Dân kinh hoàng kể lại vụ vỡ đập thủy điện
Chị Ksor Tuyl kể: Lúc đó mới khoảng 5 giờ sáng, chị vừa thức dậy chuẩn bị nấu cơm ăn thì nước bất ngờ đổ về. Phản xạ tức thời của chị là bế vội đứa con nhỏ lên xe máy chạy thoát ra đường…
Khoảng 5 giờ sáng 12/6, đập Thủy điện Ia Krel 2 của Công ty Thủy điện Bảo Long tại làng Bi, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã bị vỡ. Thân đập đã bị cuốn trôi vài chục mét. Nhiều người may mắn thoát chết trong gang tấc…
Lúc 9 giờ cùng ngày, phóng viên có mặt tại hiện trường, ghi nhận khung cảnh ngổn ngang như một bãi chiến trường. Con đập bằng đất cao ngất bị vỡ một đoạn dài khoảng 30m. Nước trong lòng hồ đã cạn trơ đáy. Phía hạ lưu dài nhiều cây số, cây cối đổ rạp ngổn ngang. Những khoảnh rẫy dọc theo bờ suối Ia Krel bị dòng nước xiết mài mòn; lúa, ngô bị gí nát…
Về thiệt hại ban đầu, theo thống kê của UBND huyện Đức Cơ, có 20ha hoa màu của người dân, 20ha cao su, 1 nhà của công nhân cao su và 1 trại xây dựng của công nhân làm cầu gần đó bị ngập.
Đoạn đập thủy điện bị vỡ sáng 12/6
Tại làng Ó, xã Ia Dom, nơi người dân có nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nhất, nhiều bà con vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi khi cận kề cái chết. Chị Ksor Tuyl kể: Lúc đó mới khoảng 5 giờ sáng, chị vừa thức dậy chuẩn bị nấu cơm ăn để đi làm rẫy thì nước bất ngờ đổ về. Bàng hoàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng phản xạ tức thời của chị là bế vội đứa con nhỏ lên xe máy chạy thoát ra đường… Cũng như chị Tuyl, nhà Rơ Lan Mung gần đó cũng chỉ kịp chạy lấy người. Già làng Rơ Châm Chek chỉ kịp báo tin cho con để cùng chạy lũ.
Video đang HOT
Tài sản trong nhà và đàn vật nuôi đều bị lũ cuốn trôi, 25 bao lúa bị ngâm nước. Anh Puih Ơnh còn không tin chuyện vỡ đập nên khi nước đổ về, dù vợ con kêu chạy, anh vẫn cố bám lại. Không ngờ nước dâng lên rất nhanh khiến Puih Ơnh phải trèo lên cây tránh. Chiếc xe ô tô 4 chỗ của anh chốc lát bị chìm nghỉm rồi bị cuốn trôi…
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, có 10 người dân xã Ia Dom ngủ tại rẫy ở khu vực gần đội 20 (Công ty 75, Binh đoàn 15). Ngay khi xảy ra vụ vỡ đập, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lệ Thanh đã huy động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm được số người dân này. Có 2 công nhân cũng kịp trèo lên cây nên thoát chết.
Nghi ngờ chất lượng đập
Ông Võ Thanh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, trước mắt đã yêu cầu UBND xã Ia Dom tiến hành thống kê thiệt hại của người dân. Cũng ngay trong sáng 12/6, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã đến thị sát hiện trường của vụ vỡ đập.
Chiều qua, tại huyện Đức Cơ, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã họp với các bên liên quan để tìm cách khắc phục sự cố và đưa ra các phương án đền bù hỗ trợ cho những người dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống. Theo báo cáo, công trình Thủy điện Ia Krêl 2 do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai (trụ sở TP. Pleiku) đầu tư xây dựng trên suối Ia Krêl, xã Ia Dom, công suất 5,5MW. Công trình được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, hiện nay đập chính đã hoàn thành bắt đầu tích nước, nhưng chưa đi vào hoạt động thì xảy ra sự cố.
