Dân cản trở thi công công trình để đòi đền bù lún, nứt nhà
Sáng ngày 25/4, một số hộ dân thuộc khối 11, phường Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) đã tập trung, mang theo băng rôn, yêu cầu đơn vị thi công Kênh Bắc phải dừng thi công để thỏa thuận đền bù cho những thiệt hại do tác động thi công gây nên đối với nhà cửa, tài sản của họ.
Dự án thi công kênh Bắc do Tiểu dự án Phát triển đô thị Vinh làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ ngày 19/6/2013, nhằm tạo ra diện mạo mới cho thành phố, đồng thời cải thiện vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Dự án có tổng mức đầu tư 17 triệu đô la Mỹ. Khi dự án đi vào triển khai thực hiện nhà cửa hai bên bờ kênh xuất hiện những vết nứt trên tường, trần nhà; sàn nhà bị sụt lún nặng.
Nguyên nhân được xác đinh là do trong quá trình thi công, lòng kênh bị nạo vét quá sâu, gặp phải mạch nước ngầm khiến cho đất, cát dưới nền nhà theo mạch nước ngầm chảy ra lòng kênh. Cùng với đó là xe trọng tải lớn chở vật liệu chạy vào tận công trình sát nhà dân tạo ra sự rung chuyển mạnh.
Một số hộ dân tập trung yêu cầu nhà thầu dừng thi công để thỏa thuận bồi thường cho những thiệt hại do thi công gây ra đối với công trình nhà ở của họ.
Sau khi xảy ra hiện tượng sụt lún, nghiêng nứt nhà, chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công đã đến nhà dân, đánh giá mức độ thiệt hại và đưa ra mức bồi thường đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, một số hộ dân thuộc khối 11, phường Hà Huy Tập không đồng ý với mức bồi thường này vì cho rằng quá thấp so với thiệt hại của họ. Các hộ dân này nằm hai bên lòng kênh thuộc đoạn do Công ty TNHH Tân Hưng thi công.
Bà Phạm Thị Mùi (khối 11, phường Hà Huy Tập) bức xúc: “Căn nhà 2 tầng của gia đình tôi bị lún, sụt, nứt làm thấm dột nước mưa từ tầng 2 xuống tầng 1. Nền thềm bị kéo hở mối gạch, cửa phòng bị kéo lệch, không đóng được, cột trụ trước sảnh bị tách nghiêng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu tòa nhà. Mấy ki-ốt trước nhà cũng bị hư hỏng nặng. Vậy mà đơn vị thi công đến nhìn bằng mắt rồi đưa ra mức đền bù 30 triệu đồng cho tất cả các thiệt hại trên.
Nhảy lên cả xe ủi để gây áp lực với nhà thầu buộc phải dừng thi công.
Số tiền đền bù kia chỉ tính những hư hỏng bề mặt thôi chứ khi họ đào móng, đóng cọc xà cừ khiến đất, cát dưới móng nhà bị trôi ra lòng kênh. Trước mắt thì chưa nhìn thấy chứ lâu dài rõ ràng móng nhà và toàn bộ kết cấu ngôi nhà sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Nhà ông Phan Bá Văn (khối 11, phường Hà Huy Tập) cũng bị kéo nứt nền sân, thêm nhà, tường nhà, bể nước xuất hiện nhiều vết nứt… “Cả khối công trình thế này nhưng phần móng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cao mà đơn vị thi công chỉ đưa ra mức bồi thường có hơn 13 triệu đồng. Số tiền đó chúng tôi làm sao mà sửa sang lại được nhà cửa, nền móng nhà”.
Công trình của gia đình bà Phạm Thị Mùi bị lún, nứt.
Video đang HOT
Bởi vậy, sáng ngày 25/4, một số người dân đã tập trung tại điểm thi công cầu Kênh Bắc để yêu cầu đơn vị thi công ngừng thi công, đánh giá lại mức độ thiệt hại và đưa ra mức đền bù thỏa đáng cho họ.
Sự việc trở nên căng thẳng buộc đại diện UBND phường Hà Huy Tập, đại diện các đơn vị chức năng thành phố phải có mặt. Khi toàn bộ khu vực thi công đã được che chắn lại, các công nhân tạm thời dừng làm việc thì người dân mới rời khỏi khu vực thi công.
