Dân cần, không biết gọi ai: Cần lập số điện thoại khẩn cấp quốc gia
Đã đến lúc cần thống nhất số điện thoại khẩn cấp quốc gia, đồng thời thiết lập trung tâm tiếp nhận và xử lý, nhằm đáp ứng toàn bộ những tình huống khẩn cấp của người dân.
Cảnh sát 113 có mặt tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông – Ảnh: Đàm Huy
Nhìn sang các nước
Tại Singapore, có 2 số điện thoại: 999 của Lực lượng Cảnh sát quốc gia (SPF) và 995 của Lực lượng Phòng vệ dân sự (SCDF), mỗi người dân đều thuộc nằm lòng khi gặp tình huống khẩn cấp. SCDF có thể xuất hiện trong vòng 5 phút sau khi nhận được tin báo sự cố cháy nổ, sập công trình, tai nạn giao thông…
Còn 999 của SPF giải quyết những việc liên quan đến an ninh trật tự: giết người, đâm chém, hiếp dâm, khủng bố… Trường hợp bị cướp giật, mất trộm, bạo lực gia đình… mà hiện trường không còn nữa thì người bị hại có thể đến bất kỳ đồn cảnh sát nào gần nhất để trình báo.
Cạnh chúng ta, dân Thái Lan có thể gọi 191 cầu cứu với bất kỳ tình huống nào liên quan đến an ninh, trật tự xã hội và dân sinh. Trung bình trung tâm 191 tiếp nhận 17.000 cuộc gọi đến mỗi ngày.
Ngoài giúp đỡ điều phối giao thông nội đô, giúp người dân trong các tình huống khẩn cấp: hỏng xe, tai nạn giao thông…, Trung tâm 191 có khoảng 100 cảnh sát được huấn luyện kỹ năng đỡ đẻ tại các bệnh viện và đã đỡ đẻ cho không ít bà bầu trên taxi hay ngoài đường.
Video đang HOT
Mỹ là quốc gia có hệ thống ứng cứu, hỗ trợ người dân tốt nhất. Trong bất kỳ tình huống nào, người dân chỉ cần gọi 911 (Trung tâm cứu hộ Cục Cảnh sát Mỹ) là có cảnh sát giúp đỡ. Ngay khi tiếp nhận thông tin, 911 đã phân loại để điều động thêm cứu hỏa, cứu thương nếu thấy cần.
Thống nhất một lực lượng
Ở nước ta cũng có những số điện thoại khẩn cấp: 113 (an ninh trật tự), 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu) nhưng xem ra còn rất nhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống người dân không biết cầu cứu ai. Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã phỏng vấn hàng chục người dân trên đường phố và hầu hết đều lúng túng trong việc gọi vào 3 số điện thoại khẩn cấp trên trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ.
Ông Võ Văn Sen (đại biểu HĐND TP.HCM) khẳng định đã đến lúc phải cải tiến một lực lượng phản ứng nhanh theo hướng hiện đại. “Chúng ta cần cải tiến 113 như lực lượng 911 ở Mỹ, để người dân dễ nhớ, dễ gọi khi cần”, ông Sen nói.
Luật sư Lý Ngọc Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng ở những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, nhiều tình huống phức tạp thì cần xây dựng một trung tâm quản lý, điều hành tình huống khẩn cấp và thu gọn lại một đầu số. Có thể gom hết vào 113 hoặc lấy số 111 vừa tiện lợi vừa dễ nhớ.
