Đảm bảo tính thực chất trong sinh hoạt chi bộ
Việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU về Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, với sự tập trung chỉ đạo thực hiện của Tỉnh ủy và các cấp ủy đã tạo nhiều chuyển động tích cực ở cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở…
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Khối 6 Thị trấn Anh Sơn. Ảnh tư liệu
Thực tế triển khai
Từ thực tiễn và trên cơ sở tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 -CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương về “Nâng cao nội dung sinh hoạt chi bộ” với nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, ngày 5/7/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo đó, cấp ủy các cấp đã chăm lo chỉ đạo và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo nhiều chuyển động tích cực.
Tại huyện Thanh Chương, để triển khai Chỉ thị số 13-CT/TU, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 72-KH-TU, gắn với kiện toàn lại 10 tổ chỉ đạo cơ sở và sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020… Theo đó, hàng quý các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, đồng thời là Tổ trưởng các tổ công tác đều phải tham gia sinh hoạt chi bộ thuộc vùng chỉ đạo của mình ít nhất 1 lần.
Đối với trưởng, phó các phòng, ban, đoàn thể là Ủy viên BCH Đảng bộ huyện và là thành viên các tổ công tác hàng tháng dự 1 lần sinh hoạt chi bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo các Đảng ủy cơ sở phân cấp Ban Thường vụ và Đảng ủy viên tham gia sinh hoạt chi bộ; đồng thời phân công Thường vụ phụ trách các chi bộ khó khăn, yếu kém. Đồng chí Nguyễn Trọng Anh – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương khẳng định: Thông qua hình thức này, từ cấp huyện đến cơ sở đều tập trung chăm lo cho chi bộ, từ việc định hướng và hướng dẫn nội dung sinh hoạt đến tạo không khí cởi mở, tinh thần xây dựng trong các cuộc sinh hoạt; bàn những nội dung cụ thể mà chi bộ đang yếu, thiếu và lãnh đạo những nội dung cần tập trung…
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Kỳ làm việc với xã Nghĩa Dũng. Ảnh: Hoài Thu
Cùng với hoạt động trên, Thanh Chương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ bí thư và phó bí thư chi bộ toàn huyện, trên cơ sở nắm bắt thực tiễn những khó khăn, vướng mắc mà các chi bộ đang gặp phải, từ chuẩn bị nội dung họp như thế nào đến việc ghi biên bản sinh hoạt, xây dựng nghị quyết chi bộ, hay quy trình kết nạp hoặc xóa tên đảng viên…, nhằm giải đáp và cung cấp đầy đủ, toàn diện các vấn đề.
Và theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương, việc quyết liệt chỉ đạo thực hiện mô hình Bí thư kiêm khối, xóm trưởng thông qua đại hội chi bộ, nhiệm kỳ 2017 – 2020 cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt và năng lực lãnh đạo ở 107/506 chi bộ áp dụng mô hình này.
Ở huyện Tân Kỳ, triển khai Chỉ thị số 13-CT/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chọn 4 Đảng bộ và 2 chi bộ trực thuộc để chỉ đạo điểm; phân công các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ huyện về dự sinh hoạt đối với một số chi bộ ở cơ sở còn yếu kém; phân công đảng ủy viên cơ sở về sinh hoạt ghép với chi bộ yếu kém, chi bộ có nguy cơ mất chi bộ; duy trì chế độ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả chất lượng sinh hoạt chi bộ, qua đó giúp cấp ủy huyện nắm chắc tình hình chất lượng sinh hoạt chi bộ, có định hướng chỉ đạo và nhân rộng các mô hình, điển hình.
