Dân đổ xô đi xem bói đầu năm
Trong lúc kinh doanh càng ngày càng thất bát thì thị trường xem bói lại đông khách và làm ăn phát đạt chưa từng thấy.
Mới vào nghề cũng chật khách
“Mới giao thừa xong mà nhà đã chật kín khách, thầy phải xem đến hơn 10h trưa cho vãn người mới dám đóng cửa đi nghỉ. Nhưng chỉ 1, 2 tiếng sau là khách lại gọi điện, bấm chuông inh ỏi. Ngày nào cũng vậy, mỗi ngày vài chục người, từ Tết đến giờ cũng cả trăm người đến xem” – Bà Thành (người hướng dẫn khách đến xem tại nhà thầy bói N. nằm trên phố Văn Hương – Khâm Thiên – Hà Nội) cho biết.
Thầy bói N. đang giải quẻ cho khách
Người tìm đến nhà thầy N. cũng đủ mọi lứa tuổi và thành phần. Người buôn bán làm ăn, kinh doanh công ty lớn nhỏ phần nhiều. Người làm nhân viên văn phòng, công chức Nhà nước cũng nhiều. Học sinh, sinh viên, giới trẻ đầy đủ cả.
“Chị cầm lấy 3 đồng xu này rồi thành tâm cầu nguyện, nghĩ trong đầu điều muốn hỏi rồi xóc xu, gieo quẻ 5 lần để tôi xem cho” – Thầy N. hướng dẫn.
Những vị khách răm rắp làm theo hướng dẫn của thầy. Mỗi lần khách gieo quẻ là thầy lại ghi một gạch hoặc hai gạch (ký hiệu âm, dương – PV) vào quyển sổ A4. Sau khi gieo đủ 5 lần và nghe câu hỏi của khách, thầy N. bắt đầu phán…
“Hôm nay là còn đỡ, không phải đợi mấy chứ như ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 là phải đợi cả buổi mới đến lượt. Kinh tế khó khăn, ai chẳng muốn xem vận hạn năm sau thế nào nên chẳng riêng gì nhà tôi mà thầy nào chẳng đông khách gấp mấy lần so với năm ngoái” – Thầy N. chia sẻ.
Cũng theo thầy N, thầy không thu tiền cố định theo từng quẻ mà chủ yếu là do người đến xem tùy tâm. Theo ghi nhận của PV, mỗi người đến xem đều đặt lễ ít nhất là 100 nghìn đồng, nhiều thì 300 – 500 nghìn đồng. Tính ra mỗi ngày Tết thầy có ít nhất 20 khách thì thu nhập cũng rơi vào khoảng 5 – 7 triệu đồng /1 ngày.
Không riêng gì “bộ môn” gieo quẻ của thầy N. là đông khách, thầy D – một thầy xem tử vi mới bước vào nghề ở phố Núi Trúc dù chưa nổi tiếng lắm nhưng khách cũng ra vào nườm nượp.
Thầy D. vốn là đệ tử ruột của một thầy bói nổi tiếng tên Thuận, bên Gia Lâm, nhưng sư phụ đã quy tiên, thành ra các mối quen đều tìm đến thầy D. để nhờ cậy.
Video đang HOT
Thầy bói D. ở phố Núi Trúc nghiên cứu sách, đọc vận hạn cho khách đến xem
“Tôi chỉ xem cho những người thân quen thôi, chứ người ngoài thì ít xem lắm. Đây không phải là xem bói mê tín dị đoan mà có khoa học hẳn hoi, thậm chí mấy ông thầy xem bói ở các đền chùa còn đến tận đây nhờ tôi xem ngày giờ cưới xin cho con cái họ. Họ bảo bụt chùa nhà không thiêng”- vừa nói thầy D. vừa cười sảng khoái.
Không giống như thầy N. với chuyên môn gieo quẻ, thầy D chuyên xem về việc làm ăn, tuổi nào hợp, mệnh nào hợp, ngày giờ đẹp và đặc biệt là tuổi nào nên kết hôn với người tuổi nào, sinh con năm nào.
“Kinh tế khó khăn, bạn bè làm ăn kinh doanh nhiều nên đều tìm đến để xem ngày giờ đẹp, hợp tác làm ăn với tuổi nào thì hái ra tiền. Rồi họ thấy đúng nên người này giới thiệu người kia, toàn là chỗ quen biết nên giờ cũng đông lắm. Cái quan trọng là không phải mình xem bói mê tín mà xem theo khoa học.” – Thầy D. chia sẻ.
