Dân kiện UBND xã vì bị cưỡng chế phá bỏ container
Đặt container văn phòng trên mảnh đất mua giấy tay, người dân bị UBND xã cưỡng chế 2 lần, phá hỏng toàn bộ container với lý do vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Người dân khởi kiện vì cho rằng container không phải là công trình xây dựng.
Ngày 4/8, ông Trần Văn Tùng (tạm trú tại khu phố 10, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) cho biết đã ủy quyền cho luật sư bổ sung hồ hơ gửi đến TAND huyện Hóc Môn kiện UBND xã Thới Tam Thôn về quyết định cưỡng chế, phá hoại tài sản, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của ông.
Container ông Tùng đặt trên đất mình mua nhưng UBND xã Thới Tam Thôn cho đó là công trình nhà ở xây trái phép và cưỡng chế phá dỡ
Theo ông Tùng, ông có một nhà xưởng tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Tuy nhiên, năm 2010, cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng, hàng hóa. Để khắc phục hậu quả, ông Tùng bán toàn bộ nhà cửa, xe cộ để trả nợ. Sau thời gian cố gắng làm ăn, kinh tế gia đình dần hồi phục, ông gom tiền mua giấy tay lô đất rộng 89m2 tại tổ ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.
Do bức bách chỗ giao dịch, đầu năm 2014, ông Tùng có mua một container được thiết kế như văn phòng về đặt tại mảnh đất trên và xây thêm công trình phụ. Đến ngày 7/3/2014, UBND xã Thới Tam Thôn đến lập biên bản vi phạm và tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình phụ. Riêng container văn phòng thì để lại.
Ngày 19/6, ông Tùng nhận được thông báo của UBND xã Thới Tam Thôn với yêu cầu phải tháo dỡ container trước ngày 25/6. Sau đó ông Tùng gửi đơn khiếu nại với lý do container không phải là công trình xây dựng. Bênh cạnh đó, ông Tùng trình bày, từ ngày cưỡng chế ông không xây dựng gì thêm, vẫn giữ nguyên hiện trạng, nên không đồng ý với quyết định trên của xã.
Ngày 24/6, ông Tùng làm đơn gửi Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn trình bày, vì không đồng ý với quyết định cưỡng chế của xã nên đã khởi kiện lên TAND huyện Hóc Môn về quyết định trên. Ông Tùng đề nghị UBND xã tạm hoãn việc cưỡng chế tháo dỡ container dự kiến vào ngày 25/6 để chờ phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, ngày 27/6, phía UBND xã Thới Tam Thôn vẫn tiến hành cưỡng chế phá bỏ container văn phòng của ông Tùng.
Video đang HOT
Ông Tùng thắc mắc vì không có văn bản nào quy định container là công trình xây dựng
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn cho rằng, công trình của ông Trần Văn Tùng là nhà ở. Trong khi đó, mảnh đất này ông mua giấy tay, là đất nông nghiệp, nên việc xây dựng nhà ở là trái pháp luật. Phía UBND xã đã nhiều lần tống đạt thông báo tháo bỏ, quyết định di dời nhưng ông Tùng không thực hiện nên mới tiến hành cưỡng chế.
Ông Hà Ngọc Hùng, Trưởng phòng quản lý đô thị huyện Hóc Môn lý giải thêm: bất cứ vật kiến trúc nào trên đất đều là công trình xây dựng. Xây dựng tại chỗ hay xây dựng từ nơi khác đem tới cũng là công trình xây dựng. Nếu công trình đặt ở trên đất thì phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, và đất đó phải đúng mục đích sử dụng được xây dựng nhà ở.
Nếu phần đất mua mà có giấy tờ, chuyển mục đích đàng hoàng theo đúng quy định của pháp luật thì cấp phép. Trường hợp của ông Trần Văn Tùng thì mua đất không đúng với quy định pháp luật của nhà nước về đất đai, khi sử dụng đất cũng sai mục đích. Như vậy, ông Tùng chưa xin được giấp phép xây dựng mà đặt công trình là sai.
