Dân được gì khi có số định danh cá nhân?
Khi có số định danh cá nhân thì sau đó sẽ có thẻ công dân điện tử để thay thế tất cả các loại giấy tờ, kể cả CMND.
“Số định danh cá nhân (SĐDCN) sẽ gắn trên tất cả các loại giấy tờ của công dân. Khi đó, ở bất kỳ đâu anh chỉ cần đọc SĐDCN và yêu cầu trích lục hộ tịch là được trích lục. Sau này nếu có thẻ căn cước (thẻ công dân điện tử) thì CMND cũng có thể bỏ, người dân sẽ được rất nhiều ích lợi”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh như trên về những lợi ích của dự án Luật Hộ tịch trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày 13-8. Tuy nhiên, những phân tích mà ông Cường nêu ra chưa đủ để thuyết phục các thành viên trong TVQH chấp thuận đưa dự luật này vào chương trình kỳ họp QH tới. Thay vào đó, TVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh làm rõ hơn nữa các quy định và lùi thời gian trình ra QH vào kỳ họp giữa năm 2014.
Một người có quá nhiều giấy
Đề cập đến những bất cập trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, ông Cường cho rằng do các quy định của pháp luật chưa đồng bộ nên mỗi người dân hiện đang phải tự lưu giữ, bảo quản nhiều loại giấy tờ hộ tịch, gây khó khăn khi sử dụng. Bên cạnh đó, phương thức đăng ký hộ tịch còn thủ công nên mỗi khi cần phải chứng minh nhân thân, nơi cư trú người dân gặp rất nhiều phiền hà. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Hộ tịch là hết sức cần thiết.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Cũng theo ông Cường, hiện nay mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ (giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, CMND, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ khác…), mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau. Các số/mã số trên mỗi loại giấy tờ cũng có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối được với nhau dẫn đến không phát huy được tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước. Thậm chí, trên một số loại giấy tờ của cùng một người thông tin của cá nhân cũng không trùng nhau, gây khó khăn trong việc sử dụng.
Bước đột phá lớn
Do đó, theo ông Cường, dự thảo Luật Hộ tịch đề xuất quy định cấp SĐDCN cho mọi người dân và con số đó sẽ theo họ từ lúc khai sinh cho đến hết cuộc đời. Việc cấp SĐDCN sẽ được thực hiện từ tháng 1/2016 và đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành. “Đây là chìa khóa để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác. Đồng thời, sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phục vụ tích cực cho việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân cũng như trong lĩnh vực hộ tịch” – ông Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cũng cho rằng đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề để đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội. Đồng thời, khi quy định này được áp dụng ở nước ta sẽ dần lược bỏ nhiều loại giấy tờ trùng lắp. Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể để sớm hoàn thành việc cấp SĐDCN mà không kéo quá dài như dự kiến.
Giảm giấy tờ hay thêm phiền phức?
Thảo luận về dự luật này, các thành viên trong Ủy ban TVQH cho rằng dự án luật vẫn chưa trả lời rõ được câu hỏi: Khi có SĐDCN thì sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cho người dân? “SĐDCN có thay được chứng minh thư nhân dân, hộ tịch, hộ khẩu không? Vì đọc cái này thì không thấy có giảm mà chỉ thấy tăng giấy tờ, tăng biên chế…” – Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng đọc xong dự thảo thì rõ ràng chưa thấy giảm mà chỉ thấy tăng thêm giấy tờ, tăng phiền phức cho dân. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì nói thẳng: “Có luật này rồi mà vẫn còn CMND, vẫn còn hộ khẩu và các loại giấy tờ khác, vậy mà bảo làm lợi cho dân. Sao trình các luật này ra đây dễ thế?”.
Khẳng định dự án luật này đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải nếu được thực hiện thì từ năm 2016 đến 2020, Bộ Công an sẽ cấp cho tất cả người dân SĐDCN. Con số đó sẽ được gắn trên tất cả giấy tờ của người dân. Bất kỳ ở đâu, người dân yêu cầu cần trích lục là trích lục mà không cần phải về nơi khai sinh, thường trú… Ngoài ra, mục tiêu lớn nhất của luật này là khi có SĐDCN, sau đó sẽ có thẻ công dân điện tử. “Khi có những cái đó sẽ thay thế tất cả các loại giấy tờ, kể cả CMND cũng bỏ. Chỉ cần thẻ công dân điện tử thì cơ quan quản lý có thể soi vào đó là có tất cả thông tin của cá nhân, từ việc anh có giấy phép lái xe hay không…” – ông Cường nói.
Tuy nhiên, những giải thích đó chưa đủ thuyết phục nên chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị nghiên cứu soạn thảo lại, đồng thời lùi thời hạn trình dự luật ra QH vào năm 2014 chứ không phải cuối năm 2013 như kế hoạch.
Theo Thành Văn (Pháp Luật TPHCM)
Lãng phí vì mã số công dân
Trước đây, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã được hỗ trợ xây dựng một đề án về lý lịch công dân trị giá 10 triệu USD nhưng sau đó không được Bộ Công an và Bộ Tư pháp tiếp nhận.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), Bộ Y tế, cho biết cơ sở dữ liệu dân cư của Tổng cục DS - KHHGĐ có xuất xứ từ dự án "Đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" do Chính phủ Na Uy tài trợ.