Nhờ đó, chế độ sinh hoạt chi bộ được duy trì đủ kỳ, bình quân 11 – 12 kỳ/năm; tăng sinh hoạt chuyên đề, bình quân 3 – 4 kỳ/năm. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao trên cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ chi ủy; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên thông qua lồng ghép nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); tạo môi trường thực sự dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ, thẳng thắn, nghiêm túc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, lãng phí…
Những băn khoăn
Tuy nhiên, như Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo chia sẻ, năng lực và khả năng vận dụng các chỉ thị, hướng dẫn của Đảng vào thực tiễn ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt cũng như vai trò của chi bộ. Một số đảng viên khi nghỉ hưu, nghỉ công tác thiếu quan tâm sinh hoạt chi bộ, thậm chí có một số còn làm đơn xin nghỉ sinh hoạt, trong khi đó việc phát triển đảng viên mới cũng đang đặt ra khó khăn về nguồn khi lực lượng trẻ đi học hoặc đi lao động phần lớn – đây là vấn đề các cấp ủy Đảng cần quan tâm. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành Phan Huy Hải thì đề cập đến nội dung sinh hoạt chi bộ chưa bao quát hết các nội dung theo quy định, còn đơn điệu, chưa phong phú, chỉ chú trọng đánh giá công tác lãnh đạo nhiệm vụ chuyên môn, ít chú ý đến công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát…
Người dân huyện Thanh Chương tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện. Ảnh Thanh Lê
Mặt khác, chất lượng thảo luận chưa cao, ít có các ý kiến phản biện; tinh thần tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ chưa cao, còn tình trạng nể nang, né tránh…
Video đang HOT
Một số giải pháp
Vì vậy, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tránh hình thức, một số ý kiến kiến nghị cần tăng cường công tác tuyên dương bí thư chi bộ tiêu biểu, tổ chức hội thảo về các mô hình đổi mới sinh hoạt chi bộ có hiệu quả để nhân rộng; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong khối cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp.
Trao đổi của đồng chí Lê Quốc Khánh – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định, thông qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, Hướng dẫn số 09 của Trung ương và Chỉ thị 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực sự tạo bước chuyển về nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và theo đó chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực, từ việc duy trì chế độ sinh hoạt nề nếp vào ngày mồng 3 hàng tháng, xây dựng nội dung chi bộ bài bản, có trọng tâm, trọng điểm; đổi mới phương thức, cách thức điều hành sinh hoạt nghiêm túc, ngắn gọn, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu
Nhiều cấp ủy có những mô hình, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như tổ chức hội thi “Bí thư chi bộ, xóm trưởng giỏi”; cấp “Sổ tay đảng viên” cho đảng viên để ghi chép trong các kỳ sinh hoạt chi bộ; trang bị “Sổ biên bản sinh hoạt chi bộ” cho các chi bộ; xây dựng mô hình chi bộ “5 tốt”; mô hình sinh hoạt; mô hình xóa chi bộ sinh hoạt ghép, giao ban bí thư chi bộ; mô hình chi bộ “Tích cực phát biểu”, chi bộ “Thực hiện tốt tự phê bình, phê bình”, chi bộ “Đảng viên làm kinh tế giỏi”…
Riêng đối với cấp tỉnh, trong 2 năm nay, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự sinh hoạt chi bộ tại địa bàn, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách ít nhất một quý một lần. Đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa để giúp tỉnh nắm bắt thực tiễn cơ sở, vừa động viên các chi bộ, đồng thời nhắc nhở các cấp ủy quan tâm đến hoạt động này. Đối với Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng giao cán bộ theo dõi các đơn vị để có sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên chất lượng sinh hoạt chi bộ…
Mỗi đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đều chịu sự quản lý, giáo dục, giám sát và rèn luyện của chi bộ. Trong thực tiễn, nơi nào chi bộ có ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, tinh thần tự phê bình và phê bình cao, đoàn kết, thống nhất trong sinh hoạt, tâm huyết, trách nhiệm, vì đồng chí và vì nhân dân, thì nơi đó mỗi đảng viên đều trưởng thành và việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị đem lại kết quả tốt.
Ngược lại, nơi nào, chi bộ sinh hoạt hình thức, nội dung sinh hoạt hời hợt, thiếu tính giáo dục, tính gương mẫu, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình yếu; thì không những phong trào của cơ sở yếu mà việc quản lý, giám sát, rèn luyện đảng viên, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngay từ chi bộ.
Minh Chi
Theo baonghean
Buốt nhói những tấm bia mộ liệt sĩ được "mã hóa"
Có thể do yêu cầu đảm bảo bí mật trên đường hành quân nên bia mộ của những người lính ngã xuống buộc phải "mã hóa" bằng những ký hiệu. Giá như bằng cách nào đó có thể giải mã được ký hiệu ấy để trả lại tên cho các anh; để những người lính sớm trở về với quê hương, với người thân đang từng giây từng phút mong tin...