Thanh Niên
Sẽ chấn chỉnh lực lượng phản ứng nhanh Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Lê Văn Bích – Trưởng phòng Cảnh sát phản ứng nhanh (CS 113), Công an TP.HCM – cho biết loạt bài Dân cần, không biết gọi ai cho thấy nhu cầu cấp thiết, thiết thực của người dân TP khi gặp nạn. “Những cái được và chưa được mà người dân phản ánh về lực lượng CS 113 qua loạt bài này, chúng tôi xin ghi nhận và sẽ cho kiểm tra, chấn chỉnh”, ông Bích nói. Theo ông Bích, lực lượng CS 113 có chức năng, nhiệm vụ chính là: tiếp nhận, xử lý tin, giải quyết ban đầu các vụ việc khẩn cấp về ANTT. Đối với tin báo khẩn cấp thuộc chức năng giải quyết của các ngành khác như: tai nạn lao động, sập nhà, đứt dây tải điện, cấp cứu y tế, dịch bệnh… thì CS 113 sẽ báo ngay cho cơ quan, đơn vị có chức năng; hướng dẫn cho người báo tin liên hệ với cơ quan chức năng để giải quyết; đồng thời thông báo cho cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc để cử lực lượng đến hiện trường làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết. Do đó, nếu người dân phát hiện cháy hãy gọi 114 hoặc cấp cứu thì gọi 115 sẽ kịp thời hơn. Ông Bích đề nghị: “Chúng tôi rất mong mọi người dân nếu phát hiện đối tượng sắp gây án, đối tượng truy nã, các băng nhóm sắp thanh toán, đâm chém nhau, các đối tượng hình sự nguy hiểm khác… và các vụ việc khẩn cấp khác liên quan đến ANTT xã hội thì bằng mọi cách gọi vào số máy 113 (hoặc báo tin trực tiếp) để lực lượng chức năng kịp thời ngăn ngừa và trấn áp tội phạm hiệu quả, hạn chế hậu quả nghiêm trọng xảy ra”. Ông Bích cho biết thêm, sắp tới lực lượng CS 113 thành phố sẽ nghiêm túc kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại trong tiếp nhận, xử lý thông tin từ người dân cung cấp. “Chúng tôi cũng kiến nghị các ngành chức năng khác khi nhận thông tin vụ việc có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành mình thì kịp thời phân công lực lượng phối hợp giải quyết, không để chậm trễ ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội chung”, ông Bích nói. Đàm Huy
Thống nhất đầu số là cần thiết
Liên quan đến loạt bài Dân cần, không biết gọi ai, trao đổi với Thanh Niên chiều qua, trung tướng Tô Thường – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an – cho biết ông vừa làm việc với Bộ Thông tin – Truyền thông để triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm thống nhất về một đầu số khẩn cấp của ngành công an. Theo đó, khi có việc cần, người dân gọi số 113, không cần phải thêm mã vùng mà chỉ cần bấm thẳng. Tổng đài sẽ nhận dạng cuộc gọi xác định số vị trí thuê bao cần gọi nằm ở khu vực nào để tự động kết nối với đơn vị tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp ở khu vực ứng cứu. Tuy nhiên, ông Thường cũng cho rằng đối với những khu vực chưa có lực lượng CS 113 thì sẽ phải nghiên cứu thêm. “Tôi cho rằng những thắc mắc của người dân mà Báo Thanh Niên phản ánh là rất chính đáng, cần phải sớm xem xét giải quyết”, ông Thường nói.
Ông Thường cũng cho rằng việc áp dụng các đầu số khẩn cấp thống nhất quốc gia như ở một số nước là rất cần thiết, tuy nhiên, tại VN, các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, phối hợp lực lượng vẫn là thách thức và cần phải có thời gian mới thực hiện được.
Thái Sơn
Theo Thanh Niên
Dân cần, không biết gọi ai: Phản ứng chậm và thờ ơ
Khi gặp nạn, cái người dân cần nhất là sự quan tâm của lực lượng chức năng. Thế nhưng, quá trình tìm hiểu thực hiện bài viết này, chúng tôi ghi nhận rất nhiều bạn đọc phản ứng về sự thờ ơ của cơ quan chức năng trước bức xúc của dân.
Bị một nhóm người đến đập phá, người dân hoảng quá không biết gọi cho ai. Camera ghi lại hành vi đập phá này để làm bằng chứng tố cáo - ảnh: C.T.V
Phản ứng chậm...
Tối 22.3, xe tải chở bột ngọt biển số 54Y-9392 do Vũ Văn Hưng (27 tuổi, quê Thanh Hóa) điều khiển lưu thông trên đường Ung Văn Khiêm hướng về cầu Sài Gòn. Khi đến địa điểm trên, xe đánh tay lái sang trái để lách chiếc xe buýt. Do không làm chủ được tốc độ, tài xế xe tải tông trực diện vào anh Trần Thanh Bình (37 tuổi, ngụ P.28, Q.Bình Thạnh) đang điều khiển xe máy biển số 52M2-6641 lưu thông chiều ngược lại. Xe tải bị lật ngang đè đôi chân anh Bình khiến nạn nhân đau đớn, kêu gào thảm thiết.
Hàng chục người dân đã dùng những dụng cụ thô sơ: xà beng, gậy gộc tham gia giải cứu nạn nhân trong khó nhọc. Mãi đến 1 giờ sau, nạn nhân được kéo ra khỏi gầm xe trong tình trạng ngất lịm và tắt thở trước khi đến bệnh viện. Anh Th. (một trong những người tham gia cứu nạn) kể lại: "Trong tình huống khẩn cấp ấy, vài người gọi điện thoại cho công an phường, 114... Nhưng, khi đưa nạn nhân đi rồi thì mới thấy CSGT và xe cứu hộ đến...".