Cũng giống như thầy N, thầy D. không thu tiền cố định của khách đến xem mà cũng “tùy tâm”. Song, với địa điểm xem tương đối hoành tráng, nội thất nhà thầy lại toàn đồ “xịn” nên mỗi khách đến xem đều phải biếu thầy ít nhất là 200 – 500 nghìn. Thậm chí nếu thầy nhiệt tình, xem kỹ và xem lâu thì lên đến 1 – 2 triệu đồng/ 1 khách. Tính ra một ngày, thầy D. cũng thu nhập đến 10 – 12 triệu đồng.
Đổ xô đi xin sim phong thủy hoãn nợ
Ngoài các hình thức xem bói như: bói bài tây, gieo quẻ, xem tử vi… thì mới đây tại Hà Nội đang xuất hiện một hình thức mới là xem sim phong thủy. Và với sự khó khăn, phá sản của nhiều doanh nghiệp thì cũng không ít doanh nhân tìm đến thầy sim phong thủy như một “cứu cánh” .
“Thực chất đây là bộ môn số học thống kê dựa theo các tần số riêng của mỗi con số. Mỗi con số đều mang một ý nghĩa, tần số nhất định và sự kết hợp của các con số cũng sẽ đem đến cho người sử dụng những vận hạn, bệnh tật khác nhau. Chẳng hạn như có sim số khiến người sử dụng trở nên xinh đẹp, có người gặp may mắn, có người tiềm lực kinh tế mạnh, có người được nhiều người giúp đỡ, có người giảm bớt tính nóng, sức khỏe tốt và có người dùng loại số đó sẽ không ai đòi được nợ” – Thầy Hoa Kiều Phong chuyên xem số sim phong thủy gần Văn Miếu cho biết.
Cũng theo thầy Phong, do năm nay khó khăn nên rất nhiều doanh nhân tìm đến thầy để xin số điện thoại hoãn nợ, tránh rủi ro. “Số điện thoại này sẽ giúp cho người sử dụng không bị các chủ nợ của mình truy tìm. Mỗi khi người ta có ý định đi đòi là tự nhiên sẽ bận một việc gì đó, có một chuyện tự nhiên xảy ra khiến người ta quên mất hoặc không có cơ hội để đi đòi nợ, giúp cho doanh nghiệp có thời gian phục hồi lại ” – thầy Phong nói.
Với thể loại sim mới này, đã có không ít người tìm đến thầy Phong, khiến cho lượng khách của thầy tăng vùn vụt. “Trung bình mỗi ngày bình thường có ít nhất chục người đến mua sim phong thủy, và nhiều nhất vẫn là tìm mua sim hoãn nợ, hút tiền. Còn như Tết này thì lượng khách đông hơn rất nhiều làm không kịp với nhu cầu của khách”.
Những con số đầu năm tại các lễ hội làm cho dư luận giật mình
Trước lễ khai hội Chùa Hương có tới 10 vạn người đã đến lễ tại Hương Sơn. Trong ngày khai hội gần 6 vạn người, chen chúc trong mưa rét để được cầu tài cầu lộc trước bàn thờ Phật chùa Thiên Trù.
Hàng vạn người khác từ xa bái vọng lên Hương Tích vì bất lực trước biển người đứng ép vào nhau trên những dặm đường núi.
Đêm giao thừa, sáng mồng một, hàng vạn người Hà Nội đổ về mảnh đất vài nghìn m2 của Phủ Tây Hồ mù mịt khói hương, tắc đường từ Quảng An tới tận Yên Phụ. Ngày khai hội chùa Bái Đính, có 10 vạn người đến lễ Phật. Đầu xuân trên 10 vạn người đến lễ tại đền Bà Chúa Xứ…
Theo 24h
Hà Nội: Lũ lượt đi xem bói ở... gốc cây xà cừ
Không cần mời chào, lôi kéo hay dụ dỗ mà mỗi ngày vẫn có tới vài chục người kéo nhau đến gốc cây xà cừ trên đường Trung Văn (Từ Liêm, HN) để được... xem bói.
Không cần lôi kéo hay mời chào như các hàng bói dạo khác, bà cụ vẫn luôn đông khách. Nhất là các bạn trẻ.
Bà lão xem bói có thu nhập "khủng"
Ngồi ngay dưới gốc cây xà cừ lớn bên cạnh ngã tư Lê Văn Lương - Trung Văn (thuộc quận Từ Liêm - Hà Nội) là bà lão đã gần 80 tuổi.