Nhà Tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ tại Bảo tàng Quân khu 4 dành một khu riêng để trưng bày những tấm bia mộ liệt sĩ. Đó là những tấm bia mộ đủ kích cỡ và vật liệu, hình dáng khác nhau. Có những tấm bia cầu kỳ nhưng cũng có những tấm bia chỉ là những nét vạch của lưỡi lê. Cứ mỗi tấm bia được tìm thấy là một người lính đã nằm lại trên đường hành quân hay giữa chiến trường...
Một tấm bia 7 gia đình liệt sĩ nhận người thân
Khu trưng bày những tấm bia mộ liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ Bảo tàng Quân khu 4
Vào khoảng tháng 11/2011, trong khi thi công làm đường giao thông ở chân dốc Mèo (xã Hồng Vân, A Lưới, Thừa Thiên Huế), các công nhân phát hiện một bộ hài cốt kèm tăng, võng, màn, dép cao su và 1 mảnh sắt nhỏ hình vuông đục chữ Nguyễn Xuân Trạch. Sau khi đưa hài cốt vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ, tấm bia mộ bằng sắt này được bàn giao lại cho Bảo tàng Quân khu 4.
Câu chuyện về tấm bia mộ này sau đó được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày 20/2/2002, Bảo tàng Quân khu 4 nhận được thông tin từ ông Nguyễn Văn Thình (TP Vinh, Nghệ An). Ông Thình xác nhận đây liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch, quê ở xã Thanh Tiên (Thanh Chương, Nghệ An), là đồng đội thuộc đơn vị D7 công binh với ông.
Những dòng tên liệt sĩ khắc vào đá núi...
Tháng 3/1968, đơn vị ông được giao nhiệm vụ giải phóng đường sau khi địch đổ bộ để chuẩn bị cho chiến dịch giải phòng Quảng Đà. Khi xuống ngầm ở độ sâu 4m để phá mìn, đồng chí Trạch hi sinh.
Những tưởng đã có thể xác định được danh tính, quê quán cụ thể của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch thì tháng 4/2002, Bảo tàng Quân khu 4 nhận được 7 bức thư của thân nhân 7 liệt sĩ có tên Nguyễn Xuân Trạch trên cả nước gửi về tìm người thân.
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến (thời điểm đó là Phó GĐ Bảo tàng Quân khu 4) đã kỳ công xác minh thông tin về liệt sĩ. Căn cứ vào vị trí tìm thấy hài cốt, thông tin ghi trên giấy báo tử của 7 liệt sĩ có tên Nguyễn Xuân Trạch, xác minh khu vực chiến đấu của D7 vào thời điểm đó tại Bộ Tư lệnh Công binh, đối chiếu với thông tin cựu chiến binh Nguyễn Văn Thình và trực tiếp xác minh tại địa phương, khẳng định hài cốt được tìm thấy ở chân dốc Mèo là liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch, hi sinh ngày 28/3/1968, quê Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An.
... hay được làm từ những mảnh xác máy bay địch, ống pháo sáng.
Trước đó, vào tháng 4/2000, cán bộ Bảo tàng tiếp nhận 50 di vật nằm cùng phần mộ của 148 hài cốt liệt sĩ được Đội quy tập BCH Quân sự tỉnh Nghệ An tìm thấy tại Lào. Đó là những mảnh kim loại hình chữ nhật cỡ 5cm x 8cm khắc họ tên, nhưng không có quê quán và đơn vị. Trong số di vật đó, có một mảnh sắt khắc tên Lương Hồng Canh.
Điều đặc biệt là những tấm bia này có nhiều điểm giống nhau về kích cỡ, nét chữ, hình dáng và chất liệu. Từ đó, có thể phỏng đoán các liệt sĩ hy sinh có thể ở cùng một đơn vị chiến đấu.
Sau đó 1 thời gian ngắn, thân nhân liệt sĩ có tên Lương Hồng Canh, quê quán Mai Châu, Hòa Bình đăng thông tin tìm kiếm trên báo. Bằng các phương pháp giám định khoa học, Bảo tàng Quân khu 4 và các cơ quan hữu quan đã đi đến kết luận: Hài cốt được tìm thấy có tấm bia mộ mang tên Lương Hồng Canh chính là liệt sĩ Lương Hồng Canh, quê quán Nà Phỏn, Mai Châu, Hòa Bình, thuộc đơn vị Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 165, Sư đoàn F312.
Những tấm bia mộ liệt sĩ làm bằng nhiều chất liệu, kích cỡ, hình dáng khác nhau được tìm thấy trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ. Với những thông tin được khắc trên bia, một số trường hợp đã xác định được danh tính, đơn vị, quê quán của liệt sĩ.
