Đám cưới đặc biệt của triệu phú Mỹ và cô gái Việt
Đúng là ở đời, hạnh phúc không bao giờ đến một cách dễ dàng. Sau biết bao sóng gió cuộc đời, số phận lại thử thách Robert Podunavac một lần nữa, với cuộc “ra mắt” đầy sóng gió trước họ hàng nhà gái và cả đêm “ác mộng” trong nếp nhà tranh xiêu vẹo.
Lần lượt chinh phục những thử thách chông gai đó, Robert cuối cùng đã được sánh duyên cùng người phụ nữ ông lựa chọn làm “bến đậu” cho cuộc đời mình, trong đám cưới đặc biệt nhất miền núi rừng Tam Lãnh.
“Đêm trước” ngày hạnh phúc
Dù đã được chị Thy Nhơn ưng thuận nhưng theo phong tục tập quán của người Việt phải có lời với gia đình và họ hàng, Robert Podunavac lại mua vé máy bay từ TP. HCM về Đà Nẵng rồi ngược lên núi rừng Tam Lãnh. Dù đã báo tin trước nhưng khi cánh cửa xe mở ra, mọi người trong gia đình và họ hàng nhà gái không ai tin nổi người đàn ông cao lớn và nhiều tuổi ấy sẽ trở thành người thân trong gia đình mình. Mẹ chị Thy Nhơn chỉ lặng lẽ nhìn bởi Robert Podunavac còn nhiều tuổi hơn cả bà. Thế nhưng, tôn trọng sự lựa chọn của con gái, bà vẫn mời Robert Podunavac vào nhà bằng tấm lòng baodung của một người mẹ. Lúc ấy, Robert Podunavac biết tình thế của mình, hiểu suy nghĩ của mọi người và cả những rào cản rất khó nói. Nhưng khi đã lựa chọn, ông đã quyết tâm theo đuổi hạnh phúc của mình đến cùng. Trước đông đủ họ hàng của người yêu, ông rụt rè đứng lên xin thưa chuyện. Mọi người lặng lẽ lắng nghe những điều ông nói, những chuyện ông kể về cuộc đời mình. Nghe xong ai cũng xót xa thương cảm, nhưng chấp nhận cuộc hôn nhân là một chuyện khác.
Robert và vợ trồng cây
“Robert vốn trầm tính nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy, ông lại nói nhiều đến thế. Mọi người trong gia đình tôi cứ yên lặng nghe. Tôi kêu ông nói bằng tiếng Anh tôi sẽ dịch lại cho mọi người nghe nhưng ông không chịu. Ông trả lời nếu ngay việc nói rõ lòng mình bằng ngôn ngữ của người yêu mà ông còn không làm được thì ai dám tin, ông sẽ đem lại hạnh phúc cho cô gái của mình. Thế là với vốn tiếng Việt ít ỏi học được trong mấy tháng, ông đã đem ra dùng hết, dù những câu nói còn vụng về, ngữ nghĩa không chính xác nhưng ai cũng hiểu. Chỉ mấy chuyện thôi mà ông nói hơn một tiếng đồng hồ, mồ hôi túa ra và run rẩy…”, chị Thy Nhơn xúc động kể lại. Người mẹ của chị Thy Nhơn lắng nghe, thấy ở người đàn ông ấy một tình cảm chân thành và tha thiết với con gái mình. Thế nhưng, bà vẫn sợ vì chị Thy Nhơn đã một lần lỡ dở, nếu lựa chọn sai lầm sẽ bất hạnh suốt cả cuộc đời. Mãi đến hồi kết câu chuyện, cả hai người mới vỡ òa trong hạnh phúc khi người mẹ trả lời: “Đồng ý (!)”.
