Đàm phán với Mỹ gặp trở ngại, Triều Tiên kêu gọi người dân “thắt lưng buộc bụng”
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã kêu gọi người dân nước này sẵn sàng “ thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh những cuộc đàm phán về tiến trình hạt nhân với Mỹ dường như có dấu hiệu gặp trở ngại.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một nhà máy Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Reuters)
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên ngày 23/7, đã bất ngờ gợi nhắc người dân Triều Tiên về quãng thời gian những năm 1990. Vào thời điểm đó, Liên Xô tan rã đã khiến người dân Bình Nhưỡng phải trải qua nạn đói.
Tờ báo kêu gọi ngay cả khi phải trải qua khó khăn trong tình cảnh “thắt lưng buộc bụng” thì Triều Tiên vẫn “tiến về phía trước trên con đường bất tử của nhân dân trong tiến trình 70 năm đấu tranh và trên con đường của chủ nghĩa xã hội”.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh giới quan sát bày tỏ quan ngại về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ. Quá trình kéo dài hơn dự tính làm dấy lên lo ngại có thể tác động tiêu cực đến triển vọng Triều Tiên được dỡ bỏ trừng phạt và theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế.
Việc cảnh báo người dân sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng” có thể nhằm giảm mức kỳ vọng của người dân Triều Tiên về một tương lai tươi sáng hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sau đó là với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Truyền thông Triều Tiên gần đây đã tăng cường các thông điệp kêu gọi tự lực, tự cường tới quần chúng. Trong những chuyến thị sát gần đây, ông Kim Jong-un đã phê bình các quan chức đảng và chính phủ phụ trách kinh tế vì năng suất lao động chưa cao và tiến độ chưa được cải thiện rõ rệt.
Triều Tiên cũng cho rằng Hàn Quốc đang “chậm chạp” trong việc thực thi các thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều và nhận định Seoul dường như đang cản trở việc hợp tác xuyên biên giới.
Theo Yonhap, hợp tác kinh tế toàn diện liên Triều chỉ có thể xảy ra khi Seoul và Washington chắc chắn rằng Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), kinh tế Triều Tiên năm 2017 suy giảm mạnh nhất trong 2 thập niên qua. Cụ thể, GDP của Triều Tiên giảm 3,5 %, mức giảm mạnh nhất trong 20 năm qua. Các chuyên gia nhận định, số lượng và cường độ các lệnh trừng phạt áp lên Triều Tiên trong năm qua đã mạnh hơn năm 2016, dẫn tới tình trạng nền kinh tế tụt dốc.
Video đang HOT
Đức Hoàng
Theo Dantri
"Giải mã" cơn giận hiếm thấy của ông Kim Jong-un trong các chuyến thị sát
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un khiển trách các quan chức Triều Tiên trong các chuyến thị sát không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, chưa có khi nào truyền thông Triều Tiên đưa tin rầm rộ về cơn giận của ông Kim Jong-un như lần này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm một nhà máy điện (Ảnh: KCNA)
Những chuyến thị sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là đề tài từng được truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhiều lần. Ông Kim Jong-un thường được nhìn thấy đích thân chỉ đạo tại các cơ sở trong khi vây quanh ông là các quan chức với những cuốn sổ ghi chép trên tay.
Sau chuyến thăm gần đây nhất của ông Kim Jong-un tới tỉnh Bắc Hamgyong, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã tăng gấp đôi số trang xuất bản lên 12 trang, trong đó có 9 trang dành để viết về chuyến thị sát của nhà lãnh đạo. Trong khi đó, đài truyền hình quốc gia Triều Tiên cũng tăng thời lượng phát sóng chương trình thời sự chính vào buổi tối từ 20 phút lên 1 giờ đồng hồ để đưa tin về chuyến thị sát của ông Kim Jong-un.
Theo hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã "giận tới mức không nói lên lời" khi biết tin dự án nhà máy điện Orangchon mới chỉ hoàn thành 70% sau 17 năm khởi công. Ông khiển trách các quan chức "không biết xấu hổ" khi để dự án chậm tiến độ như vậy và yêu cầu phải gấp rút hoàn thiện dự án này muộn nhất là vào tháng 10 năm tới.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng giận dữ khi nhìn thấy những bể nước nóng bẩn thỉu và tối tăm tại khu nghỉ dưỡng Onpho. Ông Kim thậm chí còn mô tả những bể nước này "bẩn hơn cả bể cá".
Ông Kim Jong-un khiển trách cấp dưới vì để bể nước nóng bẩn hơn bể cá tại khu nghỉ dưỡng Onpho (Ảnh: KCNA)
Khi tới thăm một nhà máy sản xuất túi ở Bắc Hamgyong, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không hài lòng với hoạt động sản xuất tại đây. Ông đã chỉ trích đảng ủy địa phương làm việc "lấy lệ".
Hồi đầu tháng, trong chuyến thăm tới một nhà máy dệt ở thị trấn Sinuiju giáp biên giới với Trung Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã phê bình những người quản lý nhà máy. Ông cho rằng họ chỉ biết phàn nàn về việc thiếu nguyên liệu đầu vào cũng như kinh phí để sản xuất trong khi không tích cực làm việc để nâng cao năng suất lao động.
