Đậm đà bánh đa cua Hải Phòng
Bánh đa cua được làm từ những nguyên liệu bình dị vùng quê như cua đồng, bánh đa, rau muống, rau nhút… cùng hương vị đặc trưng của nước dùng, làm nên thương hiệu cho món ngon của đất Cảng.
Cùng với phở, bún bò, hủ tiếu, bánh đa cua là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích ở Sài Gòn. Người miền khác ăn bánh đa cua để thưởng thức một món ăn ngon và lạ miệng còn dân đất Cảng lại mong tìm chút hương vị quê nhà.
Bánh đa cua là món ăn thể hiện được cả sự “ngon mắt” và “ngon miệng”. Ảnh: Khánh Hòa.
Món ăn ngon, hấp dẫn, thành phần đều là những nguyên liệu có sẵn nơi làng quê như cua đồng, bánh đa, rau muống, rau nhút… Từ những thành phần dân dã đó, người dân Hải Phòng khéo léo chế biến nên một món hấp dẫn, đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng bởi vị thanh ngọt và mát lành.
Điểm làm nên sự khách biệt, tạo sức hấp dẫn cho món ăn chính là nước dùng. Được nấu từ nước lọc cua nên nước dùng không trong, có màu hơi đục, khi ăn có vị ngọt thanh và thoang thoảng mùi thơm nhẹ rất đặc trưng của cua đồng.
Video đang HOT
Được chế biến từ những con cua đồng, khéo léo kết hợp với các thành phần khác, bánh đa cua là món ăn bình dị. Ảnh: Khánh Hòa.
Người ta nói, ăn bát bánh đa cua là cảm nhận cái “sắc” và “vị” của món ăn. Màu nâu đỏ của bánh đa hòa trong cái màu vàng sóng sánh của nước dùng, cùng với đó là những viên chả thịt có màu vàng nhạt, màu xanh mướt của rau muống, rau nhút, màu vàng hơi cháy của hành phi…. tất cả tổng hòa vào nhau làm cho thực khách chỉ mới nhìn thôi cũng đã thấy thèm.
Ăn một đũa bánh đa cua cảm nhận cái mềm hơi dai của sợi bánh đa hòa với độ giòn sần sật của cọng rau nhút, rau muống, nét đậm đà của chả thịt, vị béo mềm của gạch cua cùng nước dùng ngọt nhẹ rất thanh.
Khánh Hòa
Theo VNE
[Chế biến] - Bánh đa cua Hải Phòng
Nguyên liệu :
Cua đồng: 500g
Cá rô đồng: 300g
Giò sống: 100g
400g bánh đa cua, 1 bó rau muống, 1 bó rau nhút, 50g rau kinh giới, 100g lá lốt, 20g hành lá 30g gốc hành, 15g hành tím Muối, hạt nêm, đường, tiêu xay, dầu ăn
Cách làm:
Cá rô đánh vẩy, dùng muối và chanh chà cho sạch nhớt, lạng bỏ da, xương cá, lấy phần thịt, giã nhuyễn với một ít muối, hạt nêm, đường, tiêu xay, gốc hành lá.
Cua đồng rửa sạch, tách mai, yếm cua, lấy gạch để riêng, phần vỏ giã nhỏ, cho nước vào, lọc qua rây, lấy nước cốt.
Giò sống cho ít muối, hạt nêm, đường, tiêu xay vào, dùng thài bản lớn quết nhuyễn mịn. Vò thành viên nhỏ vừa ăn.
Bánh đa ngâm nước lạnh 10 phút, trụng nước nóng cho chín, để ráo. Rau muống, rau nhút nhặt bỏ gốc già, lá sâu, cắt khúc ngắn, rửa sạch, luộc chín, để ráo. Lá kinh giới nhặt bỏ cọng, rửa sạch. Hành lá xắt nhỏ. Hành tím bỏ vỏ lụa, băm nhỏ.
Chia cá làm hai phần, một phần cho vào lá lốt, cuốn lại một phần vò thành viên, ấn dẹt. Làm nóng dầu ăn, cho 2 loại chả cá vào chiên chín vàng, vớt ra để ráo dầu. Gạn gạch cua vào xào thơm. Cho nước cua vào nồi đun sôi. Hạ lửa nhỏ cho cua đóng thành lớp, nhẹ tay vớt ra, để riêng. Cho giò sống vào đun sôi trở lại, nêm nếm muối, hạt nêm, đường cho vừa ăn.
Cho bánh đa cua vào tô, xếp chả cá, riêu cua, rau muống, rau nhút, kinh giới, gạch cua lên mặt. Chan nước dùng cá và giò sống vào, rắc tiêu xay, hành lá xắt nhỏ lên. Dùng khi còn nóng.
Mách nhỏ: Rau nhút chỉ nên chần sơ qua nước nóng, không nên luộc chín quá, khi ăn không còn độ giòn và sẽ dai. Để thịt cua đông chắc hơn cho một ít lòng trắng trứng hoặc đậu hũ tán nhuyễn trước khi nấu cua.
Theo MASK
Quán bánh đa cua ngon ở khu sân bay Tân Sơn Nhất Bát bánh đa cua bình dị với bánh đa, gạch cua, chả viên, rau nhút, rau muống... cùng với nước dùng thanh ngọt đậm đà và dậy mùi quyến rũ. Nằm gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, quán bánh đa cua Hải Phòng từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều người, nhất là giới văn phòng vào...