Dàn khí tài Nga chuyên ‘chọc mù’ cảm biến đối phương
Nga đang sở hữu các khí tài chuyên tác chiến điện tử tối tân cả ở trên không, dưới đất và trên biển với tầm hoạt động tới hàng nghìn km.
Ngày nay, tác chiến điện tử (EW) là một trong những mặt trận có ảnh hưởng lớn nhất trên chiến trường. Nga đã phát triển một loạt hệ thống EW hiện đại trên không, mặt đất và trên biển để có thể giành ưu thế trong tác chiến, theo TASS.
Các hệ thống EW trên không
Ông Vladimir Mikheyev, cựu tư lệnh lực lượng tác chiến điện tử không quân Nga, cho rằng máy bay có khả năng sống sót gấp 20-25 lần nếu được trang bị các hệ thống EW hiện đại. Ngày nay, mọi chiến đấu cơ đều có thể mang theo hàng loạt tổ hợp EW hỗ trợ phòng thủ.
Tổ hợp Murmansk-BN có khả năng bao trùm cả châu Âu
Vitebsk là một trong những hệ thống hỗ trợ phòng thủ hiệu quả nhất, được thiết kế để bảo vệ máy bay trước tên lửa đối không dẫn đường bằng radar và đầu dò hồng ngoại (tầm nhiệt). Hệ thống này được tích hợp trên cường kích Su-25SM, trực thăng tấn công Ka-52, Mi-28N, trực thăng vận tải đa dụng Mi-8, trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26 và Mi-26T2. Trong tương lai, Vitebsk sẽ được lắp trên các vận tải cơ quân sự như Il-76MD-90A.
Còn Rychag-AV là thiết bị gây nhiễu được thiết kế đặc biệt cho trực thăng. Chức năng chính của tổ hợp này là chế áp điện tử và đánh lừa đối phương, nhằm cảnh giới cho máy bay, trực thăng đồng minh, cũng như bảo vệ căn cứ mặt đất quan trọng.
Rychag-AV có thể “chọc mù” cảm biến của đối phương trong bán kính vài trăm km, đồng thời chế áp nhiều mục tiêu cùng lúc. Bộ gây nhiễu này có khả năng ngăn chặn radar và tên lửa đối phương phát hiện mục tiêu, đồng thời dẫn bắn cho tên lửa đồng minh. Điều đó giúp tăng tối đa khả năng sống sót và hiệu quả chiến đấu của những chiếc trực thăng trang bị Rychag-AV.
Một hệ thống EW trên không khác rất nổi tiếng của Nga là Khibiny, được biên chế từ năm 2013 để bảo vệ máy bay trước các hệ thống phòng không.
Video đang HOT
Hệ thống tác chiến điện tử Khibiny
Khibiny có công suất tăng cường và năng lực tình báo vượt xa nhiều sản phẩm trước đó. Nó có thể hỗ trợ hệ thống kiểm soát vũ khí máy bay, tạo môi trường điện tử nghi binh, bẻ gãy hệ thống phòng không đa tầng. Hiện nay, tổ hợp Khibiny-U mới đang được phát triển cho tiêm kích tiền tuyến, đặc biệt là mẫu Su-30SM.
Moscow còn sở hữu hệ thống tác chiến điện tử Gimalai, biến thể tối tân của Khibiny, dành cho siêu tiêm kích tàng hình T-50. Trong khi Khibiny có dạng khối thiết bị (pod) treo đầu cánh, Gimalai được tích hợp toàn bộ vào thân máy bay, trở thành một phần của khung thân.
Ăng-ten của Gimalai hoạt động dựa trên nguyên lý “lớp da thông minh”, có thể thực hiện nhiều chức năng cùng lúc như trinh sát, tác chiến điện tử, phát hiện mục tiêu. Nó có thể gây nhiễu thụ động và chủ động nhằm vào vũ khí phòng không đối phương. Thông số kỹ thuật của Gimalai vẫn được giữ kín.
Các hệ thống EW mặt đất
Tổ hợp Krasukha-S4 tích hợp những công nghệ EW tốt nhất, đặc biệt là hệ thống ăng-ten độc đáo từ trạm gây nhiễu SPN-30. Ưu điểm của Krasukha-S4 là khả năng vận hành hoàn toàn tự động, giúp người vận hành chỉ cần theo dõi thiết bị.
Krasukha-4 được thiết kế để bảo vệ các sở chỉ huy, các nhóm quân tập trung, hệ thống phòng không, cơ sở công nghiệp quan trọng trước hệ thống trinh sát đường không và vũ khí chính xác của đối phương. Máy gây nhiễu chủ động băng thông rộng có thể đối phó hiệu quả với hầu hết radar hiện đại của Mỹ và NATO hiện nay.
Biến thể Krasukha-2O có thể gây nhiễu điện tử nhằm vào máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AEW&C), một trong những khí tài mạnh nhất của Mỹ. Toàn bộ hệ thống có thể triển khai trong vài phút, không cần sự can thiệp của con người, đủ sức vô hiệu hóa máy bay AEW&C từ khoảng cách vài trăm km.
Tổ hợp Moskva-1 được thiết kế cho mục đích trinh sát thụ động, trao đổi thông tin với các sở chỉ huy phòng không và lực lượng kỹ thuật vô tuyến, cung cấp dữ liệu mục tiêu, kiểm soát các đơn vị gây nhiễu và hệ thống chế áp điện tử đơn lẻ.