Sau những lời khiển trách của nhà lãnh đạo, ông Pak Pong Ju, thủ tướng Triều Tiên đồng thời là quan chức cấp cao phụ trách lĩnh vực kinh tế, đã thực hiện các chuyến thăm tới một loạt cơ sở, trong đó có cả nhà máy dệt Sinuiju. Ông Pak cũng tổ chức các phiên họp để thảo luận về việc "hoàn thiện hiện đại hóa quy trình sản xuất", đưa các nhà máy trở thành các cơ sở "chuyên sâu về công nghệ và tiết kiệm nhân lực".
Lý do tức giận
Ông Kim Jong-un đến thăm nhà máy sản xuất túi Chongjin (Ảnh: KCNA)
Sau khi dồn nhiều tâm huyết cho mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong nhiều năm qua, ông Kim Jong-un hồi tháng 4 bất ngờ thông báo Triều Tiên sẽ chuyển hướng tập trung sang phát triển kinh tế. Trong chuyến đi tới Singapore nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6, ông Kim Jong-un đã dành nhiều lời khen cho tốc độ phát triển kinh tế cũng như những tiện nghi đẳng cấp thế giới của quốc đảo sư tử.
Giới phân tích cho rằng cơn giận dữ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước một loạt vấn đề bất cập tại các cơ sở, nhà máy nơi ông đến thị sát xuất phát từ mong muốn thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên phát triển.
"Ở thời điểm hiện tại, phát triển kinh tế được xem là chính sách chủ đạo. Ông ấy cần nhìn thấy những kết quả cụ thể, nhưng rốt cuộc lại nhận ra thực tế không hề tốt đẹp như mong muốn. Đối với người dân trong nước, ông ấy muốn khuyến khích mọi người làm việc chăm chỉ", Giáo sư Koh Yu-hwan tại Đại học Dongguk ở Seoul, Hàn Quốc nhận định.
Trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ đang diễn ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể muốn xóa tan những nghi ngờ về cam kết phi hạt nhân hóa của ông bằng cách nhấn mạnh quyết tâm phát triển kinh tế. Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng Bình Nhưỡng vẫn đang phát triển vũ khí hạt nhân, bất chấp những cam kết phi hạt nhân hóa tại hội nghị thượng đỉnh, các động thái của ông Kim Jong-un có thể nhằm mục đích xóa tan những nghi ngờ này.
"Để nhận được sự ủng hộ từ người dân, ông Kim Jong-un muốn thể hiện rằng ông đang dốc toàn lực để phát triển kinh tế và ông thực sự mong muốn điều đó", Giáo sư Lee Woo-young tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định.
Ông Kim Jong-un dặn dò cấp dưới trong chuyến thị sát tới một nhà máy (Ảnh: KCNA)
Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng ông Kim Jong-un muốn gửi tín hiệu tới cả người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng Triều Tiên đang tập trung phát triển kinh tế theo đúng cam kết của nước này.
"Đối với người dân, ông ấy đang cho thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo chăm lo cho cuộc sống của họ. Còn đối với thế giới, ông ấy phát đi tín hiệu rằng ông ấy thực sự nghiêm túc với lời hứa phi hạt nhân hóa", Giáo sư Yang cho biết.
Theo Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson, những lời khiển trách của ông Kim Jong-un trong các chuyến thị sát gần đây là một phần trong nỗ lực của ông nhằm học theo tấm gương của ông nội, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, trong việc tạo ra sự gắn kết giữa lãnh đạo và người dân.
"Điều này tương tự như những lời phát biểu và nhận xét của ông Kim Nhật Thành trước đây", ông Madden nói.
Theo Lim Eul-chul, nhà phân tích Hàn Quốc tại Đại học Kyungnam, ông Kim Jong-un đang tăng cường việc giám sát nền kinh tế Triều Tiên sau các chuyến đi tới Trung Quốc và Singapore.
"Có vẻ như ông Kim Jong-un cảm thấy thất vọng về những gì ông từng mong mỏi sau các chuyến đi tới Trung Quốc và Singapore", chuyên gia Lee nhận xét.
"Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như tin rằng đất nước của ông có thể duy trì sự cân bằng giữa việc vừa mở cửa vừa cải cách nội bộ sau khi cải thiện năng lực cạnh tranh về kinh tế. Do vậy ông vừa trừng phạt nghiêm khắc vừa đưa ra sự khích lệ trong các chuyến thị sát", Giáo sư Yang Moo-jin cho biết.
Theo thống kê của Reuters, từ đầu năm 2018 đến nay, ông Kim Jong-un đã thực hiện 11 chuyến thị sát tới các cơ sở kinh tế và chỉ có 3 chuyến thị sát quân sự. Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian này năm ngoái, ông thực hiện tới 30 chuyến thị sát quân sự, gấp đôi so với số chuyến thị sát về kinh tế.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" của ông Kim Jong-un Dựa vào các động thái gần đây của nhà lãnh đạo Triều Tiên, giới quan sát cho rằng ông Kim Jong-un dường như đang áp dụng chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" trong nỗ lực cải cách nền kinh tế và xã hội, khi đưa ra những chính sách thể hiện quan điểm lãnh đạo vừa cương lại vừa nhu. Ông...