Đám cưới siêu lây nhiễm khiến Covid-19 càn quét viện dưỡng lão
Sau một đám cưới ở bang Washington, Covid-19 bùng phát dịch tại hai viện dưỡng lão có nhân viên đi ăn cưới, khiến nhiều người chết.
Giới chức bang Washington cho biết hơn 300 khách tham gia một đám cưới hôm 7/11 tại Ritzville, hạt Adams. 10 ngày sau, gần 40 khách dự đám cưới tới từ hạt Grant nhận kết quả dương tính với nCoV, cơ quan y tế địa phương cho biết.
Cơ quan y tế hạt Grant ngày 4/12 cho biết trong số những khách dự đám cưới bị nhiễm nCoV có nhân viên tại hai viện dưỡng lão tại đây. Họ sau đó tiếp tục làm việc tại viện dưỡng lão mà không biết mình mang virus trong người, khiến dịch bùng phát tại hai cơ sở này và làm nhiều người chết.
Hạt Grant ghi nhận 54 ca tử vong vì nCoV, gấp đôi con số hôm 5/11, trong đó 29 người liên quan tới viện dưỡng lão. Tính tới 4/12, hạt Grant phát hiện 13 ca tử vong nghi do nCoV, trong đó 9 ca liên quan đến viện dưỡng lão.
Giới chức y tế cho biết không rõ bao nhiêu ca nhiễm liên quan tới đám cưới trên có thể truy vết được, cũng chưa thể thống kê bao nhiêu cụ già đã chết vì nhiễm nCoV bắt nguồn từ đám cưới “siêu lây nhiễm” trên. Người đứng đầu cơ quan y tế hạt Grant Theresa Adkinson cho biết họ sẽ phân tích sâu dữ liệu về các cụm dịch sau khi số ca nhiễm được kiểm soát tốt hơn.
Nhân viên y tế tại điểm lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Đại học Y tế Washington, Seattle, ngày 17/3. Ảnh: AP.
Cơ quan y tế địa phương hôm 3/12 kêu gọi dân chúng ở nhà. “Các thành viên cộng đồng dễ bị tổn thương nhất gồm người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt có nguy cơ biến chứng khi nhiễm nCoV. Chúng ta phải tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ họ khỏi căn bệnh này”, theo thông cáo ngày 3/12 của cơ quan y tế hạt Grant.
Các cơ sở chăm sóc dài hạn như viện dưỡng lão là nơi rất dễ bùng phát Covid-19. Tính tới 30/11, số ca tử vong liên quan tới các cơ sở chăm sóc dài hạn ở Washington chiếm 53% tổng số người chết vì nCoV tại bang, dù số ca nhiễm chỉ chiếm 6%.
Video đang HOT
Các cuộc tụ họp đông người trong nhà ẩn chứa nguy cơ lan truyền nCoV cao và có khả năng trở thành “sự kiện siêu lây nhiễm”, theo báo cáo tháng 11 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). “Các sự kiện như vậy liên quan đến tình trạng tăng đột biến (ca nhiễm), dẫn đến chuỗi lây nhiễm kéo dài”.
Karen Potts, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng của Sở Y tế hạt Adams, cho biết đám cưới ở Ritzville là “sự kiện siêu lây nhiễm” khi “có rất nhiều người trong nhà”.
Một đám cưới hồi tháng 8 ở vùng nông thôn bang Maine khiến 177 người nhiễm nCoV, gây ra 6 trong số 7 ca tử vong ở một cơ sở chăm sóc dài hạn, CDC cho biết.
Washington hồi tháng 11 giới hạn số người tham gia một đám cưới là 30. Bang này vừa ban sắc lệnh mới cấm tổ chức đám cưới trong nhà hoặc tụ họp với người ngoài gia đình, trừ khi khách được cách ly, sau khi hứng chịu đợt bùng phát dịch thứ ba.
