Đắm mình trong sương mù phố núi Pleiku
‘Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương’ (Còn chút gì để nhớ, Phạm Duy). Từ những câu hát đó, tôi về thăm TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, nơi được mệnh danh là ‘phố núi sương mù’, quê hương của vị cà phê nồng đượm. Pleiku là thành phố lớn thứ hai ở Tây Nguyên, sau TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thành phố này nằm trên độ cao trung bình từ 700-800m, là nơi sinh sống hòa thuận của nhiều dân tộc anh em, nhiều nhất là người Kinh, người Jrai và người Bana.
Ngoại ô Pleiku
Đường đến Pleiku
Đường vào phố núi Pleiku những ngày tháng ba vẫn còn lác đác những bông hoa dã quỳ bên đường. Tiết trời Pleiku mùa này không lạnh, không nóng nhưng khá mát mẻ và làm dịu lòng lữ khách xa xôi.
TP.Pleiku đón tôi vào một buổi chiều hạ rơi xuống những mái nhà cổ kính xen lẫn những tòa nhà hiện đại, những đồi thông nằm xen lẫn với thị thành. Khoảnh khắc đứng ở quảng trường Đại Đoàn Kết, tôi nhận ra Pleiku mặc dù cùng nằm trong vùng Tây Nguyên nhưng không lẫn lộn với những thành phố khác như TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), TP.Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông), TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Pleiku mang dáng dấp riêng, mang những nét vừa hiện đại, vừa hoài cổ, đậm chất văn hóa chỉ nơi này mới có.
Đến Pleiku, tôi đắm mình trong sắc xanh của ngàn thông và biển chè mênh mông. Hai bên đường vào buôn làng có hoa phượng vĩ, hoa dã quỳ; cà phê trên rẫy kết trái đỏ ửng; hoa dại bên đường lung linh đủ sắc màu, hương thơm thoang thoảng khắp núi đồi.
Một buổi sáng, sau khi thưởng thức vội tách cà phê nóng nguyên chất, tôi “vén” sương mù tìm đường đến thăm Biển Hồ Pleiku, ngắm nhìn “đôi mắt em” xanh biếc giữa đại ngàn nắng gió. Từ Biển Hồ, tôi đi đến hàng thông trăm tuổi (huyện Chư Păh) đẹp như tranh vẽ.
Những biển chè đong đưa trong gió, sắc xanh bạt ngàn đổ dài xuống những thung lũng xa xôi. Qua khỏi cánh đồng cổ tích, tôi đến núi lửa Chư Đăng Ya – ngọn núi lửa lớn ở Tây Nguyên nay không còn hoạt động nữa mà trở thành một cảnh tượng kỳ vĩ, điểm tô cho Tây Nguyên thêm đẹp, nhất là khi mùa dã quỳ đến.
Ngoài những địa điểm nổi tiếng trên, nội ô Pleiku còn có nhiều nơi đáng để lữ khách đến trải nghiệm, dù chỉ một lần. Đó là Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, chùa Minh Thành – ngôi chùa hoành tráng và linh thiêng bậc nhất Gia Lai, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Nhà lao Pleiku, Công viên Diên Hồng,…
Những địa điểm này không chỉ “níu hồn” du khách bởi phong cảnh tuyệt vời mà còn bởi những giá trị lịch sử, văn hóa, dân tộc, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của TP.Pleiku nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
“Thiên đường” ẩm thực
Không chỉ lãng mạn, hữu tình về cảnh sắc thiên nhiên, Pleiku còn là “thiên đường ẩm thực”, quê hương của nhiều món ăn trứ danh. Từ “lòng chảo” nắng gió Krông Pa (một huyện xa của tỉnh Gia Lai), khô bò một nắng đã lan rộng đến TP.Pleiku, làm nên nét đặc trưng của ẩm thực Gia Lai nói chung, cùng với muối kiến vàng, muối é – những loại gia vị chấm mang đậm hương vị của núi rừng Tây Nguyên. Gà nướng ăn kèm cơm lam chắc chắn là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của thực khách mỗi khi về thăm TP.Pleiku xinh đẹp.
Video đang HOT
Món bún cua “thối” – cái tên “đậm mùi” nhưng hương vị lại hấp dẫn không thể nào quên. Nổi tiếng nhất ở Gia Lai là món phở hai tô, một tô đựng phở khô, hành phi, thịt băm, tóp mỡ; một tô đựng nước dùng thanh thanh. Vị thơm, thanh, ngọt của nước dùng hòa lẫn với vị của thịt, vị béo của tóp mỡ, hành phi,… chắc chắn sẽ nương náu trong lòng du khách lúc rời xa.
Biển chè Pleiku
Một buổi chiều đi trên những con dốc mềm mà nhà thơ Văn Công Hùng từng ví von độc đáo: “Dốc như cánh võng bung biêng nhấp nhô trong mắt lữ hành. Và thông, cổ tích mà non tơ mà thánh thiện trong trường tồn như giấc mơ của tạo hóa gửi xuống cuộc đời này để minh chứng cho sự bất tử của thiên nhiên”; nhâm nhi với nhà thơ Ngô Thanh Vân vài ba câu chuyện về văn, về đời và nghe “sơn nữ” Lữ Hồng – cô gái trẻ đầy nghị lực thỏ thẻ bên tai,… tôi cảm thấy cuộc đời sao bình yên quá! TP.Pleiku đẹp đẽ và thơ mộng, con người Pleiku nồng hậu, nghĩa tình, lãng mạn, đắm say,… Hình như tôi yêu TP.Pleiku và cảm thấy gắn bó với vùng đất này tự dạo ấy!.
