Đám cưới lạ, anh nhờ em ruột làm… chú rể
Yêu nhau qua những lá thư suốt ba năm đằng đẵng, cô nhân viên thẩm mỹ viện Nguyễn Thị Thùy Trang và chàng trai bị bại liệt Đặng Văn Tĩnh quyết định đi đến hôn nhân, bất chấp sự ngăn cản từ phía gia đình nhà gái.
Tuy nhiên, trong hôn lễ, người đến đón dâu, đứng lên trao nhẫn cưới trong vai trò chú rể lại chính là em trai ruột của Tĩnh.
Tình yêu “ươm mầm” qua những cánh thư
Lúc mới sinh ra, Đặng Văn Tĩnh (SN 1986, ở xóm Bắc Kênh Cầu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), cũng như bao đứa trẻ khác, hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng đến năm Tĩnh lên bảy tuổi, một bi kịch bất ngờ đổ ập đến, khi cậu đột nhiên bị tê buốt chân tay rồi ngất đi. Sau lần đó, hai khớp tay của Tĩnh dần trở nên lỏng lẻo, mềm oặt, hai chân thì cứng lại không thể di chuyển. Hoảng hốt, gia đình đã đưa Tĩnh đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng kết quả không như mong đợi. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, Tĩnh không cử động được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ bàn tay của người thân.
Tuy nhiên, đón nhận bi kịch xảy ra với mình, Tĩnh không buông xuôi mà cố gắng đấu tranh để vượt lên. Thời gian trôi qua, không chỉ động viên bản thân mình, anh còn thành lập câu lạc bộ Tỏa sáng ước mơ để giúp những người khuyết tật có được cuộc sống tốt đẹp. Khâm phục trước ý chí và nghị lực ấy, nhiều cô gái trong làng đã đem lòng yêu thương anh. Tuy nhiên, trải qua hai mối tình, Tĩnh đều thất bại bởi: “Gia đình nhà gái kiên quyết không chấp nhận con gái yêu và lấy một người tàn tật”.
Cả gia đình hạnh phúc bên nhau. Ảnh: T.G
Tủi thân sau những đổ vỡ trong tình yêu, Tĩnh sống khép mình hơn. Có giai đoạn, chiếc radio trở thành người bạn thân thiết của Tĩnh. Hàng đêm, chàng trai lại bật đài, theo dõi chuyên mục “Cửa sổ tình yêu” của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) để lắng nghe những tâm sự, trải nghiệm về cuộc sống của giới trẻ. Trong một lần chia sẻ về cuộc đời mình trên chương trình của VOV, anh đã nhận được rất nhiều lời động viên, khích lệ tinh thần. Trong đó, có một cuộc điện thoại làm anh nhớ nhất từ miền Nam gọi ra của Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1988, quê ở Đồng Nai).
Khâm phục trước ý chí, và nghị lực vươn lên của Tĩnh, Trang đã tìm cách nhắn tin, gọi điện hỏi thăm anh với tư cách là một người đồng cảm. “Khi nghe được những dòng tâm sự của anh Tĩnh trên sóng của kênh VOV, tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên của anh. Thời gian đầu, tôi coi anh Tĩnh như người bạn bình thường, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với anh những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng lâu rồi thành quen, hàng đêm, chúng tôi đều nhắn tin qua lại với nhau”, chị Trang kể lại.
Tiếp lời chị Trang, anh Tĩnh cho biết: “Cũng chính từ đây, chúng tôi thư đi thư lại càng nhiều hơn, nói chuyện với nhau rất hợp. Thậm chí thấy chưa đủ, tôi còn nhờ em trai viết thư cho Trang để được nói chuyện dài hơn. “Suốt cả năm trời, hai đứa thư từ, nhắn tin không ngừng nghỉ. Và từ lúc nào, tôi đã đem lòng thương thầm, nhớ trộm cô gái ấy”, Tĩnh chia sẻ.