Đêm đầu tiên ngủ lại nhà người yêu, ông cứ trằn trọc mãi. Gia cảnh chị Thy Nhơn vốn nghèo, chiếc đệm duy nhất trong nhà được nhường cho Robert vì không những ông là khách, mắc chứng đau lưng sau một tai nạn mà còn là… người cao tuổi nhất. Nhưng ông quyết không nằm trên chiếc nệm ấy mà nhường cho mẹ chị Thy Nhơn rồi sang nằm trên chiếu cói dân dã trải giữa nhà. Chiếc màn vốn đã nhỏ so với khổ người của ông, vì bị thủng lỗ chỗ phải buộc dúm dó lại khiến chân ông cứ thò ra bên ngoài. Ở vùng rừng núi này, muỗi là “đặc sản” không thể thiếu nên chàng rể mới được một đêm “không thể nào quên”. Nửa đêm hôm ấy, khi Robert đang co chân nằm nhìn lên mái nhà thì trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa nặng hạt kèm gió rít cứ xoáy thốc vào trong. Ngôi nhà dột tứ tung, chỉ một lúc chỗ của chàng rể đã ướt sũng nhưng chẳng dám kêu. Thế là suốt đêm hôm ấy ông cứ ngồi bên cửa nhìn trời ngó đất suy nghĩ. Sáng hôm sau, ông lẳng lặng nhờ chị chở xuống phố cách đó hơn 30km để mua sắm một loạt vật liệu để sửa nhà và không quên mua thêm chiếc giường cùng mấy tấm đệm cho mọi người trong nhà nằm ấm.
Đám cưới không động phòng
Gần một tháng sau ngày ra mắt nhà gái đáng nhớ ấy, Robert đưa chị Thy Nhơn vào lại TP. HCM vì vẫn còn nhiều công việc ở đấy và cũng để chuẩn bị cho một đám cưới lạ lùng nhất ở xứ này. Số là khi mọi chuyện đã thuận buồm xuôi gió thì con gái của chị Thy Nhơn cũng mang người yêu về giới thiệu và định ngày tổ chức. Thế là một sự kiện hy hữu đã xảy ra khi đám cưới mẹ diễn ra sau đám cưới con chỉ ít ngày khiến cuộc hôn nhân này càng trở nên đặc biệt.
Video đang HOT
Ngày cưới con gái người yêu, Robert cũng về dự: Mặc dù không hiểu lắm về phong tục cưới xin của người Việt, ông vẫn tất bật cắt cử mọi thứ đâu ra đấy. Nhiều người bên họ nhà trai ngỡ ngàng khi thấy một “ông Tây” được giới thiệu là đại diện họ nhà gái lên phát biểu. Họ lại càng bất ngờ hơn khi trên bục, Robert được giới thiệu sẽ làm “cha” của cô dâu trong ít ngày tới. Mọi người từ ngỡ ngàng chuyển sang phấn khích, vì đó là một sự kiện đặc biệt ở miền rừng núi vốn có một cuộc sống êm đềm này. Những tràng pháo tay rộn lên từ nhiều phía, họ chúc mừng cho cô dâu hôm ấy và cũng chúc mừng luôn “cô dâu đặc biệt của ít ngày sau”.
Những thủ tục hành chính và pháp lý cho đám cưới bắt đầu được thực hiện nhưng cần phải có thời gian để tập hợp tất cả những giấy tờ cần thiết theo quy định của hai Chính phủ. Sau gần một năm, họ mới có thể chính thức làm đám cưới.
