Đảm bảo tính khả thi khi áp dụng Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều khoản đảm bảo tính khả thi của Luật phòng, chống bạo lực gia đình khi triển khai thi hành luật trên thực tế.
Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo góp ý Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 7/10.
Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các yếu tố đảm bảo Dự án Luật sau khi thông qua và có hiệu lực sẽ dễ áp dụng, có tính khả thi trên thực tế. Hiện nay, trong Dự thảo Luật còn khá nhiều điều khoản mà tính khả thi khi áp dụng còn chưa được đảm bảo, nhất là về lực lượng thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở.
Bà Hoàng Ngọc Loan, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Quận 8 và bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố cùng có chung nhận xét, Dự thảo Luật quy định khá nhiều quyền, trách nhiệm của cấp phường, xã, thị trấn – nơi trực tiếp xử lý các vụ việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại cấp phường, xã đang rất thiếu nhân lực và một Phó Chủ tịch xã, phường phụ trách văn xã thường phụ trách rất nhiều ban công tác liên quan. Trong khi chưa có quy định về nguồn nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình thì buộc phải sử dụng nguồn cán bộ không chuyên trách, không có trình độ hiểu biết pháp luật và chuyên môn thuộc lĩnh vực này, sẽ dẫn đến việc triển khai áp dụng Luật không hiệu quả, không đạt được hiệu lực của pháp luật.
Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về trách nhiệm, chế độ đãi ngộ đối với những người kiêm nhiệm phụ trách công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình tại cấp xã, phường, thị trấn.
Cũng quan tâm đến nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bác sỹ Phạm Quốc Hùng, Bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng tại khoản 2, điều 6 quy định về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình quy định “… phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng” là chưa hợp lý. Bởi trên thực tế, lực lượng cộng tác viên dân số tuy có diện phủ rộng nhưng hạn chế về trình độ nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trong khi đó, công tác xã hội hiện đã là một ngành nghề hiện hữu, nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng đã được đào tạo, trang bị kỹ năng tốt hơn cộng tác viên dân số. Công tác xã hội cũng có tính kết nối xã hội cao, dễ đạt hiệu quả cao khi tư vấn, liên hệ các cơ quan hữu quan trong trợ giúp đối tượng, chuyển gửi đối tượng nạn nhân bạo lực gia đình khi cần thiết.
Video đang HOT
Vì vậy, để nâng cao tính khả thi của Luật, bác sỹ Phạm Quốc Hùng đề nghị thay thế “mạng lưới cộng tác viên dân số” bằng “nhân viên công tác xã hội” hoặc bổ sung thêm “nhân viên công tác xã hội” vào khoản 2, điều 6.
Đối với điều 35 quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, bác sỹ Phạm Quốc Hùng cho rằng, Dự thảo Luật xác lập các mô hình cơ sở trợ giúp khá rộng rãi nhưng lại không nêu chủ thể giám sát các cơ sở này một cách cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự lơ là, buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sai phạm trong quá trình hoạt động của các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; vì vậy cần có thêm những quy định cụ thể hơn trong vấn đề này.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Dung, Sở Tư pháp Thành phố, có chung sự quan tâm với bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố khi cho rằng, khoản 2, điều 41 quy định “Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 điều này, bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó”, cần bổ sung thêm vào cuối điều khoản yếu tố “xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, để trả lời câu hỏi “thông báo để làm gì”.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức có nhận xét, điểm d, điều 3, quy định về hành vi bạo lực gia đình “bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc”- đây là điểm duy nhất quy định về hành vi không hành động của “hành vi bạo lực gia đình”. Để đảm bảo tính công bằng, chính xác, cần bổ sung điểm d, điều 3 thêm yếu tố “cố ý dù có đủ điều kiện”, tránh trường hợp áp dụng với người vô ý hoặc không có đủ điều kiện thực hiện nội dung trong điều luật.
Các đại biểu dự Hội thảo cũng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật về bổ sung, sửa đổi nội hàm của “hành vi bạo lực gia đình”; “những hành vi bị nghiêm cấm”, các quy định liên quan đến công tác báo tin, xử lý tin báo tố giác bạo lực gia đình; trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình; thêm yếu tố không gian trong điều luật quy định hiệu lực thi hành…
Các đại biểu cũng trao đổi về một số vấn đề còn chưa thống nhất như nên hay không nên có điều khoản quy định về đối tượng điều chỉnh của luật; quy định tháng 11 là Tháng phòng, chống bạo lực gia đình, vì trong tháng có ngày 25/11 là “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ”…
Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sau khi chỉnh lý ngày 14/9/2022 còn 6 chương và 56 điều, tăng 11 điều so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.
Thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Tránh quy định trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát các hành vi bạo lực gia đình
Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, bỏ 3 điều (các Điều 2, 47 và 61 của dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội), bổ sung 3 điều (các Điều 33, 39 và 55).
Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả", tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, dự thảo Luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Về đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật, một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, quy định về đối tượng áp dụng là không cần thiết.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả "mọi người", trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù. Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý theo hướng bỏ Điều 2 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật.
Liên quan đến các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 3, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, có ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình. Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình. Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và được rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Cần chú trọng hơn tới đối tượng là trẻ em
Cơ bản nhất trí với những nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề. Theo đại biểu, nội dung của dự thảo Luật dường như chưa chú trọng đến đối tượng trẻ em - đối tượng dễ bị bạo lực gia đình. Trên thực tế, hàng năm, số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lớn. Đại biểu dẫn chứng: Theo thống kê của Tổng đài 111 trong năm 2021, số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất (72,84%). Đại biểu Nga cho rằng, đây mới chỉ là thống kê của một tổng đài, do đó con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những nội dung được quy định tại dự thảo Luật hầu như chỉ hướng tới người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Cụ thể, Điều 9 của dự thảo Luật quy định về quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, hầu như không phù hợp nếu người bị bạo lực gia đình là trẻ em. Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, các em không thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình; không thể yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của dự thảo Luật này; và cũng không thể yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại. Thậm chí, quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi bạo lực gia đình cũng không có ý nghĩa đối với nạn nhân là trẻ em, nhất là trẻ em còn rất nhỏ tuổi.
"Ngay cả trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan tới vụ việc bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cũng không phù hợp đối với đối tượng trẻ em. Với sự non nớt, nỗi sợ hãi khi bị bạo lực gia đình, các em không thể cung cấp đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc. Khi trẻ em bị bạo lực gia đình bởi người thân, cũng không hy vọng người đại diện, người giám hộ của người bị bạo lực gia đình là các em cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác", đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, phương pháp hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình quy định tại Điều 17, Điều 18 của dự thảo Luật không phù hợp khi áp dụng với trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em. Điều 25 của dự thảo Luật quy định về việc cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá, quy định này cũng không phù hợp khi người bị bạo lực gia đình là trẻ em và người gây bạo lực gia đình chính là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của trẻ em.
"Mục 5 Điều này quy định khi áp dụng quy định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc. Quy định này không phù hợp với đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em. Các em không thể lựa chọn chỗ ở được cho mình", đại biểu làm rõ thêm.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình tại mục 2 Điều 4 của dự thảo Luật là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, bởi lẽ trẻ em là đối tượng đặc biệt yếu thế khi là nạn nhân bạo lực gia đình, không thể kháng cự, kêu cứu, phản ứng hay yêu cầu, đề nghị được. Thậm chí, nhiều quy định chưa phù hợp với đối tượng bị bạo lực là người già yếu, người khuyết tật, người khuyết tật nặng vì các quy định còn nặng tính hành chính.
Đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện hơn dự thảo Luật, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) nêu rõ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo, hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng với một số đối tượng, trong đó có cả người đã ly hôn. Đại biểu đánh giá quy định này chưa thống nhất với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, bởi khi đã ly hôn, quan hệ vợ chồng chấm dứt, không còn là thành viên gia đình.
Phần giải thích từ ngữ tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật đã ghi: "Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình". Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, nếu người đã ly hôn có hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này của dự thảo Luật thì vi phạm quy định pháp luật về hành chính hoặc hình sự và phải tùy theo tính chất, mức độ để xem xét, xử lý. Do đó, đại biểu nhận thấy không nên quy định những hành vi bạo lực tại khoản 1 Điều 3 được áp dụng với người đã ly hôn.
Triển khai Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 Ngày 24/3, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác gia đình. Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam...