Đàm phán FTA giữa Ấn Độ và Anh gặp bế tắc
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, bản địa hóa dữ liệu và các công ty Anh được phép đấu thầu các hợp đồng của Chính phủ Ấn Độ là những vấn đề gây bế tắc có thể xảy ra trong giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ – Anh (FTA) đang hướng tới thời hạn hoàn thành trong tháng 10 này.
Tờ “The Daily Telegraph” dẫn một nguồn tin thân cận đàm phán cho biết các quy tắc bản địa hóa dữ liệu ngăn các công ty nước ngoài lấy dữ liệu ra khỏi Ấn Độ và cho phép các công ty Anh đấu thầu các hợp đồng khu vực công là hai “điểm mấu chốt” cho một thỏa thuận toàn diện. Khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại vào đúng dịp Lễ Diwali mang tính biểu tượng (hoặc ngày 24/10) bị đánh giá là “mong manh”.
Phát ngôn viên Chính phủ Anh nhấn mạnh “không hy sinh chất lượng cho tốc độ và chỉ ký khi có một thỏa thuận đáp ứng lợi ích của Vương quốc Anh”. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman bày tỏ dè dặt trước việc Ấn Độ được cung cấp một số nhượng bộ thị thực “biên giới mở”.
Triển vọng chuyến thăm Anh của Thủ tướng Ấn Độ Modi vào cuối tháng để ký kết một dự thảo FTA nhân dịp Lễ Diwali cũng được coi là khó khả thi trong giai đoạn này. Dịp Lễ Diwali của Ấn Độ là thời điểm mà hai nước cam kết đạt được FTA nhân dịp cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm Ấn Độ hồi tháng 4 năm nay. Trọng tâm của các cuộc đàm phán FTA là giảm các rào cản đối với thương mại, cắt giảm thuế quan và hỗ trợ xuất nhập khẩu dễ dàng hơn vào thị trường của nhau.
Theo dữ liệu chính thức của Chính phủ Anh, thương mại song phương hiện ở mức khoảng 24,3 tỷ bảng/năm và mục tiêu là ít nhất tăng gấp đôi vào năm 2030.
Ấn Độ-Mỹ tái khẳng định cam kết thúc đẩy ổn định khu vực
Ngày 11/4, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong đối thoại cấp bộ trưởng theo hình thức "2 2", Ấn Độ và Mỹ tái khẳng định cam kết thúc đẩy ổn định khu vực, pháp quyền và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Ngoại trưởng Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong cuộc họp báo sau đối thoại, ông Blinken khẳng định hai bên đang sát cánh cùng nhau thực hiện cam kết chung về việc duy trì một trật tự quốc tế tự do và dựa trên luật lệ nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken cũng thông báo Ấn Độ và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Các nhà khoa học và các tổ chức tại mỗi nước đang cùng phát triển và sản xuất vaccine phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Ấn Độ và Mỹ đang hợp tác thông qua quan hệ đối tác vaccine trong khuôn khổ đối thoại an ninh Bộ tứ (QUAD) cùng với Australia và Nhật Bản để cung cấp vaccine ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, hai bên cũng thảo luận về các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện của mỗi nước và trên toàn khu vực. Hai bên mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại bằng cách tái khởi động Đối thoại thương mại Ấn Độ - Mỹ và diễn đàn CEO Ấn Độ-Mỹ vào cuối năm nay. Về tình hình xung đột tại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Ukraine đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cùng hành động.
Trong phát biểu mở đầu đối thoại, ông Blinken đánh giá cuộc đối thoại theo hình thức "2 2" Ấn Độ-Mỹ lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương. Hai bên sẽ thảo luận về các vấn đề như tình hình xung đột tại Ukraine, đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng khí hậu, duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng, cải thiện hợp tác chống khủng bố và giáo dục đại học.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi Mỹ đầu tư vào Ấn Độ và hỗ trợ chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India) và lĩnh vực hàng không vũ trụ để cùng phát triển và hợp tác sản xuất. Trước đó, trong phần phát biểu mở đầu đối thoại, Bộ trưởng Singh khẳng định Ấn Độ đặt ưu tiên hàng đầu cho quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Theo ông, quan hệ đối tác quốc phòng lớn là một trong những trụ cột quan trọng nhất của quan hệ chiến lược Ấn Độ-Mỹ.
Theo các nguồn tin tại New Delhi, bất chấp đại dịch, Ấn Độ và Mỹ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quân sự với nhiều dự án hợp tác mới, tăng cường chia sẻ thông tin và tăng cường hỗ trợ hậu cần lẫn nhau..v.v. phản ánh chiều sâu và quy mô ngày càng tăng của mối quan hệ đối tác quốc phòng.
Tổng thống Mỹ thông báo kế hoạch thăm Nhật Bản Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/4 thông báo ông có kế hoạch thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản). Hội nghị này được cho là nhằm thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa 4 nước trong khu vực Ấn Độ Dương...