Đầu năm, lên Tả Phìn săn 'châu báu' trong mây và check in với hoa đào
Tây Bắc nói chung hay Tả Phìn (SaPa, tỉnh Lào Cai) nói riêng thời điểm này 'châu báu' giăng giăng khắp cả trong mây, đậu trên cây và thấm ướt đôi chân người lữ khách
Trước đây, có ai đó đã nói với tôi: "Khi còn trẻ, nhìn một chiếc lá rơi tôi sẽ lao tới chụp bắt và reo vui. Nhưng giờ tôi chỉ lặng ngắm nhìn và thưởng thức cái đẹp của chiếc lá".
Tới tuổi này tôi như có sự đồng cảm với người đó. Lên Tây Bắc thời thanh xuân không ít lần với chộn rộn vui từ lúc lên tàu, háo hức ngắm cảnh vật xẹt qua, đoán định đang tới đâu rồi nhỉ.
Khi cái lạnh bắt đầu ùa vào cửa sổ chiếc xe ô tô chuyển tiếp hạnh phúc thật không kể xiết. Nhưng giờ mọi thứ cứ yên ả vậy, ở bên người bạn tin tưởng, cùng nhau đi qua các chặng đường, ngắm cảnh, thưởng cảnh không hối hả gì và hình như cũng không còn nhiều háo hức. Mọi thứ đẹp và thật như chính nó.
Tả Phìn chìm trong mây, đâu đó rải rác vẫn còn nhiều cây đào nở rộ.
Con đường hai bên là hoa đào rất thích hợp cho ai muốn "check in".
Chuyến đi không có bữa tiệc nào linh đình, chúng tôi cùng hái rau, ăn quả bí vừa rụng, nướng khoai trong lò sưởi, rang hạt dẻ, làm bánh khúc từ cây khúc mọc dại ...
Cây khúc mọc dại rất nhiều tại địa phương.
Những ngày đầu năm, trời vẫn rất lạnh nên sương mù khá dày đặc vào sáng và tối, ngay cả giữa trưa tuy trời có thể hơi hửng nhẹ nhưng cảnh vật vẫn có phần "mờ ảo".
Trong chuyến đi này tôi chụp nhiều nhất là những giọt sương, long lanh và tinh khiết tựa "châu báu" nơi vùng cao. Tuy nhiên "châu báu" này có thể làm chân bạn lạnh buốt vì thấm qua cả giày và tất. Nên lựa chọn một đôi ủng trong khi đi tham quan.
Sương đậu trên đài hoa đào đã tàn nhìn như chiếc vương miện.
Ngoài những cây đào, mận đặc trưng cho mùa xuân Tây Bắc người dân còn trồng thêm nhiều mảnh vườn cải, trổ hoa vàng tươi tắn.
Hoa đẹp nhất khi còn trên cây, cây đẹp nhất là khi còn đang được trồng trong đất. Vậy nên để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp khỏe khoắn có phần "hoang dã" của đào rừng, du khách chớ ngại đi xa tới đúng "đất đào" ở Tây Bắc nói chung và Tả Phìn nói riêng. Đã qua ngày lập xuân, qua tết nhưng những cây đào ở đây vẫn kiên trì khoe sắc, hứa hẹn một lứa quả mập mạp sắp ra đời.
Tả Phìn cách chợ chính của Sapa không xa, du khách nếu chủ động phương tiện hoặc thuê xe tại địa phương có thể dễ dàng ra chợ mua nông sản và nhu yếu phẩm. Giá cả ghi nhận tại chợ khá vừa phải, không nói thách nhiều.
Tả Phìn cũng như các địa điểm du lịch khác của nước ta đã đón nhận "làn sóng" người thành thị lên đây xây nhà nghỉ dưỡng cho gia đình, home stay cho thuê. Điều này cũng góp phần kích cầu thêm kinh tế tại địa phương. Một số nơi rất tôn trọng bảo tồn cảnh quan, thể hiện trong kiến trúc và cách gọi tên phòng nghỉ.
Home stay tại Tả Phìn
Cách gọi tên các loại phòng trong home stay
Các bạn nhỏ chơi đồ hàng bằng mảnh vỏ quýt, lá mọc dại,...
Du xuân có người chọn đi lễ chùa, người ra nước ngoài nghỉ dưỡng, tôi chọn lên Tây Bắc săn "châu báu" trong mây. Bạn có muốn thử không?
Chùa Phú Lâm thắng cảnh mới ở xứ Tuyên Chùa Phú Lâm có nét chấm phá giao thoa truyền thống và hiện đại, cùng không gian trang tĩnh, an hòa, cho thấy những hưng thịnh cửa thiền nơi đây: Phật pháp được chấn hưng, ngôi nhà tâm linh được phục dựng, góp phần "thịnh vượng" đời sống tín ngưỡng của người dân xứ Tuyên. Tác giả: Chánh Thường Tạp chí Nghiên cứu...