Niềm vui tuổi già của Robert là chăn nuôi gà vịt và trồng rừng
Ngày hợp hôn, trời mưa như trút nước. Nổi bật giữa nền trời mùa đông toàn một màu xám xịt, đôi vợ chồng đặc biệt mặc bộ quần áo truyền thống của người Việt Nam với màu sắc rực rỡ: Màu xanh lam cho chú rể và màu đỏ cho cô dâu. Bên đằng trai cũng mang tới nhiều đồ lễ theo đúng phong tục Việt Nam trên những chiếc mâm trang trí sặc sỡ. Trên ngưỡng cửa gia đình, cô dâu xinh tươi trong chiếc áo dài đỏ được cha mẹ, người thân vây quanh. Bữa tiệc mừng hôm ấy, hơn 500 khách mời đã tới chật kín phòng ăn lớn nơi diễn ra bữa tiệc cưới để cùng chia vui với đôi vợ chồng đặc biệt. Phía nhà gái đã chào đón chú rể theo đúng nghi lễ xa xưa của người Việt Nam. Mọi phong tục đều được tuân thủ. Gia đình nhà trai trao những mâm lễ vật cho các thành viên gia đình nhà gái. Lễ cưới cũng diễn ra theo truyền thống của Việt Nam với những nghi thức thắp hương trước bàn thờ tổ tiên gia đình cô dâu, hai gia đình có vài lời, trao nhẫn cưới. Bên ngoài tiệc vui, mưa tiếp tục rơi, mưa to tới mức một tấm bạt che đầy nước đã đổ sụp xuống. Nó khiến mọi người sợ hãi chứ không gây trục trặc gì. Trời mưa nhưng mặt trời thì lại rực rỡ trong tim tất cả mọi người vào ngày hôm ấy.
Đám cưới đặc biệt đã diễn ra, nhưng cũng khác biệt so với tất cả các đám cưới khác bởi chẳng có đêm động phòng. Tuần trăng mật nơi quê nhà cô dâu, chú rể vẫn nằm một mình nơi chiếc giường ngay phòng khách còn chị Thy Nhơn ngủ với mẹ đã gần thất thập của mình. Vì vấn đề tuổi tác, khi ấy Robert đã hơn 75 tuổi, lại bị đau lưng do tai nạn trước đó nên đêm động phòng chẳng thể tiến hành như bình thường. Hai người vẫn ngủ chung giường, vẫn có tuần trăng mật êm đềm nơi quê nhà Tam Lãnh, ngày ngày vẫn ríu rít như đôi uyên ương còn son trẻ khiến nhiều người biết chuyện cứ tủm tỉm cười. Còn chuyện động phòng, Robert và cả chị Thy Nhơn chẳng hề coi đó là vấn đề: “Tôi yêu em, muốn được sống cùng em và chăm sóc em. Thế là đủ (!)”, Robert nói với chị Thy Nhơn như thế.
Yêu vợ, Robert sẵn sàng làm tất cả. Ngay cả chuyện đồng ý cùng vợ rời bỏ Sài Gòn đô hội ngược ra miền rừng này sinh sống cũng vậy. Với nhiều người, đó có thể là hành động kỳ lạ xen lẫn mạo hiểm của một triệu phú ngoại quốc tuổi “gần đất xa trời”. Nhưng với ông, quyết định ấy là minh chứng sống động nhất cho tình yêu. Ở miền rừng núi này, hạnh phúc đơn giản là nuôi con gà, con vịt, yên bình sống cuộc sống giản dị như một người nông dân thực thụ…
Theo Tiêu Dao (Đời sống & Hôn nhân)
Cuộc tình kỳ lạ của triệu phú Mỹ và cô gái Việt
Xa xa nơi đầu núi, cứ chiều về là người dân địa phương lại bắt gặp đôi vợ chồng một già một trẻ khác quốc tịch, khác màu da quấn quýt bên nhau như đôi chim câu.
Người chồng đến từ phía bên kia đại dương, người vợ là một phụ nữ đã trải qua kiếp đời bất hạnh, bảy nổi ba chìm. Vậy mà, họ vẫn tìm thấy nhau, dành tặng nhau tình yêu không bút mực nào tả xiết. Với họ, hạnh phúc gia đình là một điều gì đó hết sức quý giá nhưng giản dị được minh chứng qua thời gian và một món quà cưới vô cùng đặc biệt là... một ngôi mộ được xây chờ sẵn.