Thế nhưng, đúng vào lúc tình cảm phát triển sâu nặng hơn, Tĩnh vỡ mộng khi biết Trang là cô gái hoàn toàn bình thường. Sự tự ti về khiếm khuyết bản thân khiến chàng trai trở nên e dè, thậm chí chủ động cắt đứt liên lạc. Song cuối cùng, lý trí không thắng nổi trái tim. Những xúc cảm nhớ nhung, những yêu thương dồn nén bấy lâu dội về cồn cào như sóng biển, sau một thời gian, anh quyết định bỏ qua mọi định, kiến ngỏ lời với cô gái. “Hôm đó, tôi còn nhớ rõ như in vào lúc 22h20, ngày 30 Tết năm 2011. Tôi đã nói với Trang: “Anh yêu em, cho anh một cơ hội bên em nhé”. Nói xong, tim tôi như ngừng đập, như nổ tung khi nhận được câu trả lời của Trang: “Em chờ đợi câu nói này của anh lâu lắm rồi anh có biết không”. Giọng anh Tĩnh tràn đầy hạnh phúc, khiến chúng tôi cứ ngỡ như câu chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua vậy.
Em trai đóng thế anh trai làm chú rể
Video đang HOT
Những cánh thư, những tin nhắn điện thoại đã nuôi dưỡng tình yêu của Trang và Tĩnh lớn dần theo năm tháng. Đến một ngày, Trang quyết định xin nghỉ công việc ở thẩm mỹ viện để ra thăm Tĩnh, cũng như gặp mặt gia đình người yêu. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trang cho biết: “Vừa bước xuống sân bay, tôi cảm thấy rất xúc động khi người ra đón tôi lại là cha anh Tĩnh. Thấy hình ảnh của bác, tôi có cảm nhận như là những người thân thiết trong gia đình. Lúc đó, tôi đã có suy nghĩ mình nhất định phải trở thành con dâu của bác. Giây phút bước chân vào nhà, thấy anh Tĩnh nằm liệt trên giường mà trái tim tôi thắt lại. Tôi chạy ào lại ôm chầm lấy anh rồi cả hai cùng khóc lên như những đứa trẻ, trước sự ngạc nhiên của cả gia đình. Sau đó, anh Tĩnh quay lại hỏi tôi: “Gặp anh rồi, em có còn yêu anh nữa không. Tôi bảo: “Nếu như không yêu anh thì em đã không có mặt ở đây rồi, em mong anh hãy tin vào tình yêu của em, tin vào trái tim em…”".
Ảnh cưới của anh Tĩnh và chị Trang. Ảnh: T.G
Cảm phục trước tình yêu của Trang dành cho Tĩnh, nhưng ông Đặng Văn Hải (bố đẻ Tĩnh – PV) vẫn lo sợ. Muốn “giữ chân” người con dâu tương lai, ông Hải đã đề nghị hai người đi chụp ảnh cưới trước. Nhưng trái với dự liệu của ông, Trang không những không từ chối mà còn vồn vã nhận lời ngay. Nhớ lại chuyện cũ, ông Hải kể: “Vì thấy con dâu tôi là một người rất tốt, lại yêu thằng Tĩnh chân thành nên tôi muốn hai đứa nó tổ chức đám cưới luôn. Không phải tôi muốn đẩy trách nhiệm chăm sóc Tĩnh cho Trang, mà tôi lo sợ sẽ mất đi một người con dâu tốt như vậy”.
Bàn đến chuyện cưới xin, anh Tĩnh bảo: “Lúc đó, tôi cũng muốn trực tiếp vào ra mắt bố mẹ Trang. Nhưng bản thân tôi như vậy, việc đi lại không thuận tiện. Cân nhắc mãi, tôi đành gọi điện xin cưới qua điện thoại. Lần đầu tiên, tôi rất khổ tâm. Bởi mặc dù Trang đã trình bày trước, song bên kia đầu dây, bố mẹ cô ấy vẫn một mực phản đối. Một phần, các cụ chưa biết tôi là người thế nào, phần khác vì e ngại chuyện con rể bị khuyết tật sẽ khiến Trang vất vả. Để thuyết phục, tôi phải nói đi nói lại với hai cụ, rằng: “Con tuy là người khuyết tật, nhưng trái tim con không khuyết tật. Mặc dù con nằm một chỗ không đi được nhưng con sẽ là một người chồng, một người cha đúng mực. Xin bố mẹ hãy tin con một lần, con sẽ không làm gánh nặng cho vợ con và sẽ chăm sóc được gia đình con bằng chính khả năng và nghị lực của mình”". Cảm phục nghị lực ấy, bố mẹ Trang cuối cùng cũng “xiêu lòng” chấp thuận.
