Đan Mạch, Hy Lạp và Thụy Điển tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19
Do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Âu, nhiều nước ở khu vực này đã tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Copenhagen, Đan Mạch, tháng 5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Đan Mạch quyết định hạn chế nhập cảnh từ tất cả các quốc gia từ ngày 9/1 và khuyến cáo người dân không đi ra nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là trong bối cảnh Anh và Nam Phi đã phát hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là có khả năng lây nhiễm rất mạnh.
Theo quyết định trên, Đan Mạch chỉ cho phép hạ cánh đối với những chuyến bay mà tất cả hành khách đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi lên máy bay. Quy định này áp dụng với cả người nước ngoài cũng như công dân Đan Mạch, và có hiệu lực từ 17h chiều 9/1. Theo đó, các hãng hàng không phải có trách nhiệm kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm của hành khách. Trong khi đó, các chuyến bay nội địa cũng như những chuyến bay từ các đảo Greenland và Faroe sẽ được miễn.
Video đang HOT
Những hành khách nhập cảnh vào Đan Mạch bằng đường bộ và đường biển cũng phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và có lý do hợp lý.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch cũng ban hành hướng dẫn mới về đi lại và khuyến cáo người dân không đi ra nước ngoài, thay thế cho hướng dẫn đưa ra trước đó là tránh đi ra nước ngoài nếu không cần thiết. Quy định hạn chế đi lại nói trên sẽ có hiệu lực đến ngày 17/1 tới.
Tuần trước, giới chức y tế Đan Mạch cho biết nước này đã có 86 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh.
Tại Hy Lạp, nước này đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 1 tuần đến ngày 18/1 tới nhằm ngăn chặn làm sóng dịch bệnh mới. Hy Lạp ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 7/11/2020 và đã được gia hạn 4 lần do số ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục gia tăng.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Thessaloniki, Hy Lạp ngày 31/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo quyết định trên, chỉ có trường tiểu học và mẫu giáo trên cả nước Hy Lạp được phép mở cửa trở lại. Học sinh các cấp bậc còn lại phải học trực tuyến. Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ, tiệm làm tóc, hiệu sách và những địa điểm tâm linh vẫn phải đóng cửa. Hy Lạp cũng tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Người dân nước này được phép ra khỏi nhà vì lý do công việc hoặc sức khỏe…
Tính đến ngày 8/1, Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 143.494 ca nhiễm, trong đó 5.195 ca tử vong do bệnh COVID-19.
Trong khi đó, Thụy Điển cũng ban hành quy định hạn chế số người tham gia các sự kiện tư nhân sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Theo đó, các sự kiện tư nhân chỉ được phép tập trung tối đa 8 người. Tại các không gian kín như phòng tập gym, nhà tắm công cộng hay cửa hàng vẫn phải hạn chế nghiêm ngặt số người có mặt cùng lúc. Tuy nhiên, việc đóng cửa các cửa hàng bách hóa lớn hay trung tâm thương mại có thể được áp đặt nếu nguy cơ lây nhiễm cao và các biện pháp hạn chế hiện nay là chưa đủ để kiềm chế dịch bệnh.
Thụy Điển hiện ghi nhận tổng số 489.471 ca nhiễm, trong đó 9.433 người không qua khỏi do bệnh COVID-19.
Thị trưởng thành phố Copenhagen từ chức do liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục
Thị trưởng thành phố Copenhagen, ông Frank Jensen ngày 19/10 đã phải thông báo từ chức sau khi xuất hiện nhiều cáo buộc quấy rối tình dục liên quan đến ông. Đây là chính trị gia mới nhất phải từ chức liên quan đến làn sóng "MeToo" đang gây chấn động Đan Mạch trong những tuần qua.
Thị trưởng Copenhagen Frank Jensen phát biểu trong cuộc họp báo tại Copenhagen, Đan Mạch, ngày 19/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trước đó, có 2 phụ nữ đã cáo buộc ông Jensen đã có hành vi "động chạm không đứng đắn" vào người họ vào những năm 2012 và 2017. Trong vài ngày qua, ông Jensen, 59 tuổi, đã xin lỗi và thừa nhận từng quấy rối phụ nữ trong 30 qua. Cùng với sự việc này, ngày 18/10, một thành viên của đảng Dân chủ Xã hội đã tiết lộ với nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch rằng cô cũng đã nhận được thông tin của 8 người khác nói rằng từng bị ông Jensen quấy rối hoặc đã chứng kiến hành động quấy rối tình dục của ông.
Trong vài tuần qua tại Đan Mạch, hàng nghìn phụ nữ đã xuống đường phản đối nạn phân biệt giới tính và quấy rối tình dục tại quốc gia Bắc Âu, vốn được coi là pháo đài của bình đẳng giới. Đầu tháng này, lãnh đạo đảng Tự do Xã hội, ông Morten Ostergaard cũng từ chức sau khi xuất hiện một số thông tin cho rằng ông đã đặt tay lên đùi của một nữ đồng nghiệp từ 10 năm trước.
Năm 2017, một cuộc thảo luận công khai đã nổ ra ở Đan Mạch khi phong trào MeToo khuyến khích phụ nữ trên toàn thế giới "lên tiếng" nếu đã từng là nạn nhân của nạn phân biệt giới tính hoặc quấy rối tình dục. Tuy nhiên, cho đến nay sự thay đổi thái độ một cách toàn diện của người Đan Mạch về vấn đề này dường như chưa rõ ràng. Vấn đề lại trở thành tâm điểm tranh cãi trên toàn quốc gia cuối tháng 8 vừa qua khi người dẫn chương trình truyền hình quen thuộc Sofie Linde, khiến người xem choáng váng khi kể lại chi tiết cách một giám đốc điều hành trong đài truyền hình đã "gạ tình" cô và đề nghị thăng chức nếu cô đồng ý. Trong thông điệp của mình, Sofie Linde cho rằng: "Không thể bào chữa cho hành vi quấy rối và lạm dụng tình dục. Chúng ta phải cùng nhau tạo ra một không gian văn hóa mà ở đó không chấp nhận bất cứ hành vi quấy rối nào cho dù là lời nói hay hành động".
Chiến hạm Nga va chạm tàu buôn Tàu hải quân Nga va chạm với tàu hàng dân sự treo cờ Quần đảo Marshall sáng nay ở phía nam eo biển Sound nằm giữa Đan Mạch và Thụy Điển. Tàu hàng Ice Rose đang đi từ St.Petersburg, Nga đến Gothenburg ở Thụy Điển, thì va chạm với tàu Nga tại vùng biển Đan Mạch, gần cầu Oresund bắc qua eo biển...