Lênh đênh khắp nơi cho đến ngày xế bóng cuộc đời, Robert Podunavac không ngờ Việt Nam lại trở thành bến neo đậu hạnh phúc, bù đắp lại những vết thương lòng "rỉ máu" từ hai cuộc hôn nhân tan vỡ của mình. Thiên tình sử ly kỳ ấy, thật khó tin, lại bắt đầu từ một lớp học, nơi hai con người bất hạnh vì tình duyên lận đận gặp gỡ nhau. Chính ở đó, họ đã tìm thấy sự đồng cảm để cho nhau sức mạnh cùng vượt lên những định kiến xã hội nghiệt ngã nhất, khi chàng vừa là người ngoại quốc lại hơn nàng đến 3 giáp.
"Thượng đế đã bù đắp cho tôi" Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm vậy mà Robert cứ bẽn lẽn, ngượng ngùng khi nhắc đến chuyện tình yêu và hạnh phúc của mình như chàng trai tuổi trẻ mới biết đến tình yêu. Robert bảo rằng, cuộc đời ông đã trải qua nhiều bất hạnh, nhất là trong chuyện tình yêu và hạnh phúc gia đình. "Thượng đế đã bù đắp cho tôi. Nếu không có sự run rủi của định mệnh, thì chắc tôi không thể gặp được Thy Nhơn để tìm được hạnh phúc trong những ngày cuối cùng của cuộc đời", ông chia sẻ.
Va phải nhau giữa 6 tỷ người!
Đã từng nghe mọi người nói nhiều, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ khi tìm đến gặp đôi vợ chồng chị Lữ Hà Thy Nhơn (SN 1972) và người chồng hiện nay của chị, ông Robert Podunavac (SN 1936) ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Càng đặc biệt hơn, khi vừa bước qua cổng ngôi nhà nhỏ, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh ông già người Mỹ tuổi xế chiều vận quần thụng, áo cánh như một lão nông tri điền thực thụ đang chăm đàn gà. Phía trong sân, mùi cơm mới nấu bay ngào ngạt cả không gian lặng lẽ. Nhìn ông tỉ mẩn với lon thóc nhỏ trên tay, mấy ai dám nói chàng rể Tây này không hạnh phúc, không biết "nhập gia tùy tục". Chợt có tiếng gọi nhỏ trong nhà cất lên: "Mình ơi! Vào ăn cơm!". Ông ngước lên trả lời rồi bước vội vào hiên, ở đó người vợ đã chờ sẵn với chiếc khăn mặt lau những giọt mồ hôi trên trán chồng. Mãi đến lúc này, hai người mới để ý thấy khách lạ đang chăm chú đứng nhìn.
Biết chúng tôi là phóng viên (nhờ đống đồ nghề máy ảnh lỉnh kỉnh - PV), Robert cười, chỉ tay mời vào nhà và cất tiếng chào bằng giọng lơ lớ đặc trưng của người nước ngoài nói tiếng Việt. Bữa cơm đạm bạc dọn ra cũng với những món ăn rất dân dã của đồng quê Việt Nam, rau muống và nước chấm, đậu phụ. Đã lên ông lên bà, vậy mà hai người vẫn gọi nhau bằng một cách rất tình cảm bằng "anh", "em". "Hồi đầu về đây, ông ấy không ăn cơm được rồi sau thì cũng phải cố. Thời gian đúng là có sức mạnh làm thay đổi mọi thứ. Bây giờ, ông ấy lại thích ăn cơm, ăn nước mắm và nhiều món Việt Nam khác, mà đặc biệt là những món ăn vợ nấu", chị Thy Nhơn cười tủm tỉm. Đỡ lời vợ, Robert cứ tấm tắc gật đầu: "Nhờ em mà tôi mới có được hạnh phúc này".