Phải rất vất vả mới thuyết phục được gia đình bên vợ cho cưới, tuy nhiên trong ngày hôn lễ chính thức, Tĩnh phải nhờ em trai thay thế mình làm chú rể. Không được con gái báo trước sự việc, ngay trong lễ thành hôn, bố mẹ Trang đã nổi giận. Lời ra tiếng vào, gia đình nhà gái thậm chí còn đòi hủy bỏ hôn lễ. Anh Tĩnh nhớ lại: “Khi gia đình tôi vào đón dâu mà chú rể lại không phải là tôi, gia đình vợ cho rằng tôi đã phản bội lòng tin của mọi người, bởi vậy mẹ vợ tôi nhất quyết không đồng ý, bất chấp gia đình tôi giải thích mọi điều hơn lẽ thiệt”. Cỗ thì nấu rồi, hàng xóm cũng đã đến chung vui, nhưng cô dâu chú rể thì không được xuất hiện. Mặc cho những cuộc điện thoại của tôi giải thích, bố mẹ vợ tôi nhất quyết từ chối. Lúc đó, bầu trời như sụp đổ, tôi thất vọng tràn trề. Mãi sau đó, nhờ hàng xóm láng giềng biết chuyện hết lời khuyên nhủ, động viên, bố mẹ vợ tôi mới chịu cho nhà trai rước dâu. Đến giờ phút này, khi con tôi chào đời đã được gần một năm, chúng tôi như vẫn còn đang trên mây vậy. Chúng tôi tự hứa với bản thân mình rằng, cách cám ơn mọi người và gia đình tốt nhất đó là phải sống sao cho hạnh phúc, cho trọn đạo vợ chồng, con cái…”.
Vỡ òa trong hạnh phúc, cuối cùng họ đã có được một gia đình nhỏ, ấm áp và yên vui và một bé trai kháu khỉnh. “Tôi không ân hận khi cưới anh Tĩnh làm chồng. Từ cuộc sống của chúng tôi, tôi mong muốn xã hội hãy cởi mở hơn với người khuyết tật, thậm chí người khuyết tật có nhiều điểm mà người bình thường cần phải học tập. Cuộc sống của chúng tôi đã khẳng định điều đó”, Trang chia sẻ.
Tàn nhưng không phế Với ước mong giúp đỡ người khuyết tật, năm 2011, câu lạc bộ “Tỏa sáng ước mơ” do Đặng Văn Tĩnh làm chủ nhiệm ra đời. Hơn 40 thành viên là hơn 40 số phận, hơn 40 cuộc đời khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là nghị lực và mục đích sống vì cộng đồng. Đều đặn hàng tháng, các bạn dạo quanh các con phố từ Hưng Yên tới Hà Nội bán đĩa nhạc, bông tăm, và tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện, do chính các thành viên trong nhóm sáng tác và biểu diễn. CLB cũng là chiếc cầu nối giữa những nhà hảo tâm với người khuyết tật, giúp nhiều người khiếm thị tìm được công việc thích hợp tại các cơ sở tẩm quất người mù.
Theo Văn Tâm (Gia đình & Xã hội)
Luật sư tập sự đạp xe gần 2.000 km cầu hôn vợ
Nhận được điện thoại bảo ra đường Giải Phóng đón, chị nghĩ anh sẽ bước xuống từ một chiếc xe khách Bắc - Nam. Nhưng gần 2 tiếng trôi qua, bất chợt có tiếng gọi tên chị từ phía chàng thanh niên đang gò lưng trên chiếc xe đạp.
Chiều muộn, trong căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng trẻ Phạm Quốc Tuấn và Vũ Thị Dung ở huyện Nhà Bè (TP HCM), bé Ngọc Hà (7 tuổi) say sưa đọc bài, thỉnh thoảng lại gọi bố ơi ới để kiểm tra mình đọc đã đúng chưa. Dù đang phải làm một chân phụ vợ làm món ăn mới, song anh Tuấn vẫn tận tình uốn nắn cho con gái từng câu từng chữ.
"Nếu 10 năm trước anh ấy không có chuyến hành trình xuyên Việt để cầu hôn tôi thì có lẽ cha của con tôi bây giờ đã là người khác rồi", chị Dung nhoẻn miệng cười rồi quay sang nhìn chồng đầy âu yếm.
Chiếc xe đạp giúp anh vượt gần 2.000 cây số trở thành kỷ vật tình yêu của hai người. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị kể, cả hai người đều sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, quen nhau từ thời còn "cởi trần tắm mưa" nhưng không ai nghĩ sau này sẽ về chung một nhà. "Hồi đó chỉ biết nhau vậy thôi, chứ anh nhỏ nhất lớp, khi nào xếp hàng cũng bị cô giáo bắt đứng đầu tiên, còn tôi thì cao nên cho đứng cuối hàng vì thế gần như chẳng mấy khi nói chuyện".
