Dân dã cháo rau chạy
Cháo rau chạy là một món ăn dân dã của người dân miền Tây Nam Bộ, thơm ngon, thanh mát, có tác dụng giải nhiệt trong những ngày nắng nóng.
Rau chạy hay rau choại là một loại dây leo thuộc họ dương xỉ, có mặt nhiều ở các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là khu vực rừng U Minh Hạ. Ở vùng sông nước này, người ta có thể bắt gặp loại rau này bất cứ nơi đâu, từ bờ đê, ven sông suối cho đến các con lạch nhỏ.
Đọt rau chạy là nguyên liệu chính để chế biến nhiều món ăn ngon như: xào, luộc, nấu canh chua, nhúng lẩu, nấu cháo… Ảnh: Khánh Hòa.
Người dân ở đây thường ngắt những đọt non của rau chạy về làm nguyên liệu để chế biến nên nhiều món ăn ngon như luộc, xào, nấu canh chua… Trong đó, món cháo được nhiều người ưa thích nhất. Bát cháo nghi ngút khói thơm nồng vị tiêu, những đọt chạy ăn giòn sần sật, có vị ngọt thanh đem lại cho người ăn cảm giác lạ và ngon miệng.
Cháo rau chạy chế biến không khó. Người miền Tây khi ăn món này thường cắp rổ đi dọc theo các con kênh để ngắt đọt chạy, theo kinh nghiệm, chỉ ngắt những đọt chạy quăn lại như con cuốn chiếu, đó là những đọt chạy còn non, khi ăn giòn sần sật, mềm và không dai. Sau khi ngắt đầy một rổ thì đem về rửa sạch và để ráo.
Các nguyên liệu như thịt bằm, nấm rơm, rau chạy được xào chín trước khi cho vào nồi cháo. Ảnh: Khánh Hòa.
Ngoài rau chạy, còn có thêm các nguyên liệu khác là thịt bằm và nấm rơm. Thịt nạc heo rửa sạch bằm nhuyễn, nấm rơm bổ đôi rửa sạch. Bắt nồi lên bếp, cho ít gạo vào rang vàng sơ qua, đổ nước vào và nấu cho đến khi hạt gạo nhừ thành cháo.
Bắt chảo lên bếp, làm nóng dầu và cho ít đầu hành vào phi thơm. Cho thịt bằm, nấm rơm vào xào sơ qua, cho tiếp rau chạy vào xào nhanh trên lửa lớn, nêm gia vị vừa ăn và tắt bếp. Khi nồi cháo chín nhừ, cho hỗn hợp vừa xào vào trong nồi cháo, nêm gia vị lại vừa ăn, thêm một ít tiêu cho nồi cháo thơm nồng, múc ra bát và thưởng thức.
Video đang HOT
Cháo rau chạy dân dã nhưng ngon miệng, có tác dụng thanh nhiệt rất tốt. Ảnh: Khánh Hòa.
Cháo rau chạy rất ngon miệng và bổ dưỡng, vị thanh mát của rau có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng nóng. Riêng với những ngày trời mưa, bát cháo nghi ngút khói và cay nồng vị tiêu đem sẽ khiến người ăn cảm thấy ấm bụng và ngon miệng.
Bạn có thể thực hiện món ăn này theo cách sau:
Nguyên liệu:
- 500g đọt rau chạy. Ở Sài Gòn, bạn có thể mua đọt chạy dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7) hoặc đường về khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh).
- 200g thịt nạc heo, 200g nấm rơm.
- Dầu ăn, tiêu, hành lá, ngò rí, các loại gia vị.
Chế biến:
- Đọt rau chạy nhặt bỏ những phần bầm, dập, ngâm với nước muối, rửa sạch lại và để ráo.
- Thịt heo rửa sạch, bằm nhuyễn. Nấm rơm bổ đôi, rửa sạch.
- Gạo vo sạch, bắt nồi lên bếp, cho gạo vào rang thật khô, cho nước vào nấu nhừ.
- Làm nóng chảo, phi thơm hành. Cho thịt bằm, nấm rơm vào xào sơ, cho tiếp đọt chạy vào, xào nhanh trên lửa lớn, nêm gia vị và tắt bếp.
- Cho hỗn hợp vừa xào chín vào nồi cháo đang sôi, nêm lại gia vị vừa ăn. Tắt bếp, múc ra bát, rắc lên một ít tiêu, hành lá, ngò rí thái nhuyễn và thưởng thức.
Khánh Hòa
Theo VNE
[Chế biến] - Cháo vừng đen
Cháo vừng đen đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa, bổ thận, sáng mắt.
Nguyên liệu:
- 80g gạo tẻ
- 1,5l nước
- 50g vừng đen
- 1 thìa cà phê muối, 1 muỗng canh mật ong (không bắt buộc)
Cách làm:
Ngâm gạo vài tiếng hoặc qua đêm. Sau đó bạn vo sạch rồi cho vào máy xay, xay nhuyễn với 500ml nước.
Bạn có thể xay qua hoặc xay nhuyễn tùy theo ý thích.
Đổ gạo xay vào nồi, thêm 500 - 600ml nước nữa.
Bạn bật to lửa đun đến khi sôi cháo thì vặn nhỏ bếp lại và ninh đến khi gạo nhừ hẳn. Trong khi ninh cháo, bạn nhớ khuấy thường xuyên để không bị cháy nồi.
Đổ vừng vào nồi cháo cùng với muối, khuấy đều. Cho thêm mật ong nếu muốn.
Cháo vừng đen đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa, bổ thận, sáng mắt. Với trẻ nhỏ, người già và phụ nữ có thai thì đây là món ăn vô cùng bổ dưỡng và cần thiết. Không khó để bạn nấu một nồi cháo vừng đen để bồi bổ cho cả nhà vào mỗi sáng hay thậm chí cả bữa trưa hay chiều tối. Nếu thích bạn có thể rắc thêm ít lạc rang giã dập lên tô cháo để ăn kèm sẽ rất thơm ngon.
Theo TTVN
Cháo lá dứa cá linh Đã từng ăn cháo lá dứa ở nhiều nơi, kèm với nhiều thực phẩm như thịt kho, tôm rang, trứng vịt muối..., song, với tôi, không nơi nào ngon như cháo lá dứa cá linh ở Đồng Tháp mùa nước nổi. Môt buôi sáng, chúng tôi đi tìm món cháo cá lóc nổi tiếng của xứ này. Trong khi anh bạn đồng hành...