Dân chợ Cồn đồng ý di dời
- Trong cuộc đối thoại ngày 20-3, các hộ dân đồng tình nhường đất khu vực chợ Cồn, Đà Nẵng để làm trung tâm thương mại.
Chiều 20-3, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trần Thọ và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ trực tiếp đối thoại với 110 hộ dân sống tại khu vực chợ Cồn (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) về phương án giải tỏa khu vực này để xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ.
Dân đồng ý mới làm
Mở đầu cuộc đối thoại, ông Trần Thọ cho biết: Từ năm 1975 đến nay đời sống của 110 hộ dân sống tại khu vực chợ Cồn vẫn không thay đổi. Có những căn nhà chỉ 8-10 m2 mà có tới 2-3 thế hệ cùng ở. Điều kiện sinh hoạt không thuận lợi, nhà cửa nhếch nhác như ổ chuột. Trong khi đó các khu vực khác đã khang trang hơn, đời sống người dân được nâng cao.
“Vì vậy, chúng tôi muốn bàn với người dân về việc giải tỏa khu vực này trước khi TP đưa ra quyết định. Nếu được 80% bà con đồng ý, chúng tôi mới làm. Còn không sẽ tiếp tục vận động khi nào đủ 80% mới triển khai” – ông Thọ chia sẻ. Cũng theo ông Thọ, hiện TP chỉ lên phương án, hỏi ý dân trước chứ chưa có nhà đầu tư hay doanh nghiệp nào đặt vấn đề. Chính quyền không muốn giải tỏa rồi đi cưỡng chế, gây mâu thuẫn giữa Nhà nước và nhân dân.
100% người tham dự đối thoại đồng ý với chủ trương của TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Thấy đa số người dân gật gù, ông Thọ nói tiếp: Các hộ dân khu vực chợ Cồn sẽ được bố trí đất, căn hộ ngay tại quận Hải Châu để tiếp tục buôn bán tại khu vực chợ. Ngoài ra, TP sẽ đưa ra các hỗ trợ khác để người dân sống tốt hơn so với trước đây.
Ông Phan Lạc (tổ 10, khu vực cầu Vồng 2) phát biểu: Nhà ông chỉ có 47 m2 và từ lâu 15 nhân khẩu phải sống chui rúc trong đó. Ông đồng ý di dời nhưng đề nghị lãnh đạo TP phải tạo điều kiện để cuộc sống người dân được tốt hơn. Còn bà Nguyễn Thị Hường (tổ 10) bộc bạch: “Chúng tôi đã sống ở đây hơn 50 năm, sống được là nhờ vào chợ Cồn. Cứ sáng ra chợ là kiếm cơm nuôi cả nhà. Chúng tôi là những người không có trình độ, chỉ biết buôn bán nên mong TP giữ đúng lời hứa, bố trí chúng tôi ở gần chợ để có thể kiếm sống qua ngày”.
Video đang HOT
100% đồng tình
Sau khi nghe hết ý kiến người dân, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định TP sẽ giải quyết thỏa đáng và hợp lý cho mọi người dân. Nhiều hộ chưa làm giấy đỏ hay ở thuê lâu năm vẫn sẽ được TP cân nhắc bố trí chỗ ở. Ông Trần Thọ cũng cam kết sau khi chuyển đến nơi ở mới người dân khu vực chợ Cồn sẽ có đời sống tốt hơn.
Thái độ mềm dẻo của lãnh đạo Đà Nẵng đã khiến cuộc đối thoại tưởng sẽ “nảy lửa” lại hóa thành ngày hội. Khi ông Trần Thọ xin biểu quyết thì 100% người dân đồng ý ra đi và được bồi thường, bố trí đất tái định cư. Điều này khiến ban tổ chức đối thoại cũng không thể ngờ tới. Khi thấy người dân quá hào hứng, ông Thọ và ông Thơ phải nhắc đi nhắc lại “bà con cứ suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định, không phải vội”.
