Dân kêu trời về Yên Tử, lãnh đạo Quảng Ninh kiểm tra có thấy gì không?
Yên Tử năm nay có nhiều xáo trộn. Đi Yên Tử tốn nhiều tiền hơn mọi năm. Các gian hàng của người dân địa phương bị đẩy ra ngoài vùng trung tâm.
Ngày 14/2 (tức mùng 7 Tết Bính Thân), ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội Yên Tử tại TP Uông Bí.
Ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Uông Bí kiểm tra địa điểm tổ chức khai hội Yên Tử 2016. Ảnh Báo Quảng Ninh
Theo báo cáo của TP Uông Bí, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đầu năm tại Khu di tích Quốc gia Yên Tử (ngày 10 tháng Giêng) đã cơ bản hoàn tất. Theo đó, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo chung cho các lễ hội, phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, phòng ban chuyên môn để xây dựng kế hoạch khai mạc và đón khách trong những ngày lễ. Cùng với đó là tổ chức sắp xếp các khu dịch vụ, niêm yết giá, chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, tổ chức phân luồng và bố trí giao thông hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về dự hội.
Để chuẩn bị cho Lễ hội Yên Tử năm 2016, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã tổ chức, sắp xếp lại một số hạng mục, đầu tư và di chuyển 2 bãi đỗ xe ra vị trí mới. Thực hiện cải tạo một số tuyến đường dẫn vào khu di tích; lắp dựng pano tuyên truyền, giới thiệu về cảnh quan dọc 2 bên đường; tăng cường thêm các nhà vệ sinh công cộng và điểm thu gom rác… Đặc biệt, mùa lễ hội năm nay, các điểm dừng chân, khu nhà hàng và điểm bán đồ lưu niệm đã được xây mới, khang trang, đẹp đẽ hơn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Chất lượng Việt Nam, việc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm tổ chức, sắp xếp lại một số hạng mục, đầu tư và di chuyển 2 bãi đỗ xe ra vị trí mới gây nhiều phiền toái cho du khách.
20.000 đồng cho quãng đường gần 2km. Lượt đi, lượt về là 40.000 đồng. Nhiều người cho rằng giá xe điện khá chát.
Từ vị trí gửi xe, du khách nếu không muốn đi bộ quãng đường gần 2 km vào chân chùa thì phải mất thêm 20.000 đồng đi xe điện, hoặc không thì đi xe ôm vào trong.
Ngày mùng 6 Tết, trong tiết trời oi ả, phóng viên quan sát thấy có nhiều du khách, trong đó có không ít người già và trẻ em phải lếch thếch đi bộ gần 2 km vào chân chùa vì không có tiền đi xe điện và xe ôm.
Cảnh xe điện, xe ôm, người đi bộ có phần bát nháo, làm mất mỹ quan Yên Tử và chứa đựng nguy cơ tai nạn giao thông.
Một vấn đề khác, trong khi nhiều chùa ở Uông Bí đã miễn phí tiền gửi xe thì Yên Tử chưa làm được điều này. Ngoài tiền gửi xe máy, ô tô, hầu hết du khách còn mất thêm tiền gửi mũ bảo hiểm.
“Tôi nói kẹp mũ bảo hiểm ở trong yên xe cũng được, mất tôi tự chịu nhưng người trông xe nhất định không cho, yêu cầu tôi phả gửi”, một du khách phàn nàn.
Nhiều người đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên trông xe tại Yên Tử năm nay không ổn. Có người còn nói, bị cắt đứt quai mũ chỉ vì không chịu gửi mũ.
Video đang HOT
Một vấn đề nữa khá nhức nhối. Như những năm trước, đường vào chùa có nhiều gian hàng ăn uống, nông sản của người dân địa phương. Nhưng năm nay, khu này bị chuyển đi chỗ khác để nhường chỗ cho các nhà ăn, nghỉ hoành tráng của Công ty Phát triển Tùng Lâm.
Gian hàng của người dân Yên Tử bị chuyển đi, thay vào đó là các nhà hàng sang trọng của Công ty Tùng Lâm
“Vài trăm gian hàng của người dân địa phương bị chuyển đi, hầu hết được dựng tạm bợ. Trộm vía chứ chỉ cần một mồi lửa nhỏ thì cháy hết”, một người dân đang kinh doanh tại đây buồn bã nói.
Nhiều người lo ngại, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đang thực hiện “chiến dịch” tận thu tại nơi đất Phật.
“Yên Tử giờ đi đâu cũng tiền”, chị Dung, một người dân ở Uông Bí phản ánh.
Trao đổi với phóng viên về việc chuyển bãi xe ra ngoài, gây bất tiện cho việc đi lại của du khách, ông Lê Trọng Thanh – phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết, việc chuyển bãi xe ra ngoài để xây khu văn hóa tâm linh đã được Chính phủ phê duyệt. Khu vực này kéo dài từ bãi gửi xe vào đến chân chùa.