Cũng theo ông Hùng, container là một dạng công trình cần cấp phép. “Cũng có dạng container mà người ta miễn cấp phép với trường hợp là văn phòng của một công trình lớn nào đó đã được triển khai, trong trường hợp này container là công trình phụ nằm trong công trình lớn, công trình tạm phục vụ công trình chính sẽ được miễn cấp phép. Nhưng, ngay cả với trường hợp này thì vẫn phải có điều kiện là phải đặt trong phần đất của dự án được phê duyệt. Nếu container nằm ngoài đất dự án thì buộc phải xin phép”, ông Hùng cho biết thêm.
Quốc Anh
Theo Dantri
Cuộc chiến giành con
Họ từng là vợ chồng, do "hết duyên" nên ra tòa thuận tình ly hôn. Nhưng cuộc chiến giành con giữa họ thì mãi không dứt được.
Ảnh minh họa
Ông Linh nộp đơn xin ly hôn tại TAND huyện Hóc Môn (TP HCM) từ giữa năm 2013. Hai vợ chồng ông yêu nhau và cưới nhau vào năm 2002 và có hai con trai, một sinh năm 2003, một sinh năm 2008. Thời gian đầu, vợ chồng chung sống rất hạnh phúc. Đến năm 2010 thì phát sinh mâu thuẫn, lý do theo ông là vợ không lo làm ăn, gây nợ nần lớn. Ông cố gắng trả xong nợ nhưng bà vẫn không sửa đổi mà còn xúc phạm mẹ ông.
Từ đó, vợ chồng ông thường xuyên gây gổ, xúc phạm lẫn nhau, không còn quan tâm, yêu thương nhau nữa nên sống ly thân. Nay thấy hôn nhân không còn hạnh phúc, tình cảm vợ chồng không thể hàn gắn, ông cương quyết xin ly hôn. Về con chung, ông xin nuôi đứa con trai nhỏ, đứa lớn để vợ nuôi, hai bên không cần cấp dưỡng.
Bà Thanh đồng ý ly hôn nhưng cho rằng chồng nói nguyên nhân dẫn đến kết cuộc này không như ông trình bày. Theo bà, thật ra là do ông nhậu nhẹt, xúc phạm và đánh vợ, thậm chí còn sử dụng ma túy... Bà muốn nuôi cả hai con mà không cần ông cấp dưỡng.
Tháng 9/2013, TAND huyện Hóc Môn xử sơ thẩm ghi nhận việc thuận tình ly hôn giữa hai bên và giao mỗi bên chăm sóc một trẻ như đề nghị của ông Linh. Bà Thanh kháng cáo nói không thể giao con cho ông Linh nuôi vì ông là người nghiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, trước lý do mà bà Thanh đưa ra, ông Linh ấm ức đối đáp lại: "Trước ngày tòa xử, việc ly hôn thì đã quyết nhưng vì giành con bà ấy đã gọi công an đến nhà nói chồng nghiện ma túy, phải cưỡng bức đi xét nghiệm làm tôi rất nhục nhã với mọi người".
Bà Thanh im lặng và đầu càng lúc càng cúi xuống khi bị các thẩm phán truy vì sao bà lại đối xử với chồng như thế...
Cuối cùng, HĐXX bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm. Theo tòa, việc bà nói ông Linh nghiện ma túy là không đúng. Bởi kết quả xác minh tại địa phương và xét nghiệm tại bệnh viện thì ông không có sử dụng ma túy. Ngoài ra, ông Linh làm nông có thu nhập nên có điều kiện để nuôi dạy con. Nếu giao hai con cho bà Thanh nuôi thì sẽ có khó khăn vì bà chỉ thu nhập từ việc bán bánh ướt. Mỗi người nuôi một trẻ sẽ đảm bảo quyền lợi được chăm sóc tốt của hai con.