Sau khi được người dân đồng ý, ông Trần Thọ cho biết Thường trực Thành ủy sẽ họp lại một lần cuối để đến ngày 20-4 đề xuất chủ trương xây dựng. TP sẽ đưa chủ trương này ra kỳ họp HĐND TP vào tháng 6-2015 để biểu quyết. “Nếu được HĐND chấp thuận, TP sẽ ghi vốn, tiến hành bồi thường cho người dân. Hộ nào quá khó khăn, khi nhận đất thiếu tiền xây nhà thì TP sẽ vận động hỗ trợ” – ông Thọ cam kết.
LÊ PHI
Theo_PLO
Đà Nẵng họp dân xin ý kiến về việc giải tỏa "khu ổ chuột"
Chiều 20/3, ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã gặp gỡ 101 hộ dân sống ở "khu ổ chuột chợ Cồn" để lắng nghe ý kiến của họ về việc có nên giải tỏa khu dân cư này hay không.
Do ảnh hưởng của dự án treo quy hoạch chợ Cồn thành Trung tâm thương mại nên nhiều năm nay, người dân ở khu vực chợ Cồn (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phải sống trong cảnh chật chội, nhà cửa xuống cấp không được sữa chữa, cơi nới.
Ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho biết, sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo thành phố có xuống kiểm tra, thấy cuộc sống của người dân ở đây hết sức chật chội, một gia đình với 2 - 3 thế hệ cùng sống, có nhà chỉ 3m2. Vì thế, mặc dù hiện nay, dự án Trung tâm thương mại chợ Cồn vẫn chưa tìm được nhà đầu tư nhưng thành phố cũng muốn bố trí cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, trước khi triển khai, chúng tôi phải nghe ý kiến của dân và sau đó sẽ bàn bạc lại.
Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và người dân "khu ổ chuột chợ Cồn"
"Trong buổi gặp gỡ hôm nay, bà con hãy phát biểu tập trung vào những vấn đề như sau: Có nên giải tỏa để tổ chức lại cuộc cho người dân hay không? Khi giải tỏa sẽ đụng chạm đến việc đền bù. Và đền bù theo giá nào: Nếu đền bù theo giá Nhà nước thì bố trí tái định cư theo giá Nhà nước (tùy theo diện tích đất thu hồi). Cách thứ 2 là đền bù theo giá thị trường thì sẽ bố trí tái định cư theo giá thị trường. Hai phương án đó, bà con thấy phương án nào tốt hơn?
Còn đền bù theo giá Nhà nước: Nếu dưới 50m2, thành phố sẽ bán lại một căn hộ chung cư mới theo giá Nhà nước (ở đường Ông Ích Khiêm hoặc đường Đống Đa) hoặc một lô đất tái định cư theo giá Nhà nước. Nếu trên 50m2: vừa bán một căn hộ chung cư và thêm một lô đất tái định cư (tùy theo diện tích đất thu hồi ít hay nhiều)" - ông Trần Thọ nêu ý kiến.
Ông Võ Đạt (tổ 10, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cho biết, thành phố có chủ trương giải tỏa để khang trang, đẹp đẽ hơn là rất tốt. Ông Đạt đồng ý với chủ trương đền bù theo giá nhà nước.
Một người dân phát biểu ý kiến
Ông Hồ Văn Hề (tổ 11, phường Hải Châu 2) cho biết: "Vừa rồi ông Bí thư đưa ra cách tính thử rất hay. Tuy nhiên, các hộ ở đây, họ khác nhau về diện tích nhưng cũng giống nhau là một hộ. Vì thế thành phố hãy giúp đỡ để làm sao những hộ có diện tích đất ít có cuộc sống tốt hơn. Bởi những hộ đất ít sẽ được đền bù ít, không đủ tiền để trả nợ. Đến một lúc nào đó họ phải bán trả tiền để nợ và lại đi ở nhà thuê".
