầu chính quyền các địa phương cần triển khai ngay các phương án ứng phó với lũ lụt theo phương châm "4 tại chỗ".
Trong đó, cần ngăn chặn tình trạng người dân vớt củi, đánh cá trên sông trong suốt thời gian mưa lũ; tuyệt đối không để người dân qua lại tại các tuyến đường giao thông bị nước lũ chia cắt; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện, lương thực 24/24 để xử lý các tình huống xấu, ứng cứu kịp thời khi cần thiết.
Lúc 14 giờ chiều nay (18-10), Ban Chỉ huy Phòng PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết mưa lũ đã làm hơn 34.684 nhà dân bị ngập, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt. Các huyện bị ngập nặng như: Lệ Thủy (17.600 nhà); Quảng Ninh (10.448 nhà), thị xã Ba Đồn (3.696 nhà...Trong đêm qua, hàng ngàn người dân phải di dời khẩn cấp do lũ lên nhanh và quá sâu.
Bé gái 3 tuổi ở Hà Tĩnh mất tích trong mưa lũ Mưa lớn, nước lũ chảy xiết, phía trước sân nhà bị ngập sâu khiến bé gái mất tích. Sáng nay (20-10), lực lượng tìm kiếm cứu nạn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và người thân đang nỗ lực tìm kiếm bé Nguyễn Quỳnh Chi (3 tuổi, trú tổ dân phố Tân Hà, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh), bị mất tích...