Báo cáo của UBND huyện Đức Cơ cho thấy lượng nước trong lòng hồ mới đạt khoảng 60% theo dung tích thiết kế. “Chắc chắn chất lượng đập có vấn đề, cơ quan chuyên trách cần kiểm tra lại” – ông Lê Đức Đạo – Trưởng Công an huyện Đức Cơ nói. Còn theo ông Võ Thanh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, nguyên nhân khiến đập bị vỡ có thể do rò rỉ ống dẫn nước, công trình thi công chưa đảm bảo kỹ thuật…
Ông Phạm Thế Dũng – Chủ tịch tỉnh Gia Lai cho rằng, may mắn là sự việc xảy ra vào rạng sáng, lúc phần lớn người dân đã dậy, nếu đập vỡ vào nửa đêm thì không biết hậu quả sẽ lớn thế nào. Do giám đốc Công ty Bảo Long Gia Lai đi vắng nên cơ quan chức năng vẫn chưa làm việc được.
Theo 24h
Kết luận vụ "xe ben đụng vỡ... đập thủy điện"
Đơn vị tư vấn đã có kết luận nguyên nhân sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 là do thi công sai thiết kế. Lõi đập đã thay đổi từ bê tông mác 150 thành đá, cát sỏi.
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 (thuộc địa phận xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, Kon Tum) vào ngày 22/11, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Nam Việt (đơn vị tư vấn) đã tổ chức khảo sát thực địa công trình.
Qua khảo sát hiện trường sau khi sự cố vỡ đập xảy ra, đơn vị tư vấn đã phát hiện: Hiện trường công trình đã thi công có nhiều thay đổi so với hồ sơ thiết kế.
Đây là vụ sập bờ đập thủy điện đầu tiên ở nước ta khi thủy điện chưa tích nước
Cụ thể, lõi đập chỉ có đá, cát sỏi chứ không như thiết kế là bê tông mác 150. Cống lấy nước theo thiết kế là đặt cửa ống phía ngoài thân đập, nhưng thực tế được bố trí ngay trên thân đập. Cống xả cát tại vị trí cống lấy nước cũng được đặt sai vị trí so với thiết kế. Hành lang kiểm tra thân đập không thấy cửa vào, cửa ra.
Phần đập không tràn, theo thiết kế là bê tông trọng lực, võ bọc phía ngoài là bê tông chống thấm mác 250, lõi là bê tông mác 150, nhưng hiện trạng thi công không đúng thiết kế. Tuyến kênh dẫn, mái kênh có một số đoạn thi công sai thiết kế.
Ngoài ra, việc bố trí cốt thép, cường độ bê tông, vật liệu sử dụng cần kiểm tra sự phù hợp với thiết kế.
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đã có kết luận nguyên nhân sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 là do thi công sai thiết kế. Lõi đập đã thay đổi từ bê tông mác 150 thành đá, cát sỏi. Vì vậy đã thay đổi từ kết cấu đập bê tông trọng lực sang kết cấu đập bản chống.
Trong quá trình thi công, do áp lực ngang của đá, cát sỏi cùng với việc xe tải chạy trên mặt đập đã tạo ra áp lực ngang cực lớn, đẩy toàn bộ bờ tường phía thượng lưu đổ sập.
Công trình thủy điện Đăk Mek 3 có công suất 7,5 MW. Công trình do Công ty Cổ phần Hồng Phát Đăk Mek làm chủ đầu tư.
Sự cố sập bờ đập thủy điện Đăk Mek 3 xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 22/11 làm chết một công nhân. Sau khi sư cố xảy ra, chủ đầu tư đã ém thông tin, không báo cáo với các cơ quan chức năng.
Ngày 29/11, UBND tỉnh Kon Tum đã đình chỉ toàn bộ việc thi công công trình để làm rõ nguyên nhân gây vỡ đập.
Theo 24h
Xe húc đổ đập thủy điện: Trong rủi có may Đập có thiết kế dài khoảng 80m, cao 20m, tường dày 1m với khối lượng khoảng 7000m3 bê tông nhưng lại dễ dàng vỡ vụn sau cú va của chiếc xe ben(?!) Câu chuyện đập thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) bị vỡ xảy ra sau hàng loạt sự cố của các thủy điện khác như Đăkrông (Quảng Trị), Sông Tranh 2...