Dân bất an vì núi lở
Mỗi lúc mưa lớn, nhiều gia đình ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, phải sơ tán sang nhà họ hàng vì lo đất đá từ hai ngọn núi sau nhà sạt xuống.
Chiều 28/10, mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến đường ven biển đoạn qua nhà ông Nguyễn Canh Tuất, 70 tuổi, trú thôn 3, xã Cẩm Lĩnh, ngập 20 cm, nước bùn từ ngọn núi Bục phía sau nhà tràn xuống vườn. Nhận được yêu cầu của chính quyền, vợ chồng ông Tuất vội gom một số vật dụng sinh hoạt cá nhân chuyển ra nhà người thân ở thôn 4 cách đó khoảng 2 km tạm trú.
“ Tivi, tủ lạnh, máy giặt muốn mang đi, song không thể vì quá nặng, nếu thuê người vận chuyển thì tốn kém”, ông Tuất nói và cho hay hai năm qua khi mùa mưa lũ về, vợ chồng ông đã quen với việc sơ tán.
Ông Nguyễn Canh Tuấn chỉ về điểm sạt lở núi Bục cách nhà ông 100 m hồi năm ngoái. Ảnh: Đức Hùng
Căn nhà cấp bốn rộng hơn 100 m2 của gia đình ông Tuất nằm cách chân núi Bục khoảng 200 m. Đứng từ sân xi măng nhìn về phía sau, vệt lở núi kéo dài hơn 50 m xảy ra hồi cuối tháng 10/2020 vẫn còn nguyên. Đất cùng nhiều khối đá lớn nằm sát mép vườn của bốn hộ dân đến nay vẫn chưa thể dọn.
“Hôm đó khoảng 11h, tôi đang ăn trưa thì nghe tiếng nổ lớn như sấm, chạy ra xem thấy nhiều khối đất đá từ núi Bục đổ xuống. Tôi cùng vợ hô hoán một số gia đình xung quanh chạy túa ra đường. Nhà ở của người dân không ảnh hưởng, nhưng nhiều hecta keo và cây ăn quả bị bùn vùi lấp”, ông Tuất kể.
Lần gần nhất là rạng sáng 18/10, vạt núi chếch về phía đông, cách nhà ông Tuất gần một km đổ xuống, lấp kín mặt đường ven biển Vũng Áng – Thạch Khê rộng 10 m, dài hơn 400 m. Khi ấy ông Tuất cùng bốn hộ dân ở thôn 3 tiếp tục sơ tán, trưa hôm sau mới trở về nhà. Nhà chức trách mất bốn ngày mới có thể gạt hết hàng nghìn khối đất đá sang một bên để thông tuyến.
Người dân di chuyển khó khăn trên đường ven biển Vũng Áng – Thạch Khê sau vụ sạt lở ngày 18/10/2021. Ảnh: Đức Hùng
Ông Tuất chia sẻ nhiều lúc nằm ngủ, nghe mưa nhỏ rả rích bên ngoài cũng giật mình, lo sợ đất đá tràn xuống vùi lấp nhà mình. Bốn hộ dân sống xung quanh núi đã kiến nghị đến chính quyền mong được tạo điều kiện cấp đất chuyển đi nơi khác ở, song đến nay chưa được giải quyết.
Cách núi Bục khoảng 4 km, hơn 5 ha đất ruộng và hoa màu của người dân thôn 6, xã Cẩm Lĩnh, đang bị vùi lấp bởi hàng chục nghìn khối đất đá từ núi Chai đổ xuống hồi tháng 10/2020. Nhiều khối đá lớn nằm giữa ruộng, lấp cả một phần lối đi vào trang trại nuôi gia súc, gia cầm của hàng chục hộ dân.
Ông Lê Ngọc Thủy, 50 tuổi, trú thôn 6, xã Cẩm Lĩnh, nhớ lại chiều hôm đó mưa xối xả. Gia đình 5 người đang ăn cơm sớm để sơ tán khỏi trang trại về nhà con út trong xã nhằm tránh sự cố thì nghe tiếng nổ lớn, nền đất rung lắc. 5 người vội kéo nhau túa ra ngoài. Trong vài phút, 2 ao cá, 1,5 mẫu ruộng, 2 ha lúa, hơn 100 con gà và vịt bị đất đá từ núi Chai đổ xuống vùi lấp, thiệt hại gần 50 triệu đồng.
Đất đá vùi lấp khoảnh ruộng dưới núi Chai sau vụ sạt lở tháng 10/2020, chính quyền đang tính cho người dân chuyển đổi mục đích sang trồng cây lâu năm vì không thể dọn dẹp. Ảnh: Đức Hùng
Sau vụ lở núi, mỗi khi đài khí tượng báo áp thấp nhiệt đới hoặc mưa kéo dài với lưu lượng lớn, nhiều gia đình làm trang trại dưới chân núi Chai, cách điểm sạt lở 100-300 m luôn lùa gia súc, gia cầm đi đến gửi nhờ tại vườn của một số họ hàng trong xã. Tuy nhiên, nhiều lúc họ không thể di chuyển hết. “Mỗi lần đi sơ tán trong lòng luôn cảm thấy bất an, bởi tài sản trị giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng đang để lại dưới chân núi, phó mặc cho sự may rủi”, ông Thủy nói.
Ông Nguyễn Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, cho biết địa bàn có hơn 50 hộ sống trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở từ núi Bục và núi Chai. Trong số này có bốn gia đình xây nhà ở cố định, còn lại là làm trang trại. “Chính quyền đã lên phương án để thời gian tới chuyển bốn hộ dân ở trong vùng sạt lở đến nơi an toàn. Đối với những gia đình làm trang trại thì chưa có cơ chế hỗ trợ vì chỉ lưu trú tạm thời. Họ cần chuẩn bị sẵn tâm thế, khi thời tiết bất thường xã sẽ phát loa cảnh báo để chủ động di dời tài sản”, ông Tùng nói.
