“Dân chơi” học trò đổ bộ sàn trượt patin
Một số ít thanh thiếu niên trong độ tuổi mới lớn luôn muốn khẳng định nhu cầu “được chơi” bằng những cuộc chơi sặc mùi xã hội đen và đậm chất bạo lực ở những nơi mà nhiều người không ngờ tới.
Xuống phố là… giắt “hàng”
Trong vai một đệ tử mới tập tành bước vào chơi bộ môn nghệ thuật “cuốn mình trong gió”, tôi bước chân vào thế giới của nhạc Dance và đường trượt tại khu trượt patin Z751 khá nổi tiếng ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Trái với mường tượng ban đầu, không khí sàn trượt vô cùng sôi nổi và hứng khởi. Sau khoảng 1 giờ bầm dập vì bị ngáng chân té, giày trượt cán lên tay, bị huých ngã, tôi làm quen được với một cậu thanh niên còn trẻ với mái tóc vàng hoe, một lỗ tai xỏ khoen ra vẻ rất sành điệu. Tr. Đang là học sinh trường Bán công Yên Thế và là khách ruột của sàn patin này.
Vừa cầm tay lôi tôi đi, cậu vừa chỉ về phía dốc có 3,4 cô gái chỉ độ tuổi 14- 15 với những bộ đồ không thể ngắn hơn: “Tụi đấy là bạn chung nhóm của em, rất free (tự do) và cũng chịu quậy”. Bất chợt cậu nhóc đẩy tôi lên trên dốc khiến tôi trượt tự do bằng… mông và va chạm với hai thanh niên đang ngược lên. Chưa kịp xin lỗi, tôi đã nghe: “Đ.M! Mày biết đi không vậy? Không có mắt hả mày? Tao đập chết m… mày bây giờ”. Ngay lập tức, khoảng 5 cậu nhóc dân chơi tuổi tầm 16-17 xúm lại chỗ tôi đòi gây sự. May nhờ có bảo vệ dẹp loạn tôi mới yên thân chạy ra sát góc tường. Tuy vậy tôi cũng không thoát khỏi những ánh nhìn hằn học.
Tr. bỏ nhỏ tai tôi: “Anh coi chừng tụi nó phục ở ngoài cửa đấy. Ở đây chuyện chặn đánh bên ngoài xảy ra thường xuyên lắm, mấy thằng đó là dân đàn anh ở đây, lúc nào mà tụi nó chẳng “giắt hàng” theo”. Thấy tôi ra chiều không hiểu, Tr. giải thích thêm: “Anh không biết đó thôi chứ tụi này em rành quá mà, hễ ra phố là tụi nó lạn theo dao, mã tấu ngắn để hễ có chuyện là lấy ra nói chuyện”.
Sau vài ngày liên tục đi trượt patin, tôi nhận thấy có rất nhiều học sinh THCS, PTTH các trường gần đó từ Yên Thế, Nguyễn Công Trứ, Phạm Ngũ Lão cho đến Gia Định. Hầu như không ngày nào là không thấy bóng dáng học trò đến đây trượt, cũng như xung đột giữa các nhóm “dân chơi” với nhau. Mà nguyên nhân toàn những chuyện vụn vặt như đụng nhau, cán phải tay nhau hay trêu chọc bạn gái nhóm khác… Có hôm, một cậu nhóc đã phải chạy trối chết khi bị cả đám hơn 7 tên rượt đánh bằng mã tấu vì tội “vô tình” đụng nhau trong lúc trượt.
Video đang HOT
Một “điểm đen” về tệ nạn
Dân chơi ở đây thường là những cậu nhóc còn rất trẻ, tụ tập thành nhóm hết sức manh động. Nguy hiểm hơn, “hàng” thường được dân chơi giấu dưới yên xe hay các bụi cây ven đường để dễ lấy xử nhau.
Khu vực này không chỉ phức tạp bởi những mâu thuẫn trong sàn trượt mà đây còn là địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm và cướp cạn. Ngay ngã ba gần chợ Căn cứ 26 luôn lảng vảng những “bóng hồng” ăn sương, thực trạng này thật sự rất nguy hiểm khi mà thành phần chủ yếu tới đây chơi là lứa tuổi mới lớn.
Tronng những ngày lân la tìm hiểu, tôi làm quen với N., sinh viên đại học Hồng Bàng và B., học sinh lớp 10 trường G.V. B cho biết: “Thường thì sau khi hết giờ trượt, bọn em tạt qua café hoặc ghé mấy tiệm bida để đánh độ, chơi bài và tìm… người gây sự”. Tôi cũng may mắn được B. dẫn đi chơi cùng nhóm “dân chơi” và toát mồ hôi vì sự manh động của những cậu nhóc choai choai này.