Cũng từ thông tin này và các thông tin từ Sư đoàn 312 cung cấp, bằng phương pháp giám định khoa học và tâm huyết của những người có trách nhiệm, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính, quê quán của 27 liệt sĩ hy sinh cùng ngày với liệt sĩ Lương Hồng Canh. Hài cốt của các liệt sĩ sau đó, thể theo nguyện vọng của gia đình đã được đưa về quê hương an táng.
Những dấu hỏi sau tấm bia mộ
Thiếu tá Bùi Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Trưng bày - Tuyên truyền Bảo tàng Quân khu 4 cho tôi xem tập hồ sơ dày cộp về những tấm bia mộ được Đội quy tập các tỉnh Quân khu 4 bàn giao khi tìm thấy trong quá trình tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ. Phần lớn trong số đó chưa xác định được danh tính, quê quán, đơn vị cụ thể.
Bởi vậy, khi các hài cốt được chuyển về nghĩa trang các liệt sĩ ở các địa phương để an táng, những tấm bia mộ này được bàn giao cho Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, giáo dục truyền thống và góp phần xác minh thông tin.
Tấm bia mộ có khắc dòng chữ Ly A Xa 107. Căn cứ vào thông tin ghi trên tấm bia này có thể người chiến sĩ đã hi sinh vào ngày 30/4/1970. Tấm bia được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ tại Mường Cút, Viên Thong, tỉnh Hủa Phăn, Lào.
Những tấm bia có tên và không tên, như những câu hỏi buốt nhói xoáy vào lồng ngực của những người có trách nhiệm. Nó không phải là vật vô tri mà là nỗi đau, là quá khứ hào hùng, là hi sinh anh dũng, là quãng thanh xuân đẹp nhất và ý nghĩa nhất của mỗi người lính đã chiến đấu và nằm xuống...
Tôi đặc biệt chú ý phiến đá khắc dòng chữ Ly A Xa - 107 - 30/4/70. Nét khắc đã mờ, được tô màu trắng dù không còn liền nét. Theo hồ sơ lưu trữ tại bảo tàng thì đây là tấm bia mộ được Đội quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa tìm thấy khi cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Mường Cút, Viên Thong, tỉnh Hủa Phăn, Lào vào mùa khô năm 2001-2002.
Rất nhiều tấm bia chỉ là những con số. Có thể vì lí do đảm bảo bí mật nên các thông tin về người hi sinh đã không được ghi vào bia. Thông tin về các liệt sĩ sẽ được xác định nếu giải mã được những kí hiệu này.
Ngoài dòng chữ trên tấm bia thì không còn thông tin nào khác. Với những thông tin trên bia đá thì liệt sĩ có thể là tên Ly A Xa, hi sinh ngày 30/4/1970. Do chưa xác định được danh tính, đơn vị, quê quán cụ thể nên hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài đá núi thì vật liệu được sử dụng nhiều nhất là những mảnh vỡ từ máy bay địch, được đục lỗ thành tên hay khắc bằng mũi dao. Có tấm bia ghi tên nhưng cũng có những tấm bia chỉ ghi những con số B10, K6, 312, 319, 316...
Những tấm bia bằng đá được đục, khắc rất kỳ công nhưng chỉ có những ký hiệu như B10, K6... Những kí tự này hiện đang là ẩn số cần được giải mã.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành - cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 trầm ngâm: "Căn cứ vào cách thức làm bia mộ thì có thể thấy có những tấm bia được làm rất cẩn thận rất kỳ công, đẽo từ những hòn đá núi, mảnh máy bay vỡ... Như thế có thể khẳng định được rằng đồng đội của các liệt sĩ không phải là không có thời gian để ghi tên người hi sinh mà có thể do yêu cầu đảm bảo bí mật trên đường hành quân buộc phải "mã hóa" bằng những ký hiệu. Giá như bằng cách nào đó, có thể giải mã được ký hiệu ấy để trả lại tên cho các bác, các anh, để những người lính có thể sớm trở về với quê hương, với người thân đang từng giây từng phút mong tin...".
Hoàng Lam
Theo Dantri
Kỷ luật chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Ông Đinh Quốc Thái (ảnh báo Đồng Nai). Ngày 23.4 .2018, tại Hà Nội, UBKT Trung ương đã họp kỳ 24. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường...