Đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine phải đợi tới năm 2016
Việc Ukraine cần tổ chức các cuộc bầu cử trong năm nay sẽ khiến thỏa thuận ngừng bắn Minsk dời về năm 2016, Reuters dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Tổng thống Pháp Hollande (trái) bi quan về việc hoàn tất thỏa thuận Minsk cuối năm nay – Ảnh: Reuters
“Vấn đề bầu cử sẽ mất nhiều thời gian. Chúng tôi không muốn cuộc bầu cử tổ chức tại khu vực miền đông Ukraine trong lúc nơi đây không tôn trọng thỏa thuận Minsk”, ông Hollande cho biết trong cuộc họp với lãnh đạo Ukraine, Nga và Đức hôm thứ sáu 2.10.
Cuộc họp bốn bên giữa Tổng thống Pháp Hollande, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko và Thủ tướng Đức Merkel, được tổ chức tại Điện Elysee ở thủ đô Paris của Pháp.
Một trong những nội dung chính của buổi gặp này là bàn về vấn đề xung đột tại miền đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và các tay súng nổi dậy ở Donetsk và Luhansk.
Video đang HOT
Cuộc xung đột nổ ra từ năm 2014 đã làm chết hàng ngàn người. Gần đây, bạo lực có chiều hướng thuyên giảm, nhưng các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng thỏa thuận 12 điểm về hòa đàm Minsk vẫn chưa được đáp ứng.
“Do đó, kể cả lúc này, vì chúng ta cần 3 tháng để tổ chức các cuộc bầu cử nên sẽ không kịp hoàn tất các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ấn định ngày 31.12.2015″, Tổng thống Pháp nói tiếp.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong cuộc họp báo cùng ngày rằng bà mong các bên sẽ giúp đàm phán Minsk diễn ra đúng hạn. Bà Merkel nói Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ hướng tới việc tạo điều kiện cho các cuộc bầu cử diễn ra theo tinh thần của hòa đàm Minsk, dựa trên luật pháp Ukraine và sự đồng thuận giữa quân chính phủ và quân nổi dậy, theo Reuters.
Trong thỏa thuận Minsk có một điều khoản buộc Ukraine phải phục hồi hoàn toàn quyền kiểm soát biên giới của họ. Hồi đầu tuần, Ukraine và phe ly khai nhất trí việc rút bớt một số loại xe tăng và vũ khí hạng nhẹ.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng việc rút vũ khí sẽ diễn ra vào “sáng mai, vào lúc nửa đêm” (ngày 3.10), và cảm thấy lạc quan sau các cuộc đàm phán tại Paris vừa qua, Reuters cho biết.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Học thuyết quân sự của Ukraine coi Nga là mối đe dọa chính
Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko đã ký thông qua học thuyết quân sự mới, coi Nga là mối đe dọa quân sự chính đối với nước này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký thông qua học thuyết quân sự mới, coi Nga là mối đe dọa quân sự chính đối với nước này - Ảnh: Reuters
Tuyên bố này được đăng trên trang web của Tổng thống Petro Poroshenko ngày 24.9. Tuyên bố nhấn mạnh: "Ukraine hiện đang phải đối mặt với một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng, sự gây hấn có vũ trang của Nga, bao gồm cả việc tạm chiếm đóng vùng lãnh thổ Crimea và gây hấn tại một số khu vực ở Donetsk và Luhansk".
Học thuyết quân sự mới của Ukraine cũng đưa ra các kịch bản có thể gây nguy hiểm cho an ninh quân sự của Ukraine. Trong đó, kịch bản chính là cuộc xâm lược vũ trang toàn diện của Nga nhằm vào Ukraine với những mục tiêu về quân sự và chính trị rõ ràng, theo Reuters.
Tổng thống Ukraine ký thông qua học thuyết quân sự mới ngay sau chuyến thăm của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tới Kiev hồi đầu tuần. Chuyến thăm này của ông Jens Stoltenberg có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine trong nỗ lực hội nhập với phương Tây và đương đầu với phe ly khai tại miền đông nước này, theo Reuters.
Ukraine và các nước phương Tây luôn cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Nga bác bỏ tất cả cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Binh sĩ của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine - Ảnh: Reuters
Cùng ngày 24.9, chính quyền ly khai Luhansk ở miền đông Ukraine đã yêu cầu các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc đang đóng ở Luhansk chấm dứt hoạt động và rời khỏi khu vực này trước ngày 25.9. Trong khi đó, một số tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) khác thì bị yêu cầu rời khỏi Luhansk trước ngày 26.9.
Trước quyết định này của phe ly khai miền đông Ukraine, người đứng đầu cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc Stephen O'Brien bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi lực lượng ly khai nhanh chóng đảm bảo nối lại hoạt động của các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc và các NGO.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Các lãnh đạo Phương Tây thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine Ngày 3/3, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã có cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và các vấn đề an ninh toàn cầu khác. Lực lượng li khai miền đông tại khu vực giới tuyến gần thành phố Starobeshevo, vùng Donetsk ngày 25/2 (Nguồn: AFP/TTXVN) Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo báo chí ngày...