Dân ‘méo mặt’ vì lô cốt chình ình trước nhà
Dù thời điểm mua sắm cuối năm đã cận kề, nhưng nhiều tuyến đường TP.HCM vẫn còn hàng trăm lô cốt án ngữ. Không ít tiểu thương méo mặt, lâm vào cảnh phá sản vì… ế khách.
Vấn nạn lô cốt đã tồn tại từ lâu, thuộc hạng “biết rồi khổ lắm nói mãi” ở TP.HCM, nhưng vẫn còn đó những khốn khổ mà người dân phải gánh chịu. Trong khi đó, bao lời hứa đã được hứa…suông. Nhà thầu “bịt tai” trước cuộc sống người dân hai bên đường.
Ở những năm trước, vào thời điểm giáp tết, lượng người mua sắm tập trung trên tuyến đường Lê Văn Sỹ (kéo dài từ quận Tân Bình đến Phú Nhuận) thu hút rất đông người mua sắm.
Tuy nhiên, dù đến thời điểm hiện tại đã vào những ngày cuối năm, viễn cảnh ảm đạm, không bóng người… bao phủ cả đoạn đường. Theo người dân ở đây cho biết, trong nhiều tháng qua, hàng trăm hộ dân hai bên đường Lê Văn Sỹ phải âm thầm đóng cửa vì lô cốt án ngữ. Một số khác đành chấp nhận kinh doanh theo kiểu cầm hơi bù lỗ đợi lô cốt rút đi.
Bà Nguyễn Thị Kim, chủ cửa hàng thời trang cho biết, cả gia đình bà chỉ trông chờ vào cửa hàng, nhưng “từ tháng 5/2009, tháng nào tôi cũng phải bỏ ra 3 triệu bù lỗ để duy trì cửa hàng khỏi mất khách. Nếu nghỉ cũng không được, vì mặt bằng không ai thuê…, đành tiếp tục bán cầm hơi đợi chờ”- bà Kim nói.
Video đang HOT
Cảnh tượng “eo sèo” vắng khách, đóng cửa do lô cốt án ngữ tại đường Lê Văn Sỹ. Ảnh: Tử Trực
“Không ít người cố giữ cửa hàng đợi lô cốt rút đi sẽ kinh doanh trở lại, nhưng đợi hoài lô cốt vẫn còn mãi. Trong khi đó, mỗi tháng bỏ ra chục triệu thuê mặt bằng nên rơi vào cảnh phá sản. Kết quả bây giờ đành đóng cửa, lâm vào nợ nần” – Bà Chu Nguyễn Thị Trinh nhà ở đường Lê Văn Sỹ (phường 14, quận Phú Nhuận) cho biết.
Quan sát của chúng tôi, chỉ trong một đoạn ngắn khoảng 1 km ở đường Lê Văn Sỹ đã có 5 lô cốt án ngữ. Mỗi lô cốt dài gần trăm mét. Một số lô cốt che chắn hoàn toàn phần lòng đường trước nhiều nhà dân.
Theo chỉ đạo của UBND TP, sẽ giảm thuế cho những cửa hàng, hộ kinh doanh hai bên đường bị ảnh hưởng do lô cốt gây ra. Tuy nhiên, theo nhiều người dân cho biết, mức hỗ trợ giảm thuế đó rất nhỏ so với thực tế thiệt hại nhiều người gánh phải.
Cũng tương tự tình cảnh trên, hàng trăm người dân ở đường Cách Mạng tháng 8 trong nhiều tháng qua họ phải sống chung với vấn nạn lô cốt. Không ít tiểu thương lâm vào cảnh đóng cửa nằm chờ. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, nỗi ngán ngẩm của người dân nơi đây càng tăng khi trước cửa hàng của mình là một “đại công trường”.
Ông Nguyễn Thành Hưng, chủ cửa hàng bánh kẹo tại đường Cách Mạng tháng 8 cho biết, thời điểm này năm ngoái, lượng khách vào cửa hàng tấp nập. Nhưng năm nay, cả ngày chỉ vài ba chục người qua lại. “Chỉ còn mấy ngày nữa tới tết, nhưng trước nhà là dãy lô cốt án ngữ, không biết làm sao chúng tôi buôn bán đây” – Ông Hưng than.
Liên tục “lỗi hẹn”
Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có hơn 200 lô cốt án ngữ. Hầu hết những lô cốt này thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM.
Ngoài chuyện “bít cửa” làm ăn của hàng trăm người dân, các lô cốt liên tục “lỗi hẹn”. Thời gian thi công được “đội” lên liên tiếp.
Rõ nhất cho tình trạng này là những lô cốt tại đường Lê Văn Sỹ. Theo bản thông tin được đặt ở nhiều lô cốt, công trình thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, nằm trong hạng mục thay thế và mở rộng hệ thống cống cấp 2, 3 (khu vực Tây Nam). Theo đó, thời gian thi công rào chắn sẽ kéo dài trong 2 tháng. Tuy nhiên, thực tế theo nhiều người dân, hầu hết các lô cốt ở đây đều án binh bất động trong nhiều tháng liền.
Nhiều lô cốt án ngữ tại các tuyến đường quanh TP.HCM không những gây khó khăn cho cuộc sống người dân, còn liên tục bị “trễ hẹn” thời gian thi công. Ảnh: Tử Trực
“Một số lô cốt vì hết thời gian thi công theo bảng thông báo, đơn vị thi công đã sửa lại thông tin trên bảng. Còn nhiều lô cốt khác vẫn mặc kệ, chây ỳ giữa đường, bất chấp hàng chục hộ dân chúng tôi phải lâm vào cảnh khốn đốn” – một người dân nói.
Theo nhiều người dân, sở dĩ có chuyện một số cửa hàng lâm vào cảnh nợ nần, đóng cửa vì thời gian thi công lô cốt không đúng tiến độ như cam kết. Nhiều người vẫn tin rằng, họ sẽ thi công theo đúng tiến độ nên cố duy trì cửa hàng. Nhưng không ngờ lại kéo dài đến nhiều tháng sau đó.
Thực tế này còn tồn tại ở rất nhiều nơi khác như các lô cốt tại đường Cách Mạng tháng 8 (quận Tân Bình)… Hầu hết, đều hết thời gian thi công nhưng vẫn án binh bất động.
“Dù gì đi nữa, trong những tháng cuối năm cũng phải tranh thủ làm để cho người dân còn bán còn buôn. Không thể gia hạn liên tục, thời gian thi công đội lên như thổi. Thử hỏi, làm sao người dân có thể buôn bán, sinh sống” – một cán bộ phường bức xúc.
Tử Trực