Dân 5 lần đi lại để làm giấy khai sinh, cán bộ bị điều chuyển
Liên quan đến việc một người dân 5 lần đi lại để làm giấy khai sinh, sáng 4/11, ông Nguyễn Minh Cà – Chủ tịch UBND thị trấn U Minh, huyện U Minh ( Cà Mau) xác nhận đã điều chuyển ông Trần Minh Tiến, công chức Tư pháp – Hộ tịch của thị trấn sang bộ phận khác để chờ xứ lý tiếp theo.
Theo ông Cà, ngay sau khi có công văn của UBND tỉnh, thị trấn đã họp và quyết định trước mắt điều động ông Tiến qua bộ phận Văn phòng – thống kê, chờ khi xử lý kỷ luật.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện U Minh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND thị trấn U Minh vì để xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế nghiêm trọng trong giải quyết thủ hành chính.
Theo đó, ngày 8/10 Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cử công chức đến bộ phận một cửa của thị trấn U Minh cùng người dân làm thủ tục hành chính.
ảnh minh họa.
Tại đây, công chức này ghi nhận, có 1 người dân đến bộ phận một cửa của thị trấn U Minh để làm giấy khai sinh cho trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, người dân này đã phải đi lại 4 lần nhưng chưa làm được thủ tục cấp giấy khai sinh. Người dân này bị đề nghị bổ sung hộ khẩu, giấy kết hôn của cha mẹ…
Phải đến lần thứ 5 người dân mới nhận được giấy khai sinh, nhưng phải chi 200.000 đồng. Sau đó, người này tiếp tục yêu cầu làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, công chức Tư pháp – Hộ tịch đã từ chối với lý do “thủ tục đó từ từ đi, chưa thực hiện liền được”.
Trong khi đó, theo quy định của UBND tỉnh Cà Mau trong lĩnh vực hộ tịch áp dụng tại UBND cấp xã thì thủ tục đăng ký giấy khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện đồng thời và trả cùng lúc 2 kết quả cho người dân.
Video đang HOT
Theo UBND tỉnh Cà Mau, vụ việc nêu trên được xác định là “nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân”, mặc dù yêu cầu của người dân là đúng và thuộc thẩm quyền của UBND thị trấn U Minh.
Theo Danviet
Cà Mau: Cửa biển vừa nạo vét xong đã bồi lấn
Ngư dân Cà Mau phải mời một tàu kéo đậu thường trực ở cửa biển để lai dắt tàu ra vào cho an toàn.
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau vừa có văn bản trả lời phóng viên Pháp Luật TP.HCM về những vấn đề liên quan đến vụ việc ngư dân phản ánh tình trạng dự án cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau - do Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư) sau khi nạo vét còn khó đi hơn trước, làm tàu của ngư dân gặp nạn.
Dân bị chìm tàu, thiệt hại 3 tỉ đồng
Cụ thể, cuối tháng 9 vừa qua, hàng chục ngư dân phản ánh cửa biển Khánh Hội sau khi tốn hàng chục tỉ đồng để nạo vét thì càng khó đi hơn trước. Đặc biệt, một tàu biển của ngư dân bị chìm, thiệt hại hơn 3 tỉ đồng.
Tại một báo cáo chính thức của UBND huyện U Minh đầu tháng 9-2019 có tiêu đề "Báo cáo tình hình bồi lấn ở cửa biển Khánh Hội, gây chìm tàu của ngư dân", nội dung thể hiện có năm người được cử làm đại diện cho bà con ngư dân ở Khánh Hội đến UBND huyện yêu cầu cấp thiết xử lý tình trạng bồi lắng cửa biển. Trong đó có một tàu biển bị chìm ở ngay cửa biển này, thiệt hại hoàn toàn tài sản.
Báo cáo cũng ghi nhận thực trạng hiện nay ngư dân ra vào cửa biển Khánh Hội phải thuê tàu lai dắt vì cạn do những gò đất được tạo ra bởi dự án nạo vét cửa biển Khánh Hội hồi năm ngoái (2018). Bên cạnh đó có sự ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão số 3 gây bồi lắng ngày càng nhiều.
"Hơn 10 năm trước cũng có dự án nạo vét cửa biển Khánh Hội này. Khi đó người ta dùng xáng thổi ống to, đường kính 1 m. Còn lần này họ dùng loại ống nhỏ xíu, đường kính có 2 tấc, hỏi sao mà có chất lượng chứ?" - chị Trần Thị Thấm, ở ấp 4, xã Khánh Hội, một chủ tàu cá nơi đây kể với phóng viên.
Còn ông Trịnh Văn Đời, ngư dân có tàu biển bị chìm, thiệt hại hoàn toàn hôm 3-9 thì quả quyết: "Sau nạo vét khó đi hơn trước. Trước cửa biển có cạn nhưng đất bùn nhão, tàu vẫn tăng tốc rướn qua được, nay họ làm bằng xáng cạp, tạo các dòng khoai rất cứng làm tàu tôi bị vướng, không tự rút được, sóng dập tàu quay theo và bị đánh úp". Sợ lại bị chìm, ông Đời cho biết phải mời một tàu kéo từ Kiên Giang qua đậu thường trực ở cửa biển để lai dắt tàu ngư dân ra vào cửa cho an toàn.