Hết lớp 10 thì anh theo gia đình vào Nha Trang định cư, rồi học ĐH Luật ở TP HCM. Còn ở quê, chị cũng thi đậu vào trường ĐH Kinh tế quốc dân và lên Hà Nội học. Mọi mối liên hệ gần như bị cắt đứt, mãi tới năm đầu tiên đại học, khi nghe tin các bạn cũ thời cấp 3 đậu đại học anh mới viết một lá thư gửi chung, chúc mừng cả lớp. Nhận được thư, nhiều người cũng gửi thư lại hỏi thăm, trong đó có chị.
Lúc đó chị là dân chuyên văn, lại là người sống rất tình cảm nên lá thư đầu tiên của cô bạn học cũ để lại nhiều ấn tượng trong anh Tuấn hơn cả. "Tôi đã viết hồi âm ngay cho cô ấy, không hiểu sao lúc đó rất nóng lòng chờ thư trả lời", anh Tuấn thổ lộ.
Cứ thế, đều đặn mỗi tháng 2 lá thư đi, 2 lá thư nhận. Chị Dung khẳng định lúc đó chưa hề có chuyện yêu nhau, chỉ gần giống như những đôi bạn thân. Còn anh nghe chị nói xong lặng lẽ cười, anh bảo mình bị chinh phục bởi "những câu chữ trong thư cho tôi biết được tâm hồn của người con gái". Vì kẻ Nam, người Bắc nên những lá thư trở thành cầu nối tình yêu.
Biết yêu là vậy, song lúc đó Dung là người "rất có giá". Xong đại học, cô được nhận học bổng sang Italia rồi sau đó về làm việc trong một tổ chức nước ngoài với mức thu nhập rất cao. Còn Tuấn chỉ là chàng sinh viên mới ra trường, không có gì trong tay, công việc lại bấp bênh.
Lúc đó bạn bè ai cũng có xu hướng lấy Việt kiều hoặc một ông chồng vững về kinh tế để có thể dựa dẫm, chị Dung cũng nghĩ sẽ lấy được một ông chồng có điều kiện kinh tế tốt hơn anh Tuấn. "Tôi sẽ chọn ai làm chồng? Chả lẽ là một sinh viên nghèo vừa tốt nghiệp đại học, sống trong một căn nhà trọ tồi tàn và hàng ngày đạp chiếc xe đạp cà tàng tới tập sự tại một văn phòng luật vô danh, lương không đủ ăn", chị Dung nói về những đắn đo cứ bủa vây tâm trí mình mặc dù anh Tuấn đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục.
Anh Tuấn trên đèo Hải Vân trong chuyến hành trình xuyên Việt của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chẳng có gì để thuyết phục ngoài việc thể hiện cho Dung thấy ý chí của mình, anh Tuấn lên kế hoạch đạp xe từ Sài Gòn ra Hà Nội để ngỏ lời cầu hôn và cũng muốn chứng tỏ rằng "nếu có quyết tâm điều gì cũng có thể làm được".
Tuy nhiên, để làm được điều đó anh Tuấn đã mất hẳn 1 năm trời để chuẩn bị. Đầu tiên là phải chuẩn bị về thể lực để đủ sức đạp xe liên tục một quãng đường xa. Lúc đầu anh tập chạy để có thể rèn luyện sự dẻo dai, sau đó chuyển qua tập đạp xe. Mỗi ngày đều đặn hai lần anh đạp xe từ quận Bình Thạnh ra tới Thủ Đức rồi lại đạp về, còn để tập leo đèo mỗi ngày anh đạp xe 5 vòng quanh cầu Sài Gòn.
Khi cảm thấy đủ tự tin có thể đến với người yêu, anh Tuấn nhẩm tính sẽ tới Hà Nội trong vòng 18 ngày nên ra "chỉ tiêu" trung bình mỗi ngày phải đi được 100km. Dù đã tính rất kỹ nhưng có những đoạn mình không thể lường trước được. Đó là khi ra tới miền Trung, khúc Ninh Thuận, Bình Thuận gió thổi ngược chiều, có những đoạn anh phải xuống đẩy bộ. "Hay những hôm mưa gió, nước xối vào mặt rát buốt và cũng có ngày trời nắng như lửa đốt vẫn cố mà đi vì đã hứa với cô ấy. Thậm chí ngay cả lúc đạp qua nhà cha mẹ ở Nha Trang tôi cũng chỉ tạt vào thăm được một lúc, rồi lại nói dối mọi người để đi cho kịp lộ trình đã vạch", anh Tuấn kể.