Robert và công việc đời thường rất đỗi giản dị
Ngược thời gian về trước nhiều năm, ở mảnh đất núi rừng Tam Lãnh này, cuộc sống vốn còn nhiều khốn khó. Chị Thy Nhơn lớn lên trên những mảnh rừng và một gia đình đông con luôn thiếu ăn. Chị đi học và sau này trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ của một trường tiểu học tại địa phương. Vài năm sau, Thy Nhơn lập gia đình với một người đàn ông. Trong những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, lần lượt hai đứa con nối tiếp nhau ra đời. Nhưng rồi, cuộc mưu sinh khốn khó bủa vây, kinh tế gia đình chỉ dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi của chị không đủ trang trải. Trước cảnh túng bấn, người chồng đã bội bạc ra đi, bỏ lại chị cùng hai đứa con thơ và người mẹ già phải chăm lo.
Đau đớn trong nỗi bất hạnh, chị Nhơn đành phải gửi các con thơ dại cho người mẹ già, một mình vào TP. HCM tìm việc làm. Nơi đất khách quê người, một thân một mình, nhưng với sự chân chất của một cô gái thôn quê, chị không từ nan bất cứ công việc gì để kiếm được đồng tiền lương thiện. Vừa làm, chị vừa luyện thêm vốn tiếng Anh đã sẵn có của mình. Mãi cho tới năm 2000, khi vốn liếng tiếng Anh kha khá, chị bắt đầu nghĩ tới chuyện kiếm thêm thu nhập bằng cách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Cũng từ công việc mới mẻ này, chị gặp Robert Podunavac. Từ những giây phút đầu gặp gỡ họ đã dành tình cảm cho nhau, duyên phận run rủi để cho họ tìm thấy nhau giữa hơn 6 tỉ người trên trái đất.
Còn về phần Robert Podunavac, cuộc đời ông cũng đầy những thăng trầm và thua thiệt trong tình yêu. Người đàn ông đến từ bên kia bờ đại dương kể, mình vốn là một lập trình viên máy tính tài năng và cũng là một người yêu thiên nhiên tha thiết. Cả thời trai trẻ, ông đã làm được nhiều điều cống hiến cho môi trường. Trước khi sang Việt Nam vào năm 2001, ông đã từng qua nhiều nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines để thực hiện nhiều đề án, đồng thời tìm cách lãng quên những đớn đau của cuộc đời. Robert tâm sự: "Tôi thành đạt trong công việc song chuyện gia đình lại là một nỗi đau nhói tận tâm can. Người vợ đầu tiên của tôi sớm ly hôn vì không dung hòa được quan điểm sống. Đến Hàn Quốc sống gần 11 năm, tôi lại lập gia đình cùng một người phụ nữ bản địa. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, cô ta lại sa chân vào con đường nghiện ngập, rượu chè, khiến hôn nhân đổ vỡ".
Tình yêu từ tiền kiếp
Lúc bấy giờ, Robert đến TP. HCM để tìm hiểu thổ nhưỡng, văn hóa, nếp sống, phong tục của người Việt. Trước đây, Robert cũng từng sang Việt Nam trong chuyến công tác năm 1957. Từ lần ấy, ông đã thấy ở đất nước phải oằn mình vì bom đạn này mang nét đẹp hồn hậu của những con người chân chất, thật thà. Vốn yêu chuộng hòa bình, ông ngưỡng mộ con người Việt Nam kiên cường trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Ông thường xuyên lên mạng tìm hiểu những đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng kể cả ngôn ngữ Việt. Hình như từ lúc ấy, Robert đã cảm nhận mảnh đất này chính là nơi ông sẽ tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình.
