Dân khốn đốn vì nạn đổ rác trộm
Lượng rác đổ trộm ở các tuyến đường, khu đất trống chủ yếu là rác thải xây dựng từ các công trình đang xây dựng trên địa bàn.
Trên địa bàn các phường Bình An, An Phú, Thảo Điền (quận 2) hiện nay có rất nhiều dự án khu dân cư, trung tâm thương mại đang triển khai xây dựng. Một lượng rác thải xây dựng rất lớn từ các công trình này bị đổ trộm tại các khu đất trống. Điều đáng nói, biện pháp mà người dân lựa chọn để xử lý là đốt số rác này, khói bụi bay lên càng gây ô nhiễm môi trường.
Người dân: “Rác khắp nơi, không ai dọn dẹp!”
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, thời gian gần đây tình trạng người dân đốt rác trên các con đường như Vũ Tông Phan, đường số 4 (thuộc phường An Phú, quận 2), đường Vành Đai Tây (thuộc phường Bình An) và đường Song Hành xa lộ Hà Nội (thuộc phường Thảo Điền) thường xuyên diễn ra.
Cụ thể, sáng 8-10, ở dải phân cách trên đường số 4 có một đống rác lớn là những tấm gỗ, rác thải các loại đang cháy dang dở. Gần đống rác đang cháy là những bãi tro còn lại của những lần đốt rác trước đó. Cách đó không xa, ở cuối đường Vũ Tông Phan là hai đống rác lớn đang cháy, có mùi khét lẹt, khói đen bay mù trời.
Tình trạng đốt rác tương tự cũng xảy ra trên đường Vành Đai Tây (phường Bình An) và đường Song Hành (phường Thảo Điền). Trên đường này, không khó để bắt gặp những đống rác đang cháy và nhiều đống tro của những lần đốt trước.
Chiều 24-10, phóng viên cũng ghi nhận tại khu đất trống ở ngay ngã ba đường Lương Định Của giao với đường Cao Đức Lân (phường An Phú) cũng có một đống rác lớn, chủ yếu là những tấm gỗ, bông, nệm hư cũ…
Chúng tôi hỏi một người đàn ông đang đốt rác gần đó thì ông bảo đốt cho sạch. Ông không hề biết rằng đốt rác trong khu dân cư cũng là vi phạm pháp luật.
Anh Thanh Tân, có nhà trên đường Vũ Tông Phan, cho biết: “Rác đổ ở khu vực này đủ loại, người ta dọn nhà rồi đem ra đây đổ. Tôi canh bắt quả tang người đổ trộm hoài mà cũng vậy, bắt rồi cũng không làm gì được họ. Chỉ kêu họ không được đổ ở đây nữa thôi. Rác đổ đống ở đây giờ tôi phải tự gom đốt cho sạch, nếu không đốt để chất đống càng ô nhiễm hơn”.
Gần đó, chị Ngọc Ánh, ở phường An Phú, quận 2, chia sẻ: “Rác đổ khắp nơi, không thấy ai dọn dẹp. Có nơi thì người dân phải tự gom rác rồi đốt vì nhà ở gần ô nhiễm không chịu nổi. Nhưng đốt thì khói bụi, mùi hôi khét bay lên cũng ô nhiễm không kém. Tôi mong muốn chính quyền địa phương xuống những nơi này để biết tình hình, có biện pháp để ngăn chặn tình trạng đổ rác trộm, đốt rác gây ô nhiễm môi trường như hiện nay”.
Video đang HOT
Các công nhân đang gom rác để đốt trên đường Song Hành xa lộ Hà Nội. Ảnh: Q.NHƯ
Một đống rác đang cháy trên đường Vành Đai Tây. Ảnh: Q.NHƯ
Những đám khói đen bay lên nghi ngút từ việc đốt rác. Ảnh: Q.NHƯ
Phường: “Rác chủ yếu từ các công trình xây dựng”
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo các phường đều cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do trên địa bàn có nhiều dự án xây dựng đang triển khai. Lượng rác đổ trộm ở các tuyến đường trên chủ yếu là rác thải xây dựng từ các công trình đang xây dựng.