Ngày đạp xe, đêm vào nhà dân xin mắc võng nằm ngủ, có khi không xin được nhà nào cho ngủ ké thì chạy vào nhà thờ hoặc hiên nhà ai đó ngủ tạm, sau 17 ngày anh ra tới Hà Nội.
Còn chị Dung cho biết, hồi đó chị và cả gia đình không tin là anh Tuấn đạp xe từ TP HCM ra Hà Nội. Khi nhận được điện thoại của anh bảo ra đường Giải Phóng đón, chị cứ nghĩ anh sẽ bước xuống từ một chiếc xe khách Bắc - Nam. Nhưng đợi gần 2 tiếng đồng hồ, thấy xe khách cứ đậu rồi lại đi mà chẳng thấy anh đâu, đúng lúc định quay đầu về thì nghe thấy tiếng anh gọi.
"Thú thực lúc đó nhìn thấy anh chán lắm. Gầy quắt, đen xạm và nhem nhuốc. Nhưng cũng ngay lúc đó tôi đưa ra quyết định quan trọng nhất của đời mình là sẽ lấy anh làm chồng. Bởi tôi cảm thấy mình có thể yên tâm giao phó cuộc đời cho người đàn ông đầy bản lĩnh, ý chí này", chị nhìn anh âu yếm nói.
Nhìn đứa con gái 7 tuổi khôn lớn từng ngày, chị Dung càng cảm ơn quyết định táo bạo của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cưới anh rồi, chị đành phải khăn gói rời xa quê, xa gia đình, từ bỏ một công việc tốt với thu nhập cao để theo anh vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng và số nợ mà anh đã mượn để cưới hỏi mình. 10 năm sau quyết định đầy táo bạo đó, chị luôn cảm thấy mình đã đúng. Sau ngày cưới, mặc dù nợ nần chồng chất chị vẫn động viên anh ra nước ngoài học thêm bằng thạc sĩ ở Anh và Mỹ, sau đó lại phải vay tiền mua nhà.
Hiện tại chị đang làm tư vấn chứng khoán cho một công ty nước ngoài với mức thu nhập cao, còn anh cũng đã có một công việc ổn định, đúng chuyên ngành Luật của mình. Cô con gái Ngọc Hà cũng đã bước vào lớp 2.
"Giờ thì nợ đã trả hết rồi, nhà cũng đã mua rồi, cả hai vợ chồng đều có công việc ổn định. Nhìn con gái càng ngày càng giống ba tôi thật sự cảm thấy cuộc sống của mình rất thanh thản và hạnh phúc. Từ khi lấy anh đến giờ, trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ tới hai từ hối hận", họ nhìn nhau cười mãn nguyện.
Cảm động trước câu chuyện tình của hai người, Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam, ông H.E Alfredo Matacotta Cordella (nơi chị Dung làm việc), đã rất tâm đắc khi nghe câu chuyện về chiếc xe đạp đặc biệt này, và nhất định đòi chụp bằng được một tấm hình cưới cho hai người cùng với chiếc xe đạp.
Nhớ lại chuyện tình của người bạn thân, anh Nguyễn Xuân Ba cho biết, hai người cùng quê Thái Bình, anh quen Tuấn từ hồi còn học lớp 7, sau này anh cũng vào Sài Gòn sống nên hai người rất thân nhau. Biết khá rõ chuyện tình của bạn, ngày anh Tuấn quyết định đạp xe ra Hà Nội, anh rất lo cho bạn nhưng không dám cản. "Nó rất yêu cái Dung, mình đành phải tin rằng tình yêu sẽ giúp nó làm được mọi việc nên không cản. Với lại Tuấn cưa cẩm mãi cái Dung mới chịu "đổ", mình phải động viên thằng bạn thân cố lên thôi", anh Ba cười cho biết.
Nguyễn Loan
Theo VNE
Chuyện tình lãng mạn của ngư phủ phá Tam Giang Người đàn ông bị mù từ nhỏ nhưng có khả năng đặc biệt lắng nghe nhịp đời bằng đôi tai kỳ diệu. Ông khiến cho cô gái làng chết mê chết mệt, vượt qua mọi rào cản từ gia đình và xã hội để quyết tâm cưới chàng trai mù làm chồng. Chuyện nhà của ông lão đánh cá bằng tai mấy chục...