Chỉ với một xích mích rất nhỏ tại bàn bida giữa một cậu nhóc trong nhóm và một thanh niên bàn bên cạnh khi anh ta sơ ý chạm vào bụng cậu nhóc, cả đám lập tức muốn hỏi tội anh kia bằng mã tấu. Nếu không nhanh chân xuống nước xin lỗi, e rằng anh thanh niên hôm đó sẽ pải lãnh dấu dao trên người.
Hỏi cô bé Q. trong nhóm, cô bé trả lời tỉnh queo: “Mấy ảnh vậy không hà, em nói hoài nhưng có ai chịu nghe đâu, hở tí là đòi đánh lộn. Mới bữa trước anh Huân bể đầu cũng vì đánh nhau với đám bên Z751. Mang theo dao thì sợ công an nhưng đôi lúc cũng phải giắt theo “hàng” để thủ thân chứ anh”.
Đây quả thật là điều đáng lo ngại khi phần lớn những thanh niên đi chơi dêm, tụ tập theo nhóm đều có săn máu… côn đồ. Với sự manh động cùng tính bốc đồng, thiếu suy nghĩ, những “dân chơi” này có thể sẽ phải gành chịu hậu quả sau những hành động kiểu chợ búa.
Theo Nguoiduatin
"Lật tẩy" sống thử hậu tốt nghiệp
Biết Hải sẽ về quê xin việc sau khi nhận bằng mà không hề có ý rủ mình theo cùng, Lương khóc: "Thì ra anh rủ tôi về sống cùng chỉ vì cần có người hầu hạ cơm nước, giặt giũ lúc xa nhà?"
Sống thử vì cần người... hầu hạ
Thời điểm ra trường là biến cố quan trọng của nhiều mối tình sống thử của SV xem tình yêu có thể tiếp bước hay không. Với nhiều con đường, lối rẽ trong công việc, tương lai, nhiều sự thật về sống thử mà người trong cuộc không ngờ đến được "lật tẩy".
Đang trong thời gian chờ bằng, không háo hức tìm chỗ xin việc hay chuẩn bị cho những dự định cho mình, Lương, tân cử nhân ngành sư phạm lại đang vô cùng suy sụp sau khi "bóc trần" tình cảm của Hải, khi hắn ta thẳng thừng: "Sống thử với Lương chỉ vì sống xa nhà, cần người hầu hạ cơm nước, giặt giũ".
Cách đây hai năm, chính Hải thuyết phục: "Anh yêu em lắm, chỉ muốn ngày nào cũng được ở bên em", Lương tin tuyệt đối vào tình cảm của anh. Sống với nhau thấy tình yêu của Hải không còn mặn nồng như hồi tán tỉnh nhưng Lương tự an ủi rằng sống chung ai chả bớt lãng mạn, miễn là Hải vẫn thuộc về cô. Hơn nữa, Hải cũng nhiều lần hứa hẹn, ra trường nếu không cùng ở lại thành phố thì cả hai sẽ về quê anh.
Không phải những "tổ ấm" từ sống thử đều xuất phát từ tình cảm (Ảnh minh họa)
Sắp ra trường, Hải lại càng làm ngơ trước dự định tương lai trước đây với Lương và giờ chỉ chờ nhận bằng là cậu ôm đồ tạm biệt thành phố về quê làm việc, để mặc bạn gái với sự thật đau đớn trên.
Khi quyết định sống thử ai chẳng nghĩ vì yêu quá nên muốn được sống với nhau, để tiện chăm sóc nhau. Nhưng thực tế đôi lúc không hẳn vậy, ngoài tình yêu có vô vàn lý do để người ta quyết định sống thử và điều này rất dễ bị "lộ tẩy" trước một biến cố nào đó.
Không chỉ con gái mới là nạn nhân của việc sống thử mà có trường hợp, nam nhi cũng bị... lừa. Quang Đức, 24 tuổi, nhân viên đồ họa của một cửa hàng quảng cáo ở Q. Tân Phú, TPHCM cũng đang trải qua những ngày sốc mà có nằm mơ cậu cũng không hình dung nổi. Khi Đức ra trường đi làm thì gặp và yêu Nhi, cô gái quê ở Thanh Hóa theo học tại một trường CĐ.
Đức yêu Nhi thật lòng, lại thấy cô hiền lành nên khi cô đồng ý sống thử, anh đã đinh ninh cô hoàn toàn thuộc về mình. Ba năm trời Nhi theo học ở thành phố, Đức lo cho cô hết mọi thứ, không để cô thiếu thốn thứ gì từ tiền học, tiền ăn và anh còn vay mượn tiền mua xe máy cho "vợ yêu". Cũng vì thế mà đi làm đã lâu nhưng Đức chả có đồng vốn nào, cũng không hề giúp đỡ được gia đình.
