Đan Mạch muốn thu tiền, vàng từ người tị nạn
Dự luật buộc người tị nạn đến Đan Mạch phải nộp những tài sản giá trị, bao gồm cả vàng bạc, nữ trang để trang trải chi phí ăn ở tạm thời cho họ đang được ủng hộ rộng rãi ở Đan Mạch.
Con đường đi tìm một chốn dung thân của nhiều người dân các nước bị chiến tranh tàn phá ngày càng trở nên gập ghềnh – Ảnh: AFP
Theo dự luật do chính phủ Đan Mạch đưa ra, những người muốn xin tị nạn ở Đan Mạch khi vào đất nước này với tài sản mang theo trị giá trên 10.000 kroner (khoảng 1.450 USD) phải đóng góp cho nhà nước để trang trải chi phí cung cấp nơi ăn chốn ở tạm thời cho chính họ – chi phí mà xưa nay người đóng thuế Đan Mạch phải gánh.
“Sáng kiến” của chính phủ Đan Mạch vấp phải sự chống đối gay gắt từ nhiều quan chức Liên hiệp quốc và các tổ chức nhân đạo. Nó khiến người ta phải nhớ đến một trong những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử châu Âu, khi những người Do Thái bước vào các trại tập trung của Đức quốc xã bị lột sạch tư trang, kể cả chiếc nhẫn cưới trên tay.
Chính quyền Đan Mạch đã cố gắng thay đổi điều đó, sửa đổi dự luật ban đầu với phần bổ sung rằng những thứ “có giá trị về mặt tinh thần” như nhẫn cưới, nhẫn đính hôn sẽ không bị tịch thu.
Dự luật đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều đảng phái, vì thế đa phần các nhà phân tích đều cho rằng nó sẽ được quốc hội Đan Mạch thông qua trong phiên bỏ phiếu dự kiến vào ngày 26.1 tới.
Video đang HOT
Người tị nạn – cơn đau đầu không chỉ của chính quyền Đan Mạch – Ảnh: AFP
Đây là một trong những “sáng kiến” mới nhất của chính quyền Đan Mạch – đất nước từng rất tự hào vì sự cởi mở với người nước ngoài – trước làn sóng người nhập cư đang làm đau đầu cả châu Âu.
Chính quyền Đan Mạch đã bỏ tiền đăng quảng cáo rộng rãi ở Lebanon, thông báo rằng các khoản trợ cấp an sinh xã hội cho người xin tị nạn ở Đan Mạch đã bị cắt giảm một nửa. Thủ tướng nước này, ông Lars Lokke Rasmussen cũng cảnh báo cần phải xem xét lại hiệp ước Liên hiệp quốc năm 1951 nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tị nạn. Và mới tuần trước, Đan Mạch đã quyết định tạm thời kiểm soát biên giới với Đức.
Báo Politiken của Đan Mạch dẫn lời Thủ tướng Rasmussen bảo vệ dự luật: “Có lẽ đây là đề nghị gây hiểu lầm nhất trong lịch sử Đan Mạch. Nghe qua dư luận, anh dễ có cảm tưởng rằng chúng tôi đang đè người ta ra mà bóc lột đến đồng xu cuối cùng. Đó là một sự bóp méo trắng trợn và hoàn toàn sai”.
Theo lời ông Rasmussen thì dự luật chỉ muốn áp dụng với người tị nạn những quy định đã có hiệu lực với công dân Đan Mạch: anh phải sử dụng chính tài sản của anh trước khi đủ điều kiện được hưởng phúc lợi xã hội.
Cũng như ở những nước khác như Pháp và Thụy Điển, tại Đan Mạch cũng tồn tại đảng cực hữu chủ trương chống người nhập cư: đảng Nhân dân Đan Mạch. Và đảng này đang được nhiều người ủng hộ hơn trước. Chính quyền của Thủ tướng Rasmussen không nắm thế đa số trong quốc hội, thường xuyên cần sự ủng hộ của đảng Nhân dân Đan Mạch để thông qua các chính sách.
Một quy định mới khác trong dự luật sắp được bỏ phiếu là buộc những người xin tị nạn phải chờ 3 năm mới được bắt đầu nộp đơn xin bảo lãnh người thân trong gia đình sang Đan Mạch.
Cùng với quy định tịch thu tài sản, việc kéo dài thời gian bảo lãnh bị các nhà hoạt động nhân quyền cho là độc ác.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Thụy Điển đóng cửa biên giới ngăn người tị nạn: Phú quý giật lùi
Sau Đan Mạch, đến lượt Thụy Điển quyết định đóng cửa biên giới để chặn dòng người tị nạn và nhập cư.
Diễn biến vấn đề tị nạn - nhập cư buộc Thụy Điển và Đan Mạch phải bỏ lợi ích chung của EU để bảo tồn lợi ích riêng - Ảnh: Reuters
Đóng hay mở cửa biên giới là chuyện rất bình thường đối với các quốc gia trên thế giới nhưng lại không phải như vậy đối với thành viên EU. Cả hai nước nói trên đều tham gia Hiệp ước Schengen về tự do đi lại, lưu trú và hành nghề trong phạm vi EU.
Hiệp ước này được EU ngợi ca là một trong những thành tựu phát triển quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất và là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của tiến trình nhất thể hóa châu Âu.
Cho nên quyết định của Thụy Điển và Đan Mạch là bước lùi trong tiến trình ấy với tác động rất tai hại. Đây là bằng chứng cho thấy những gì EU đã đạt được trong tiến trình nhất thể hóa châu lục vẫn có nguy cơ bị đảo ngược. Một khi thành quả này bị đảo ngược thì tính bền vững của những thành quả khác cũng bị đe dọa.
Diễn biến vấn đề tị nạn - nhập cư buộc Thụy Điển và Đan Mạch phải thí bỏ lợi ích chung của EU để bảo tồn lợi ích riêng. Điều này chứng tỏ EU hiện không chỉ bế tắc giải pháp mà còn bất đồng nội bộ sâu sắc về định hướng giải pháp lâu bền.
Rõ ràng là Thụy Điển và Đan Mạch, cùng một số thành viên khác phải hành xử như vậy để vừa tự bảo vệ lợi ích riêng của mình vừa gia tăng áp lực buộc EU phải nhanh chóng nhất trí về giải pháp. Bi kịch đối với EU càng thêm tăng khi khó khăn, thách thức mới xuất hiện thì nhiều thành viên lại coi trọng quốc gia mà bất chấp cả liên minh.
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
Đan Mạch siết quy chế người tị nạn Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen tuyên bố nếu số lượng người tị nạn tiếp tục gia tăng, EU sẽ phải điều chỉnh "luật chơi", hãng tin Đức Deutsche Welle dẫn tin truyền thông Đan Mạch ngày 27.12 cho biết. Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen - Ảnh: AFP Từ trước đến nay, Đan Mạch luôn thắt chặt các quy định...