Đan Ba – Chốn tiên cảnh ở Tứ Xuyên
Ở mảnh đất Tây Tứ Xuyên phóng khoáng ấy, muôn phần thương nhớ tôi dành cho Đan Ba, vùng đất của những ngôi làng Tạng đẹp nhất Trung Quốc.
Đã hơn một tháng kể từ ngày trở về từ mùa thu Tứ Xuyên. Mỗi lần nghe một khúc nhạc tiếng Trung với giai điệu bồng bềnh, tôi như nhớ và tưởng tượng một lần nữa đang rong ruổi trên những con đường, nhìn ngắm thảo nguyên mênh mông, những ngọn núi tuyết hùng vĩ, những đồi thông phủ ánh vàng…
Thu đang độ rực rỡ trên làng Giáp Cư.
Ngồi trong xe, lắng nghe tiếng nhạc du dương được phát trên radio, dưới bầu trời xanh thẳm mây trắng cuộn tròn tô điểm, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của Tứ Xuyên dần dần hé lộ những giây phút khiến tôi chỉ còn biết lặng im ngắm nhìn, thu hết tất cả vào tầm mắt nhưng chẳng thể mang về…
Cung đường mang theo lời cầu nguyện
Từ khi còn chuẩn bị kế hoạch đến đây, tôi đã nghe nói đường đến Đan Ba vào mùa thu thơ mộng không bút nào tả xiết. Bởi đã ngắm no cảnh lá vàng rực rỡ các nơi khác ở Tứ Xuyên, tôi chắc mẩm cảnh thu trên cung đường đến nơi đây sẽ không còn nhiều hứng thú. Ngờ đâu, cảnh sắc lại hút hồn đến vậy!
Từ hướng Tháp Công – Bát Mỹ, toàn bộ cung đường đã được làm rất đẹp. Cả quãng đường dài chạy xe giữa khe núi, dòng sông cùng những phiến đá khắc kinh văn mang những lời cầu nguyện của người dân đi khắp nơi như người bạn đồng hành.
Bác tài xế của đoàn nhân cung đường đẹp, trổ tài uốn lượn theo dòng nước với tốc độ rất “phiêu”, hai bên đường, những hàng ngân hạnh vàng rực xen lẫn phong đỏ reo vui trong gió, trên những ngọn đồi cây cối mọc thành từng bụi, tựa hoa ngũ sắc trổ màu rực rỡ trước khi vào kỳ ngủ đông.
Ngắm cảnh thụ động trên xe như thế này thật sự mãn nhãn khiến tôi không dám chợp mắt một phút nào, trầm ngâm cảm thấy những năm tháng tuổi trẻ đi đây đó, kết bạn cùng mọi người có thể tươi đẹp đến nhường này sao?
Phiến đá khắc kinh văn bên suối trên đường từ Tháp Công đến Đan Ba.
Thu đã về Đan Ba từ giữa tháng Mười, tôi đến khi sắc thu vẫn đương độ chín mềm mại. Càng vào sâu thung lũng, kiến trúc Tạng Jiarong mỗi lúc một rõ hơn, những ngôi nhà Tạng sắc màu mang theo vương miện tứ phía dần hiện ra. Chính là Đan Ba mà tôi mong đợi!
Khí hậu ở Đan Ba rất tuyệt, giống như Sa Pa hay Đà Lạt. Nhưng do nằm ở trên cao nguyên Thanh Tạng nên nhiệt độ lạnh hơn một chút và gió rất to. Điều đặc biệt là cảnh sắc bốn mùa nơi đây luôn như tiên cảnh với mùa xuân trăm hoa đua nở, hè mát mẻ, thu xao xác lá vàng, đông tuyết rơi trắng xóa.
Đan Ba nổi tiếng với ba “đặc sản” là những ngôi làng Tạng trên sườn núi, tháp canh cổ xưa và các cô gái Tạng xinh đẹp. Ở đây, có quần thể các ngôi làng nằm trên lưng chừng núi. Trong đó, nổi tiếng nhất là ngôi làng Giáp Cư, được tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Trung bầu chọn là ngôi làng đẹp nhất Trung Quốc năm 2005, sau đó là Trung Lộ và Thoa Ba (Suopo).
Ngôi làng Tạng độc đáo và thơ mộng
Làng Giáp Cư cách trung tâm huyện Đan Ba 8km nằm dựa lưng vào núi tuyết, phía dưới dòng sông Đa Độ xanh vắt qua. Trong tiếng Tạng, Giáp Cư nghĩa là 100 hộ, theo những người dân ở đây hiện nay đã có 270 hộ dân sinh sống ở ba thôn từ trên sườn núi xuống chân núi.
Tôi đến Giáp Cư vào buổi chiều muộn khi trời đã tắt nắng. Đường từ cổng soát vé lên dần trên núi cua tay áo liên tục, cảnh vật xanh tươi pha những vệt vàng dần hiện ra, những ngôi nhà Tạng như chiếc hộp xếp ngay ngắn trên sườn núi yên bình…
Video đang HOT
Nằm ở tận cùng con đường nhánh nhỏ hẹp, ngự trên gần đỉnh núi là homestay mà bác tài xế dễ mến của đoàn đặt giúp. Ngôi nhà đúng kiểu mẫu của người Tạng Jiarong hiện đại, gồm 3-4 tầng, kết hợp nơi ở và tháp canh.