Robert Podunavac và chị Thy Nhơn đứng trước ngôi mộ - món quà cưới của chị Thy Nhơn dành cho Robert
Đầu năm 2004, Robert Podunavac lần thứ hai đặt chân trở lại Việt Nam sau khi kết thúc công việc ở một số nước châu Á khác. Trong thời gian ở đây, để hiểu thêm về đất nước và con người bản xứ, ông đã tìm đến lớp học của chị Thy Nhơn một cách tình cờ. Giờ nhớ lại, chị tâm sự vẫn còn giữ nguyên ký ức về lần gặp gỡ đầu tiên ấy, khi một ông già người Mỹ bước vào, cất giọng hỏi bằng tiếng Anh. Giữa một lớp học toàn người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chị Thy Nhơn chẳng thể ngờ mình đã "hớp hồn" Robert.
Chị kể, lúc đầu chị đối xử với Robert Podunavac bình thường như bao học viên người nước ngoài khác. Mỗi lần đứng trên lớp, chợt lại thấy Robert nhìn mình và cười, chị cũng chột dạ nhưng không để tâm. Về sau mỗi lần lên lớp, ông lại nhìn chị nhiều hơn. Mỗi lần như thế, chị kiểm tra bài, Robert Podunavac vẫn không tiến bộ được nhiều, ông luôn than thở "ngữ pháp Việt Nam khó quá". Tuy vậy, ông vẫn cố gắng học. Và mỗi lần trả tiền học phí, bao giờ ông cũng cẩn thận để tiền trong một chiếc phong bì thật đẹp, và số tiền bao giờ cũng nhiều hơn so với các học viên khác. Những lần đầu, chị Thy Nhơn bất ngờ liền đem trả, nhưng ông từ tốn bảo: "Cô giáo dạy vất vả quá mà", rồi cười bắt chị phải nhận.
Từ đó, mối quan hệ giữa hai người gần gũi hơn. Chị đã kể cho Robert Podunavac về cuộc đời éo le, bất hạnh của mình, về quê hương núi rừng Tam Lãnh còn nhiều nghèo khó. Nắm cơ hội, Robert Podunavac cũng trải lòng cho chị biết về cuộc đời của ông. Sau đó ít lâu, chị bất ngờ nhận được lời cầu hôn của Robert, lúc đó ông đã xấp xỉ 68 và hơn chị đến 36 tuổi. Giữa những ồn ào chốn thị thành, cả hai cùng bật khóc. Như hai vì sao lạc tìm lại được nhau vào buổi bình minh, sợ mất nhau lần nữa nên họ nhẹ nhàng ôm lấy nhau, siết chặt vòng tay như đã nồng nàn từ bao kiếp trước. "Tôi biết lòng mình đã mến ông lắm, nhưng cũng bảo, người Việt Nam lấy vợ, lấy chồng phải về hỏi ý cha mẹ. Nghe vậy, Robert liền chạy đi mua cặp vé máy bay để tôi với ông cùng về quê ngay chiều hôm ấy", chị Thy Nhơn bùi ngùi nhớ lại.
Tại nhà chị Thy Nhơn, trước đông đủ họ hàng, Robert Podunavac đứng lên thưa chuyện với mọi người, xin cưới chị làm vợ. Người mẹ có tuổi ngang bằng Robert Podunavac không phản đối, cũng chẳng đồng ý. Bà chỉ nhẹ nhàng nói với con gái rằng đã gánh chịu bất hạnh rồi thì hãy tỉnh táo, đừng để phải tiếp tục gánh chịu bất hạnh lần thứ hai. Nghĩ suốt cả đêm rồi cuối cùng, chị vẫn quyết định đến với Robert Podunavac...
Theo Tiêu Dao (Đời sống & Hôn nhân)
4 'độc chiêu' giúp TVB mê hoặc khán giả Việt Các bộ phim của TVB được đầu tư kỹ về nội dung, đi tường tận vào từng ngành nghề, con phố. Đội ngũ lồng tiếng xuất sắc của Sài Gòn film cũng góp phần khiến phim TVB khó phai trong lòng khán giả. Tính đến nay, phim TVB đã đồng hành cùng khán giả Việt Nam được hơn 2 thập kỷ. Với một...