Đem bức xúc này của người dân trực tiếp đặt vấn đề với Công an P.25, Q.Bình Thạnh, lực lượng cách hiện trường vụ tai nạn giao thông không xa, một lãnh đạo khẳng định chỉ 10 phút sau khi nhận được tin báo, công an phường đã có mặt. "Thật sự, công an phường đã cố gắng hết mức, bởi chúng tôi cũng không được trang bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Chúng tôi có gọi cho 114, nhưng không biết sao họ xuống chậm quá", vị này phân trần.
Cũng bức xúc về sự chậm trễ và việc đá trái bóng trách nhiệm, anh Quang (ngụ Q.8) cho biết cách đây không lâu anh đi trên đường Hai Bà Trưng. Khi đến giao lộ Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) thì bị bọn cướp dàn cảnh tông vào xe cướp đi 8,8 triệu đồng. "Sự việc quá bất ngờ nhưng tôi vẫn bình tĩnh tìm đến công an phường cách đó khoảng chừng 30 mét để trình báo. Người trực ban nghe tôi trình bày sự việc xong, đáp gọn "địa chỉ xảy ra cướp không thuộc địa bàn phường chúng tôi. Anh phải sang phường... để trình báo. Hóa ra cùng một con đường nhưng thuộc 2 phường khác nhau. Và phường này không "ôm" việc của phường kia". Tôi lại phải lặn lội vòng vèo cả cây số để tìm đúng công an phường trình báo", anh Quang kể và không giấu được bức xúc: "Tại sao dân cứ phải lặn lội tìm quan mà không thấy quan vì dân?".
... đến thờ ơ
Giữa tháng 2.2012, một ngôi nhà cho sinh viên ở trọ tại hẻm 271 Lê Văn Lương (KP.2, P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM) xảy ra vụ mất trộm. Một số sinh viên sống tại đây gọi điện thoại báo sự việc cho cảnh sát khu vực. Chờ mãi không thấy bóng dáng của vị công an nào xuống, các sinh viên lại gọi điện thoại. Trong cuộc gọi lần 2, đại úy Vương Văn Nhờ bắt máy. Sau khi nghe báo về vụ trộm, đại úy Nhờ trả lời: "Ừ! Chút tới. Mấy ông đi, mở cửa, thì mấy ông viết giấy mời nó (trộm - PV) vô còn gì". Sau khi tới hiện trường, ông Nhờ quan sát một lượt rồi yêu cầu các sinh viên trọ ở đây viết tường trình. Trong khi các sinh viên dạ thưa liên tục vì mong nhận được sự giúp đỡ tìm bắt kẻ trộm, thì ông Nhờ liên tục lớn tiếng, quát nạt: "Bọn mày ngủ trên lầu phải khóa cửa. Giờ mất, báo làm gì nữa? Điều tra cái gì? Theo mày, làm được gì nè?". Trong khi lấy lời khai, ông Nhờ liên tục chất vấn các sinh viên: "Mày tên gì? Học trường nào? Ngày nay, mày ở nhà một mình hả..." không khác gì đang tra hỏi tội phạm. Kết thúc buổi trình báo mất tài sản đầy căng thẳng, một sinh viên nhỏ nhẹ: "Vậy có khả năng tìm được không chú?". Đại úy Nhờ gắt: "Theo mày, khả năng là gì hả? Chuyện đó ai trả lời cho mày được? Tao đâu phải thần thánh đâu mày. Theo mày, tìm được không?"... Trước khi ra về, ông Nhờ không quên dặn: "Hôm sau kêu thằng chủ nhà vô gặp tao, ăn ở phức tạp quá!".
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thống (ngụ 418 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh) cho biết: Khoảng đầu tháng 1.2012 phòng trọ anh bị mất một máy tính xách tay hiệu Sony Vaio. "Từ đó đến nay đã 2 tháng, hết ông chủ nhà trọ gọi báo cho Công an P.25, Q.Bình Thạnh rồi đến gia đình viết đơn trình báo nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan công an, không biết quá trình điều tra tới đâu mà không thấy công an xuống hoặc gọi mình lên để hỏi thêm về vụ việc", anh Thống nói. Đem sự việc đến Công an P.25, Q.Bình Thạnh tìm hiểu, chúng tôi được ông Lê Văn Tổng, Phó công an phường cho biết: "Sắp tới họp giao ban sẽ rà soát lại trường hợp này".
Theo Thanh Niên
Dân cần, không biết gọi ai: Tự cứu mình là chính! Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi tiếp xúc không biết bao nhiêu trường hợp người dân rơi vào tình trạng khẩn cấp, họ chấp nhận chịu trận, tìm cách tự cứu mình chứ không biết bấu víu vào đâu. Rạng sáng 29.1, anh D.V.B (30 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) bị một nhóm 4 thanh niên ép,...