Đảm bảo hàng hoá cho người dân khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp
Bộ Công Thương cùng các địa phương, doanh nghiệp sẽ luôn cập nhật tình hình dịch và chuẩn bị sẵn các phương án, bảo đảm sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho các địa phương khi cần thiết.
Thực phẩm, rau xanh tại các chợ dân sinh tăng giá.
Giá thực phẩm tại chợ dân sinh tăng giá
Sau gần 3 tuần thực hiện giãn cách, giá thực phẩm tại Hà Nội có xu hướng tăng hơn so với trước. Theo khảo sát của phóng tại chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội), một số thực phẩm đã tăng giá, cụ thể, giá thịt lợn cách đây 3 tuần là 140.000 – 150.000 đồng/kg thịt ba chỉ, nhưng nay đã tăng lên 160.000 đồng/kg. Thịt bò trước khi giãn cách có giá 250.000 đồng/kg thịt thăn thì nay có giá 300.000 đồng/kg, dẻ sườn có giá 180.000 đồng/kg đã tăng lên 220.000 đồng/kg…
Tương tự, nhiều loại rau cũng tăng giá. Cụ thể, bí xanh trước đây khoảng 15.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, cao điểm có lúc tăng lên tới 30.000 đồng/kg. Rau muống, rau dền, mùng tơi từ 10.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Huyền, tiểu thương bán tôm tươi tại chợ cho biết, giá tôm lên cao hơn so với thời điểm trước nhưng số lượng ít, có hôm chị không lấy được hàng để bán. Tôm nhỏ thời điểm trước có giá 140.000 đồng/kg đã tăng lên 20.000 đồng/kg, loại tôm nhỡ thì tăng lên 300.000 đồng/kg. “Nhiều khi lấy hàng về mà “ế” vì người dân chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác rẻ hơn”, chị Huyền cho hay.
Bà Lê Khanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sau hơn 1 tuần mới đi chợ thì nay bà cũng khá “giật mình”, khi lấy 2 cọng tỏi tây, một ít cần tây và 1 củ hành tây thì được người bán tính giá 20.000 đồng. “Tôi hỏi cụ thể hơn thì người này tính từng loại, 5.000 đồng 2 cọng tỏi tây nhỏ, 7.000 đồng/ củ hành tây và 8.000 đồng cho độ 5 nhánh cần tây. Mức giá này cao hơn so với trước nhiều”, bà Khanh cho biết.
Cùng với đó, các loại cá, gà cũng tăng hơn so với trước, cá trắm cắt khúc to trước đây 70.000 – 80.000 đồng/kg thì nay đã 90.000 đồng/kg, gà ta nguyên lông trước dịch giá 120.000 đồng/kg thì nay tăng lên 130.000 đồng/kg.
Đặc biệt, tại các chợ dân sinh, trứng gà ta thường giá 3.500 đồng/quả nay tăng lên 5.000-6.000 đồng/quả.
Theo các tiểu thương, do dịch bệnh COVID-19, việc lấy hàng hiện nay rất khó khăn do phải có nhiều loại giấy tờ, thủ tục. Người bán hàng phải test COVID-19 cùng các chi phí bảo hộ, sát khuẩn… khiến giá thành hàng hóa tăng từ đầu mối chợ nông sản đến chợ bán lẻ.
Video đang HOT
Đảm bảo thực phẩm, hàng hóa cho người dân
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp một số khó khăn do vướng mắc trong khâu lưu thông phân phối hàng hóa, đã xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương nhất là tại 19 tỉnh thành phía Nam.
Do tâm lý lo sợ dịch bệnh COVID-19, tại thị trường trong nước vẫn có hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm, nhất là khi các địa phương bắt đầu công bố việc thực hiện Chỉ thị 16 dẫn tới chuyện gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng, tại một vài địa phương và chủ yếu nhu cầu tăng rất mạnh đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống. Nhưng theo ông Trần Duy Đông, sau đó, hiện tượng này đã nhanh chóng được xử lý, thị trường ổn định và sức mua cũng dần trở lại như những ngày bình thường. Giá cả hàng hóa thực phẩm tuy có biến động tăng tại các chợ trong giai đoạn đầu khi cầu tăng mạnh, nhưng sau đó cũng đã quay trở lại bình thường.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, một trong những vấn đề cấp thiết quan trọng là làm sao đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nhất là trong những trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống.
