“Đâm chìm tàu rồi bỏ mặc ngư dân chết – chỉ Trung Quốc mới có hành động này”
Tàu cá ĐNa 90152 TS (công suất 450 CV, của vợ chồng ông Trần Văn Vốn, bà Huỳnh Thị Như Hoa, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) do thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cầm lái bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa đã được tàu vận tải 957 lai dắt an toàn về cách vũng neo đậu tàu thuyền An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 2 hải lý.
Đón tàu cá bị đâm chìm trở về với đất liền có đông đảo ngư dân, bà con làng xóm và đại diện lãnh đạo Cục Kiểm ngư Việt Nam, Vùng Cảnh sát biển 2, Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng… Tình cảm ấm áp dâng trào trong lòng những ngư dân bình dị, sạm đen vì nắng gió giữa vòng tay đồng bào thân thương.
Tàu vận tải 957 lai dắt tàu cá DNa 90152 TS về vũng neo đậu an toàn
Phút sinh tử
Chưa hết căm phẫn trước hành động dã man của tàu Trung Quốc, thuyền trưởng Đặng Văn Nhân bức xúc cho biết: “Khoảng 16h ngày 26-5, khi tàu tôi và một số tàu cá khác đang hoạt động cách giàn khoan Hải Dương – 981 khoảng 17 hải lý thì bị 4 tàu Trung Quốc tấn công.
Thấy nguy hiểm, tôi cho tàu quay đầu và tăng tốc tránh va chạm trực diện, nhưng chạy được một đoạn thì thấy phía trước có 3 tàu Trung Quốc cản đường. Lúc này tàu Trung Quốc số hiệu 11209 vượt lên và đâm trực tiếp hất mũi tàu ĐNa 90152TS lên cao. Cú đâm này khiến tàu ĐNa 90152 TS bị gãy bánh lái.
Khi tàu ĐNa 90152 TS vừa lấy lại thăng bằng thì tàu Trung Quốc số hiệu 11209 tiếp tục lao tới đâm vào mạn trái làm gãy be khiến tàu nghiêng rồi lật úp. Thấy nguy nên tôi bảo anh em phải nhảy xuống biển bơi đi chứ không thì chết hết”.
Video đang HOT
Là người bị thương nặng do mảnh kính đâm vào, thuyền viên kiêm hoa tiêu tàu ĐNa 90152 TS Nguyễn Huỳnh Bá Biên kể lại phút sinh tử: “Thấy tàu Trung Quốc lao tới, anh em biết sẽ gặp nguy hiểm nên chạy đến trước mui tàu đứng. Khi tàu bị đâm phát đầu tiên thì 6 anh em lao xuống biển, trên tàu lúc này chỉ còn lại tôi và anh Nhân trên ca-bin, còn em Lê Văn Bình (SN 1995) đang ở dưới khoang tàu. Cú đâm lần 2 làm tàu bị nghiêng thì anh Nhân nhảy ra trước, tàu lập úp, tôi bị mắc kẹt trong ca-bin nên đập cửa bơi ra. Lúc này nhiều mảnh kính vỡ cứa vào chân tay khiến tôi bị thương. Tuy nhiên, nhờ tổ chức khai thác theo tổ, đội nên các tàu cá gần đó đã đến ứng cứu kịp thời”.
Trong số 10 ngư dân trên tàu, em Lê Văn Bình là nhỏ tuổi nhất, nhưng đã có kinh nghiệm 3 năm đi biển. “Đây là lần đầu tiên em chứng kiến cảnh kinh hoàng như vậy. Lúc đó em đang chuẩn bị nấu cơm tối. Thấy mấy anh bên ngoài hô nhảy em cũng vội lao ra nhảy theo rồi sau đó được các tàu cá khác đến vớt lên”- em Bình kể lại.
10 ngư dân trên tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm đã được đưa về đất liền an toàn ngày 30-5
Không phụ cha ông bao đời giữ biển
Mặc dù không có ai tử nạn trên biển sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm, nhưng toàn bộ con tàu của ngư dân, bao gồm cả tài sản, ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt trị giá hơn 5 tỷ đồng đã bị hư hỏng. Khi được hỏi bị phía Trung Quốc tấn công vậy thì các anh có ngại trở lại ngư trường Hoàng Sa không, ngư dân Nguyễn Văn Hòa (SN 1960), thuyền viên trên tàu ĐNa 90152 TS khẳng định: “Chúng tôi rất bức xúc khi Trung Quốc ngang ngược ngay trên vùng biển của Việt Nam, nhưng chúng tôi không hề run sợ. Chúng tôi nhất định sẽ ra khơi để mưu sinh và giữ biển!”. Còn ngư dân Bùi Văn Liên cũng khẳng định: “Về thăm vợ con xong chúng tôi sẽ ra lại ngư trường Hoàng Sa, vì nơi đó là nguồn sống của mình và không thể phụ cha ông bao đời đã giữ biển cho mình. Mình càng nhịn thì họ càng ngang ngược, phải bám biển thôi”.
Chị Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 TS có mặt trên tàu để đón các ngư dân trở về cho biết: “Vợ chồng tôi chắt chiu, vay mượn nhiều tỷ đồng mới đóng được con tàu ni. Tàu bị đâm chìm nghĩa là mất hết. Nhưng thấy các ngư dân trên tàu của mình còn sống trở về tôi mừng quá! Dù khó khăn đến mấy, nếu được bà con ủng hộ, Nhà nước có nhiều chính sách giúp đỡ, nhất là cho vay vốn đóng tàu, tôi vẫn tiếp tục đầu tư đóng tàu mới vươn khơi”.