Những điểm sạt lở núi tại xã Cẩm Lĩnh. Video: Đức Hùng
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động đới gió Đông trên cao, từ tối 27/10, Hà Tĩnh mưa to. Tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, quốc lộ 1A và nhiều đường liên thôn, liên xã bị ngập 30-60 cm, chia cắt cục bộ, nước tràn vào sân nhà dân.
Đài khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh dự báo, ba ngày tới, địa bàn tiếp tục mưa, phổ biến 150-300 mm, có nơi trên 350 mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úp ở khu vực ven sông, đô thị.
Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Nhiều tỉnh miền Trung đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ những ngày qua, đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão đang hướng vào vùng biển từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận.
Đất "no" nước gây nguy cơ cao
Cột mốc trên tuyến đường ven biển Hà Tĩnh (ĐT 547), đoạn qua xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên bị đất đá bồi lấp. Ảnh: Phan Quân/TTXVN
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, hiện nay, qua nhiều đợt mưa lớn, nước ngấm vào đất gây bão hòa, tình trạng sạt lở đất xảy ra là hết sức nguy hiểm nhất là đối với các khu vực miền núi. Mặt khác, tới thời điểm này, các hồ chứa đã cơ bản đầy nước. Vì vậy, các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương, chủ hồ chứa kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, các đơn vị liên quan và các địa phương cần dừng hết tất cả các công trình đang thi công. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương theo dõi sát, chỉ đạo việc vận hành hồ chứa thủy điện kịp thời, đúng quy định.
Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1426 /CĐ-TTg ngày 25/10 yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát, triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ...
Theo thông báo mới gần nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 19 giờ ngày 25/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Khánh Hòa khoảng 360 km, cách Ninh Thuận khoảng 340 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8. Dự báo đến áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 6-7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông đang đi xuống Trung Bộ, từ ngày 26 đến hết ngày 27/10, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Dự báo lượng mưa: Từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ ở mức 100 - 200mm, có nơi trên 200mm; từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên ở mức 150 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Chủ động thực hiện phương án ứng phó
Ngư dân thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) gia cố lại tàu thuyền để ứng phó với mưa lớn, gió mạnh. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Chiều 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục các sự cố sạt lở, sập cầu gây ách tắc giao thông trong những ngày qua; cơ quan chức năng hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai biện pháp phòng, chống mưa, lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra; chuẩn bị đầy đủ phương tiện để kịp thời sơ tán người dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét; kêu gọi tàu thuyền về tránh trú an toàn, không để phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra; thường xuyên, liên tục thông báo các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động sơ tán người dân trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển; bảo vệ các tuyến kè biển đang thi công như kè Đà Diễn, Đà Nông, Xóm Rớ an toàn trước nguy cơ bị sóng biển tàn phá.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý các địa phương sẵn sàng phương án "4 tại chỗ", chuẩn bị phương án sơ tán dân gắn với đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão lũ cắt cử lực lượng chốt chặn các tràn, đập nước, có phương án di dời người và tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Đến chiều 25/10, tỉnh Phú Yên còn 239 tàu cá với 1.286 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó có 5 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Các tàu cá đã được thông báo hướng di chuyển của áp thấp, bão; đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn.
Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đang hướng vào khu vực Nam Trung Bộ, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo đơn vị, địa phương trên địa bàn tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền, kể cả các tàu du lịch, còn hoạt động trên biển khẩn trương trở vào bờ hoặc tìm chỗ tránh, trú bão an toàn; thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18 giờ ngày 25/10 cho đến khi kết thúc bão; ngưng hoạt động cáp treo Vinperland qua vịnh biển Nha Trang kể từ 10 giờ ngày 26/10 cho đến khi tình hình thời tiết trở lại bình thường.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương thực hiện sơ tán người dân trên các lồng bè đến nơi an toàn, công tác sơ tán dân trên biển hoàn thành trước 6 giờ ngày 26/10/2021; sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, trước 10 giờ ngày 26/10. Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã lên phương án chuyển sang học trực tuyến cho học sinh trong hai ngày 26 và 27/10.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 25/10, vẫn còn trên 330 phương tiện với gần 1.980 ngư dân đang hoạt động trên biển, trong đó có 81 phương tiện với hơn 630 ngư dân hành nghề trên khu vực quần đảo Trường Sa. Các phương tiện đã nhận được thông tin về áp thấp nhiệt đới và chủ động phương án phòng tránh.
Từ 20 giờ ngày 25/10, tỉnh Ninh Thuận nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân. Hiện các đơn vị chức năng đang khẩn trương thông báo cho các chủ tàu, thuyền trưởng của 442 tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương đưa phương tiện vào các cảng cá tránh trú; đồng thời, thông báo vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để các chủ tàu chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Sạt lở núi giữa trung tâm Quy Nhơn, 3 người bị thương Khoảng 7h30 sáng 25-10, khu vực núi Bà Hỏa, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Bình Định) xảy ra sạt lở khiến lượng lớn đất đá rơi xuống đường Nguyễn Tất Thành, 3 người dân đi trên đường bị thương. Hiện trường vụ sạt lở núi Bà Hỏa - Ảnh: LÂM THIÊN Tại hiện trường, nhiều tảng đá sau khi rơi xuống đã...