Dân hỏi “sổ đỏ”, ai trả lời?
“Tuần nào cũng có bộ trưởng lên truyền hình trả lời. Nhưng mười năm nay hàng ngàn người hỏi sổ đỏ, ai trả lời?”.
Mệt mỏi chờ sổ đỏ
Phải sống trong ngôi nhà không sổ đỏ, không chính chủ khiến 168 hộ dân ở khu chung cư Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi phấp phỏng, lo lắng. Đây là khu đô thị mới do do Công ty CP Thi công Cơ giới Xây lắp, đơn vị trực thuộc TCT Xây Dựng HN là chủ đầu tư. Đã có rất nhiều cuộc họp khu dân cư và đơn thư kiến nghị chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục để dân sớm được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà. Tuy nhiên, suốt 8 năm qua, chủ đầu tư vẫn “bỏ ngoài tai” kiến nghị của người dân.
Anh Nguyễn Văn Thắng, một người dân ở khu chung cư Hạ Đình, ví cảnh người dân sống trong căn hộ không có sổ đỏ này là kiểu “nhảy dù”. Bởi trong số 168 căn hộ ở đây, có nhiều căn hộ đã 2, 3 đời chủ nhưng chưa một hộ dân nào biết tới tờ giấy chứng nhận sở hữu nhà. Theo anh Thắng, người dân khu đô thị Hạ Đình chỉ “mập mờ biết” nguyên nhân họ chậm được xét cấp sổ đỏ là do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
“Tuy nhiên, dù thế nào cũng không thể chấp nhận giải thích trên. Nếu năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề, tại sao họ vẫn đứng ra bán căn hộ và thu tiền của người dân. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người dân trong trường hợp này thế nào?”, anh Thắng đặt câu hỏi.
Video đang HOT
Chung cư Hạ Đình: 8 năm chưa sổ đỏ
Anh Đào Xuân Vương – thành viên ban quản trị tòa nhà cho hay, nhà không sổ đỏ không chỉ khó chuyển nhượng mà ngay cả việc nhập hộ khẩu để cho con cái đi học theo đúng quy định cũng khó khăn. “Tôi mua nhà qua hình thức hợp đồng ủy quyền công chứng có thời hạn 10 năm, đến nay đã 8 năm mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Không biết khi hết thời hạn hợp đồng này thì phải tìm người chủ cũ ở đâu. Thật sự người dân ở đây cũng đang rất hoang mang”, anh Vương nói.
Cùng cảnh ngộ trên, hàng trăm người dân tại khu Chung cư 162 Nguyễn Tuân do Công ty Sông Đà làm chủ đầu tư cũng chờ sổ đỏ suốt 11 năm nay. Ông Nguyễn Thế Đĩnh – Tổ trưởng tổ dân phố cho hay, gia đình ông có 2 người con trai đã lớn cần lập gia đình. Nhiều năm nay ông muốn bán căn hộ này để chia cho con cái nhưng vẫn không bán được vì chưa có sổ đỏ.
Tại khu chung cư 15 – 17 Ngọc Khánh, anh Nguyễn Văn Cường – đại diện khu dân cư cho biết, khu chung cư này bàn giao nhà từ năm 2007, có 162 hộ dân sinh sống nhưng chưa hộ nào có sổ đỏ. Lý do, trong quá trình xây dựng căn hộ, chủ đầu tư làm sai so với thiết kế ban đầu. “Đây hoàn toàn là lỗi của chủ đầu tư. Họ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước. Chứ người dân sao phải gánh lỗi này bằng cách bị treo sổ đỏ”, anh Cường nói.
Dân hỏi, ai trả lời?
Theo Bộ TN&MT, hiện nay có tới 500.000 căn hộ chung cư tại Hà Nội chưa được cấp sổ đỏ. Thực hiện chỉ đạo số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/4/2013, Bộ TN & MT đã đề nghị các địa phương cấp ngay sổ đỏ cho những hộ dân đã hoàn thành các thủ tục mua nhà mà không chờ giải quyết xong tồn tại, vướng mắc và vi phạm pháp luật của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau quá nhiều năm chờ đợi sổ đỏ, nhiều người dân vẫn nghi ngờ lời hứa của các bộ ngành liên quan. “Chúng tôi muốn nói rằng đây còn là vấn đề niềm tin của người dân với nhà nước. Tuần nào cũng có ông bộ trưởng lên truyền hình trong mục hỏi đáp: Dân hỏi- bộ trưởng trả lời. Nhưng mười năm nay chúng tôi hỏi, ai trả lời?”, chị Đỗ Phương Thảo, một người dân ở khu chung cư Hạ Đình nói.
