Đàm phán hạt nhân Iran: Khó đạt được thỏa thuận đúng thời hạn chót
Khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện là vô cùng mong manh khi Iran và nhóm P5 1 vẫn còn bất đồng về các vấn đề cốt lõi.
Chỉ còn 4 ngày nữa là đến thời hạn chót để Iran và nhóm P5 1 (gồm Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đạt thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Vòng đàm phán cuối cùng bắt đầu hôm 18/11 tại thủ đô Vienna của Áo. Chỉ trong vòng 7 ngày, khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện là vô cùng mong manh khi các bên vẫn còn bất đồng về các vấn đề cốt lõi.
Video đang HOT
Một vòng đàm phán của Iran và nhóm P5 1 (Ảnh PressTV)
Ở thời điểm nước rút của cuộc đàm phán, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận toàn diện đúng thời hạn chót, thay vào đó, các bên chỉ có thể đạt được một thỏa thuận tiếp tục kéo dài thời hạn đàm phán để tránh sự thất bại mà tất cả các bên đều không mong muốn.
Mối nghi ngờ của các nhà phân tích là có cơ sở. Bởi trên thực tế, tới thời điểm này, Iran và P5 1 vẫn bất đồng về các vấn đề cốt lõi, đó là quy mô chương trình làm giàu urani của Iran và việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Nhà phân tích giải giáp hạt nhân cho Hiệp hội kiểm soát vũ khí tạo Áo, Kelsey Davenport cho biết: “Nhóm P5 1 muốn thấy Iran giảm số lượng máy ly tâm. Còn Iran lại muốn giữa số lượng hiện có, thậm chí muốn tăng thêm. Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong phạm vi nào cũng vẫn đang là vấn đề còn bất đồng lớn”.
Trong ngày 19/11, Iran đã tiến hành các cuộc gặp kín song phương với các đại diện của P5 1, trong đó có 2 cuộc gặp với phía Mỹ. Cả 2 bên đều không muốn đàm phán thất bại. Tuy nhiên, hiện cả Iran và Mỹ đều đang phải đối mặt với những áp lực nội bộ của mình.
Về phía Mỹ, Tổng thống Barack Obama ít có khả năng nhượng bộ về vấn đề hạt nhân Iran do đảng Cộng hòa đã giành được lưỡng viện trong Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Còn phía Iran, dù các cuộc đàm phán có thành công hay không cũng sẽ ảnh hưởng tới chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Nghiên cứu sinh về Trung Đông, Bắc Phi của Viện các vấn đề quốc tế của Áo, Sara Bazoobandi cho rằng, nếu Iran và Mỹ muốn đạt được thỏa thuận cuối cùng, họ cần phải xây dựng lòng tin lẫn nhau, thay vì chỉ trích yêu cầu của nhau.
Sara Bazoobandi cho biết: “Trong điều kiện khó khăn ở cấp độ trong nước mà 2 bên đang phải đối mặt, cũng như những vấn đề bất đồng vẫn chưa được thu hẹp, hai bên có thể sẽ ưu tiên cho việc để ngỏ đàm phán hơn là có một thỏa thuận cuối cùng hay thỏa thuận toàn diện”.
Tỏ ra nghi ngờ khả năng Iran và Nhóm P5 1 đạt thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đúng thời hạn chót, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày 19/11 nói rằng, ông không tin các bên tham gia đàm phán có thể giải quyết được mọi vấn đề đúng thời hạn. Nếu đàm phán tiến triển thuận lợi, các bên chỉ có thể tìm ra cách thức để kéo dài thời gian này, tạo cơ hội để đạt thỏa thuận cuối cùng.
Tuy nhiên, phía Iran đã bác bỏ việc kéo dài thời hạn đàm phán. Trước đó, một số tờ báo nước ngoài đưa thông tin, do còn quá nhiều bất đồng chưa được giải quyết, các nhà đàm phán hạt nhân của Iran với nhóm P5 1 đã quyết định kéo dài cuộc thương lượng đến tháng 3 năm sau. Hãng tin IRNA dẫn một nguồn thân cận với các nhà đàm phán Iran khẳng định, thông tin trên sai sự thật và không đúng với thực tế.
Theo kế hoạch, các Ngoại trưởng của Nhóm P5 1 đến Viên vào cuối tuần này. Hãng tin Nga Sputniknews dẫn nguồn tin ngoại giao nói rằng, thỏa thuận toàn diện đạt được hay không phụ thuộc vào việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Trong khi đó, Tổng thống Iran tuyên bố, các bên chỉ có thể đi đến thỏa thuận toàn diện nếu Nhóm P5 1 “không đòi hỏi quá nhiều”./.
Thùy Linh
Theo_VOV