Khi Nhi sắp tốt nghiệp, Đức nóng lòng nghĩ đến một đám cưới của hai người. Anh còn tự hào khoe để "nâng giá" cho bạn gái: "Trong 100 cặp sống thử, cậu nào rồi cũng bỏ người yêu hết. Chỉ có tôi cầu hôn mà em Nhi còn chưa gật đầu". Nói vậy thôi chứ cậu chắc như đinh, Nhi không lấy mình thì lấy ai.
Thế mà sau khi tốt nghiệp, Nhi nói về quê mấy ngày rồi mất tích luôn, Đức không thể nào liên lạc được. Đức nghỉ làm lặn lội theo địa chỉ gia đình Nhi để tìm thì mới hay, cô đã có người yêu ở quê mấy năm nay, là con ông chủ tiệm bán vàng ở thị trấn.
Gặp Nhi nói chuyện lần cuối, Đức bẽ bàng khi Nhi thật lòng thú nhận thời gian qua chỉ lợi dụng để anh chăm lo, đưa đón mình vì "còn gái một thân một mình ở thành phố" chứ cô xác định lấy anh bạn cùng quê.
Bài học đắt giá
Rất nhiều SV sống thử, đến khi ra trường, đứng trước lựa chọn của tương lai mới biết kẻ mình trao hết tình cảm, cuộc sống lâu nay chỉ đến với mình vì một lý do nào đó chứ không từ tình yêu. Điều này có thể là một cú sốc nặng nề mà không phải ai cũng có thể vững tâm vượt qua nổi.
Khó khăn hơn nữa là những SV sống thử trong quá trình học tập thường không có những định hướng cụ thể cho tương lai của mình vì còn phụ thuộc vào người kia, hoặc định hướng đó không thực hiện được. Thế nên, khi tình yêu tan vỡ họ không phải chỉ phải chống chọi với việc thất tình mà con đường sự nghiệp cũng trở nên bấp bênh hơn.
Như Lương, giờ cô không biết gượng dậy thế nào sau khi nhận ra sự lừa dối của Hải. Giờ đây, khi bạn bè rậm rịch thực thực hiện những dự định của mình như đi làm, học thêm... thì tài sản 4 năm học của Lương gần như là con số không. Bởi vì yêu Hải nên tâm lý lâu nay của cô là chờ người yêu mới cùng quyết. Đến lúc này, Lương cũng chỉ có thể tự trách mình đã ngô nghê, tự đặt bản thân vào cuộc sống "đùa với dao".
Ngoài nạn nhân là người đáng trách thì những kẻ lợi dụng tình cảm người khác cũng không dễ dàng có được kết cục tốt đẹp. Như Nhi, tưởng rằng sau 3 năm trời lợi dụng tình yêu của Đức, giờ cầm tấm bằng về nhờ anh người yêu giàu có ở quê xin việc và cưới là yên thân. Nào ngờ, anh người yêu ở quê giờ mới nhận ra, mấy năm đi học ở thành phố, Nhi đã lừa dối mình, đi lại với Đức thì bỏ ngay không thương tiếc.
Nhi còn thanh minh, chỉ yêu Đức cho vui thì càng bị anh chàng ngỡ là chồng sắp cưới khinh bỉ vì: "Chỉ vì yêu cho vui mà cô chấp nhận ăn ở với người ta như vợ chồng". Giờ Nhi đang chơi vơi chẳng biết làm thế nào vì với tấm bằng của cô về quê không có tiền của anh người yêu thì cũng chẳng thể nào xin nổi việc.
Ngay cả việc sống thử xuất phát từ tình yêu cũng đã dễ gặp trắc trở khi ra trường thì những tình cảm bắt nguồn từ vụ lợi chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả không hay. Đây có lẽ là điều cảnh tỉnh cho những bạn trẻ không lường được hết hậu quả của việc sống thử.
Theo VietNamNet
Hỏng việc, mất mạng vì bói toán Nhiều người quá mê mụ bói toán, kén chọn giờ tốt, ngày tốt, xem phong thủy với mong muốn tránh xung khắc và hy vọng sẽ gặp nhiều điều may mắn. Chính điều này kéo theo bao hệ lụy, tốn kém, thậm chí vẫn gặp rủi ro và mất mạng như thường... Bốn "thầy" chọn một ngày cưới vẫn... hỏng Việc chọn ngày...