Hệ thống Moskva-1 có thể tiến hành hoạt động tình báo điện tử ở khoảng cách tới 400 km. Hệ thống này được triển khai lần đầu trong diễn tập hiệp đồng giữa các đơn vị phòng không và máy bay ở khu vực Astrakhan, miền nam nước Nga hồi năm 2016.
Murmansk-BN do Tập đoàn công nghệ vô tuyến – điện tử (KRET) phát triển, được cho là đủ khả năng vô hiệu hóa nhiều hệ thống liên lạc điện tử của phương Tây. Khác với các trạm cố định, Murmansk-BN sử dụng cột ăng-ten có hệ thống thủy lực kiểu ống lồng, gắn trên xe vận tải nhiều cầu chủ động. Phần cột ăng-ten có thể nâng cao tới 32 m.
KRET cho biết Murmansk-BN có công suất phát nhiễu tối đa lên đến 400 kW, gấp hàng chục lần mức công suất 5 kW của các tổ hợp thế hệ cũ. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến điện tử hiện đại nhất trong biên chế quân đội Nga, với tầm hoạt động không dưới 3.000 km, bao trùm gần như cả châu Âu.
Hệ thống EW trên biển
Nga có hai hệ thống tác chiến điện tử trên tàu chiến là TK-25E và MP-405E, được thiết kế để đối phó vũ khí điều khiển bằng vô tuyến nhờ phương thức gây nhiễu thụ động và chủ động.
Tổ hợp TK-25E trên tàu hộ vệ Đề án 11356P/M. Ảnh: Blogspot.
TK-25E tạo ra mục tiêu giả nhờ khả năng sao chép tín hiệu kỹ thuật số của mọi tàu chiến. Hệ thống này có thể phân tích tới 256 mục tiêu, bảo vệ hiệu quả cho một chiến hạm.
Trong khi đó, MP-405E được thiết kế cho tàu chiến có giãn nước nhỏ. Nó có khả năng phát hiện, phân tích và phân loại nguồn phát tín hiệu vô tuyến điện tử tùy theo mức độ nguy hiểm, cung cấp khả năng chế áp nhiều hệ thống vũ khí và trinh sát tối tân.
Theo Duy Sơn (VnExpress)
Siêu tiêm kích F-35 có thể gãy cánh nếu trang bị tên lửa
Phiên bản tiêm kích hạm F-35C sẽ phải thay đổi giá treo vũ khí đầu cánh nếu muốn mang tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X tối tân của Mỹ.
Cấu trúc đầu cánh tiêm kích F-35C không đủ chắc chắn để mang được tên lửa AIM-9X khi xảy ra nhiễu động không khí, dẫn tới nguy cơ gãy cánh máy bay. Đây là kết luận của ông Christopher Bogdan, giám đốc chương trình phát triển máy bay F-35, trong báo cáo trước Quốc hội Mỹ, theo Aviation Week.
Tập đoàn Lockheed Martin phải thiết kế đầu cánh máy bay mới và đang chờ thử nghiệm, trước khi đi vào sản xuất. Nếu thành công thì loại đầu cánh này sẽ được thay thế lên các tiêm kích đã sản xuất. Do chịu nhiều gián đoạn trong quá trình phát triển, tiêm kích F-35 phải mang tên lửa đời cũ hơn những mẫu máy bay trong biên chế hải quân Mỹ như F/A-18.
AIM-9X là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder do Mỹ chế tạo. Nếu không thể mang loại tên lửa này, F-35C sẽ chỉ có pháo 25 mm để tự vệ khi đánh cận chiến với đối phương. Ngoài ra, tên lửa tầm gần cũng rất hữu hiệu trong việc tiêu diệt mục tiêu nhỏ, bay thấp và chậm như trực thăng hay máy bay không người lái.
F-35C là phiên bản dành riêng cho hải quân Mỹ, có một số đặc điểm khác với mẫu F-35A của không quân và F-35B của thủy quân lục chiến. Trong đó bao gồm việc khung thân và càng đáp được gia cố để cất hạ cánh trên tàu sân bay, cánh tiêm kích có thể gập để tiết kiệm diện tích và bổ sung thêm móc hãm đà phía đuôi.
Một chiếc F-35C trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: Fighter Sweep.
Các vấn đề liên quan tới chương trình phát triển tiêm kích F-35 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Gần đây nhất là việc tiêm kích này không đủ khả năng mang vũ khí để tấn công mục tiêu di động. Nếu mục tiêu mặt đất di chuyển với tốc độ cao, F-35 sẽ gần như bất lực trong việc tiêu diệt chúng. Điều này buộc Mỹ phải nghiên cứu và tích hợp bom dẫn đường GBU-49 với khả năng tính toán tốc độ mục tiêu lên tiêm kích F-35.
Lã Linh
Theo VNE
Trực thăng Ka-52K của Nga bắt đầu tham chiến tại Syria Quân đội Nga vừa chính thức triển khai trực thăng chiến đấu hải quân Ka-52K Katran từ boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đi tham gia hoạt động tại Syria. Theo kênh truyền hình Zvezda, các trực thăng Ka-52K Katran đã lần đầu tiên được triển khai từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov để tham gia vào các hoạt động ở...