Dầm mưa, vượt lũ cứu người và bữa cơm thắm tình hữu nghị trên nước bạn Lào
Lần đầu tiên tác nghiệp trên nước bạn, nhóm PV báo ĐS&PL phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, chúng tôi đã nỗ lực hết mình đến với vùng tâm lũ, đến với những bản làng xơ xác, những ngôi nhà tan hoang và những con người đang lấm lem bùn đất. Dầm mưa, lội bùn, tất cả không quản ngại vất vả, trực tiếp tham gia cứu hộ người gặp nạn.
Mắc kẹt ở cầu Hội Hò
Hơn 23h đêm 25/7 Quốc lộ 13 (con đường huyết mạch nối liền 2 miền Nam Bắc của Lào) trơn trượt, lầy lội khủng khiếp vì bùn đất và những cơn mưa xối xả. Khi chỉ cách tâm lũ khoảng 50km, xe chúng tôi bất ngờ bị mắc kẹt ở cầu Hội Hò thuộc địa phận tỉnh Attapeu. Chúng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác sợ hãi lúc bấy giờ. Đó là nỗi sợ hãi khi không kịp đến với vùng tâm lũ để giúp đỡ người dân Lào, không kịp đưa những thông tin nóng bỏng nhất đến độc giả. Mọi nỗ lực đưa chiếc xe ra khỏi vũng lầy của đoàn đầy gian nan.
30 phút trôi qua, chiếc xe vẫn “án binh bất động”. Rất may, thời điểm này, có một đoàn xe cứu trợ của lực lượng an ninh Lào cũng đang di chuyển qua con đường này và họ đã hỗ trợ, cùng chúng tôi đưa chiếc xe ra khỏi vị trí mắc kẹt. 0h20 chúng tôi tiếp tục lên xe thẳng tiến về hiện trường.
Sau thảm họa vỡ đập, có mặt tại “rốn lũ” Attapeu, chúng tôi ngỡ ngàng trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy. Tất cả hoang tàn, xơ xác. Những ngôi nhà đổ sập, xác động vật vương vãi và những ánh mắt ngơ ngác, thất thần của những người dân chạy lũ. Khắp nơi đều chìm trong biển bùn đặc quánh và biển nước mênh mông.
Chuẩn bị hàng cứu trợ tại trung tâm huyện Sanamxay. Ảnh: VOV
Giữa những cơn mưa bất chợt nơi đây, chúng tôi không thể cầm nổi nước mắt khi chứng kiến cảnh người già và trẻ nhỏ lóp ngóp chạy lũ giữa bùn lầy. Những ánh mắt thất thần ấy đã nói lên sự sợ hãi, hoang mang của họ. Họ chưa từng phải gánh chịu cảnh lũ lụt, không quen với cảnh màn trời, chiếu đất, sống chung với lũ. Vậy nên, giữa bộn bề bùn đất, giữa cái đói, cái rét, người dân Attapeu rất cần sự giúp đỡ của lực lượng cứu hộ và những PV hiện trường như chúng tôi.
Video đang HOT
Cuộc di cư bất đắc dĩ đã khiến cho người dân vùng “rốn lũ” mệt mỏi đến rã rời. Nhóm của chúng tôi sau chuyến đi dài cũng vô cùng mỏi mệt. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, bằng tình cảm dành cho người dân gặp nạn, chúng tôi đã cùng với lực lượng cứu hộ tận dụng mọi nguồn lực, mọi khả năng để hỗ trợ người dân Lào trong cơn hoạn nạn.
Vượt qua 40km đường lầy lội bùn đất, dưới cơn mưa Lào tầm tả, cuối cùng, những người dân vùng rốn lũ đã được sơ tán đến nơi an toàn. Những giọt nước mắt của những nạn nhân được giải cứu lại rơi lẫn nước mưa. Họ đều bị đói và rét vì đã 3 ngày qua không được ăn uống, sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều em nhỏ không còn nổi một manh áo trên người.
Chúng tôi gấp rút đội mưa, lội bùn cõng họ từ thùng những chiếc xe bán tải vào nơi lưu trú an toàn.
Bữa cơm đầu tiên được đội cứu hộ mang tới và công việc nấu nướng được tiến hành khẩn trương. Bữa cơm vội vàng, đơn sơ nhưng rất đỗi ấm cúng khiến người dân, lực lượng cứu hộ và những PV nước ngoài như chúng tôi thực sự cảm động và vui sướng. Vậy là mọi người đã được an toàn, no và ấm.
Vui mừng đón chuyến hàng cứu trợ đầu tiên
Sáng 26/7, các đoàn cứu trợ của Lào, Thái Lan, Việt Nam đã tiếp cận người dân bị mắc kẹt sau vụ vỡ đập tại Attapeu để hỗ trợ lương thực, quần áo… trong điều kiện đường sá hết sức khó khăn. Dù phải tiếp tục đối diện với mưa lớn, nhóm PV báo ĐS&PL vẫn tiếp tục bám trụ để đưa tin và trực tiếp tham gia chuyển hàng cứu trợ vào kho an toàn. Ngoài những lo lắng cho người dân Lào đang bị mất tích thì niềm vui bắt đầu hiện lên khuôn mặt của tất cả mọi người đang có mặt tại khu sơ tán này. Họ đã bắt đầu cảm nhận được tình cảm của đồng bào mình và người dân các nước láng giềng.