“Tạm thời công trình chưa hoàn thành nên nhiều người thấy việc đi lại có phần bất tiện. Lúc xây xong thì khác, du khách sau khi gửi xe có thể đi xe điện hoặc đi bộ để tham quan khu văn hóa”, ông Thanh giải thích.
Vàng Danh
Theo_Vietq
Vi phạm xây dựng trong di tích Yên Tử: Chủ đầu tư lên tiếng
Chủ đầu tư hạng mục Nhà văn hóa truyền thống trong ga Cáp treo 1 ở di tích Yên Tử lên tiếng về những lùm xùm quanh công trình này.
Gần đây, dư luận và các Phật tử có nhiều ý kiến khi tham quan di tích Yên Tử, thấy công trình Nhà văn hóa truyền thống thờ Tam tổ Trúc Lâm nằm trong tổng thể công trình ga Cáp treo 1 do Công ty CP phát triển Tùng Lâm làm chủ đầu tư đã được phá dỡ hoàn toàn. Ngay tại vị trí vừa phá dỡ, Công ty Tùng Lâm đang xây dựng một công trình mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phá dỡ công trình cũ và xây dựng công trình mới nếu làm không cẩn thận sẽ phá vỡ cảnh quan di tích. Việc Công ty Tùng Lâm tự ý thay đổi công năng các phòng của khu nhà ga cáp treo thành nhà tập thể của công nhân viên trong công ty là không hợp lý. Bởi khi thực hiện việc làm trên, Công ty chưa hoàn thiện các thủ tục và chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Thậm chí nhiều ý kiến còn nhận định, việc phá dỡ và xây mới công trình thay thế là hành vi xâm phạm di tích Yên Tử. tự ý thay đổi công năng các phòng của khu nhà ga cáp treo thành nhà tập thể của công nhân và treo biển nội quy là không hợp lý. Nếu nhu cầu cần thiết thì phải xin ý kiến và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Công trình khi được hoàn thành nằm trong quần thể nhà ga cáp treo 1. Theo bản vẽ phối cảnh được trưng bày tại khu vực xây dựng, công trình nhà văn hóa được thiết kế lại mang hình dáng là một ngôi chùa với mái cong, uốn lượn, ốp gỗ với quy mô hoành tráng và hiện đại. (Khu vực khoanh đỏ).
Theo tìm hiểu của PV, năm 2001, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép xây dựng tổng thể công trình ga Cáp treo 1 và đưa vào hoạt động sử dụng vào năm 2002. Trong đó có hạng mục Nhà văn hóa truyền thống rộng khoảng 60m2. Khi hoàn thành, công trình này là nơi thờ Tam Tổ.
Ngày 2/10/2015, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm gửi báo cáo đến UBND TP. Uông Bí đề xuất được sửa chữa Nhà văn hóa truyền thống. Báo cáo nêu rõ nguyên nhân sửa chữa: "Sau hơn 14 năm đưa vào sử dụng, Nhà văn hóa truyền thống đang xuống cấp với hiện trạng tường bị nứt, mái dột gây nguy hiểm cho các hoạt động văn hóa của cán bộ, nhân viên công ty và không đảm bảo mỹ quan. Và theo đó, việc sửa chữa sẽ bao gồm dỡ bỏ toàn bộ Nhà văn hóa truyền thống, thay vào đó sẽ xây lại các cột trụ và mái vòm trên cơ sở quy chuẩn được thiết kế trong Khu nhà ga 1 đã xây dựng từ trước."
Ngày 5/10, UBND TP. Uông Bí đã có công văn trả lời, yêu cầu Công ty CP Phát triển Tùng Lâm phải báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xin phép sửa chữa theo đúng thẩm quyền. Dù chưa có ý kiến hay văn bản đồng ý của UBND tỉnh Quảng Ninh, đơn vị này vẫn tháo dỡ công trình cũ và tiến hành dựng cột bê tông để xây dựng công trình mới ở vị trí công trình cũ vừa phá.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết, việc sửa chữa công trình Nhà văn hóa truyền thống, một trong những hạng mục trong tổng thể công trình ga Cáp treo 1 là do nhà truyền thống cũ đã xuống cấp nghiêm trọng.
"Nhà ga cáp treo Yên Tử đã được các cấp các ngành Quảng Ninh cho phép từ năm 2001. Trong đó, công trình Nhà văn hóa truyền thống đã có từ nhiều năm nay là điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ chính cho cán bộ công nhân viên vào mùng một, hôm rằm làm các nghi thức theo nghi lễ Phật giáo. Trong nhiều năm trở lại đây, nhà văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng, đảo ngói, chống thấm nhưng vẫn bị dột. Vào mùa mưa, trời ẩm thấp, nhất là trận mưa lớn vừa qua khiến di tích xuống cấp nhanh, không đảm bảo an toàn. Chúng tôi chỉnh trang, sửa chữa lại chuẩn bị cho Hôi xuân Yên Tử 2016, đảm bảo an toàn", ông Thanh cho biết.