Tầng 1 thường để kho và nhốt gia súc, tầng 2 và 3 để sinh hoạt, làm phòng khách và phòng ngủ, tầng trên cùng làm sân phơi, trữ lương thực. Căn nhà được xây dựng từ đá, gỗ và sơn trắng đúng kiểu của người Tạng, đường viền trên sơn ba màu đỏ, đen, vàng.
Trong nhà, các bức tường và trần được vẽ hoạ tiết theo phong cách Tạng. Trên sân thượng có bốn cột trụ tứ phía tượng trưng cho các thần núi, sông, rừng và đất. Xung quanh nhà thường treo cờ nguyện lung ta đầy màu sắc, tung bay trong gió. Những lối nhỏ vào nhà được chăm chút bằng những cây hoa nhỏ xinh quanh năm khoe sắc. Quanh nhà là các cây táo, lê mọc dại mà du khách có thể hái thoải mái…
Tôi không thể quên được những ngày rạng rỡ tại chốn này. Sáng dậy, cả nhóm vừa ngồi ăn sáng vừa ngắm những dải mây trắng bồng bềnh vắt trên dãy núi đối diện nhà mình. Khi mặt trời dần lên cao, trời xanh trong rót nắng vàng như mật chiếu xuống ngôi làng, cả ngôi làng bừng sáng các mảng màu sắc, trên đỉnh núi đã phủ tuyết báo hiệu một mùa đông sắp tới.
Loanh quanh trong làng, bất cứ nơi nào cũng có thể vô tình bắt gặp những bụi cúc xinh, một vườn lavender còn chúm chím trên sườn đồi, hay một vườn hồng có bàn uống nước thật tao nhã giữa vườn…
Tác giả dưới chân tháp canh cổ.
Tháp canh cổ xưa và dấu vết của “ Nữ nhi quốc”
Tôi đi dạo ở Thoa Ba vào một buổi chiều đầy nắng. Đó là ngôi làng còn lại nhiều tháp canh cổ xưa của người Tạng Jiarong ở Đan Ba. Những ngọn tháp cao 30-60m, được xây dựng bằng đất sét và đá cả nghìn năm tuổi. Tương truyền, dân làng xưa kia dựng tháp để xua đuổi ma quỷ, sau đó là bảo vệ khỏi kẻ cướp, và giờ trở thành điểm du lịch.
Cái tên Đan Ba “Thiên điêu cổ quốc” xuất phát từ đây. Ngày nay, có rất nhiều tháp canh ở các làng Đan Ba đã mất dấu tích, còn một số tháp canh còn được bảo tồn.
Để đến tháp canh cổ, phải leo bộ lên sườn đồi phủ bóng cây rậm rạp. Vẫn là hương vị quen thuộc mùa thu của nắng ngọt, của gió xao xác, của con suối róc rách, của rừng cây xanh vàng hoà quyện, ngôi làng xa lạ bỗng trở nên thân thuộc. Dưới chân tháp canh vắng khách du lịch, hàng xương rồng đang nở hoa như cả ngàn năm qua vẫn cùng ngọn tháp kia đi cùng năm tháng.
Cư dân sinh sống ở các làng Danba là một nhánh của người Tạng, thuộc nhóm thiểu số gọi là Tạng Jiarong, có văn hoá và ngôn ngữ khác biệt với các nhánh Tạng khác. Các làng Tạng Jiarong ở Đan Ba cùng với khu vực hồ Lugu của người Mouso (nằm trên ranh giới giữa Tứ Xuyên và Vân Nam) đều được gọi là Nữ nhi quốc trong Tây Du Ký.
Người ta còn truyền tai nhau rằng, những cô gái Tạng ở Đan Ba rất xinh đẹp, thế nhưng ở làng Giáp Cư và Thoa Ba tôi mới chỉ được gặp các bà, các chị và các mẹ đang vất vả mưu sinh, chưa thấy được gái xinh như mong đợi. Hỏi thêm mới được biết nay còn khá hiếm những cô gái Tạng sống ở đây.
Bù lại, những ngôi làng Tạng ở đây lại quyến rũ một cách ngọt ngào và từng bước chậm rãi đi vào lòng người khiến tôi lưu luyến không rời và hình dung về mùa xuân trên mảnh đất này.
Cho đến lúc kết thúc hành trình, điều đáng tiếc nhất của tôi ở Đan Ba đó là thiếu thời gian để được sống chậm rãi hơn nữa ở nơi đất trời ưu ái. Có lẽ, những nuối tiếc đó cũng là cái duyên với vùng đất này, để thôi thúc tôi quay lại một lần nữa, ngắm những ngôi nhà Tạng rực rỡ dưới bóng đào lê.
