Đạm Cà Mau giúp nông dân tìm lại mùa vàng sau hạn, mặn
Giữa hạn, mặn kỷ lục vừa qua, cuộc sống của bà con nông dân đã dần ổn định, tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực, hộ gia đình vẫn đang lâm vào cảnh “khó chồng khó”, nhất là hoạt động canh tác bị ảnh hưởng khá lớn bởi những đợt hạn mặn, dịch bệnh vừa đi qua…
Những thiệt hại do hạn, mặn gây ra không chỉ ảnh hưởng trong một thời gian ngắn mà còn ảnh hưởng rất lâu dài. Cụ thể, tại Long An và Đồng Tháp nếu không có mưa xuống sẽ không kịp rửa mặn cải tạo đất cho vụ mới thì khả năng nông dân chịu thiệt hại lớn khi không xuống giống được trong khi giá lúa đang tốt.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid cũng làm cho một số nông sản không tiêu thụ được, giá giảm sâu, nông dân nhiều vùng đang thật sự lo lắng khi tái đầu tư cho niên vụ mới.
Đạm Cà Mau hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân
Hỗ trợ nông dân sau hạn, mặn
Với mong muốn được góp phần, chung sức đẩy lùi khó khăn cho các đại lý, bà con nông dân, bên cạnh việc hỗ trợ phương tiện chứa đựng nước ngọt sinh hoạt cho người dân, Đạm Cà Mau tích cực triển khai hỗ trợ người nông dân trồng lúa về các giải pháp canh tác lúa thông minh, hướng dẫn canh tác cây trồng cạn trong mùa nắng hạn… đã phần nào giúp người nông dân từng bước ổn định cuộc sống vốn dĩ rất khó khăn của mình.
Chương trình khuyến mại của Đạm Cà Mau đến với bà con
Mới nhất, Đạm Cà Mau đã tích cực xây dựng thêm nhiều chương trình hỗ trợ, như khuyến mãi, giúp người dân tái đầu tư sau hạn mặn để có thêm điều kiện chuẩn bị cho mùa vụ tới được thuận lợi hơn, kỳ vọng cho những “mùa vàng”. Cụ thể, Đạm Cà Mau tổ chức chương trình “Thần tài ra đồng- Nhà nông trúng lớn” thông qua việc phát hành Phiếu mua hàng (PMH) trong bao sản phẩm Urê Thương Mại (Urê Cà Mau), Urea Bio, N46.Plus tại các khu vực thị trường như: Khu vực Tây Nam Bộ, áp dụng cho nhóm các loại sản phẩm gồm Urea Bio, N46.Plus, Ure Cà Mau. Và khu vực Đông Nam Bộ -Tây Nguyên, áp dụng cho các loại sản phẩm Ure Cà Mau. Hay chương trình tặng thau rải phân cho các nông dân khu vực Đông Nam Bộ – Tây Nguyên, miền Trung…
“Chúng tôi, với sứ mệnh cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng và luôn mong muốn chia sẻ, đồng hành cùng bà con để những niềm vui luôn hiện hữu trên khắp những cánh đồng quê, trong những mái ấm gia đình và cùng cả nước tiếp tục vượt qua khó khăn về hạn mặn, dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực và hướng đến một nền nông nghiệp Việt Nam bền vững trong tương lai”, đại diện Đạm Cà Mau chia sẻ.
Nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm miền Tây chết héo
Nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm ở Bến Tre, Tiền Giang giảm năng suất hoặc chết héo do hạn mặn, nông dân thua lỗ, dự định chặt bỏ trồng cây khác.
Buổi trưa, ông Đoàn Văn Ham (53 tuổi) dừng xe máy, đi bộ vào con lộ nhỏ thăm vườn sầu riêng 3.500 m2 ở xã Tân Phú (Châu Thành, Bến Tre). Nhìn từ xa, vườn sầu riêng hơn 10 năm tuổi, đang độ cho trái khô héo, phần lớn thân mục ruỗng, cành đã chết khô, gãy rụng đầy vườn. Những cây còn lại lá cũng ngả màu vàng úa, hoa héo rủ, trái đèo đẹt, phần lớn bị hư khi còn non.
Năm ngoái, do đạt năng suất cao, trái to, đẹp, vườn sầu riêng của ông Ham là một trong những điểm dừng chân của các tour du lịch trên địa bàn. Trừ chi phí, một mùa vườn nhà ông thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng.
Vườn sầu riêng 3.500 m2 của ông Đoàn Văn Ham dù tốn 60 triệu tiền nước tưới, hiện vẫn chết hết. Ảnh: Hoàng Nam.
Ba tháng trước, nước sông Tiền bắt đầu bị nhiễm mặn, len lỏi vào mương vườn. Ông Ham dừng lấy nước dưới mương, mua nước từ các sà lan với giá từ vài chục đến hàng trăm nghìn mỗi khối tưới vườn cây.
"Do tốn kém, nên sau đó tôi quyết định ngưng tưới, cắt trái bán. Nhưng thiếu nước nên trái cũng èo uột, bán giá rẻ, toàn vườn cây chỉ được 30 triệu đồng, trong khi tiền nước tưới đã 60 triệu đồng", ông Ham nói.
Vườn chôm chôm 3.000 m2 của người hàng xóm ông Ham cũng xơ xác, lá đã ngả màu nâu, cây chết gần như hoàn toàn. Dọc hai bên đường tại xã Tân Phú, hàng trăm vườn sầu riêng, chôm chôm khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Nhiều nông dân cắt bỏ bớt cành, ngọn, dùng lá dừa, lá chuối bao bọc thân cây để giảm bớt sức nóng, đợi mùa mưa đến với hy vọng cây đâm chồi. Một số vườn khác do cây đã chết, chủ vườn đốn bỏ, chuyển sang trồng bưởi, cam.