“Mặc dù trước đó trong toàn ngành và các hệ thống phân phối lớn đã có các phương án chuẩn bị cho 5 cấp độ của dịch bệnh, nhưng Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp phân phối lớn trên cả nước để rà soát, cập nhật các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu theo sát diễn biến của dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong đó, chú trọng vào mặt hàng lương thực thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước diễn biến mới của dịch COVID-19″, ông Trần Duy Đông cho hay.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ đã đề nghị các hệ thống phân phối lớn có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang và căn cứ vào điều kiện cụ thể nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển hàng khi có yêu cầu và kịp thời cho khu vực bị cách ly.
Đồng thời, Bộ cũng hướng dẫn tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm như chợ, điểm bán hàng của các doanh nghiệp phân phối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, nhằm vừa đảm bảo cung ứng thường xuyên liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
“Các phương án bảo đảm nguồn cung của các địa phương và phương án tổng thể của Bộ Công Thương sẽ luôn được cập nhật để góp phần bảo đảm sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho các địa phương khi cần thiết”, ôngTrần Duy Đông cho hay.
Đa dạng mô hình 'chợ kiểu mới' trong thời gian giãn cách xã hội
Bố trí xe lưu động, đưa chợ ra chỗ thoáng, lập tổ đi chợ hộ, đưa hàng thiết yếu lên chợ điện tử... là những cách bán hàng sáng tạo đang được một số địa phương áp dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Người dân mua hàng tại điểm bán hàng lưu động 307 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (ảnh chụp sáng 3/8). Ảnh: TTXVN.
Mở điểm bán hàng lưu động, siêu thị trên xe buýt
Những ngày qua, nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19. Để giải quyết tình trạng trên, mô hình siêu thị, chợ lưu động đã được triển khai phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và giảm áp lực cho các chợ dân sinh. Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.
Tại quận Long Biên, một siêu thị trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư gồm: Khu đô thị Việt Hưng, sân chơi phố Bắc Cầu (Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng đảo Sen. Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay người dân.
Tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động cũng được triển khai sau khi chợ Đồng Xa, chợ dân sinh lớn nhất tại phường, bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch. UBND phường Mai Dịch đã bố trí 2 điểm chợ lưu động tại Trung tâm văn hóa thể thao phường và sân bóng B5. Đây đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm.
Xe buýt được chuyển đổi công năng thành "siêu thị mini" mang rau củ, quả phục vụ người dân. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức.
Cùng với đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh mới đây đã phối hợp với một đơn vị để khai trương mô hình "siêu thị di động kiểu mới". Theo đó, mô hình này sẽ bày bán với hơn một trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ... với giá tốt ngay trên các xe buýt. Ngoài ra, chương trình có 1.000 phần quà, tổng trị giá 300 triệu đồng gửi đến những hộ gia đình khó khăn.
Mô hình này dự kiến kéo dài trong 2 tháng và sẽ tăng quy mô lên 3 - 4 chiếc xe buýt, chủ yếu phục vụ tại quận, huyện vùng ven, mỗi chiếc bán tại 1 - 2 điểm.
Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, hơn một tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng này.
Còn Sở Công Thương Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức và bố trí các điểm bán hàng bình ổn, "mô hình mang chợ ra không gian thoáng" và các hình thức bán hàng hợp lý khác,... nhằm phục vụ cho người dân từng khu vực. Hiện, thành phố đã triển khai được 47 điểm chợ và siêu thị, điểm bán thông minh theo hình thức giãn cách, không tiếp xúc. Do vậy, hàng hoá cũng như giá cả trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định, chưa có biến động.