Ông Huỳnh Đức Thơ trả lời: Thành phố chỉ có thể giúp trong sự công bằng, bình đẳng chứ không thể giúp cho người này mà không giúp cho người khác. Bởi những hộ khó khăn của thành phố vẫn còn nhiều.
Bà Nguyễn Thị Hương (tổ 10, phường Hải Châu 2) có ý kiến: "Cách đây 13 năm, chúng tôi được phường gọi lên và cho biết, chúng tôi sẽ được giải tỏa và bố trí nơi ở mới. Tuy nhiên, 13 năm nay chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh chật chội. Hiện nay, mặc dù chưa có nhà đâu tư nhưng thành phố vẫn quyết mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Việc giải tỏa cho 101 hộ của TP, chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng tổ 10 xin có ý kiến, bà con ở đây sống trên 50 năm, buôn thúng bán mẹt ở chợ Cồn. Nhờ cái chợ đó mà bà con có cơm ngày 2 bữa. Hôm nay chủ trương của Nhà nước đưa chúng tôi đến nơi mới khang trang hơn thì không có gì bằng. Nhưng băn khoăn của bà con khi đến chỗ mới thì xa xôi, có thể đến chợ Cồn để buôn bán nữa không? Nếu được phân một lô Cẩm Lệ thì có thể đến chợ để tiếp buôn bán không?".
Trả lời ý kiến của bà Hương, ông Thọ cho biết không bố trí ở Cẩm Lệ mà bố trí ở Hải Châu, xa hơn một tý là Thanh Khê. Chung cư xây ở Đống Đa hoặc Ông Ích Khiêm. Nếu không thích ở căn hộ thì bố trí lô đất tái định cư ở khu vực Hòa Cường Nam.
Người dân giơ tay đồng ý việc giải tỏa
Cuối buổi gặp gỡ, tất cả người dân đã biểu quyết giơ tay đồng ý chủ trương giải tỏa và đền bù theo giá Nhà nước.
Còn với phương án đền bù dưới 50m2, được bán 1 căn hộ theo giá Nhà nước hoặc được bán 1 lô đất theo giá Nhà nước (căn hộ ở Ông Ích Khiêm hoặc Đống Đa). Trên 50m2, tùy diện tích ít hay nhiều vừa bán 1 căn hộ và thêm 1 lô đất. Mới chỉ có 33 người đồng. Ông Thọ cho biết, nếu được 80% người dân đồng ý thì thành phố sẽ tiến hành làm.
Sau cuộc họp hôm nay, văn phòng UBND, văn phòng Thành ủy giao cho giám đốc Sở Xây dựng, Viện quy hoạch, UBND quận trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dân đưa ra đề xuất, chậm nhất là 20/4. Văn phòng UBND TP tham mưu cho UBND TP có 1 phiếu gửi về 101 hộ để dân xác nhận rõ việc đồng ý hay không với chủ trương giải tỏa.
"Đếm đủ 80% phiếu đồng ý thì chuẩn bị ngân sách để làm, chưa đủ thì vận động tiếp đến cho đủ 80%. Cái đó phải làm xong trong tháng 5. Nếu thuận, đến tháng 6 đưa ra Hội đồng nhân dân TP quyết chủ trương. Nhanh hay chậm không thuộc vào lãnh đạo TP mà là người dân. Rất mong bà con chia sẻ, nhất là những hộ có khi thiệt 1 chút. Đừng có kiện lên kiện xuống không vui. Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai trên tinh thần sớm nhất", ông Thọ kết luận buổi gặp gỡ.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Chuyện của những phận người cả đời lênh đênh trên biển Trở về từ những chuyến ra khơi chẳng may gặp hoạn nạn, nhiều người không còn lành lặn, nhưng rồi khi đã khỏe mạnh, họ lại tiếp tục vươn khơi dù biết rằng "thần biển" có thể bắt mình đi bất cứ lúc nào. Xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, nằm ngay sát biển đầy gió và phi lao. Người...