Dân Crimea ăn mừng “chiến thắng” sau bỏ phiếu
“Tôi vô cùng tự hào. Cuối cùng chúng tôi cũng đã trở về với đất mẹ Nga.”
Đối với cựu cảnh sát Anatoly Krepichev thuộc đơn vị tinh nhuệ Berkut của Ukraine, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea lại là một vấn đề cá nhân.
Sau khi sĩ quan chỉ huy đơn vị Berkut của viên cảnh sát 22 tuổi này bị sát hại trên quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev hồi tháng trước, và chính phủ lâm thời Ukraine lên nắm quyền vài ngày sau đó, Krepichev đã không còn đường quay lại.
Cựu cảnh sát trẻ tuổi này tuyên bố: “Tôi sẽ không đổ một giọt máu nào cho chính phủ tự phong ở Kiev nữa.”
Một người dân Crimea tham gia bỏ phiếu
Quan chức Crimea ăn mừng trước tòa nhà quốc hội dù chưa có kết quả chính thức
Tối Chủ nhật, Krepichev đã hòa mình vào hàng ngàn người ở thủ phủ Simferopol của Crimea, phất cao lá cờ của họ để ăn mừng “chiến thắng” của cuộc trưng cầu dân ý mở đường cho việc sáp nhập Crimea vào với Nga, mặc dù kết quả chính thức vẫn chưa được công bố.
Các quan chức địa phương cho biết kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy 95% người dân Crimea đã nhất trí với phương án sáp nhập Crimea vào với Nga, một phương án được Nga mô tả là “thời khắc lịch sử và đã được chờ đợi từ lâu”.
Những phản đối và đe dọa cấm vận từ phía Mỹ và phương Tây dường như ít có tác động đến Nga và Crimea, khi người dân ở đây ào ạt đổ ra đường ăn mừng chiến thắng trong khi kết quả chính thức chưa được công bố.
Hàng ngàn người dân Crimea đổ ra đường mừng “chiến thắng”
Kết quả sơ bộ cho thấy 95% dân Crimea muốn về với Nga
Tại quảng trường chính ở Simferopol, nơi có tượng đài Lenin, người ta đã tổ chức một buổi hòa nhạc với nhiều bản nhạc yêu nước, trong khi người dân mang theo cờ Nga thi nhau nhảy múa.
Thỉnh thoảng, họ cùng nhau đồng thanh hô “Nước Nga!”, hòa nhịp với tiếng còi xe và nhịp điệu vẫy cờ của đám đông xung quanh.
Video đang HOT
Cô Irina Pustovgarova nói với giọng đầy tự hào: “Đây là sự hân hoan từ trong tâm hồn, chúng tôi ăn mừng cho thành phố và cho toàn thể Crimea.”
Trong bầu không khí sôi sục giận dữ với chính quyền lâm thời ở Kiev, những quan chức mà cả phía Nga và chính quyền địa phương ở Crimea mô tả là “phát xít”, tâm lý ly khai của người dân Crimea càng thêm mạnh mẽ dưới tác động của truyền thông Nga trong suốt nhiều ngày qua.
Cờ Nga tràn ngập thủ phủ Crimea
Bị mô tả là những tên “kẻ cướp” và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống Nga, chính quyền lâm thời ở Kiev càng bị người dân Crimea căm ghét sau khi họ đưa ra đề xuất cấm sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức ở Ukraine.
Truyền thông Nga cũng liên tục lên tiếng cảnh báo về những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới đã lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych và có thể tiến vào Crimea để đàn áp người thiểu số gốc Nga ở đây.
Dưới danh nghĩa bảo vệ đồng bào Nga và những người nói tiếng Nga ở Crimea, Nga đã điều đông đảo lực lượng quân sự tới vùng đất này, phong tỏa các tuyến đường nối liền với Ukraine và bao vây các căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea.
Với sự hiện diện đông đảo của lực lượng Nga trên bán đảo, bà Olga Born, một công nhân nghỉ hưu cho biết: “Nước Nga là người bảo vệ và là tương lai của chúng tôi. Hãy nhìn vào những gì đang diễn ra ở Ukraine hiện nay, mọi người đều mất niềm tin.”
Nhiều người cùng đồng thanh hô “Nước Nga!”