Covid-19 đến nay đã khiến gần 66,3 triệu người nhiễm, hơn 1,5 triệu người tử vong trên toàn cầu. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 15 triệu ca nhiễm và gần 286.000 ca tử vong.
Lý do CDC Mỹ rút ngắn thời gian cách ly Covid-19
Thay vì cách ly 14 ngày, hướng dẫn mới của CDC Mỹ nêu rõ người tiếp xúc gần với ca nhiễm nCoV có thể chỉ cần cách ly 7-10 ngày.
Theo hướng dẫn mới được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cập nhật hôm 2/12, người tiếp xúc gần với ca nhiễm nCoV có thể dừng cách ly sau 10 ngày mà không cần có kết quả xét nghiệm âm tính. Thời gian có thể giảm xuống 7 ngày nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, trong đó kết quả sớm nhất nên lấy là vào ngày thứ 5 của quá trình cách ly. Ngoài ra, CDC thêm rằng mọi người nên theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày sau khi kết thúc cách ly.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết thời gian cách ly 14 ngày, trong đó gồm ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác, vẫn được xem là lựa chọn an toàn nhất nếu họ từng tiếp xúc gần, dưới 2 mét trong ít nhất 15 phút, với người nhiễm nCoV. Bất kỳ ai nhiễm virus nên tự cách ly ít nhất 10 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện và không dừng cách ly cho tới khi cắt sốt ít nhất 24 giờ.
Thông báo của CDC nêu rõ cơ quan này khuyến nghị cách ly 14 ngày, nhưng thừa nhận "việc rút ngắn thời gian có thể giúp giảm bớt gánh nặng" về kinh tế và áp lực lên hệ thống y tế công so với thực hiện cách ly đủ hai tuần. Đồng thời, nó cũng có thể giúp mọi người bớt mệt mỏi khi phải thực hiện thời gian cách ly dài.
Bà Pat McCauley nhìn ra ngoài qua cửa sổ khi cách ly tại nhà riêng ở Kirkland, bang Washington hồi tháng 4. Ảnh: Los Angeles Times.
"Hướng dẫn mới là ví dụ của cách tiếp cận giảm thiểu tác hại, hoặc có tính đến thách thức mà các cá nhân có thể phải đối mặt trong việc giảm thiểu các rủi ro", Jen Kates, giám đốc chính sách y tế toàn cầu và HIV tại Quỹ Gia đình Kaiser, nói. "Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất của tôi là nó có thể gây ra hiểu nhầm và cần có thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng hơn. CDC vẫn khuyến nghị nên cách ly đủ 14 ngày, điều này không nên bị bỏ qua ở đây".
Thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể lên tới hai tuần hoặc thậm chí lâu hơn trong vài trường hợp. Tuy nhiên, với hầu hết trường hợp, thời gian ủ bệnh ít có khả năng rơi vào nửa cuối quá trình cách ly 14 ngày, theo William Hanage, nhà dịch tễ học của Harvard. Do đó, hầu hết mọi người có thể rút ngắn thời gian cách ly mà không gây nguy hiểm cho người khác.
Thay đổi của CDC được đưa ra khi Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ tục. Số ca nhập viện lần đầu tiên vượt 100.000 trong tuần này. Tỷ lệ tử vong hàng ngày thường trên 2.000 người, mức chưa từng thấy kể từ đợt bùng phát đầu tiên trong mùa xuân. Nhiều người cảnh báo Mỹ có thể đối mặt đợt bùng phát tồi tệ trong dịp Giáng sinh và năm mới, trong khi vaccine có thể phải đợi thêm nhiều tháng trước khi có sẵn cho hầu hết người Mỹ.
Giới quan sát nhận định hướng dẫn cách ly mới là nỗ lực của CDC nhằm khuyến khích người Mỹ thực hiện các biện pháp ngăn chặn Covid-19 , khi nhiều người đã phản đối các biện pháp khác mà cơ quan này kêu gọi. Nếu thành công, nó có thể giúp chống lại những kịch bản tồi tệ có thể xảy ra trong vài tuần tới.