Có mặt tại buổi đón tàu cá ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trở về, Đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết: “Tàu Trung Quốc đã có hành động hung hãn, tàn nhẫn, vô nhân đạo tông chìm tàu cá ĐNa 90152 TS của ngư dân Đà Nẵng đang hoạt động trên vùng biển của Việt Nam. Đây được xem là hành động có chủ ý của Trung Quốc. Đâm chìm tàu rồi bỏ mặc ngư dân chết – chỉ có Trung Quốc mới có hành động này, người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới không ai có hành động như vậy”.
Nhằm động viên kịp thời ngư dân gặp nạn, lãnh đạo UBND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã ủng hộ 20 triệu đồng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ ngư dân 15 triệu đồng, Vùng Cảnh sát biển 2 ủng hộ 20 triệu đồng cho tàu cá ĐNa 90152 TS cùng các ngư dân Đà Nẵng. Các ngư dân còn nhận được vô vàn sự thăm hỏi, chia sẻ động viên và nhiều phần quà từ đồng bào.
Theo ANTD
"Nóng" từ Hoàng Sa chiều 31.5: Sự ngông cuồng của tàu hải cảnh 3401
Chiều nay (31.5), tin từ PV Anh Tuấn truyền về qua điện thoại vệ tinh cho biết: Sau hai lần ngăn cản tàu CSB 8001 bất thành vào sáng 31.5, vào khoảng 15h45 chiều cùng ngày, tàu hải cảnh 3401 của Trung Quốc tiếp tục tăng ga đuổi theo tàu CSB 8001 đang thực hiện quyền chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa - vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế của Việt Nam
Theo quan sát từ màn hình rada cho thấy, ban đầu tàu hải cảnh China 3411 chạy với tốc độ 9 hải lý/giờ. Lúc này, tàu 8001 vẫn tiếp tục dừng lại để phát hiện, chứng minh những hành động của Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, khi tàu hải cảnh 3411 chạy còn cách tàu 8001 khoảng 2,5 hải lý thì con tàu hoạt động phi pháp trong vùng biển Việt Nam này bất ngờ tăng tốc lên mức 13 hải lý/giờ, buộc tàu 8001 phải nổ máy tăng ga lùi ra xa khu vực giàn khoan Hải Dương 981, nhằm đảm bảo an toàn, tránh va chạm trước sự ngông cuồng, coi thường pháp luật Việt Nam, coi thường Công ước quốc tế của tàu hải cảnh China 3411 của Trung Quốc.
Qua tìm hiểu được biết, con tàu này được chuyển đổi từ tàu 503 thành tàu ngư chính 311 vào năm 2006. Đến tháng 7.2013, tàu ngư chính 311 tiếp tục được Trung Quốc cho phép đổi thành tàu hải cảnh 3411. Tàu hải cảnh China 3411 này dài 113,5 m, rộng 15,5m, lượng giãn nước 4.450 tấn, tốc độ tối đa có thể chạy được 20 hải lý/giờ. Tàu hoạt động trện biển liên tục trong thời gian 50 ngày sẽ quay về đất liền tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm.
Cũng trong ngày 31.5, theo quan sát của PV Lao Động, tại hướng đông bắc giàn khoan Hải Dương 981, xuất hiện một tàu vận tải kéo lớn đậu sát giàn khoan. Tiếp đó, chiếc cần cẩu trên giàn khoan nhận lấy thứ gì đó từ tàu vận tải trên để đưa lên giàn khoan. Quá trình trung chuyển này diễn ra suốt buổi sáng cho đến cuối chiều thì kết thúc.
Theo nhận định của PV thì có thể phía Trung Quốc đưa lương thực, thực phẩm lên phục vụ cho những người đang làm việc trên giàn khoan. Song, cũng không loại trừ phía Trung Quốc đưa thêm thiết bị, máy móc ra Hoàng Sa để thực hiện mục đích thăm dò dầu khí.
Tàu Trung Quốc liên tục vây ép tàu chấp pháp Việt Nam.
Trước đó lúc 9h sáng nay (31/5), khi các tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư của Việt Nam tiến vào phía giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc để làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển, thì những &'đám mây đen' bất ngờ kéo đến.
Cùng lúc đó tàu CSB 2016 khi ở khoảng cách 12 hải lí so với giàn khoan Hải Dương 981 đã phát hiện 7 tàu của Trung Quốc chạy với tốc độ cao ra ngăn cản và vây ép các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát Biển của Việt Nam.
Liên tục trong vòng 40 phút, tàu Kiểm ngư 951 đã bị 3 tàu của Trung Quốc vây ép. Theo báo cáo của tài Kiểm ngư 951, chiếc tàu kéo màu đỏ của Trung Quốc có số hiệu 285, sáu lần áp sát để đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam.
Vậy nhưng các cán bộ trên tàu đã bình tĩnh cơ động vòng tránh trước sức ép của các tàu Trung Quốc. Sau nhiều lần không áp sát được tàu Kiểm ngư 951, tàu kéo 285 của Trung Quốc sử dụng vòi rồng để tấn công với sự trợ giúp của hai tàu khác vây ép hai bên tàu Kiểm ngư 951 buộc tàu Kiểm ngư 951 và các tàu khác của chúng ta phải rút ra xa khu vực giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.
Như vậy là sau 1 tháng kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, các cán bộ chiến sĩ trên tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư của chúng ta vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
Theo Lao Động
Biển Đông: Việt Nam chuẩn bị kiện Trung Quốc về vụ giàn khoan ? Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên bản tin của hãng Bloomberg hôm 31/05/2014 tuyên bố, Việt Nam đã chuẩn bị các chứng cứ để khởi kiện Trung Quốc về việc xâm phạm chủ quyền biển đảo, và đang nghiên cứu thời điểm thuận lợi nhất để nộp đơn kiện. Việt Nam cũng đã...