Cựu sĩ quan cảnh sát Krepichev: “Tôi vô cùng tự hào khi trở về với Tổ quốc Nga”
Tuy nhiên các quốc gia phương Tây đều không thừa nhận cuộc trưng cầu dân ý này, và Nhà Trắng đã ra thông báo nêu rõ thế giới sẽ không chịu “im lặng đứng nhìn” trước “mưu đồ chiếm đất rõ ràng” của Nga.
Tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh: “Cuộc trưng cầu dân ý này trái với hiến pháp Ukraine, và cộng đồng quốc tế sẽ không thừa nhận kết quả của nó.”
Thế nhưng với những người dân địa phương như cựu sĩ quan cảnh sát Krepichev, cuộc trưng cầu dân ý này là một con đường để Crimea “trở về với tổ quốc”. Krepichev nói lớn: “Tôi vô cùng tự hào. Cuối cùng chúng tôi cũng đã trở về với đất mẹ Nga.”
Trước đây, Crimea là một phần lãnh thổ của Liên Xô. Năm 1954, nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev trao tặng vùng đất này cho Ukraine nhân dịp kỷ niệm 300 năm Ukraine liên minh với Nga.
Trí Dũng (Theo Global Post) (Khampha.vn)
Điều gì xảy ra nếu Crimea sáp nhập vào Nga?
Người Crimea được cho là sẽ hưởng nhiều quyền lợi hơn nếu quyết định về với Nga.
Ngày 16/3, cử tri trên bán đảo Crimea đã đến các điểm bỏ phiếu để đưa ra lựa chọn của mình về tương lai bán đảo: Hoặc ở lại với Ukraine hoặc về với Nga. Trong khi những người thân Nga hứa hẹn với người dân rằng việc lựa chọn về với "tổ quốc" sẽ giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều người ủng hộ phía Ukraine lại cảm thấy sợ hãi với điều đó.
Vậy cuộc sống của người dân Crimea sẽ thay đổi như thế nào nếu như phương án Crimea về với Nga được thông qua. Những thông tin thực tế sau đâu sẽ giúp giải đáp câu hỏi đó:
Ai sẽ trả tiền lương hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu trí của Ukraine?
Cử tri được thông báo là Nga sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ chi trả tất cả các khoản lương hưu và trợ cấp, và mức chi trả sẽ cao hơn đáng kể. Chẳng hạn như mức lương hưu bình quân hàng tháng ở Nga là khoảng 270 USD, gần gấp đôi mức 150 USD của Ukraine. Và độ tuổi nghỉ hưu cũng sẽ được giảm xuống 5 năm, nghĩa là còn 60 đối với đàn ông và 55 với phụ nữ.
Các công chức, viên chức chính quyền, bệnh viện và trường học có bị mất việc?
Nhà chức trách cam kết rằng sẽ không có người nào đang làm tốt công việc của mình bị sa thải, và hầu hết mọi người sẽ được tăng lương.
Một nữ cảnh sát Ukraine canh gác bên ngoài điểm bỏ phiếu
Trong khi đó, học sinh sẽ được phát sách lịch sử mới, đề cập nhiều hơn tới lịch sử nước Nga, đặc biệt là trong thời kỳ Thế Chiến II, thời kỳ mà cả người Nga và người Crimea coi là "Cuộc chiến Yêu nước Vĩ đại".
Các quan chức còn cho biết ít nhất trong vòng một năm tới, người Crimea sẽ được phép đăng ký vào các trường đại học của Nga mà không phải qua thi tuyển. Sau đó, họ sẽ phải tham gia vào kỳ thi đại học của Nga như bình thường.
Mọi người có được cấp hộ chiếu Nga?
Mặc dù thông tin chưa được công bố cụ thể, song người ta tin rằng tất cả những người nói tiếng Nga ở Crimea sẽ được cấp hộ chiếu của nước này. Những người muốn giữ lại hộ chiếu Ukraine sẽ không bị ép buộc phải rời đi, song họ sẽ không được phép tham gia các cuộc bầu cử ở Crimea.
Việc đi ra ngoài Crimea có gặp khó khăn gì không?
Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Từ bán đảo Crimea chỉ có một số tuyến bay thương mại tới Moscow, Istanbul và Kiev. Ngoài ra còn có một tuyến tàu hỏa chạy tới Kiev. Tuy nhiên nếu như Ukraine và Crimea không thiết lập quan hệ hữu nghị, người dân chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn nếu muốn đi ra ngoài Crimea.