Theo người dân, nhà thầu thi công đã dùng xáng thổi bùn loại nhỏ để thi công phía đất liền. Ảnh: TRẦN VŨ
Hồ sơ: Xáng thổi lớn; khi làm: Xáng thổi nhỏ
Trong văn bản trả lời, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau thừa nhận hồ sơ thiết kế thi công nạo vét cửa biển Khánh Hội là dùng toàn xáng thổi lớn. Quá trình thi công, nhà thầu có lén đưa xáng thổi nhỏ vào thi công đã bị chủ đầu tư phát hiện và phạt hành chính 25 triệu đồng.
Sở NN&PTNT cũng xác định việc cửa biển bồi lấn, ngư dân mắc cạn thường xuyên là có thật. Nhưng sở này cho rằng nguyên nhân chủ yếu là khách quan, do tốc độ bồi lấn đang rất cao, ở hầu hết các cửa biển đều vậy, sau một năm là bồi lắng lại như ban đầu. Theo Sở NN&PTNT, do dự án này còn bảo hành nên sẽ đưa cơ giới vào để nạo vét, sửa lại những chỗ cạn.
Sở này cũng xác nhận nhà thầu dùng cả xáng cạp dây để thi công ngoài cửa biển là có. Tuy không đúng thiết kế nhưng được chủ đầu tư chấp nhận vì phát sinh thực tế không có chỗ đổ đất nên phải dùng xáng cạp múc đất lên sà lan di chuyển đến một bãi tập kết ở mé biển rồi thổi vào trong.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, lý giải thêm: Do địa bàn thi công sông nước rộng lớn nên nhà thầu lợi dụng đưa phương tiện sai vào. Còn thụ động đổ đất là vì đồn biên phòng không cho đổ vào khu vực rừng phòng hộ.
Chủ thầu: Chúng tôi đã chịu phạt
Về vấn đề công trình vừa xong đã bồi lắng, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm (nhà thầu dự án) lý giải: "Vấn đề đưa thiết bị nhỏ, sai thiết kế vào thi công là vì chúng tôi thấy cần đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh xáng thổi lớn đúng thiết kế, chúng tôi có đưa 11 xáng thổi nhỏ, làm được bốn ngày thì chủ đầu tư buộc dừng và chúng tôi đã dừng lại, chịu phạt".
Đại diện này cũng cho rằng cửa biển bồi lấn thì chủ yếu do ảnh hưởng của bão số 3, đã được đoàn khảo sát của tỉnh kết luận rõ. "Riêng những dòng đất cứng mà dân gọi là dòng khoai do chúng tôi thi công để lại là không đúng. Đoàn khảo sát đã khảo sát và kết luận chứ không phải tôi tự khảo sát" - đại diện này nói.
Đại diện này cho biết thêm hiện nay do yêu cầu của chủ đầu tư, công ty đã đưa cơ giới đến cửa biển Khánh Hội chuẩn bị nạo vét lại. Do đặc điểm nạo vét không có quy định bảo hành nên phần này sẽ do chủ đầu tư chịu.
Một con tàu chìm ở hai vị trí
Riêng vị trí tàu ông Trịnh Văn Đời bị chìm, Sở NN&PTNT cho rằng sau khi sở chủ trì khảo sát lại thì nằm ngoài khu vực dự án nạo vét.
Tuy nhiên, ông Đời khẳng định: "Hôm đó họ có gọi điện thoại nhưng tôi bận việc không tham gia được. Nhưng nếu họ lấy vị trí xác tàu hiện nay thì nằm ngoài dự án nạo vét là phải rồi. Bởi sau khi bị vướng dòng khoai, sóng đánh lật thì nó bắt đầu trôi đi. Còn vị trí chìm là ở giữa lòng lạch vào cửa, cách đồn biên phòng 600 m. Lúc mới chìm, tài công của tôi có trình báo và đồn đã lập biên bản, có tọa độ rõ ràng".
Như vậy, quá trình khảo sát lại vị trí tàu chìm của Sở NN&PTNT là không khớp với biên bản do đồn biên phòng lập lúc tàu mới chìm.
Về vấn đề này, UBND tỉnh Cà Mau cho hay đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát thực tế, làm rõ nguyên nhân vụ việc để có biện pháp xử lý đúng quy định.
TRẦN VŨ
Theo PLO
Cà Mau: Nuôi thập cẩm các loài con đặc sản, thu 500 triệu đồng/năm Từ nhiều năm qua, nhờ thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp mà kinh tế gia đình anh Trịnh Hoàng Lâm, ở khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) từng bước vươn lên thoát nghèo. Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền, anh Lâm được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng...