Đàm phán Ukraine – Nga được giúp sức bởi nhân vật không ai ngờ
Tỷ phú Nga Roman Abramovich, người sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở giải Ngoại hạng Anh, đã chấp nhận hỗ trợ đàm phán giữa Nga và Ukraine theo đề nghị từ phía Kiev.
Hãng thông tấn Reuters, dẫn một nguồn tin giấu tên từ Ukraine, cho biết tỷ phú Abramovich được Kiev đề nghị làm trung gian hòa giải với Moscow do xuất thân là người Nga của mình.
Thông tin về việc ông chủ CLB Chelsea tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine xuất hiện đầu tiên trên tờ Jewish News. Tờ báo này cho biết Kiev đã liên hệ với tỷ phú Abramovich qua các kênh liên lạc với cộng đồng người Do Thái ở Nga để tìm kiếm sự giúp đỡ từ ông.
Tỷ phú Nga Roman Abramovich
“Tôi có thể xác nhận ông Roman Abramovich đã được phía Ukraine liên hệ để hỗ trợ cho một giải pháp hòa bình, và ông ấy đã cố gắng giúp đỡ kể từ đó”, một người phát ngôn của tỷ phú Abramovich chia sẻ.
“Ukraine muốn một ai đó hỗ trợ tìm ra giải pháp hòa bình, và họ đã được cộng đồng người Do Thái đề nghị liên hệ với ông Abramovich”, một nguồn tin khác tiết lộ với Reuters.
Video đang HOT
Roman Abramovich, người gốc Do Thái và cũng có quốc tịch Israel, là một trong những doanh nhân quyền lực nhất nước Nga, với giá trị tài sản ròng được tạp chí Forbes ước tính là 13,3 tỷ USD. Vị tỷ phú 55 tuổi sở hữu cổ phần của các công ty dầu khí Sibneft, nhà sản xuất nhôm Rusal và cả hãng hàng không Aeroflot, nhưng sau đó đã bán lại cổ phần của hãng hàng không này.
Hiện chưa rõ ông Abramovich sẽ đóng vai trò gì trong cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine, đang diễn ra trong hôm nay (28/2). “Không rõ ông ấy sẽ có ảnh hưởng như thế nào, vì Nga không phải là quốc gia mà các doanh nhân lớn có thể tác động đến các quyết định chính trị”, một nguồn tin cho biết với Reuters.
Ngoại trưởng Nga hoãn đi Geneva, Mỹ ngừng hoạt động sứ quán ở Belarus
Phái bộ Nga tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã hoãn chuyến đi của ông tới thành phố này để tham dự phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Nga
Nguyên nhân là do Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh cấm máy bay Nga bay qua không phận. Quyết định được EU đưa ra từ hôm 27/2. Lệnh cấm là một phần trong các biện pháp trừng phạt của khối với Nga do việc Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.
"Không phận của chúng tôi sẽ đóng với tất cả các máy bay của Nga. Nó cũng bao gồm cả các máy bay tư nhân của các nhân vật chính trị", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố.
Ở chiều ngược lại, Cơ quan Hàng không dân dụng Nga hôm nay cho biết đã đóng cửa không phận với máy bay của 36 quốc gia. Theo cơ quan, quyết định được đưa ra nhằm đáp trả lệnh cấm của các nước châu Âu đối với các hãng bay và chuyến bay được đăng ký ở Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin ngày 28/2 khẳng định, nước Nga có đủ năng lực cần thiết để vượt qua những thiệt hại do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt liên quan đến hành động quân sự của Moscow ở Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nhóm họp nội các để thảo luận về tác động kinh tế từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Mỹ ngừng hoạt động đại sứ quán ở Belarus
Trong một diễn biến khác, Mỹ tuyên bố ngừng hoạt động đại sứ quán ở Belarus và cho phép nhân viên ngoại giao không thiết yếu tùy ý rời Nga vì vấn đề an toàn và an ninh.
"Bộ Ngoại giao Mỹ đã đình chỉ hoạt động ở đại sứ quán tại Minsk, Belarus, đồng thời cho phép nhân viên không thiết yếu và thân nhân ở đại sứ quán tại Moscow, Nga rời đi", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
"Chúng tôi thực hiện những bước đi này do vấn đề an ninh và an toàn, bắt nguồn từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ưu tiên cao nhất là an toàn và an ninh với công dân Mỹ, trong đó có nhân viên chính phủ và thân nhân trên khắp thế giới", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm.
Trước đó, một quan chức Ukraine tiết lộ tình báo nước này cho thấy Belarus sẵn sàng tham gia trực tiếp vào chiến sự, bên cạnh việc "cho phép Nga dùng lãnh thổ và vượt qua biên giới" vào Ukraine. Theo một nguồn thạo tin khác, Ukraine cũng nhận cảnh báo từ Mỹ về khả năng Belarus chuẩn bị tham chiến.
Mỹ trừng phạt Ngân hàng Trung ương Nga
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay (28/2) đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Ngân hàng Trung ương Nga.
Lệnh cấm mới sẽ ngăn Ngân hàng Trung ương Nga giao dịch bằng USD. Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ từ giờ sẽ không thể thực hiện các giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia Liên bang Nga, và Bộ Tài chính Nga. Lệnh trừng phạt cũng cấm những công ty tài chính nước ngoài gửi USD vào các cơ quan, tổ chức này.
Dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ cho biết vẫn sẽ có ngoại lệ đối với một số khoản thanh toán liên quan đến năng lượng, nhằm giảm nguy cơ giá dầu và khí đốt tăng đột biến.
"Chiến lược của chúng tôi đơn giản là khiến kinh tế Nga thụt lùi, chừng nào Tổng thống Vladimir Putin còn tiếp tục chiến dịch quân sự với Ukraine", một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết.
Mỹ cũng đang bổ sung ông Kirill Dmitriev, một đồng minh khác của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga do ông này đứng đầu, vào danh sách trừng phạt.
Liên Hợp Quốc nói hơn 100 dân thường Ukraine đã thiệt mạng Theo các quan chức Liên Hợp Quốc, ít nhất 102 dân thường đã thiệt mạng và hơn 500.000 người khác đã phải rời khỏi Ukraine kể từ khi xung đột với Nga bùng phát. Phát biểu tại phiên khai mạc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong hôm nay (28/2), Michelle Bachelet, Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc, cho biết...