Đàn bà cần một mái nhà
Tôi đang ngồi trong căn lều tạm bợ nhìn ra quốc lộ. Ánh đèn đường vàng vọt chia từng khoảng tối sáng im lìm.
Giờ này không còn ai qua lại nữa, chỉ có vài tiếng chó sủa xa xăm, tiếng dế đồng râm ran dưới cỏ. Chồng tôi nằm bên cạnh với giấc ngủ chập chờn, thỉnh thoảng lại giật mình bật dậy nghe ngóng.
Minh họa: K.T
Suốt 3 tháng làm nhà, chồng tôi không có đêm nào được ngủ ngon. Hôm thì mưa bão, gió thổi phần phật nóc lều chỉ muốn bung ra. Mưa hắt tứ tung người ướt không sao nhưng còn vài tấn xi măng ướt là chết dở. Hôm thì sấm sét, chớp giật nhì nhằng cố nhắm mắt mà nằm cũng không sao ngủ được. Nhưng khổ nhất vẫn là nỗi lo mất trộm. Trộm vặt từ cái máy bơm hỏng, cuộn dây buộc, mấy thanh sắt vụn cho đến cả bó sắt dài đang chờ kê dầm sàn. Thấp thỏm suốt đêm ngày đến đen rạc cả người. Vậy mà đã có lúc tôi trách móc chồng, chỉ mỗi việc trông coi xây nhà thôi mà suốt ngày kêu mệt.
Chồng từng bảo: “Em làm việc mệt nhưng đặt lưng xuống là có thể ngủ ngon. Chỉ cần nửa tiếng thôi cũng là một giấc ngủ trọn vẹn. Anh thì lúc nào cũng trong trạng thái thức như ngủ, ngủ mà như thức…”.
Mỗi tháng tôi từ quê ngoại xuống thăm nhà một lần, tiện thể dúi cho chồng ít tiền hay đưa thêm vật dụng, đồ dùng cần thiết. Lần nào cũng vội vã ngó quanh rồi tất tả ra về. Đêm nay, tôi phải xuống ngủ lều để 3 giờ sáng dậy bắc nồi xôi, nấu nước mổ gà cho kịp giờ cúng đổ mái. Thử thay chồng một đêm thức trông nhà mà thấy đêm sao dài quá. Ngó quanh lều, quần áo chồng giăng móc khắp nơi. Vài ba thứ đồ dùng cá nhân treo lủng lẳng trên cột. Đến chỗ nằm ngủ bé tẹo bụi bặm cũng bám đầy, nhấc người lên là thấy trên tấm phản in hình một dáng nằm co quắp…
Tôi lùi ra xa ngắm nhà mình trong đêm, mọi thứ còn ngổn ngang, bề bộn. Giàn giáo chằng chịt, cát sỏi đổ bịt cả đường đi. Giờ nhắm mắt mà tưởng tượng ra khi nhà hoàn thiện với căn phòng thơm tho và chăn ấm đệm êm thì cũng chẳng thể nào xóa đi cảm giác bải hoải lúc này. Trước lúc xây nhà, chúng ta thường nghĩ sẽ chỉn chu đến từng chi tiết. Rèm cửa sổ thêu hình hoa sen, ban công phải thật rộng để trồng hoa, bàn ghế trong nhà phải toàn màu trắng, từng cái vỏ gối cũng sẽ tìm mua bằng được họa tiết mình ưng. Đến lúc làm thì sức tàn mà tiền cũng kiệt.