Càng khám phá Đan Ba, tôi càng cảm thấy không đủ, tiếc nuối không có thêm thời gian sống chậm rãi sáng uống trà ngắm mây trời, ngày dạo những đồi hoa rực rỡ hái lê táo, tối xuống ngắm những vì sao lấp lánh. Nơi đây khiến mình yêu nét duyên dáng, chỉ đưa mắt nhìn quanh đều có góc nhỏ xinh xinh đáng yêu đáng nhớ, gợi những ngọt ngào…
Theo baoquocte.vn
4 quán cà phê không gian cổ xưa ở TP.HCM
4 quán cà phê với không gian cổ xưa sau sẽ là những mảnh ghép sinh động, giúp bạn tìm lại miền ký ức ngọt ngào và đắm chìm trong khoảng trời thinh lặng, bình yên như ở nhà.
Cửa Tiệm Ý Mai - 525/75 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận: Quán nép mình, nằm bình lặng trong con hẻm với giàn hoa giấy hồng rũ xuống lãng mạn trước hiên nhà. Bên ngoài quán được sơn màu xanh biếc với độ đậm, nhạt hài hòa khiến cho những vị khách đặt chân đến đây đều cảm thấy dễ chịu, an yên.
Quán gây ấn tượng bởi những bộ bàn ghế mộc mạc, vật dụng trang trí nhuộm màu thời gian và khung cửa sổ được thiết kế theo kiểu xưa đầy hoài niệm. Ở Cửa Tiệm Ý Mai có nhiều thức uống được làm thủ công với hương vị thiên nhiên thanh mát như chanh ngâm, khế ngâm, nho rừng, trà gạo, trà hoa bụp giấm... và cà phê với mức giá bình dân.
Ảnh: CuaTiemYMai, Foodholicvn.
Một vị khách từng trải nghiệm ở quán chia sẻ: "Đến Cửa Tiệm Ý Mai như được trở về chính căn nhà của mình. Cuộc sống đôi khi không cần quá nhiều, chỉ cần một nơi bình yên nằm nghe nắng mưa như vậy là đủ". Nếu bạn thuộc tuýp người thích chốn an lành, muốn tìm lại những ký ức ngày thơ ấu, thì nơi đây sẽ là một địa điểm lý tưởng để bạn ghé thăm.
Sài Gòn 80s.Nhà Mình - Số 57, đường 18, quận Gò Vấp: Quán nằm trong hẻm với không gian ấm cúng, đem đến một hình ảnh Sài Gòn những năm 1980 sinh động, khơi gợi ký ức đẹp trong lòng mỗi vị khách ghé đến.
Không gian quán được bài trí các vật phẩm cổ xưa, khách có thể chụp hình hoặc thậm chí mua lại nếu muốn. Mọi thứ tại quán hiện ra hài hòa, lẫn trên nền những bản nhạc Việt Nam thập niên 80 đầy cuốn hút.
Đúng như tên gọi, Nhà Mình là nơi để khách đến, cùng sống chậm lại giữa dòng chảy chốn thị thành và đắm mình vào không gian xưa cũ. Bạn có thể nhâm nhi vài món ăn ngon, thưởng thức những thức uống mát lạnh và check-in đôi ba tấm hình xinh để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ.
Lão Hạc quán - 299B Hoàng Sa, quận 1: Lão Hạc quán khuất sau những tán lá xanh, gây ấn tượng với khách bởi không gian nhỏ xinh, nhẹ nhàng. Quán tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và cơn gió mát ngoài ban công lùa vào khi trời chập tối.
Mỗi góc quán đều được chăm chút với những bộ bàn ghế, vật dụng xưa như xe đạp cổ, sách, ti vi hay những chiếc đèn cũ đậm chất hoài cổ. Bạn có thể đến đây, vừa ngắm nhìn bờ kênh Nhiêu Lộc, vừa nhâm nhi một chai bia hoặc vài thức uống nhẹ và thả hồn mình vào những bài nhạc xưa đang phát.
Cà phê mưa rào - 115/174B Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận: Tiệm cà phê nổi bật với slogan "Ai cũng có một thanh xuân" ngay trên biển hiệu, khiến ai đi qua cũng muốn dừng chân bước vào trải nghiệm. Đến đây, từng dòng ý ức như đang ùa về theo những thanh âm trong các bài hát thiếu nhi quen thuộc.
Ảnh: Foodholicvn, Caphemuarao.
Tiệm không chỉ hút khách bởi những món quà bánh tuổi thơ, thức uống ngọt ngào, mà còn là không gian cho bạn thư giãn với vài cuốn truyện tranh và trò chơi thuở nhỏ. Lạc vào vùng trời dịu ngọt này, ta như được đánh thức ký ức thêm lần nữa để biết rằng sâu thẳm trong mỗi người vẫn là một tâm hồn bé bỏng, từng hạnh phúc với những món đồ chơi giản đơn cùng đám bạn bè. Khánh Vân
Theo news.zing.vn
Khám phá bất ngờ 4 Vườn Di sản ASEAN mới tại Việt Nam Việc được trao danh hiệu Vườn Di sản ASEAN của 4 địa điểm mới ở nước ta đã giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước ASEAN có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Cùng khám phá vẻ đẹp hoang dại, nên thơ của 4 Vườn Di sản này qua chùm ảnh...