Bên cạnh đó, lượng rác trên còn xuất phát từ phía người dân khi dọn dẹp nhà cửa đã đem các vật dụng hư hỏng bỏ ra các khu đất trống. Một số hộ dân cũng không đăng ký lấy rác với các đơn vị thu gom rác mà tự đem rác bỏ ngoài đường.
Theo đại diện UBND phường, để giải quyết tình trạng này thì phải xử lý tận gốc chứ không thể suốt ngày đi canh bắt người đổ, người đốt rác để xử phạt.
“UBND phường sẽ chỉ đạo cán bộ địa chính rà soát các chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn. Ngoài việc nhắc nhở không được đổ rác thải xây dựng ra bên ngoài các khu đất trống, UBND phường sẽ yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư ký kết với một đơn vị thu gom rác để xử lý số rác trên” – ông Ngô Nhất Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Bình An, nói.
Ông Phạm Thanh Phương, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết hiện nay quận 2 đã triển khai phần mềm “Quận 2 trực tuyến” tiếp nhận phản ánh của người dân về các trường hợp đổ rác, đốt rác không đúng quy định. Mọi phản ánh đều được xử lý kịp thời. Đồng thời, phường cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng của phường tích cực tổ chức tuần tra trên địa bàn. Phường cũng mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân ở các khu phố bỏ rác đúng nơi quy định, không tự đốt rác, bởi đốt rác cũng là vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường.
Tự ý đốt rác, bị phạt đến 2 triệu đồng
Theo luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, người nào có hành vi tự ý đốt rác, chất thải ở khu vực dân cư, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013). Đây là mức phạt dành cho cá nhân, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Cạnh đó, đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố sẽ bị xử phạt theo Điều 20 Nghị định 155/2016, mức phạt tiền 5-7 triệu đồng.
HỮU ĐĂNG – QUỲNH NHƯ
Theo PLO
Cách sử dụng đúng đèn chiếu xa để không bị xử phạt
Nghiêm cấm người điều khiển xe cơ giới sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư.
Tôi thấy cả ô tô và xe máy đều có hai chế độ đèn pha và cốt. Xin hỏi, cách sử dụng hai chế độ này sao cho đúng để không bị CSGT sử phạt?
Bạn đọc Nguyễn Thùy Dung (dungthuy...@gmail.com).
Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Theo điểm d khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, một trong những điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới là phải có đủ đèn chiếu sáng xa (đèn pha) và đèn chiếu gần (đèn cốt)
Đèn pha là đèn chiếu xa có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn và tầm nhìn cao hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa.
Chế độ đèn này sử dụng khi đi đường trường, cao tốc, nhưng nhiều người do không hiểu biết hoặc do cố tình muốn gây chú ý nên đã sử dụng sai trong nội thành gây lóa mắt, mất tầm nhìn cho các xe đi ngược chiều, dẫn đến nguy hiểm.
Theo khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiêm cấm người điều khiển xe cơ giới sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Đồng thời, khoản 3 Điều 17 Luật này cũng quy định xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Hành vi bật đèn pha sai quy định bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
- Đối với người điều khiển xe ô tô: Phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng nếu sử dụng đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư hoặc sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều (điểm g khoản 3 Điều 5).
- Đối với người điều khiển xe máy: Phạt từ 60.000 đồng - 80.000 đồng nếu sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều (điểm g khoản 1 Điều 6); Phạt từ 80.000 đồng - 100.000 đồng nếu sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư (điểm e khoản 2 Điều 6).
Như vậy, người điều khiển cơ giới không được bật đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư, khi tránh xe ngược chiều
Về đèn cốt là đèn chiếu gần, góc chiếu thấp giúp người lái xe quan sát được tình trạng mặt đường trong phạm vi gần, sử dụng khi lái xe tốc độ chậm, trong nội thành, khu dân cư.
TRÚC PHƯƠNG ghi
Theo PLO
Cho hóa chất vào thịt để bán có thể bị xử lý hình sự Sử dụng hóa chất trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm gây tổn hại cho sức khỏe của con người có thể bị xứ lý hình sự. Hiện nay, nhiều người vì lợi nhuận mà một số người lấy thịt heo làm giả thành thịt bò, thịt nai, thịt nhím,...vì giá thành của những loại thịt này cao hơn...