Trực thăng, xuồng máy lên xuống, vào ra liên tục để chuyên chở các chuyến hàng cứu trợ đến người dân vùng rốn lũ. Nhiều chuyến hàng cứu trợ của người dân Việt Nam đã được vận chuyển đến trụ sở UBND huyện Sanamsay. Chiều 27/7, hàng chục đoàn xe cứu hộ chở theo thực phẩm, nước sạch của các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam đã đến đây tiếp tế, hỗ trợ những người dân gặp nạn.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Hội trưởng hội người Việt Nam tại tỉnh Xêkong cho biết, ngay sau khi hay tin người dân tại tỉnh Attapeu gặp nạn, ông cùng mọi người đã quyên góp tiền mua nhu yếu phẩm để cứu trợ đồng bào Việt Nam và những người dân tộc Lào. Theo ghi nhận, tại trụ sở UBND huyện Sanamsay nhiều đoàn cứu trợ của các nước láng giềng cũng đã chở hàng đến để tiếp tế cho người dân. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến 16h ngày 27/7, đã có 3746 người dân của 6 bản thuộc huyện Sanamsay được lực lượng chức năng giải cứu đưa về điểm di trú an toàn, trong đó có khoảng 7 người quốc tịch Việt Nam.
Tình đoàn kết, việc chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn là những gì đang diễn ra tại Attapeu. Ngoài việc tiếp tế lương thực của nhiều đoàn cứu trợ thì cũng có rất nhiều tình nguyện viên là người Lào và cả người Việt cũng đã đến đây để hỗ trợ công tác hậu cần, chăm sóc hàng nghìn nạn nhân ở điểm lưu trú. Vy (27 tuổi), trú tại thị xã Savannakhet là Việt Kiều chia sẻ: “Khi biết tin những người dân tại tỉnh Attapeu gặp nạn, Vy đã đến tại điểm tiếp tế, cứu trợ người bị nạn ở trụ sở UBND huyện Sannasay.
HỒ NGỌC – NGÂN HÀ
Theo doisongphapluat
Quân khu 5 giúp Lào khắc phục hậu quả vỡ đập thủy điện Sa Nảm Noy
Trung tướng Trần Quang Phương yêu cầu y bác sĩ, các cán bộ chiến sĩ bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm tập trung tối đa giúp dân khắc phục hậu quả.
Hôm nay (2/8), Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 do Trung tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu dẫn đầu đến thăm, tặng quà, động viên đồng bào huyện Sa Nảm Xay, tỉnh Attapư (Lào) bị sự cố vỡ đập thủy điện Sa Nảm Noy.
Trung tướng Trần Quang Phương tặng quà người dân bản Tha Uôn.
Trung tướng Trần Quang Phương và Đoàn công tác tới thăm hỏi, kiểm tra công tác giúp dân khắc phục hậu quả vỡ đập thủy điện của lực lượng y, bác sĩ Quân khu 5 làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến ở bản Tha Uôn, tỉnh Atapư.
Bệnh viện dã chiến này do các lực lượng Quân khu 5 lập ra sau sự cố vỡ đập Sa Nảm Noy.
Theo Trung tướng Trần Quang Phương, lúc 23h ngày 23/7, ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Quân khu 5 đã xin ý kiến Bộ Quốc phòng, phối hợp với các đơn vị tại Lào đưa Đoàn công tác cấp tốc gồm 20 y bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở y tế trực thuộc Quân khu lên đường. Nhiều ngày qua, đoàn y bác sĩ đã dốc sức triển khai công tác phòng dịch sau lũ, thăm khám với tần suất 300 ca bệnh/ngày cho người dân vùng thiệt hại.
Trung tướng Trần Quang Phương yêu cầu y bác sĩ, các cán bộ chiến sĩ tại các đơn vị bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm tập trung tối đa giúp dân khắc phục hậu quả, thăm khám và điều trị kịp thời cho người dân. Cũng tại đây, Trung tướng Trần Quang Phương trao số tiền 50 triệu đồng giúp người dân bản Tha Uôn.
Trung tướng Trần Quang Phương thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh biện dã chiến.
Trung tướng Trần Quang Phương đề nghị: "Chủ trương của Quân khu tiếp tục cử lực lượng của mình mở rộng bệnh viện dã chiến này để tiếp tục cứu chữa đồng bào. Hiện nay, lo nhất là cái đói và bệnh tật, nhưng cái đói chúng ta có thể giải quyết được. Nhưng bệnh tật sau ngập lũ rất lớn, yêu cầu lượng thuốc men để điều trị cho bà con rất lớn. Đòi hỏi sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của cả bạn và chúng ta. Tất cả lực lượng của Quân khu mấy ngày hôm nay đã cùng với lực lượng của bạn giúp đồng bào ở đây".
Tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Sanamxay, Trung tá Bunmi Saybannha - Chỉ huy trưởng đơn vị cho biết sự cố vỡ đập thủy điện đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn đối với chính quyền, người dân Lào. Hiện nay, với sự giúp đỡ của các tổ chức, cùng với sự có mặt rất kịp thời của Quân khu 5, Chính quyền và người dân đang dồn sức khắc phục hậu quả sự cố.
Thay mặt Quân khu 5, Trung tướng Trần Quang Phương cũng đã trao hỗ trợ bước đầu 5 gia đình người dân bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ vỡ đập. Đồng thời gửi lời hỏi thăm, chia sẻ những mất mát. Với tình cảm đặc biệt giữa quân dân hai nước, Quân khu 5 sẵn sàng hỗ trợ người dân, chính quyền khắc phục hậu quả, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống./.
Theo Hoài Nam/VOV-Miền Trung
Sau thảm hoạ vỡ đập ở Lào, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nói gì về an toàn hồ đập ở Việt Nam? Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thừa nhận vấn đề đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa nhỏ đang là thách thức lớn, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ có đập là đập đất và hiện giao cho các địa phương ở các thôn, bản quản lý. Chiều 25/7, thông tin về việc vỡ đập...