Anh Phạm Văn Khang, một công nhân xây dựng ở công trình gần đó cho biết: "Từ khi đi làm ở đây, tức là gần 2 năm nay, tôi đã thấy bà ấy ngồi ở đó rồi, không ai biết bà ấy tên gì, chỉ thấy lúc nào đi qua cũng có 5 - 7 người bu xung quanh. Hỏi ra mới biết là bà ấy ngồi đó để hành nghề xem bói".
"Nhìn bà ấy lúc nào cũng lôi thôi, cũ cũ vậy, nhưng mà đại gia lắm. Bà ấy có cả một xe ôm riêng chuyên đưa đi đón về. Bởi vì khách của bà ấy rất đông. Ngày nào cũng phải có ít nhất là 15 - 20 người đến xem. Mà mỗi lần xem bói đơn thuần, tức là xem 1 trong các đường như công danh, sự nghiệp, con cái, hay học hành ... bà ấy thu về 30 nghìn/người. Nếu xem cả cuộc đời, hoặc muốn ghi âm lại lời bà ấy nói thì phải trả cho bà ấy 50 nghìn/lượt xem."- anh Khang nói thêm.
Theo anh Khang, cũng chính vì khách của bà lão đông, nên một vài quán nước cũng đã tranh thủ mở ra ngay cạnh khu vực bà lão ngồi hành nghề để tận dụng lượng khách đang chờ đến lượt.
Chị T. - chủ quán nước chè ngồi cạnh bà lão cho biết: " Trung bình một ngày, bà ấy thu nhập khoảng 700 nghìn đến 1 triệu, nên mình cũng mong "hưởng sái" của bà ấy, mỗi ngày kiếm lấy mấy chục nghìn từ những vị khách đang phải ngồi chờ đến lượt.
Vừa xem bói, vừa chửi
Vẫn theo lời của chị hàng nước. Mặc dù xem bói kiếm tiền, nhưng chẳng có ai đanh đá và bất cần như bà. Chỉ cần trái ý là bà sẵn sàng trả lại tiền rồi đuổi khách ... thẳng cố. Thế nhưng, không có vị khách nào lại tự ái mà bỏ về.
Xem tay và phán.
Trong số những người đến chỗ bà lão để xem bói, chị T. bảo, phần lớn là các bạn trẻ, học sinh hoặc sinh viên.
"Lúc đầu đến xem, trông mặt ai cũng háo hức, nhưng xem xong rồi thì có người hân hoan vui sướng vì nghe được tin tốt lành. Có người lại tím tái ủ rũ vì bị phán không hay" - chị T nói thêm.
Có đôi bạn trẻ, chuẩn bị đến ngày cưới, không biết nghe đồn ở đâu mà cũng dắt nhau tới chỗ bà lão để xem bói.
Chẳng ngờ, cặp đôi này vừa đọc xong tên tuổi, ngày tháng năm sinh thì bà lão đã phán cho một câu chắc nịch: "Nhất định phải bỏ". Bởi vì "hai cái tuổi này mà lấy nhau thì chỉ cần cưới xong là anh con trai sẽ chết".
Hàng nước bên cạnh lúc nào cũng có khách của bà đang ngồi chờ để được xem bói.
Lại có một anh, lấy vợ đã 4 năm vẫn chưa có con nên cũng đến nhờ bà xem giúp cho đường con cái. Nhưng, chưa kịp đi vào vấn đề chính thì anh thanh niên này đã bị bà lão nổi giận đuổi ra ngoài chỉ vì cái tội cãi lại khi thấy bà nói sai về anh em nhà mình (nhà cậu có 3 anh chị em, nhưng bà lão lại khăng khăng khẳng định rằng nhà cậu có 5 anh chị em). Mãi sau, anh thanh niên phải khẩn khoản xin lỗi thì bà lão mới chịu phán tiếp.
Ấy vậy nhưng, một buổi chiều mục sở thị ở chỗ xem bói của bà lão mới thấy, lời người ta đồn chẳng sai. Rất nhiều khách đến chỗ bà để xem, lại có người, chờ cả buổi, nhưng lúc gần đến lượt thì đến giờ bà lão phải về, thế là đành ngậm ngùi chờ... hôm sau đến tiếp.
Theo xahoi
Thầy bói "song ngữ" khiến con nhang tròn mắt Mỗi lần bói bằng tiếng Anh, cô M. đều nhận được những ánh mắt rất "ngưỡng mộ" của các con nhang, đệ tử chỉ vì những câu nói Việt - Anh xen kẽ. Cô M. đang xem bói cho khách Đi xem bói phải thâu băng Được cô bạn thân rỉ tai về thông tin có một bà bói tên M. rất "linh"...