Nhà của ông Phan Bá Văn bị nứt nền, hư hỏng một số hạng mục khác nhưng đơn vị thi công chỉ đưa ra mức bồi thường hơn 13 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Hà Thanh Tĩnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh khẳng định: “Đây là công trình trọng điểm của tỉnh nên không có chuyện đình chỉ công trình để giải quyết yêu cầu của người dân. Trước đó, khi xảy ra sự cố lún, sụt, nứt tại các hộ dân hai bên tuyến kênh đang thi công, thành phố đã giao cho đơn vị thi công phối hợp với cơ quan chức năng kiểm đếm, đánh giá mức độ thiệt hại để bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn còn vài hộ dân chưa đồng ý với mức giá đền bù mà đơn vị thi công đưa ra.
Chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công thỏa thuận đền bù với người dân. Thành phố cũng đã giao cho phòng quản lý đô thị, Ban quản lý dự án thành phố (ban A), đơn vị thi công phối hợp đánh giá thiệt hại để đưa ra mức đền bù hợp lý. Nếu không sẽ thuê đơn vị giám định độc lập để làm căn cứ xác định bồi thường cho các hộ dân”.
Đến hơn 9h sáng, trước áp lực của người dân, nhà thầu phải tạm dừng thi công
Ông Hà Thanh Tĩnh cũng khẳng định, trách nhiệm đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc thi công này thuộc về đơn vị thi công. Chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại nhiều lần với ông Hoàng Văn Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Tân Hưng nhưng không có ai nghe máy.
Hoàng Lam
Theo Dantri
610 hộ dân đồng loạt khiếu nại vì nứt nhà
Thực hiện thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn quan huyện Mộ Đức, đơn vị thi công theo quy trình kỹ thuật lu lèn và thảm bê tông nhựa thì bị người dân cản trở. 610 hộ dân cùng gửi đơn khiếu nại đòi bồi thường khi nhà của họ bị nứt.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Ngọc Lân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức - khẳng định: "Đến nay, địa phương tiếp nhận 610 đơn khiếu nại và kiến nghị của người dân yêu cầu bồi thường thiệt hại khi đơn vị thi công lu lèn làm nứt tường nhà. Tuy nhiên, đơn vị thi công mới thẩm định thiệt hại tại 372 ngôi nhà. Những hộ chưa được thẩm định để bồi thường, hỗ trợ đã cản trở thi công. Sự vào cuộc chậm trễ kèm theo lời hứa của doanh nghiệp chưa kịp thời, gây hoang mang và làm xáo trộn đời sống người dân địa phương".
Ông Phạm Ngọc Lân - Phó Chủ tịch UBND huyện (đeo kính) kiểm tra hiện tượng nứt tường nhà dân.
Theo thống kê của UBND huyện Mộ Đức, trong số 610 đơn khiếu nại nứt nhà có 372 ngôi nhà đã được thẩm định thiệt hại, đơn vị thi công đã lên danh sách chi trả cho 169 ngôi nhà nhưng chỉ có 126 hộ nhận tiền (tương đương khoảng 1,6 tỷ đồng); 43 hộ không chịu nhận tiền vì cho rằng mức bồi thường chưa thỏa đáng.
Còn lại 238 ngôi nhà chưa được thẩm định thiệt hại, những hộ này bức xúc và cản trở thi công mở rộng Quốc lộ 1A đoạn thuộc xã Đức Phong (huyện Mộ Đức).
Loại xe lu lèn có độ rung mạnh thi công sát nhà dân trên Quốc lộ 1A.
Trên cơ sở đó, vào ngày 19/8/2014, UBND huyện Mộ Đức có văn bản đề nghị Công ty TNHH BOT Thiên Tân - Thành An (đơn vị thi công liên danh) phối hợp với địa phương xác định thiệt hại, kiến trúc nhà theo phản ánh của người dân. Tuy nhiên, đơn vị thi công chưa thực hiện và tiếp tục thi công.
Đến tháng 10/2014, trong lúc thi công, có khoảng 10 hộ dân (xã Đức Phong và thị trấn Mộ Đức) đứng ra ngăn cản đơn vị thi công, yêu cầu thẩm định và bồi thường thiệt hại mới cho thi công tiếp. Qua họp dân, đơn vị thi công hứa bồi thường trước khi thảm nhựa lớp 2.