Ông Nguyễn Văn Cường, người dân ở khu chung cư 15 – 17 Ngọc Khánh, cho rằng, ở đây không còn là nghĩa vụ của người dân với nhà nước: “Chúng tôi không thiếu bất cứ nghĩa vụ gì cả khi đã nộp đầy đủ tiền cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Vậy giờ là trách nhiệm của nhà nước đối với dân. Nếu chủ đầu tư có sai phạm thì xử chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi cơ bản, chính đáng này của người dân”.
Ngày 4/4/2013, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05/CT-TTg, yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp thực hiện để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).
UBND TP. Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư chậm nhất đến 31/7 phải tự kiểm tra, xác định cụ thể khó khăn vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân đã mua nhà. Sau thời hạn trên, nếu chủ đầu tư không thực hiện và báo cáo, Sở TN-MT sẽ tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật đất đai và trách nhiệm của chủ dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Đến 31/12/2013 phải cơ bản hoàn thành 85% việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân.
Theo Khampha
Lên đồng, trị bá bệnh bằng... nước lã
Mới 24 tuổi, nhưng cô gái Võ Thị Hồng Ngọc (ngụ ấp Phú Ninh, xã Song Phú, H.Tam Bình, Vĩnh Long) tự cho rằng mình có đến 4 "bà" hộ mạng để trị bệnh "cứu nhân độ thế".
Đông nghẹt người chen lấn chờ đến lượt "bà thầy" trị bệnh - Ảnh: Thanh Đức
Tất cả các loại bệnh đều được "bà thầy" Hồng Ngọc sờ lên người, phán vài câu và cho uống nước lã là sẽ hết, kể cả bệnh tai biến, câm điếc...
Đến khu đô thị mới Song Phú hỏi về "bà thầy" mới xuất hiện này ai cũng biết. Khi chúng tôi đến, căn nhà khá bề thế, xe đậu kín cả một khoảng sân rộng. Trong nhà, khoảng 50 người mắc đủ các loại bệnh, vừa ngồi vừa đứng chăm chú nghe "bà thầy". Đối với bất cứ ai, Ngọc cũng xưng là "bà" và gọi họ bằng "con".
Để "chữa bệnh", "bà thầy" cũng đưa tay sờ lên trán chừng 1-2 phút, vuốt lên vuốt xuống vài lần, đập vài lần vào chỗ bị đau. "Bà thầy" làm vài động tác, cho uống nước lã rồi bảo bệnh nhân về và không quên hẹn lần sau lại đến nếu chưa hết hẳn. Với người bệnh nặng, Ngọc vừa làm động tác như trên, vừa giảng đạo. Thậm chí, bệnh tai biến, bại liệt và cả bệnh câm điếc cũng được "bà" Ngọc phán và cho uống nước lã để chữa.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, Phó trưởng ấp Phú Ninh (xã Song Phú, H.Tam Bình), cho biết: "Hiện tượng này mới có cách đây khoảng 2 tháng. Gia đình này chỉ là nhà nông, em Hồng Ngọc lên TP.HCM học gì không biết, chỉ mới về đây thôi. Chúng tôi đã báo cáo vụ việc có tính chất mê tín này đến đoàn thể của xã". Ông Quang nói thêm: "Chỉ là một cô gái, nhưng lên đồng trị bá bệnh chỉ bằng nước lã. Ở gần nhà tôi có một người bị tai biến cũng vừa đi về, tôi thấy cũng gần hết, nhưng là hết đời, chầu diêm vương".
"Chúng tôi đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp và đã đến vận động nhiều lần, nhưng vẫn tái diễn. Đáng trách là người dân đã quá nhẹ dạ, cả tin nên mới kéo nhau đến chữa trị", ông Quang cho biết.
Theo TNO
Bỗng dưng bị nhiễm HIV: Vẫn chưa xác định "hung thủ" Những nông dân đang chí thú làm ăn bỗng dưng bị lây nhiễm HIV hiện đã vượt qua nỗi lo sợ, mặc cảm nhưng luôn đau đáu sớm được minh oan, xác định rõ tác nhân lây nhiễm. Chúng tôi trở lại xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam - Bến Tre hỏi thăm về những nông dân bỗng dưng bị nhiễm HIV....