Dân chủ trong trường học: Sợ mất quyền lợi nên không dám góp ý?
Hiệu trưởng “lộng hành”, giáo viên không dám lên tiếng, học sinh không được bênh vực… đó là hệ quả của việc thiếu dân chủ trong một số cơ sở giáo dục hiện nay.
Hiệu trưởng là… vua một cõi
Vụ học sinh gặp tai nạn trong Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đã khép lại nhưng bài học về thiếu dân chủ trong trường học dường như vẫn… nóng hổi. Tại hội nghị về quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt câu hỏi: “Hiện tượng như trường Nam Trung Yên có phải phổ biến?”.
Sự thực là, không chỉ Nam Trung Yên, hiện tượng thiếu dân chủ đang diễn ra. Sự thiếu dân chủ giống như cách một số chuyên gia giáo dục từng ví von: “Trường học là một lãnh thổ và hiệu trưởng là… vua một cõi”. Đó cũng là một trong những nguyên dân dẫn tới hàng loạt sai phạm liên quan đến bạo hành trẻ em, tai nạn thương tích, khiếu kiện vượt cấp… diễn ra thời gian gần đây.
Video đang HOT
Dân chủ trường học bị vi phạm, nhiều nhà giáo không dễ dàng được yên ổn để dốc sức cho nghề (Ảnh chỉ mang tính minh họa). T.L
Ngày 23.3, UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng phải công bố quyết định kỷ luật với hình thức giáng chức đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô vì hàng loạt sai phạm liên quan đến thiếu minh bạch trong thu chi tài chính, tuyển nhân sự không đúng quy định, liên kết với trung tâm giáo dục ngoài trường để tư lợi… Điều đáng nói, những sai phạm của bà Nguyệt đã kéo dài nhiều năm (từ năm 2012 đến nay) và nhiều lần đã được giáo viên trong trường góp ý nhưng không hề được chấn chỉnh. Quá bức xúc, hàng loạt giáo viên đã phải khiếu nại vượt cấp.
Giữa tháng 3, dư luận đã rất bất bình về việc một học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP.HCM) nghi bị xâm hại trong trường học. Điều đáng nói, trong khi cơ quan chức năng còn đang trong quá trình điều tra thì Hiệu trưởng trường này đã vội vàng khẳng định trong báo cáo rằng: Học sinh không hề bị xâm hại như gia đình tố cáo. Đồng tình với khẳng định của hiệu trưởng, giáo viên của trường này cũng hùa theo và cho rằng bé gái bị chảy máu vùng kín là do… thích tự sướng.
Như vậy, sự thiếu minh bạch thông tin của lãnh đạo trường với mục đích “giữ danh dự” cho trường không chỉ gây khó khăn cho việc điều tra mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của phụ huynh, khiến học sinh không nhận được sự bảo vệ từ chính thầy cô của mình.
Mới đây, PV Dân Việt cũng nhận được phản ánh của một giáo viên tại Bắc Giang về việc hiệu trưởng trường mình có nhiều việc làm bất hợp lý như: Không đứng lớp vẫn hưởng phụ cấp; giáo viên đã được điều chuyển đi nơi khác cả năm trời vẫn có tên trong danh sách hưởng lương; xậy dựng các công trình xã hội hóa chưa hợp lý… Giáo viên này cho biết, khi anh tìm cách góp ý với hiệu trưởng, không những không ghi nhận, vị hiệu trưởng còn có thái độ khinh ghét, trù dập. “Rất nhiều giáo viên trong trường cũng bức xúc với hành vi của hiệu trưởng nhưng vì “miếng cơm manh áo”, sợ bị “đì”, sợ mất thi đua nên không dám góp ý, không dám lên tiếng” – giáo viên này nói.
Còn hình thức?
Công khai và giải trình là các yếu tố quan trọng để đảm bảo dân chủ trong các cơ sở đào tạo. Nơi nào người đứng đầu làm tốt thì dân chủ được thực hiện, còn nơi nào người đứng đầu không làm tốt thì việc thực hiện tuy đầy đủ nhưng chỉ mang tính hình thức, đối phó”.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GDĐT
Thừa nhận điều này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, hiện các văn bản quy định về thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục tương đối đầy đủ, tuy vậy, việc thực hiện dân chủ trên thực tế vẫn còn hình thức và đối phó.
“Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp. Ví dụ, vụ việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), hiệu trưởng chuyên quyền độc đoán, xử lý vấn đề vi phạm hoàn toàn quy chế dân chủ nên đã đẩy sự việc đi quá xa, gây hậu quả nặng nề” – bà Nghĩa nói. Bà Nghĩa cũng cho rằng, việc thực hiện dân chủ trong trường học có đầy đủ hay không, minh bạch hay không có trách nhiệm lớn từ người đứng đầu.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, việc thực hiện dân chủ chưa hiệu quả một phần là do bản thân nhiều giáo viên chưa nhận thức được điều này, không để ý đến quy chế dân chủ, không tham gia góp ý kiến nhưng khi sự việc xảy ra lại thắc mắc, khiếu nại.
Còn ông Bạch Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thì cho rằng, nguyên nhân chính khiến việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học không đầy đủ là do khâu tuyển dụng giáo viên hiện nay thiếu minh bạch. “Một giáo viên được tuyển dụng thiếu minh bạch khi trở thành một hiệu trưởng, trải qua đầy đủ các mánh lới thì mất dân chủ là điều đương nhiên” – ông Chiến nói.
Ông Chiến cho rằng, ngoài việc không nên giao quyền tuyển dụng giáo viên cho địa phương, Bộ GDĐT cần nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hành và đánh giá dân chủ trong trường học. Khi đó, giáo viên có thể đánh giá lẫn nhau và đánh giá hiệu trưởng của mình với cấp trên mà không sợ bị trù dập.
Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trách nhiệm thiếu dân chủ trong trường học là của cả hệ thống, nhưng trước hết là của giáo viên, ban lãnh đạo, của hệ thống quản lý giáo dục các cấp. Ông đề nghị phải rà soát lại các quy chế, quy định về việc tuyển dụng, bổ nhiệm giáo viên, xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát để có thể đo đếm được việc thực hiện dân chủ chứ không thể để chung chung như trước.
Theo Danviet