Đám cháy trên tàu ngầm Ấn Độ đã kích nổ ngư lôi và tên lửa
Kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng cho biết, tàu ngầm diesel-điện Sindurakshak của Hải quân Ấn Độ bốc cháy và chìm tại cảng Mumbai đúng vào thời điểm “được trang bị đầy đủ”. Hỏa hoạn đã kích nổ ngư lôi và tên lửa trên tàu.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak của hải quân Ấn Độ.
Theo dữ liệu ban đầu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, “vụ nổ xảy ra trong một khoang chứa vũ khí” có ngư lôi và tên lửa Club-S.
Tàu ngầm được trang bị đầy đủ khi vụ việc xảy ra vào sớm ngày 14/8. Tên lửa và ngư lôi đã bị kích nổ trong vụ hỏa hoạn.
Người đứng đầu hải quân Ấn Độ thừa nhận các biện pháp an toàn nhằm ngăn chặn ngư lôi, tên lửa kích nổ đã không hoạt động. Chính vì vậy một cuộc điều tra về vụ việc đã lập tức được tiến hành và dự kiến hoàn tất trong vòng 4 tuần.
Tàu ngầm bị chìm xuống, trên mặt nước chỉ lộ một phần nhỏ nóc tàu. Theo tư liệu của Hải quân Ấn Độ, vào thời điểm xảy ra sự cố trên tàu 18 người. 18 thủy thủ này được cho là đều thiệt mạng. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy xác thủy thủ nào.
Video đang HOT
Theo Dantri
Ấn Độ: Giấc mơ cường quốc biển mong manh
Tham vọng trở thành một cường quốc trên biển đối phó với Trung Quốc của Ấn Độ trở nên lung lay sau vụ nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak.
Vụ nổ kinh hoàng xảy ra trên chiếc tàu ngầm INS Sindhurakshak với 18 thủy thủ bị mắc kẹt bên trong vào đêm 14/8 không chỉ phủ một đám mây đen lên lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Ấn Độ (15/8) mà còn làm xói mòn niềm tự hào chưa kịp lắng xuống sau khi nước này "trình làng" chiếc tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay tự chế đầu tiên của mình.
Thảm họa xảy ra trong quân cảng Mumbai được Bộ trưởng Quốc phòng A K Anthony mô tả là "một thảm kịch lớn nhất" trong thời bình của Ấn Độ khi chiếc tàu ngầm lớp Kilo chất đầy ngư lôi và tên lửa phát nổ và chìm xuống đáy biển chỉ một ngày sau khi Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay tự chế đầu tiên mang tên INS Vikrant.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak chìm xuống đáy quân cảng Mumbai
Việc hạ thủy chiếc tàu sân bay tự chế này được ca ngợi là đã đưa Ấn Độ bước vào câu lạc bộ những quốc gia sở hữu công nghệ chế tạo tàu sân bay gồm Anh, Mỹ, Pháp và Nga trước cả kình địch trong khu vực là Trung Quốc.
Thế nhưng thảm họa Sindhurakshak lại xảy ra đúng vào thời điểm sức mạnh quân sự của Ấn Độ được cả thế giới chú ý đến sau khi nước này khởi động thành công lò phản ứng trên con tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên INS Arihant, ngay đúng lúc các quan chức quốc phòng Ấn Độ vừa tuyên bố họ đang giữ kỷ lục về an toàn tàu ngầm vượt xa hơn cả các siêu cường khác như Nga và Mỹ.
Tàu sân bay tự chế INS Vikrant của Ấn Độ
Trong khi thiệt hại về nhân mạng trong vụ tai nạn này vẫn chưa được xác định vì lực lượng cứu hộ vẫn chưa đưa được các thủy thủ bị mắc kẹt bên trong con tàu ra ngoài, thiệt hại rõ ràng nhất mà hải quân Ấn Độ phải gánh chịu đó chính là chiếc tàu ngầm này.
Đây là 1 trong 10 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mà Ấn Độ mua của Nga cách đây 16 năm và vừa mới được kiểm tra, sửa chữa ở Nga hồi tháng 1 với tổng chi phí 80 triệu USD. Với hàng loạt vụ nổ kinh hoàng xảy ra trên khoang chứa ngư lôi khiến con tàu cắm mũi xuống đáy biển, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng tiếp tục phục vụ của chiếc tàu ngầm vừa mới được bàn giao sau khi sửa chữa chưa lâu.
Tàu ngầm INS Sindhurakshak được Nga bàn giao cho Ấn Độ
Cho đến khi nguyên nhân tai nạn được điều tra làm rõ, người ta cũng đặt ra nghi vấn về độ tin cậy của chiếc tàu sân bay mà Ấn Độ sẽ mua của Nga trong năm nay. Tuy nhiên, tác động dai dẳng nhất của vụ tai nạn này chính là những nghi ngờ về tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Hiện hải quân Ấn Độ mới chỉ có 14 chiếc tàu ngầm, tuy nhiên với tổn thất của chiếc INS Sindhurakshak này, khả năng tác chiến trên biển của Ấn Độ sẽ suy giảm đáng kể trong vài năm tới khi hạm đội tàu ngầm của nước này với những con tàu cũ kỹ được chế tạo ở Nga bắt đầu xuống cấp.
Một báo cáo của Phòng Tổng kiểm toán và Kiểm tra Ấn Độ cho biết từ năm 2012-2013, 60% số tàu thuyền trong hải quân Ấn Độ sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Điều này sẽ khiến Ấn Độ bị thụt lùi trong nỗ lực cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Hạm đội tàu ngầm cũ kỹ của Ấn Độ đang ngày càng xuống cấp
Việc hiện đại hóa lực lượng hải quân là một yêu cầu bức thiết đối với Ấn Độ để kiểm soát tuyến đường hàng hải chiến lược đối với dòng dầu tới Đông Á từ eo biển Malacca tới eo biển Hormuz ở phía tây, bởi "ai kiểm soát Ấn Độ Dương, người đó sẽ kiểm soát châu Á".
Hiện Trung Quốc được cho là đang thúc đẩy chiến lược "Chuỗi Ngọc" của mình bằng việc xây dựng các căn cứ hải quân dọc theo các tuyến đường hàng hải trên biển. Trong tháng này, Bắc Kinh đã gặt hái được một thành công mới khi họ tuyên bố tàu chiến nước này đã xuyên phá được "vòng vây chuỗi đảo thứ nhất" để tiếp cận với Thái Bình Dương.
Giờ đây với việc Bắc Kinh đang có kế hoạch đóng mới 2 tàu sân bay ngoài tàu sân bay Liêu Ninh hiện có, hải quân Ấn Độ ngày càng phải chịu sức ép lớn hơn trong việc cải thiện và tăng cường sức mạnh của mình nếu không muốn bị đối thủ vượt mặt.
Theo Khampha
Nổ tàu ngầm Ấn Độ: Do đánh rơi tên lửa? Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhận định có thể sự cố đánh rơi tên lửa đã gây nên vụ nổ làm đắm chiếc tàu ngầm Sindhurakshak cùng với 18 thủy thủ bên trong. Hải quân Ấn Độ vừa phải hứng chịu một tổn thất nặng nề khi chiếc tàu ngầm lớp Kilo mang tên INS Sindhurakshak bị đắm ngay trong quân cảng Mumbai...