Dân Ấn Độ bị vạ lây vì Trung Quốc?
Bà Bimati Hajarika, 60 tuổi, chỉ tay xuống dòng sông Brahmaputra và nói: “Dòng sông này đã khiến tôi thay đổi chỗ ở 5 lần. Bốn ngôi làng trước đây của tôi vẫn còn nằm dưới nước”.
Hiện bà Hajarika sống trong một lều tạm được dựng trên những cọc tre. “Tôi không biết đi đâu nếu dòng sông lại gây ngập lụt nữa” – bà tâm sự.
Brahmaputra, một trong những dòng sông lớn nhất châu Á, bắt nguồn từ khu tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc và chảy qua Ấn Độ, Bangladesh trước khi đổ vào vịnh Bengal. Con sông gây lũ lụt nghiêm trọng ở bang Assam, miền Đông Bắc Ấn Độ, vào mùa mưa hằng năm, buộc hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Riêng năm 2017, gần 300 người đã thiệt mạng do lũ lụt ở bang này.
Người dân Assam lo sợ lũ lụt sẽ càng thảm khốc hơn kể từ tháng 5, khi Trung Quốc ngưng chia sẻ dữ liệu quan trọng về con sông. Dữ liệu này – liên quan đến dòng chảy, sự phân bổ và chất lượng nước – cung cấp thông tin về mực nước sông để báo động các quốc gia ở hạ nguồn trong trường hợp xảy ra lũ lụt.
Bà Bimati Hajarika, người đã thay đổi chỗ ở 5 lần do lũ lụt ở bang Assam – Ấn Độ Ảnh: BBC
Trước đây, Ấn Độ và Bangladesh đã thỏa thuận với Trung Quốc rằng quốc gia thượng nguồn sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn của sông Brahmaputra vào mùa mưa từ ngày 15-5 đến 15-10. Tuy nhiên, hồi tháng 8, giới chức Ấn Độ cho biết họ không nhận được dữ liệu nào cho năm nay. Sự im lặng này xảy ra ngay sau vụ căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến khu vực biên giới trên dãy Himalaya.
Video đang HOT
Nhà chức trách Trung Quốc hồi tháng 9 nhấn mạnh họ không có dữ liệu để chia sẻ bởi đang nâng cấp các trạm thủy văn. Tuy nhiên, đài BBC phát hiện Trung Quốc vẫn còn chia sẻ dữ liệu về sông Brahmaputra với Bangladesh.
Phía Trung Quốc cũng khẳng định không hề trữ nước hay chuyển hướng dòng chảy của sông Brahmaputra, đồng thời khẳng định không làm gì đi ngược lại lợi ích của các nước hạ nguồn. Tuy nhiên, giới chức bang Assam cho biết lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn từ tháng 5.
“Trước đây, chúng tôi thường hứng chịu 1-2 đợt lũ trong mùa mưa nhưng năm nay đã xảy ra 4 đợt lũ dù không mưa nhiều” – ông Himanta Sarma, Bộ trưởng Tài chính và Y tế bang Assam, nhấn mạnh.
Theo Lục San
Người lao động
Quả 'bom nước' Trung Quốc có thể dùng để uy hiếp Ấn Độ
Nếu Trung Quốc đồng loạt xả lũ các đập ở thượng nguồn, Ấn Độ có thể hứng chịu lũ lụt với sức tàn phá nặng nề.
Lũ lụt tại khu vực sông Brahmaputra chảy qua Ấn Độ. Ảnh: TopYaps.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực cao nguyên Doklam chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Bắc Kinh dường như đang âm thầm khởi động một chiến dịch khác nhằm gây sức ép với New Delhi, theo TopYaps.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ mới đây cho biết Trung Quốc từ tháng 5 đã ngừng việc chia sẻ dữ liệu thủy văn về lượng nước của các con sông bắt nguồn từ nước này chảy qua Ấn Độ, vốn được hai nước thực hiện từ năm 2006 theo một thỏa thuận nhằm ngăn chặn thiên tai trong mùa lũ.
Theo các chuyên gia về môi trường và phát triển bền vững, với động thái này, Trung Quốc đang tìm cách treo một quả "bom nước" trên đầu Ấn Độ nhằm gây sức ép buộc New Delhi phải rút quân khỏi Doklam.
"Mặc dù Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm, nhưng chúng tôi không thể thực hiện đúng nghĩa vụ với Ấn Độ nếu nước này không tôn trọng chủ quyền của chúng tôi", chuyên gia Hu Zhiyong, thuộc viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội Thượng Hải, tuyên bố trên Global Times.
Một đợt lũ lụt tại miền bắc Ấn Độ. Ảnh: TopYaps.
Giới chuyên gia cho biết Trung Quốc từ lâu đã xây dựng nhiều đập ngăn nước trên ba con sông lớn bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua Ấn Độ là Brahmaputra, Sutlej và Indus. Đây đều là những con sông chính của Ấn Độ.
Nhà nghiên cứu Santosh Rai thuộc viện Địa chất Himalaya nhận định, nếu Trung Quốc xả lũ tất cả con đập trên sông Brahmaputra, toàn bộ khu vực phía đông của Ấn Độ có thể bị tàn phá bởi lũ lụt trong vài giờ, trong khi nước từ hai con sông Sutlej và Indus có thể nhấn chìm toàn bộ phía bắc nước này.
Theo chuyên gia quốc phòng Anil Gupta, trong trường hợp Bắc Kinh khởi động một cuộc "chiến tranh nước" bằng cách xả lũ đồng loạt các đập, không chỉ toàn bộ vùng Punjab bị ngập lụt mà đập Bhakra Nangal của Ấn Độ cũng bị đe dọa, có thể gây ra vụ vỡ đập có sức tàn phá không kém gì một vụ nổ hạt nhân.
Chuyên gia chiến lược người Ấn Độ Brahma Chellani đánh giá trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới hai nước bước sang tháng thứ 3, Bắc Kinh có thể sẽ dùng thủy lợi như một thứ vũ khí chính trị để kìm hãm sức mạnh của New Delhi.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Ấn Độ phê chuẩn mua 6 trực thăng Mỹ giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc Giới chức Ấn Độ cho biết nước này đã phê chuẩn thương vụ mua 6 máy bay trực thăng tấn công Apache của tập đoàn hàng không Boeing, Mỹ trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực biên giới với Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Máy bay trực thăng Apache (Ảnh: Sputnik) Hội đồng Mua sắm Quốc phòng (DAC),...