Mới đây, khi làm việc với Sở Công Thương Cần Thơ, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương ở phía Nam đánh giá cao mô hình "mang chợ ra không gian thoáng" của Cần Thơ. Tổ lưu ý Sở cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá nông sản; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường theo dõi kiểm tra chặt chẽ chất lượng an toàn thực phẩm và giá cả hàng hoá. Ngoài ra, Tổ cũng vận động thêm các doanh nghiệp vận tải ủng hộ (miễn phí hoặc giảm giá) tham gia để giảm chi phí và gánh nặng, bảo đảm bình ổn thị trường.
Đi chợ hộ, đẩy mạnh thương mại điện tử
Thời gian qua, tại phường Long Thạnh (thị xã Tân Châu, An Giang) có mô hình "Đi chợ giùm dân" trong mùa dịch triển khai rất hiệu quả. Mô hình do các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của phường thực hiện và khi thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế lượng người ra đường không cần thiết.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, khi được mở bán lại, nhiều chợ đã áp dụng một số mô hình bán hàng kiểu mới như bán theo "combo", lập các đội bán hàng lưu động, nhằm phục vụ nhu cầu người dân.
Hình thức mua hàng combo (gói những hàng hoá thiết yếu nhất phục vụ đời sống người dân hàng ngày) đang được áp dụng nhiều nơi tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều siêu thị cũng đưa ra biển hướng dẫn cách mua hàng combo để người dân tiện mua sắm, như: Chọn hàng và điền đầy đủ vào phiếu thông tin; thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn.
Hiện nhiều siêu thị như Vinmart/Vinmar , Bách Hóa Xanh... cũng đã bắt đầu áp dụng bán hàng dưới dạng "combo", đăng ký trước cho nhiều địa phương, và sẽ tăng mạnh thêm quy mô hoạt động để hỗ trợ người dân.
Đặc biệt, nhiều địa phương đã tận dụng tối đa hệ thống vận chuyển của doanh nghiệp bưu chính viễn thông cho công tác phân phối, lưu chuyển hàng hóa trong khu vực có dịch và hệ thống các điểm bán của bưu điện làm điểm phân phối hàng hóa. Đây là mô hình được Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương và Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp triển khai rất tốt thời gian qua nhằm nối liền chuỗi cung ứng hàng hóa đến các vùng có dịch.
Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng làm đầu mối, cung cấp địa chỉ, nhân sự được phân công của Sở Công Thương các tỉnh phía Nam cho các doanh nghiệp để công ty trực tiếp liên hệ hỗ trợ các tỉnh thành kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng hóa thiết yếu thông qua hoạt động vận chuyển, sàn thương mại điện tử và bán hàng offline hay lưu động tại các tỉnh, thành phố.
Đến nay, ngoài 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã có thêm sự chung tay của 3 doanh nghiệp bưu chính khác gồm Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Netco tham gia vào chương trình này.
Theo số liệu từ 5 doanh nghiệp bưu chính, tính đến hết ngày 7/8, tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp này cung ứng tới người dân các địa phương trên cả nước là 14.584 tấn, tăng 11% so với ngày 6/8. Đến hết ngày 7/8, trên cả nước, các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập tổng số 3.735 điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu. Tổng khối lượng 14.584 tấn hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp bưu chính cung cấp cho người dân các tỉnh, thành đang giãn cách có tổng giá trị 448,43 tỷ đồng, tăng 11% so với ngày 6/8.
Ngoài ra, trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã vận chuyển theo chỉ đạo của chính quyền các địa phương hơn 3.880 tấn hàng hóa thiết yếu.
Hiện nay, cùng với việc đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa tại Thủ đô trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp bưu chính đang tập trung để vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch tại 19 tỉnh, thành phía Nam.
Thời gian tới, theo Bộ Công Thương, đây được xác định là một trong những kênh phân phối sẽ được phát huy tối đa hiệu quả nhằm cung ứng hàng hóa đến cho người dân các địa phương đang thực hiện cách ly theo các chỉ thị của Chính phủ.
Hướng dẫn bố trí địa điểm và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký văn bản số 4728 gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Người dân thực hiện "5K" tại điểm bán hàng hóa thiết yếu...