Điều gì sẽ đến với những binh sĩ Ukraine đang bị bao vây trong các căn cứ quân sự ở Crimea?
Họ sẽ được tạo điều kiện để gia nhập vào lực lượng vũ trang mới thành lập của Crimea hoặc quân đội Nga. Còn những người vẫn kiên quyết trung thành với Ukraine sẽ phải rời khỏi Crimea.
Các binh sĩ thân Nga bên ngoài một doanh trại quân đội Ukraine ở Crimea
Những người đổi phe sẽ được hưởng mức lương ngang với các binh sĩ Nga hiện nay, khoảng 600 USD một tháng, so với mức lương 240 USD hiện nay của quân đội Ukraine. Ngoài ra, họ còn được hưởng các khoản phụ cấp về nhà ở rất hào phóng.
Còn Mỹ thì sao? Quan điểm của họ đối với cuộc trưng cầu dân ý như thế nào?
Khả năng Crimea được sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý này là rất cao. Mỹ cho rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu này là không thể chấp nhận được, tuy nhiên họ không thể làm gì để ngăn chặn được nó. Bởi vậy giờ đây Mỹ chỉ còn biết chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Mỹ và EU đã sẵn sàng các biện pháp cấm vận đối với khoảng 120 công dân Nga để có thể thực thi vào ngày hôm sau. Tuy nhiên một số biện pháp cấm vận có thể được hoãn lại nếu các bên đạt được tiến bộ về ngoại giao trước ngày thứ Hai.
Hiện Mỹ, Anh và một số quốc gia khác đang tìm cách thuyết phục Nga kiềm chế hành động sáp nhập Crimea. Theo kịch bản này, sau cuộc trưng cầu dân ý, Crimea sẽ hoạt động như một phần của nước Nga, nhưng về mặt kỹ thuật vẫn là lãnh thổ của Ukraine.
Ngoài ra, phương Tây cũng đang "âm thầm" đe dọa Nga rằng họ sẽ phải hứng chịu thêm nhiều biện pháp cấm vận và trừng phạt khác nếu họ vượt qua khu vực Crimea vào lãnh thổ Ukraine.
Người dân Crimea bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý
Nếu quốc hội Nga kiên quyết sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này và từ chối đàm phán với chính phủ lâm thời ở Kiev, phương Tây sẽ coi đó là bằng chứng chứng tỏ Nga muốn "thôn tính" Crimea lâu dài. Các lệnh cấm vận chắc chắn sẽ được thực hiện, có thể sau đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các ngân hàng Nga và nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Phương Tây chắc chắn sẽ tẩy chay hội nghị G-8 tổ chức tại Sochi, Nga, và có thể hạn chế sự tham gia của Nga vào các tổ chức ngoại giao khác.
Luật pháp sẽ thay đổi như thế nào ở Crimea?
Luật hình sự của Nga và Ukraine được cho là tương tự như nhau. Tuy nhiên các loại giấy tờ nhà đất, xe cộ và các tài sản khác đều phải được đăng ký lại với nhà chức trách Nga trước khi mua bán. Giấy khai sinh và giấy đăng ký kết hôn cũng sẽ được cấp lại. Các luật sư cho biết giấy phép hành nghề do Ukraine cấp cho họ vẫn sẽ có hiệu lực tại các tòa án Nga.
Vấn đề điện và khí đốt thì sao?
Nếu Ukraine cắt toàn bộ hệ thống đường ống dẫn khí đốt, nước sạch và hệ thống truyền tải điện tới Crimea, người dân Crimea có thể sẽ phải chịu cảnh thiếu năng lượng trong một thời gian để chờ Nga lắp đặt các hệ thống tương tự. Tuy nhiên giá xăng của Nga chỉ bằng khoảng 60% giá xăng do chính phủ Ukraine ban hành.
Theo Khampha
3.000 người biểu tình phản đối Crimea sáp nhập Nga Chưa đầy một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, hàng nghìn người đã đổ ra đường phố Moscow để phản đối việc vùng đất này sáp nhập vào Nga. Theo RIA, ước tính đã có khoảng 3.000 người tổ chức biểu tình ở trung tâm Moscow nhằm chống lại sự can thiệp của Nga tới khu vực tự trị Crimea....