Trong một phiên xử khác, nếu chỉ xét xử không thôi thì thời gian có thể sẽ ngắn hơn nhiều. Nhưng HĐXX đã bỏ công ra hòa giải cả buổi. Bởi nếu chỉ xét xử không thôi thì cuộc chiến giành trẻ không biết khi nào mới dừng và sẽ gây tổn thương cho con nhỏ. Đó là nỗi trăn trở của người thẩm phán chủ tọa trong một phiên tòa phúc thẩm xem xét việc thay đổi quyền nuôi con.
Đại diện nguyên đơn là bà nội của đứa trẻ, còn bị đơn là người mẹ của đứa trẻ, người kháng cáo vì bị thay đổi quyền nuôi con.
Chưa đầy một năm sau khi ly hôn, cha đứa bé nộp đơn tại TAND quận 5 (TP HCM) xin giành quyền nuôi con trai hơn ba tuổi. Lý do: Ông bị mẹ nó ngăn cản quyền thăm nom. Yêu cầu của ông đã được tòa sơ thẩm chấp thuận. Từ đây, mẹ cháu bé gửi đơn khiếu nại khắp nơi kêu gọi sự giúp đỡ của các cấp đoàn thể, chính quyền, gây tác động đến quá trình giải quyết tại tòa án.
Tại phiên xử phúc thẩm, bà nội cháu bé một mực muốn trực tiếp nuôi dưỡng cháu. Bà cho rằng mình là giáo viên nghỉ hưu nên có thời gian chăm sóc tốt cho cháu. Trong khi đó, mẹ cháu thu nhập không cao, đời sống riêng phức tạp. Ngược lại, mẹ cháu bé nói con mình còn nhỏ nên cần phải sống bên mẹ, chỉ có mẹ mới nuôi dưỡng, chăm sóc con mình tốt nhất, cả thể xác lẫn tâm hồn... Cứ thế, mỗi bên đều đưa ra lý do để bảo vệ cho quan điểm của mình.
Thẩm phán phải phân tích, giải thích nhiều lần, rằng con nhỏ giao mẹ nuôi tốt hơn và việc đòi thăm con bất chấp giờ giấc là không đúng. Ngoài ra, cha cháu bé làm xây dựng, hay đi công tác nên không thể gần con chăm sóc. Tuy nhiên, việc người mẹ không cho cháu bé gặp nhà nội là không đúng. Hai bên nên ngồi lại sắp xếp lại thời gian chăm sóc bé, không nên ích kỷ cố giữ riêng con cho mình khiến trẻ càng thêm thiệt thòi.
Theo tòa, hai vợ chồng đã chia tay thì nên cùng tạo điều kiện để con cái được phát triển tốt nhất, cả vật chất và tinh thần, nhằm bù đắp phần nào thiệt thòi cho cháu khi không được gần cả cha lẫn mẹ, không nên khoét sâu thêm hố ngăn cách tình cảm của con trẻ...
Việc hòa giải của tòa nhiều lần bị ngắt quãng bởi hai bên làm căng thẳng, kể xấu nhau. HĐXX phải vừa nhẹ nhàng giải thích, vừa phải răn đe cho đôi bên thấu tình đạt lý.
Phiên xử kéo dài quá trưa đôi bên mới đi đến thống nhất chung. Người mẹ tiếp tục nuôi con nhưng tối thứ năm bên nội đón về ở chung đến thứ bảy giao lại. Trong lúc chờ tòa nghị án, hai bên đã nói chuyện bình thường, không còn trách móc nhau nữa.
Theo Pháp luật TP HCM
Đâm chết người vì thích... "thể hiện" Dù chỉ là những mâu thuẫn hết sức nhỏ vặt nhưng thiếu kìm chế, thích "thể hiện" nên nhiều đối tượng đã dùng hung khí đâm chết người. Điều đáng báo động, nghi phạm trong các vụ án còn khá trẻ. Những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ vặt thường xuyên xảy ra Ngày 5/11, Công an huyện Bình Chánh...