Văn bản của UBND TP Uông Bí về vụ việc trên.
Nói về việc xây mới công trình thay thế có làm ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan của nhà ga cáp treo và di tích Yên Tử hay không?, ông Lê Trọng Thanh khẳng định: "Công trình vẫn được xây dựng trên vị trí cũ, kiến trúc vẫn như trước với mái cong truyền thống. Dư luận phải hiểu rõ, đây là nhà ga dịch vụ, nhiều thông tin cho rằng, công trình nhà văn hóa truyền thống là chùa ga, chúng tôi khẳng định không phải là chùa ga mà chỉ là điểm văn hóa sinh hoạt nội bộ công ty trong khuôn viên nhà ga. Vào mùa hội công ty có 300 người rất là đông. Đây là điểm sinh hoạt văn hóa của công ty. Hơn nữa, vị trí công trình này nằm trên phần diện tích được giao, có sổ đỏ, không xâm phạm ngoài diện tích mình được giao. Đây thực tế không phải là điểm di tích. Đây là công trình công cộng phục vụ cán bộ nhân viên và du khách che nắng che mưa cho an toàn".
"Khi làm bất kỳ một công trình gì ở khu di tích Yên Tử, chúng tôi cũng tôn trọng thiên nhiên, đề cao giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan. Hơn 10 năm nay, công ty Tùng Lâm làm việc ở đây, chúng tôi làm công trình hài hòa với không gian với các công trình đã hiện hữu từ năm 2011, chắc chắn sẽ mang lại cái đẹp cho du khách. Chúng tôi chỉ nghĩ mình làm chỉnh trang cho đẹp để đón khách chứ không có ý gì khác cả. Để đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi chưa hoàn thiện hồ sơ đầy đủ. Khi các ban ngành vào kiểm tra chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành các thủ tục. Sơ suất là chưa hoàn thiện các thủ tục văn bản. Chúng tôi tạm dừng việc thi công, chưa triển khai tiếp việc hoàn thiện công trình vì còn chờ hoàn tất thủ tục. Khi triển khai, chúng tôi báo cáo từng cấp một theo đúng quy trình từ UBND TP Uông Bí, đến UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ VHTTDL. Hiện phòng thờ nằm cùng phòng khách của công ty nên rất bất tiện và không phù hợp với không gian thờ tự", ông Lê Trọng Thanh cho biết.
Diễn biến mới nhất liên quan đến vụ việc trên, vào chiều 23/10, tổ công tác liên ngành của Sở VHTT&DL cùng UBND TP. Uông Bí và UBND xã Thượng Yên Công đã tiến hành thanh tra vi phạm xây dựng đối với công trình Nhà văn hóa truyền thống thờ Tam tổ Trúc Lâm do Công ty CP phát triển Tùng Lâm làm chủ đầu tư. Kết thúc buổi kiểm tra ngày 23/10, tổ công tác liên ngành đã yêu cầu Công ty CP Phát triển Tùng Lâm dừng ngay mọi hoạt động xây dựng, chờ ý kiến chính thức của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, Bộ VHTTDL cần sớm làm rõ về việc xây dựng công trình trên, có hướng xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời cần làm rõ, sau khi xây dựng công trình trên, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm sẽ sử dụng vào mục đích nào, làm nhà văn hóa truyền thống, một điểm "thờ duyên" (nơi cán bộ công nhân viên của Công ty Tùng Lâm thực hiện nghi lễ Phật giáo) hay thành một điểm thờ tự mới...
Một số hình ảnh PV ghi nhận lại về công trình đang gây nhiều tranh cãi trên:
Công trình nhà văn hóa truyền thống đang được xây dựng mới trong quần thể Ga cáp treo 1.
Cột trụ bê tông mới được xây dựng thay thế các trụ cũ đã được phá bỏ.
Những hạng mục khác của quần thể nhà Ga cáp treo 1 được giữ nguyên.
Cảnh quan nhà ga cáp treo 1 khi công trình nhà văn hóa truyền thống được xây dựng.
Hiện công trình đã bị tạm dừng thi công....
... để đợi hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Sự ngổn ngang này không biết kéo dài đến bao giờ.
Hải Ninh
Theo_Kiến Thức
Tưng bừng khai hội xuân Yên Tử Từ sáng sớm nay 28/2 (tức ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch), dòng người từ khắp nơi đã đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) dự lễ khai hội xuân Yên Tử. Sáng nay, tại di tích Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra lễ khai hội xuân Yên Tử. Phần hội có nhiều tiết mục biểu diễn...