Đam mê bất tận vùng đất Tây Tạng
Ẩn mình trên đỉnh núi cao sừng sững quanh năm tuyết phủ, Tây Tạng luôn mờ sau màn sương huyền bí trong mắt du khách.
Khách đến Tây Tạng thường tìm đến với “thánh địa Phật giáo” Lhasa. Chuyến tàu Bắc Kinh – Lhasa rất dài, có người còn từng ví nó như đời người, có đủ hỉ, nộ, ái, ố. Lhasa được người Tây Tạng giải thích là “đất bùn của dê” bởi thành phố được xây dựng trên đất bùn do những chú dê vận chuyển tới.
Biểu tượng của thành phố trên núi này là Cung điện Potala, Cung điện của Bồ Tát, nơi ngụ của các vị Lạt Ma, xây trên núi Mabuge. Cung điện dựng đứng sừng sững, cao tới 13 tầng này như một ngọn núi, gây ấn tượng cho bất cứ ai lần đầu tới thăm.
Ngoài Cung điện, Chùa Đại Chiêu cũng là một di sản văn hóa thế giới và là nơi đón hàng triệu người hành hương, Thiền viện Drepung, một công trình tôn giáo lớn bằng cả ngôi làng, là nơi học tập của hàng nghìn cư sĩ.
Đến với Tây Tạng, không khó để nhìn thấy những đoàn người ăn mặc rách rưới, hành hương về đất Phật, tái hiện hình ảnh của thánh tăng Hư Vân, người đã thực hiện cuộc hành hương “tam bộ nhất bái” (ba bước một lạy) trên một chặng đường dài 2500km từ Phổ Đà Sơn về Ngũ Đài Sơn. Người dân Tây Tạng rất sùng Phật. Ở ngoài đường, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người dân tay lần tràng hạt.
Ngoài những quần thể kiến trúc tôn giáo lớn, Tây Tạng còn nổi tiếng bởi thiên nhiên hùng vĩ và bao la, với vùng thảo nguyên đầy gió cát và những ngọn núi cheo leo.
Hồ thiêng Nam-tso là một trong những truyền thuyết lâu đời của Tây Tạng. Hồ rộng lớn như biển, nước xanh thẳm, in bóng dãy núi tuyết Nyenchen Tanglha cao tới 7000m. Truyền thuyết kể lại ở hồ thiêng Nam-tso có những thủy quái kỳ lạ, điều này làm cho hồ càng trở nên huyền bí hơn. Có những người dân Tây Tạng vẫn hành hương về hồ thiêng này, họ đi trên mặt hồ đóng băng để ra những đảo nhỏ giữa hồ, ở lại đến mùa đông năm sau mới trở về.
Video đang HOT
Hồ Nam-tso
Theo 24h
Nguyên sơ vẻ đẹp vùng đất 'tiểu Tây Tạng'
Miền đất Ladakh sát rìa Tây Tạng, gần dãy Himalaya, có vẻ đẹp như chốn tiên cảnh.
Ladakh là vùng đất tuyệt đẹp nằm sát với ranh giới phía Tây của cao nguyên Tây Tạng, nơi hầu như nắng ấm quanh năm, và mang đậm nét đặc sắc văn hóa bản địa.
Vùng đất nằm ở rìa Tây Tạng này rất rộng lớn, với diện tích lớn gấp 64 lần diện tích của đất nước Singapore nhưng lại có rất ít dân, chỉ khoảng 300.000 người. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều vùng đất ở Ladakh còn vô cùng hoang vu, vắng lặng.
Về vị trí địa lý chính xác, Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir, nhưng vì rất sát khu vực Tây Tạng và bao quanh bởi dãy Himalaya, người dân Ladakh có những đặc điểm, bản sắc khá giống với những người "hàng xóm". Chính vì vậy, nơi này mới được gọi là "tiểu Tây Tạng".
Những tộc người ở Ladakh có phục trang và thổ ngữ cực giống với người Tạng. Phật giáo cũng là tôn giáo chính của họ và có rất nhiều tu viện rải rác trên những đỉnh núi, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp cho nơi này.
Leh, thủ phủ của Ladakh nằm ở vị trí cao trên mặt nước biển 3.500 mét và là nơi không khí rất loãng. Nhiều du khách không chuẩn bị tâm lý thường bị thở dốc, mệt mỏi, nôn nao khi lên tới độ cao này.
Leh và những thị trấn lân cận thuộc Ladakh là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên và bộ môn leo núi, đi bộ xuyên rừng, săn thú hoang...
Từ Leh, du khách có thể lựa chọn hành trình tham quan hồ nước muối rộng lớn Pangong Tso hoặc thung lũng Nubra với cảnh quan núi non trùng điệp bao lấy hoang mạc rộng lớn. Để tới những khu vực này, bạn cần phải xin giấy phép. Những giấy phép này không mất tiền nhưng cần phải được xin trước khi bắt đầu hành trình.
Nếu bạn cảm thấy đói dọc đường, bạn có thể dừng lại ở những làng dân tộc để thưởng thức các đặc sản địa phương thú vị như momo (bánh bao kiểu Tây Tạng) hay Thukpa (mỳ kiểu Ấn).
Nếu may mắn, bạn có cơ hội đến đúng dịp lễ hội mùa gặt hay các lễ hội tôn giáo, thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng những trang phục truyền thống đầy màu sắc và thưởng thức những đặc sản chỉ được làm vào những sự kiện lớn.
Theo 24h