Trong ngày 21/3/2015, đơn vị thi công thực hiện thảm nhựa lớp 2 thì bị người dân ngăn cản do chưa bồi thường thiệt hại theo lời hứa trước nhân dân.
Hộ ông Võ Chín (ngụ KDC 18, thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân) nói: "Nhà tôi thuộc diện kiên cố nhất huyện, với quy mô 3 tầng và được làm phần móng chữ Y kiên cố. Vậy mà loại xe lu rung của đơn vị thi công cũng làm rạn nứt nặng, những nhà khác mà không bị nứt mới là điều lạ. Nếu đơn vị thi công không có biện pháp thi công phù hợp, nhà dân có nguy cơ đổ sập lúc nào không hay".
Phần tường bên ngoài tầng 2 bị rạn nứt hoàn toàn.
Ông Phạm Ngọc Lân cho biết: "Khi đã hứa với người dân thì đơn vị thi công phải thực hiện đúng cam kết, tránh vấp phải sự cản trở của nhân dân. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp chưa thực hiện mà tổ chức thảm nhựa lớp 2. Để thuận lợi trong quá trình thi công, huyện đề nghị doanh nghiệp tích cực phối hợp với địa phương, thực hiện bồi thường và hỗ trợ thiệt hại kịp thời. Đối với 238 hộ chưa thẩm định, đề nghị đơn vị thi công gấp rút thực hiện thẩm định thiệt hại và bồi thường cho người dân đúng mức độ hư hại".
Bên cạnh đó, huyện Mộ Đức đã thành lập 2 Tổ công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, hỗ trợ thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Mỗi tổ gồm 9 người với các thành viên là lãnh đạo Thanh tra, Công an, các phòng, Ban chuyên môn cấp huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Liên quan đến 610 hộ dân gửi đơn khiếu nại trên, trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Bảo Linh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân - cho rằng: "Lu lèn rung theo quy chuẩn kỹ thuật, nơi nào cũng phải thực hiện như vậy. Hiện tượng rung làm nứt nhà dân đều xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là nền đất cát có địa chất yếu như huyện Mộ Đức, đến nỗi nhà 3 tầng cũng bị nứt tường thì thật khó cho đơn vị thi công, trong khi thiệt hại này không nằm trong dự toán của dự án".
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho nhà dân. Sở dĩ có chuyện chậm chi trả do đơn vị thẩm định xác định kết quả mất khoảng 35 ngày, trong khi đó chúng tôi hứa với dân sớm hơn nên bồi thường chưa kịp thời trước lúc thi công thảm nhựa lớp 2, còn tiến độ lại bị hối thúc từng ngày. Với 238 hộ chưa thẩm định, dự kiến trong tuần này, chúng tôi phối hợp với đơn vị thẩm định đến từng nhà dân xác định thiệt hại, cho nên người dân hãy yên tâm cùng chia sẻ với doanh nghiệp để sớm hoàn thành tuyến đường. Doanh nghiệp tôi nằm trên địa bàn tỉnh, do đó không có chuyện bội tín với người dân địa phương như suy nghĩ của người dân", ông Linh khẳng định.
Với lời hứa của đơn vị thi công, hi vọng người dân bị ảnh hưởng của dự án thuộc các xã Đức Nhuận, Đức Chánh, Đức Thạnh, Đức Phong, Đức Lân và Thị trấn Mộ Đức sớm nhận bồi thường, hỗ trợ để khắc phục thiệt hại nứt tường nhà và ổn định cuộc sống khi đường thông, hè thoáng.
Cận cảnh một số vết nứt tiêu biểu ở nhà dân bị ảnh hưởng thi công dự án mở rộng Quốc lộ 1A thuộc huyện Mộ Đức:
Hồng Long
Theo Dantri
Vụ lấn sông Đồng Nai: Yêu cầu Đồng Nai báo cáo về quá trình triển khai thực hiện Sau khi kiểm tra thực tế tại dự án lấn sông Đồng Nai, đại diện 4 Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cần có báo cáo giải trình thêm về quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường. Đoàn kiểm tra gốm 4 Bộ khảo sát thực...