Xoay xở mệt nhoài chẳng hơi sức đâu nghĩ đến những tiểu tiết trong nhà. Thật ra có nhiều người chán căn nhà của chính mình ngay từ khi đặt viên gạch đầu tiên. Khi nghĩ từ giờ trở đi sẽ kết thúc cuộc đời dịch chuyển. Có nhà rồi đâu thể thích đi thì đi được. Sẽ có thứ níu chân mình lại mỗi khi xách ba lô định bước lên xe. Có thể là chồng, có thể là con. Có thể níu vì niềm vui cũng có thể níu vì một cơn đau bệnh. Mà ngay cả khi chỉ ở có một mình không lẫn một bóng người nào khác thì con chó, con mèo vẫn có thể níu chân mình một cách ngon ơ. Mình đi rồi ai nấu cho nó ăn? Nhỡ nó ốm, ai chăm? Hoặc tha thẩn ngoài đường người ta bắt mất. Sợ người đời trách móc, đã không nuôi thì thôi, chứ nuôi mà bỏ bê nó thế kia có mà phải tội. Nhưng có nhà mà không nuôi một con vật nào thì chỉ sợ nó không còn giống một căn nhà nữa.
Video đang HOT
Bạn bè tôi có nhiều người điêu đứng chỉ vì cố vay mượn quá sức để làm nhà. Cuối cùng, nhà to quá mà không ai ở, chỉ khổ công lau chùi, quét dọn. Nợ nần dồn sau lưng từng ngày, từng tháng. Vợ chồng sinh ra cãi cọ nhau. Có đôi khi ước ao giá đập bớt được vài phòng mà ra tiền thì cũng cầm búa đập. Lo toan túng bí khiến ngôi nhà thiếu vắng tiếng nói cười mà chỉ còn lại những lời hằn học. Nên mới có căn nhà vừa mới xây xong thì vợ chồng ly hôn. Nhà mới chia đôi, mỗi người một nửa. Sơn trên tường vẫn còn chưa kịp khô, bình mua về còn chưa kịp cắm hoa, những quả mướp đầu mùa còn chưa kịp hái nấu một bát canh ngon. Xây một căn nhà to đẹp xong mới biết mình sai lầm.
Ngày xưa ở trọ, căn phòng rộng chừng hai chục mét vuông cũng thấy lòng ấm cúng. Ở đó, vợ chồng con cái quây quần ăn cùng nhau những bữa cơm bình dị. Chật chội là thế mà buồn vui nào cũng có thể san sẻ cùng nhau. Cớ gì phải nhà to, hết tầng nọ đến tầng kia. Căn nhà dẫu có đẹp có lớn cỡ nào cũng chẳng thể gói ghém được hạnh phúc. Sao cứ phải ước ao…
Giờ thì tôi phải đi đốt bếp nấu xôi. Bốn giờ sáng là bắt đầu lễ cúng. Loanh quanh kiểu gì thì tôi vẫn thuộc tuýp đàn bà cần một mái nhà.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Theo sggp.org.vn
Khi duyên đã đủ cuối cùng cũng sẽ được ở bên nhau
Khi duyên đã đủ cuối cùng cũng sẽ được ở bên nhau
Tình cảm chân thành cuối cùng cũng sẽ được đền đáp.
Đủ bao dung cuối cùng cũng sẽ không thể lạc mất duyên phận.
***
Bạn thân mến! Phật giáo rất coi trọng cái duyên giữa vạn vật trên đời, không chỉ giữa con người với nhau mà cái duyên còn là sợi dây liên kết chúng ta với thế giới. Tất cả những gì xuất hiện và biến mất khỏi cuộc đời của chúng ta đều do duyên phận. Còn duyên thì ở lại, hết duyên thì ra đi, không thể cưỡng cầu. Nhưng chắc chắn tình cảm chân thành sẽ luôn được đền đáp, đủ bao dung thì sẽ không lạc mất duyên phận. Trong chương trình của tuần này, mời bạn lắng nghe bài viết Khi duyên đã đủ cuối cùng cũng sẽ được ở bên nhau.
Đêm hôm ấy, trời nổi cơn giông. Nhất Thiền cùng sư phụ bước qua cánh đồng cỏ úa. Tiếng sét rạch ngang trời. Cơn mưa lớn kéo đến mỗi lúc một gần...
Bỗng sư phụ dừng lại trước một tấm bia đá, đứng nhìn hồi lâu. Nhất Thiền theo sát gót sư phụ, cũng dừng lại nghe ngóng. Đôi mắt của sư phụ như găm chặt lên tấm bia đá, tràn đầy nuối tiếc. Ấy giống như ánh mắt của một người đã trải qua rất nhiều phong ba của cõi nhân sinh để rồi nhận ra nỗi vô thường của sinh mệnh.
