Dân Anh sẽ phải xét nghiệm COVID-19 dù chỉ bị chảy nước mũi
Người dân sống ở tây bắc Anh được yêu cầu xét nghiệm COVID-19 cho dù họ chỉ bị chảy nước mũi. Đây là nỗ lực để truy vết biến chủng mới đang xuất hiện trong khu vực.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh ngày 5/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Dailymail, giới chức y tế Anh chỉ yêu cầu người dân xét nghiệm nếu họ có ba triệu chứng điển hình nhất của COVID-19 là sốt, ho liên tục và mất khứu giác/vị giác.
Tuy nhiên, 1 triệu dân ở khu vực thành phố Liverpool, Preston và Lancashire sẽ phải xét nghiệm nếu họ có nghi ngờ mình mắc bệnh, dù là nghi ngờ nhỏ nhất.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi có trên 40 ca mắc biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại ba khu vực này. Các chuyên gia lo ngại biến chủng mới khiến vaccine kém hiệu quả.
Biến chủng Nam Phi và Brazil đã khiến Anh thắt chặt kiểm soát biên giới. Mặc dù các biến chủng không gây ra các triệu chứng khác lạ so với virus gốc nhưng giới chức đang bổ sung tiêu chí để lấy mẫu xét nghiệm nhằm tránh bỏ sót ca mắc nào.
Các triệu chứng COVID-19 trên diện rộng gồm khó thở, mệt, đau cơ/người, đau họng, nghẹt mũi/chảy nước mũi, buồn nôn/nôn.
Video đang HOT
Ông Matthew Ashton, Giám đốc cơ quan y tế công cộng ở Liverpool nói: “Chúng tôi lo ngại mọi người có thể không nghĩ họ mắc COVID-19 vì họ không có triệu chứng điển hình, do đó có thể vô ý lây bệnh cho người khác. Virus biến đổi liên tục nên cần phải nỗ lực gấp đôi để đi trước một bước. Chúng tôi biết một số người có các triệu chứng không điển hình đã dương tính với virus”.
Một diễn biến khiến khủng hoảng COVID-19 ở Anh thêm phức tạp là giới chức đã phát hiện 11 dòng của biến chủng Kent có đột biến, cho thấy biến chủng ở Anh cũng đang thay đổi.
Tiến sĩ Sakthi Karunanithi, Giám đốc y tế công cộng tại Hội đồng Hạt Lancashire, nói: “Việc bạn không có ba triệu chứng điển hình không quan trọng, ngay cả cơn đau đầu cũng là dấu hiệu bạn có thể mắc biến chủng này”. Ông Karunanithi cho rằng điều quan trọng là hiện không có bằng chứng cho thấy biến chủng này có thể khiến bệnh nhân ốm nặng hơn hoặc lây lan nhanh hơn.
Cách kiểm soát tốt nhất là tiếp tục tuân thủ quy định phong tỏa, tuân thủ biện pháp phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách.
Biến chủng được phát hiện ở vùng tây bắc Anh ít gây lo ngại vì nó là phiên bản thay đổi của chủng gốc, nên ít lây lan hơn biến chủng Kent.
Họ lo hơn về biến chủng mới ở Bristol vì nó đặt ra mối đe dọa kép. Nó chính là biến chủng Kent nên dễ lây hơn và lại mang đột biến có thể khiến vaccine vô tác dụng.
Đợt xét nghiệm ở tây bắc Anh lần này khác với chiến dịch gõ cửa từng nhà để xét nghiệm người dân nhằm tìm biến chủng Nam Phi từ ngày 2/2.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên đường phố ở Kingston, Anh ngày 21/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo chiến dịch ngày 2/2, các nhóm chuyên gia Anh đã đi từng nhà để xét nghiệm 80.000 người ở các khu vực mà họ sợ là biến chủng này đang lây lan. Các nhà khoa học lo ngại biến chủng Nam Phi có thể khiến vaccine vô hiệu và nhấn mạnh rằng bất kỳ ai nghi ngờ mình bị nhiễm virus này cần tự cách ly ngay lập tức.