Dự án hay nhưng bị dừng
Theo TS Quốc Anh, từ năm 1994, Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ đã xây dựng hệ thống thống kê DS - KHHGĐ. Đến năm 1996, đoàn chuyên gia Na Uy sang Việt Nam khảo sát để hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giúp Việt Nam cải cách quản lý Nhà nước theo xu thế hành chính công, mang dịch vụ đến với từng người dân.
Sau khi khảo sát hệ thống của Tổng cục Thống kê, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ, đoàn chuyên gia Na Uy đã trình Chính phủ Việt Nam lựa chọn hệ thống của Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ. Lý do, hệ thống này có đội ngũ cán bộ chuyên trách xã và các cộng tác viên tới tận thôn xóm, bản làng, hộ gia đình để ghi chép thông tin cũng như vận động KHHGĐ.
Khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt để Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ tiếp nhận, thực hiện dự án này. Dự án thí điểm đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở Việt Nam giai đoạn 1998-2000 do Na Uy viện trợ và cử Trung tâm Dữ liệu Hoàng gia Na Uy trợ giúp về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hiện đại.
Sau khi làm thí điểm tại các tỉnh Hà Tây, Bình Thuận, Tây Ninh (3 miền) và cho thấy hiệu quả, các bên đã nhận định đủ điều kiện triển khai ra cả nước. Điều này cần được ban hành trong một nghị định. Khi đó, phía Na Uy tiếp tục viện trợ dự án "Chuyển tiếp về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư ở Việt Nam" giai đoạn 2001-2002, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn viện trợ khi thực hiện chính thức ra toàn quốc khoảng trên 10 triệu USD.
Làm thủ tục cấp CMND tại TPHCM. Theo Bộ Công an, 12 số trên CMND sẽ là số định danh cá nhân. Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên sau đó, từ một cơ quan ngang bộ, Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ chuyển thành Tổng cục DS - KHHGĐ, thuộc Bộ Y tế và không còn chức năng ban hành văn bản quy phạm cũng như hướng dẫn các tỉnh, TP thực hiện.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ chuyển dự án này cho Bộ Công an (theo hệ thống quản lý hộ khẩu) thực hiện. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu... đã được chuyển giao cho Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) là đơn vị thực hiện dự án. Sau đó, ban chỉ đạo thực hiện dự án gồm đại diện nhiều bộ, ngành liên quan được thành lập để giúp Bộ Công an triển khai.
"Tôi được Bộ Y tế cử tham gia là thành viên ban chỉ đạo này nhưng cũng chỉ trải qua vài cuộc họp lấy ý kiến đóng góp rồi thôi" - TS Quốc Anh nói.
Phớt lờ ý kiến đóng góp
TS Nguyễn Quốc Anh cho biết khi chuyển giao cho Bộ Công an, Tổng cục DS - KHHGĐ đã hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành DS - KHHGĐ (có bổ sung các chỉ tiêu về KHHGĐ) để sử dụng. Đến nay, cơ sở dữ liệu vẫn được cập nhật thường xuyên và quản lý khoảng 98% số dân, so với số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê (khoảng trên 88 triệu người) nhưng không có số ID vì không có chức năng cấp.
"Nhiều nước trên thế giới chỉ giao cho một bộ (Nội vụ hoặc Tư pháp) xây dựng mã số công dân. Nếu để ở cơ quan công an thì người dân sẽ gặp không ít khó khăn hoặc ngại tiếp xúc" - TS Quốc Anh nhận định.
Từng tham gia buổi chuyển giao dự án giữa Tổng cục DS - KHHGĐ và Tổng cục Cảnh sát năm 2008, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) -Bộ Công an, lại chưa rõ đề án của Bộ Y tế có được cập nhật hay không. Theo ông Dung, chỉ những dữ liệu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ pháp lý thì mới được sử dụng và các ngành tin dùng.
Đến nay, Bộ Tư pháp chưa đưa ra con số dự kiến để triển khai đề án của mình. Riêng đề án của Bộ Công an dự kiến hết 3.000 tỉ đồng, chia thành nhiều giai đoạn và đang được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho ý kiến. Sắp tới, Bộ Công an sẽ triển khai đề án trị giá 10 triệu euro (vay vốn ODA của nước ngoài) về quản lý dân cư, được thí điểm tại TP Hải Phòng.
TS Quốc Anh cho rằng với cơ sở dữ liệu sẵn có ở Tổng cục DS - KHHGĐ, việc cấp số ID cho mọi bản khai của các công dân sẽ hình thành được hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, những ý kiến góp ý đã không được Bộ Tư pháp và Bộ Công an lưu tâm.
Mạnh ai nấy làm
Đại diện Bộ Công an cho biết 12 số trên CMND mới chính là số định danh cá nhân, theo mỗi công dân trong suốt cuộc đời. Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính cho công dân (lấy 12 số trên CMND mới) được làm theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó là Chính phủ khi thực hiện dự án Luật Hộ tịch (dự kiến có hiệu lực trong năm 2015).
Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Bộ Tư pháp dừng triển khai dự án do bộ này xây dựng để chống lãng phí. Thế nhưng, khi Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến thì cả 2 bộ vẫn tiếp tục hoàn thiện dự án của mình.
Theo 24h
Hai bộ "giành" cấp mã số công dân Bộ Công an và Bộ Tư pháp cùng lúc xây dựng 2 đề án liên quan đến quản lý dân cư nhưng lại trùng nhau về quan điểm xây dựng mã số công dân. Việc trùng nhau này có thể dẫn đến lãng phí, tốn kém ngân sách. Ngày 25/3, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát...