Đàm phán EU-Anh về thoả thuận hậu Brexit không đạt bước tiến cụ thể
EU và Anh vừa kết thúc vòng đàm phán thứ hai diễn ra trong 1 tuần về một thoả thuận hậu Brexit mà không đạt được bước tiến đáng kể nào.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 24/4, sau khi kết thúc 1 tuần đàm phán với phía Anh về thoả thuận hậu Brexit, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho biết, hai bên không đạt được tiến bộ nào đáng kể. Đồng thời, phía EU chỉ trích Anh là đã thiếu cam kết trong các chủ đề đàm phán quan trọng.
Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier thất vọng vì đàm phán EU-Anh không đạt được tiến triển. Ảnh: Getty Images
Cụ thể, trong vấn đề nghề cá, một trong các chủ đề gai góc nhất, ông Barnier cho biết các nhà đàm phán Anh đã không hề đưa ra một văn bản luật nào để thảo luận. Đặc biệt, trong vấn đề nước Anh cần gia hạn thời kỳ quá độ Brexit dự kiến kết thúc cuối năm nay để có thêm thời gian đàm phán, ông Michel Barnier cho rằng, quan điểm mang tính áp đặt từ phía Anh là không chấp nhận được.
“Tôi sẽ nói đơn giản thế này: Vương quốc Anh không thể quyết định rằng sẽ không có bất cứ gia hạn nào cho các cuộc đàm phán, dù việc này là có thể làm, để qua đó áp đặt một lịch trình khắc nghiệt, đặc biệt là với một cuộc đàm phán quan trọng như thế này.
Chưa bao giờ trong lịch sử châu Âu phải đàm phán một thoả thuận với một nước thứ ba, dù chỉ là một Hiệp định thương mại, mà đây còn vượt xa cả chuyện thương mại, trong một thời gian ngắn như thế”, ông Michel Barnier nói.
Video đang HOT
Theo ông Barnier, EU đã gửi cho phía Anh một văn bản dày 350 trang thể hiện các quan điểm của EU trong các lĩnh vực quan trọng nhưng phía Anh phản hồi rất ít, trong một chủ đề nhất định, dù nước này luôn khẳng định muốn có các tiến bộ cụ thể trong đàm phán vào cuối tháng 6/2020.
Trưởng đoàn đàm phán của EU cũng cho biết, ông có 4 sự thất vọng với phía Anh sau khi kết thúc 40 phiên đàm phán trực tuyến từ đầu tuần này, khi phía Anh từ chối cam kết trong các chủ đề gai góc nhất như: từ chối nguyên tắc “sân chơi thương mại công bằng”; từ chối công nhận Toà công lý châu Âu, từ chối tham gia Công ước châu Âu về nhân quyền; không có sự đảm bảo từ phía Anh về việc hợp tác tư pháp và tự do đi lại của công dân.
Đáp lại các chỉ trích từ phía EU, trong thông cáo đưa ra chiều ngày 24/04, Chính phủ Anh cho biết, hai bên sẽ không thể có thoả thuận hài hoà chừng nào EU vẫn áp đặt các điều kiện cho nước Anh và chưa nhận thức được rằng Anh đã rời khỏi EU.
Theo kế hoạch, hai bên sẽ còn hai vòng đàm phán nữa trước khi nước Anh phải ra quyết định có xin gia hạn quá độ Brexit vào cuối tháng 6 hay không. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra từ ngày 11/5./.
Quang Dũng
Anh và EU dùng dằng việc kéo dài thời hạn đàm phán
Bất chấp dịch Covid-19, chính phủ Anh vẫn khẳng định sẽ không đề nghị kéo dài thời gian chuyển tiếp cho tiến trình Brexit sau ngày 31/12.
Ngày 20/4, Anh và EU đã tiến hành vòng đàm phán mới về Brexit. Các cuộc đàm phán sẽ kéo dài suốt tuần này và vòng tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 11/5.
Sau cuộc đàm phán trực tuyến với người đồng cấp Anh David Frost, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, EU đang trông đợi những "tiến bộ đáng kể" diễn ra vào tháng 6 về hình thái của mối quan hệ mới trước khi Anh chính thức dứt áo ra đi vào cuối năm nay.
Bất chấp dịch Covid-19, chính phủ Anh vẫn khẳng định sẽ không đề nghị kéo dài thời gian chuyển tiếp cho tiến trình Brexit sau ngày 31/12. Ảnh: BBC
Ông Barnier cho rằng, hai bên phải đạt được tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu quan trọng là có được những tiến bộ rõ rệt vào tháng 6. Hai bên đang bất đồng về quy mô quan hệ thương mại trong tương lai, các điều khoản cạnh tranh công bằng, nghề cá, an ninh và các lĩnh vực khác. Anh đang tìm kiếm một mối quan hệ ít ràng buộc hơn so với sự chặt chẽ mà EU mong muốn nhằm hạn chế tình trạng xáo trộn.
Trong khi đó, nhà đàm phán David Frost của Anh nói rằng, nước này đang cố gắng "để đạt được tiến bộ tốt, hướng tới một thỏa thuận dựa trên sự hợp tác thân thiện giữa những thực thể bình đẳng có chủ quyền."
Các cuộc đàm phán về việc hoàn tất một thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và 27 quốc gia thành viên EU đã bị đình trệ trong nhiều tuần do đại dịch Covid-19 đẩy châu Âu vào thế bị phong tỏa. EU đánh giá một thỏa thuận phức tạp và toàn diện là ngoài tầm cho thời gian từ đến cuối năm nay, khi giai đoạn chuyển tiếp của Anh sẽ phải kết thúc. Chính vì thế, EU hy vọng sẽ kéo dài thời gian chuyển tiếp cho tiến trình Brexit để các bên có thời gian đàm phán nhưng phía Anh luôn bác bỏ và phản đối kịch liệt điều này.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nói: "Chúng tôi rời Liên minh châu Âu với một thỏa thuận đã được đàm phán. Liên quan đến mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, đây là điều mà các cuộc đàm phán hiện đang diễn ra. Chúng tôi vẫn cam kết với thời gian mà chúng tôi đã đưa ra, tức là kết thúc vào cuối năm nay. Tôi tin tưởng rằng, hai bên sẽ đạt được kết quả thỏa đáng trong khoảng thời gian mà chúng tôi đã đặt ra".
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, tiến trình đàm phán sắp tới cũng khó có thể thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai bên. Thực tế này khiến thời hạn chót vào cuối năm nay để đạt được một thỏa thuận thương mại càng trở nên xa vời. Khi giai đoạn chuyển tiếp được đề xuất lần đầu tiên, phương án đưa ra là kéo dài 21 tháng. Hiện chỉ còn hơn 6 tháng để hai bên đạt được thỏa thuận, mà thực tế cho thấy là quá gấp để kịp đàm phán và phê chuẩn từ hai phía.
Trong khi rất muốn kéo dài thời gian đàm phán vì lo ngại sự chia rẽ kinh tế hỗn loạn có thể sẽ xảy ra với Anh vào cuối năm nay, EU cho biết trong trường hợp này họ sẽ phải tiếp tục yêu cầu Anh phải đóng góp cho ngân sách chung của khối.
Bất cứ sự gia hạn nào sau ngày 31/12 cũng đi kèm với nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh cho EU với mức có thể lên tới 800 triệu bảng (khoảng 1 tỷ USD) mỗi tháng. Trong khi đó, về phía Anh, phe ủng hộ Brexit cho rằng, nếu rời đi mà không có thỏa thuận thương mại, những thiệt hại này đằng nào cũng có thể tính gộp vào những hậu quả của Covid-19./.
Vũ Anh Tuấn
Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit: "Cơn ác mộng" đã qua? Việc Hạ viện thông qua thỏa thuận Brexit đã khép lại trang hỗn loạn trong lịch sử Anh khi sự đồng thuận trở nên hiếm hoi và sự chia rẽ ngày một sâu sắc. Hạ viện Anh vừa thông qua thỏa thuận của Thủ tướng Boris Johnson về việc đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit vào...