Trong buổi họp báo thông tin về các khuyến nghị mới, quan chức CDC nói rõ ràng họ vẫn khuyến khích mọi người cách ly đủ 14 ngày sau khi tiếp xúc với ca nhiễm. Nhưng trước thực tế mọi người tỏ ra mệt mỏi vì thời gian cách ly dài hay nhu cầu phải làm việc, CDC đã cố gắng tìm kiếm các khuyến nghị linh hoạt hơn.
"Chúng ta có thể giảm thời gian cách ly một cách an toàn, nhưng cũng phải chấp nhận có những rủi ro nhỏ mà người kết thúc cách ly sớm có thể truyền bệnh cho người khác nếu họ bị nhiễm", John Brooks, giám đốc ứng phó Covid-19 của CDC, nói.
German Lopez, biên tập viên của Vox, nhận định rủi ro lớn nhất mà hướng dẫn mới của CDC phải đối mặt là giới khoa học còn chưa hiểu đầy đủ về Covid-19 , từ thời gian ủ bệnh, các triệu chứng cho tới các hậu quả lâu dài. Hậu quả của việc rút ngắn cách ly có thể khiến Mỹ để lọt nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, Lopez thêm rằng nếu có thể khuyến khích nhiều người tham gia cách ly hơn, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc chiến chống Covid-19 của Mỹ.
Một số chuyên gia đã chỉ trích hướng dẫn mới của CDC , kêu gọi cần rõ ràng hơn hoặc có điều chỉnh về các khuyến nghị. Saskia Popescu, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, lo ngại với hướng dẫn rằng mọi người có thể lấy kết quả xét nghiệm âm tính của ngày thứ 5 để dừng cách ly sau 7 ngày. "Tôi muốn thấy mọi người có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 6 hoặc thứ 7 trước khi dừng cách ly", Popescu nói.
Bà Popescu cũng thêm rằng CDC và nhiều quan chức khác cũng nên có các khuyến nghị rõ ràng hơn về các hạn chế và cần tiếp tục khuyến khích thực hiện các bước khác, như giãn cách xã hội khi có thể và đeo khẩu trang.
Biển hiệu nhắc nhở người dân thực hiện quy định cách ly tại nhà ở Los Angeles, bang California. Ảnh: AFP.
Giới chuyên gia nhận định rủi ro lớn nhất là Mỹ đang ở giữa đợt bùng phát nghiêm trọng. Trong môi trường có quá nhiều virus như vậy, mọi tiếp xúc bên ngoài của mọi người đều tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lắng nghe khuyến nghị của giới chức y tế. Người dân đã được cảnh báo hạn chế đi lại dịp Lễ Tạ ơn nhiều tuần trước đó. Nhưng tuần trước, Mỹ vấn ghi nhận mức đi lại bằng hàng không kỷ lục.
Điều này có thể lặp lại vào dịp Giáng sinh và năm mới, với nguy cơ bùng phát các sự kiện siêu lây nhiễm mới, khiến đại dịch thêm trầm trọng.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 14,5 triệu ca nhiễm và hơn 280.000 người chết vì Covid-19. CDC kỳ vọng những hướng dẫn mới có thể khuyến khích mọi người tham gia và giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất có thể.
Đi ứng tuyển vị trí cảnh sát tiểu bang, bị lộ tội ác vì máy phát hiện nói dối Các quan chức Cơ quan Tuần tra bang Washington (WSP) cho biết lời thừa nhận của người đàn ông trong cuộc phỏng vấn đã thu hút sự chú ý của các nhà điều tra. Theo New York Post , người đàn ông nộp đơn vào một vị trí nhân viên dân sự tại cơ quan Tuần tra bang Washington. Tới ngày được đi...