Ông Phạm Hoàng Khôi, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, do năm nay hạn mặn kéo dài 6 tháng, nông dân đã trữ lẫn mua nước tưới, vẫn không thể cứu được các vườn cây. Toàn xã có hơn 1.600 ha cây ăn trái, hiện 50 ha sầu riêng và 70 ha chôm chôm chết hoàn toàn, gần 1.000 ha vườn cây chết 50-70%. Địa phương đang đề xuất tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, cây giống lẫn vay vốn để người dân tái sản xuất.
Trái sầu riêng tại vườn nhà ông Đoàn Văn Ham chết héo, nứt nẻ vì thiếu nước. Ảnh: Hoàng Nam.
Tỉnh Bến Tre có gần 12.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại do hạn mặn. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, đã có báo cáo tỉnh kế hoạch thay đổi giống cây trồng, phương thức sản xuất để ứng phó với hạn mặn đang ngày càng phức tạp.
Theo ông, giống cây trồng sắp tới phải đảm bảo thích nghi với độ mặn, chịu được hạn. Đồng thời, địa phương tập trung đầu tư sản xuất kỹ thuật cao như số hóa vườn cây để kiểm soát sản xuất một cách thông minh nhất.
"Quan điểm là thay đổi nhưng phải khoa học, có kiểm soát, cái khó là làm thế nào để người dân được lợi nhuận tốt nhất, chứ không thể thay đổi kiểu thuận thiên như nước mặn thì chuyển qua nuôi trồng thủy sản hoặc bỏ cây ăn trái chuyển sang trồng dừa", ông Đức nhận định.
Cách xã Tân Phú 50 km, buổi chiều, ông Nguyễn Văn Phước (50 tuổi, Long Tiên, Cai Lậy, Tiền Giang) cùng vợ thu hoạch nốt lượng trái ít ỏi trong vườn sầu riêng 100 gốc. Quanh vườn, những cây 13 năm tuổi rụng hết lá, trơ thân cành, nhiều cây trái nứt toác, để lộ phần ruột còn non do thiếu nước. Những trái còn xanh, ông Phước phải dùng dây nylon neo lại vì sợ trái dễ rụng sớm. Những năm trước, đến mùa sầu riêng, thương lái đến tận vườn để thu mua, còn năm nay, mỗi ngày vợ chồng ông phải tự cắt trái rồi dùng xe máy chở ra chợ để bán lẻ.
"Năm ngoái, sầu riêng trúng mùa, trên 20 tấn mỗi ha, giá 50.000-60.000 đồng một ký, lời hơn 200 triệu đồng. Năm nay, sầu riêng xấu nên giá bèo bọt, 10.000-35.000 đồng một ký, từ đầu mùa tới giờ bán có hơn 30 triệu, lỗ tiền phân, thuốc, nước tưới", ông Phước nói.
Sợ những trái sầu riêng còn sót lại tại vườn rụng do thiếu nước, vợ ông Nguyễn Văn Phước dùng dây neo lại. Ảnh: Hoàng Nam.
Như nhiều nhà vườn khác, gia đình ông Phước đang tính toán sau khi cắt hết trái sẽ đốn bỏ vườn sầu riêng để trồng mít. Ông lý giải, cây mít thời gian cho trái ngắn, chỉ ba năm, còn sầu riêng cần thời gian gấp đôi, trong khi nhà vườn đang đắn đo vì không biết hạn mặn những năm tới sẽ ra sao.
Tỉnh Tiền Giang có gần 80.000 ha cây ăn trái, trong đó có trên 10.000 ha sầu riêng chuyên canh tại huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và Châu Thành. Do ảnh hưởng hạn mặn, gần 2.300 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó, hàng chục ha sầu riêng bị chết héo.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết, theo dự báo, nhiều khả năng hạn mặn năm sau có thể tiếp tục diễn biến phức tạp như năm nay, chủ yếu là do vấn đề kiểm soát nước ở thượng nguồn Mekong. Về lâu dài, tỉnh sẽ có phương án trữ nước ngọt vào mùa khô với quy mô lớn, để đủ nước cho sản xuất lẫn sinh hoạt.
Cụ thể, tỉnh đang đề xuất bộ phê duyệt dự án hồ chứa nước kênh Nguyễn Tấn Thành dài 19 km, rộng 65 m được xây hệ thống cống đóng mở hai đầu, một đầu giáp với sông Tiền Châu Thành), đầu còn lại giáp kênh Nguyễn Văn Tiếp (Tân Phước). Tổng kinh phí hồ chứa khoảng 400 tỷ đồng, cung cấp cho hơn 800.000 dân mùa khô hạn và là hồ trữ ngọt lớn nhất miền Tây.
Nhiều nhà vườn cho biết sẽ bỏ sầu riêng để chuyển sang trồng các loại cây khác. Video: Hoàng Nam.
Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.
Đau xót: Chôm chôm chín nhưng không ai mua vì trái bé như cái kẹo, sầu riêng như nắm tay Đã tới ngày thu hoạch nhưng vườn chôm chôm của bà Nguyễn Thị Anh Châu ngụ ấp Tân Đông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre vẫn không thấy ai đến mua. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Châu cho biết, gia đình có 3 công (3.000m2) đất vườn trồng chôm chôm và bưởi. Tuy nhiên, cả hai loại...