Tới nay, Cơ quan Y tế Công cộng Anh đã phát hiện 105 ca mắc biến thể Nam Phi có tên B.1.351 từ 22/12/2020, trong đó có ít nhất 11 người mắc virus này mà không ra nước ngoài. Điều này cho thấy có thể có hàng trăm ca mắc biến chủng này mà chưa được xác định.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock kêu gọi người dân ở 8 khu vực bị ảnh hưởng ở nhà và rất cẩn trọng. Ông cho biết mục tiêu là tìm được mọi ca mắc biến chủng Nam Phi trong kế hoạch nước rút 2 tuần.
Hơn 80.000 người dân từ 16 tuổi trở lên sẽ phải làm xét nghiệm cho dù họ có triệu chứng COVID-19 hay không.
Ngoài việc gõ cửa từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm, các đơn vị lấy mẫu di động sẽ được triển khai tới 8 khu vực. Người dân cũng có thể đặt bộ xét nghiệm tại nhà trên mạng để tự xét nghiệm.
Mục đích của đợt xét nghiệm này là nhằm cô lập những người tiếp xúc gần với 11 bệnh nhân nói trên.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng Nam Phi khiến người mắc ốm nặng hơn và nghiên cứu ban đầu cho thấy vaccine hiện nay có thể bảo vệ cơ thể khỏi biến chủng này.
Biến thể virus có thể đảo ngược những tiến bộ chống dịch của nhân loại
Trong bối cảnh thế giới tiệm cận mốc 100 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 25 triệu ca ở Mỹ, nỗi lo về các biến thể mới của virus corona cũng tăng dần.
Các nhà khoa học tại Trung tâm Y sinh Jeffrey Cheah tại Cambridge, Anh. Đây là nơi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về các biến thể virus corona và cố gắng xác định xác định xem các vắc xin hiện có có thể phòng ngừa chúng hiệu quả như thế nào - Ảnh: NYT
Theo báo New York Times (NYT), sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của các biến thể virus corona mới thời gian qua đang khiến giới chuyên môn quốc tế lo ngại chúng có thể làm chậm lại, hoặc thậm chí đảo ngược các tiến bộ đã đạt được của công cuộc chống đại dịch COVID-19 toàn cầu.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là hiệu quả phòng ngừa của các vắc xin COVID-19 hiện đạt tới mức nào khi đương đầu với các chủng biến thể virus corona đã tìm thấy ở Anh, Nam Phi, Brazil và Mỹ.
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ gần đây cảnh báo biến thể virus corona đầu tiên phát hiện tại Anh cho tới tháng 3 năm nay có thể trở thành mầm bệnh chủ yếu tại Mỹ, và chắc chắn sẽ là nguyên nhân làm tăng mạnh số ca mắc mới và số người chết trong thời gian tới.
Biến thể virus ở Anh hiện đã có mặt tại ít nhất 22 quốc gia. Trong tối 23-1, ĐH Michigan (Mỹ) thông báo sẽ dừng mọi hoạt động thể dục thể thao trong trường sau khi phát hiện nhiều ca mắc biến thể mới trong số những người có liên quan tới khoa giáo dục thể chất.
Mặc dù những hiểu biết về mức độ nguy hiểm của các biến thể virus corona mới hiện còn rất khiêm tốn, song theo một số dữ liệu hiện tại, có vẻ như một số biến thể có tốc độ lây lan nhanh hơn so với phiên bản virus corona đầu tiên.
Trong cuộc họp báo ngày 22-1, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói biến thể virus corona tìm thấy ở Anh cũng có thể gây nguy cơ tử vong cao hơn, dù ông cũng thừa nhận việc đưa ra đánh giá đó ngay lúc này dường như vẫn là quá sớm.
Các cố vấn khoa học của ông Boris Johnson luôn kêu gọi tránh đưa ra những thông tin có thể gây hoang mang dư luận trong lúc chờ thêm những kết quả nghiên cứu khoa học đầy đủ hơn.
Philippines đặt mua 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 Philippines ký hợp đồng mua 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác nghiên cứu sản xuất. Jose Concepcion, cố vấn kinh doanh của chính phủ Philippines, hôm nay cho biết các công ty ở nước này sẽ đứng ra mua số liều vaccine trên và tặng lại một nửa cho chính phủ. Concepcion nói thêm...