Nhất Thiền cất lời: "Sư phụ, người đã quỳ ở đó rất lâu rồi. Đây là mộ của ai vậy ạ?".
Lúc bấy giờ sư phụ mới đứng dậy, phủi đất bám ở hai đầu gối, đoạn thở dài một tiếng, nói: "Lúc trước ta có gặp một bà lão. Bà ấy nuôi một con chó. Nó đã rất già rồi. Già đến mức dường như lúc nào cũng có thể chết ngay lập tức. Bà lão đành phải đem con chó đó gửi gắm cho nhà người bà con cách đó trăm dặm".
Nhất Thiền chau mày ra chiều ngẫm nghĩ lung lắm, cuối cùng thủ thỉ: "Bà lão không nỡ lòng tận mắt nhìn con chó ấy chết đi phải không sư phụ?".
Sư phụ nhìn Nhất Thiền, nét mặt thoáng buồn: "Chẳng ngờ con chó vốn già yếu sắp chết ấy đột nhiên lại tràn đầy sinh lực. Nó phá cửa, chạy về nhà bà lão. Nó phóng như bay qua đồng ruộng, khe núi rồi thôn làng và những đồng lúa mạch... nhưng vẫn không đến kịp để gặp mặt bà lão lần cuối".
Nhất Thiền tròn xoe mắt: "Hả! Con cứ tưởng bà lão không nỡ nhìn con chó ấy qua đời. Thật là đáng thương tâm!".
Sư phụ hơi cúi đầu xuống, mắt nhắm nghiền nói: "Thật ra bà lão biết được mình sắp chết, không nỡ để con chó chứng kiến cảnh mình qua đời nên mới làm như vậy. Con chó ấy dùng chút sức tàn lực kiệt chạy về nhà để gặp chủ nhân, chẳng ngờ đã quá muộn. Rồi nó cũng chết gục bên bậu cửa. Đây là ngôi mộ của bà lão, còn nấm đất bên cạnh kia là mộ của con chó ấy. Thật quá bi thương!".
Cơn mưa chuẩn bị kéo đến đầy trời. Gió đã nổi lên mỗi lúc một lớn. Mây đen giăng lên trời đêm một chiếc màn u ám. Những hạt mưa nhỏ đã bắt đầu thấm trên vai, trên áo hai thầy trò. Thi thoảng ánh chớp nhoáng nhoáng trên không trung dường như soi thấy những ngấn lệ trên mắt sư phụ.
Sư phụ trầm ngâm đứng dưới tán cây xanh cổ thụ cạnh ngôi mộ, đoạn cất tiếng: "Nhất Thiền à, có những lúc người ta quả thực không nỡ để người mình yêu quý phải bi thương. Họ chọn cách trốn tránh. Nhưng tiểu tử ngốc à, sợi dây vận mệnh của một số người sớm đã mắc nối cùng với con. Cuối cùng thì cả hai cũng sẽ tương ngộ thôi, bất kể cách nhau bao xa, bất kể bằng cách nào".
***
Tình cảm chân thành cuối cùng cũng sẽ được đền đáp.
Đủ bao dung cuối cùng cũng sẽ không thể lạc mất duyên phận.
Khi duyên đã đủ cuối cùng cũng sẽ được ở bên nhau.
Bất kể bằng cách nào đi nữa... Bất kể bằng cách nào đi nữa...
Tiểu Phi
Theo blogradio.vn
Xin lỗi con, mẹ sai rồi Năm con gái vào cấp II, tôi tình cờ đọc nhật ký của con và nhận ra con gái tôi đã nhiều đêm lén khóc vì phải sống theo ý mẹ. Tôi nhớ hôm đó... Bé T. cúi gằm mặt khi ăn sáng ở nhà. Nhận ra mắt con đỏ hoe nhưng muốn giữ nguyên tắc không trò chuyện trong bữa ăn nên...