Đảm bảo an toàn tại khu cách ly và khu điều trị bệnh nhân Covid-19
Tính đến ngày 19/5, tại Thái Bình, số người nhiễm Covid-19 là 29 người, trong đó 23 người đã được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, còn 6 bệnh nhân đang điều trị tại Thái Bình.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tại Thái Bình, tính đến giờ 17h30 ngày 19/5, Thái Bình đã phát hiện 29 bệnh nhân Covid-19 gồm 2 bệnh nhân từ Nhật Bản về và 27 bệnh nhân từ Nga về, tất cả đều được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh. Trong đó 23 người đã được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương còn 6 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tổng số người nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 446 người. Hiện 427 người đã xuất viện, chuyển viện, còn 19 người đang cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế. Số người đang cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh Thái Bình vẫn là 134 người.
Hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình còn điều trị 6 người nhiễm Covid-19
Hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình còn cách ly điều trị 6 bệnh nhân Covid-19 và một số trường hợp cần theo dõi, tất cả đều có sức khỏe ổn định. Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã bố trí đo các yếu tố về tốc độ gió, vi khí hậu, hơi khí độc… cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình để có cơ sở cải thiện môi trường khu điều trị, đã điều động 3 máy xử lý không gian trong khoa truyền nhiễm.
Trong cuộc họp nghe báo cáo tình hình diễn biến mới của dịch bệnh và thống nhất các biện pháp sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã yêu cầu phải kiểm soát nhiễm khuẩn theo đúng quy trình, thực hiện hàng ngày và phải làm nghiêm túc, đảm bảo tuyệt đối an toàn tại khu cách ly và khu điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cần tập trung điều trị khỏi cho các bệnh nhân Covid-19, bảo đảm không lây nhiễm chéo trong bệnh viện, phải kiểm soát nhiễm khuẩn theo đúng quy trình, thực hiện hàng ngày và phải làm nghiêm túc. Đồng thời, cần bảo đảm hoạt động bình thường, áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất, phân luồng vận chuyển bệnh nhân, đảm bảo an toàn khám chữa bệnh cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện.
Đối với khu cách ly tập trung của tỉnh, đồng chí giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh làm tốt quy trình cách ly, không để lây nhiễm chéo.
Bệnh nhân ngoại quốc và những thử thách đặc biệt với lực lượng tuyến đầu
Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 người nước ngoài gây ra không ít khó khăn cho các y, bác sĩ vì sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Vậy họ đã vượt qua rào cản này như thế nào?
Bệnh nhân ngoại quốc và những thử thách đặc biệt với lực lượng tuyến đầu
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên từ ngày 30/1/2020 (mồng 6 Tết). Trong gần 3 tháng trời ròng rã chống dịch, các chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch này đã điều trị gần 150 bệnh nhân dương tính, khám sàng lọc gần 2.500 đối tượng nghi ngờ.
Theo chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Trung cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, vì trực tiếp chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nên các nhân viên y tế cũng thuộc diện tiếp xúc gần và phải tự cách ly tại Bệnh viện. Do đó, có nhiều y, bác sĩ đã không về nhà từ mồng 6 Tết đến nay.
Điều dưỡng Bùi Thị Lan Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Đối với điều dưỡng Bùi Thị Lan Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong 7 năm công tác, từng đương đầu với nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sởi, sốt xuất huyết, cúm A... thì đây là lần đầu tiên chị xa nhà lâu đến vậy. Bên cạnh việc phải trực chiến và sinh hoạt tại Bệnh viện trong nhiều tháng trời, dịch Covid-19 cũng đem đến nhiều thử thách mới mẻ khác, mà theo như nữ điều dưỡng này chia sẻ, việc đối mặt, thích nghi và tìm cách vượt qua chúng đã giúp chị và các đồng nghiệp trưởng thành hơn rất nhiều.
Những thử thách xuất phát từ rào cản văn hóa và ngôn ngữ
"Trong nhiệm vụ chống dịch Covid-19, về công tác nghiệp vụ, một trong những thử thách mới mẻ nhất đối với lực lượng điều dưỡng như chúng tôi đó là chăm sóc cho các bệnh nhân người nước ngoài" - Điều dưỡng Lan Anh chia sẻ.
Trên thực tế, trong thời gian công tác tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nữ điều dưỡng này cũng đã từng gặp các trường hợp bệnh nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của dịch Covid-19, mà nhiệm vụ chăm sóc cho các trường hợp người nước ngoài lần này phát sinh nhiều vấn đề phức tạp không thể lường trước.
Điều dưỡng Lan Anh phân tích: "Tính từ giai đoạn 1 của dịch đến nay, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 7-8 trường hợp bệnh nhân Covid-19 người nước ngoài. Vì hầu hết các bệnh nhân khi đến Việt Nam đều đang đi du lịch nên việc phải vào viện cách ly điều trị đương nhiên sẽ khiến người ta có cảm giác không thoải mái".
Vì hầu hết các bệnh nhân khi đến Việt Nam đều đang đi du lịch nên việc phải vào viện cách ly điều trị đương nhiên sẽ khiến người ta có cảm giác không thoải mái
Xuất phát từ tâm lý trên, có một số bệnh nhân người nước ngoài, thường là các ca bệnh có triệu chứng nhẹ, đã liên tục thắc mắc về lý do mình bỗng dưng bị đưa vào Bệnh viện cách ly. Khi được các bác sĩ trực tiếp giải thích rằng, họ mắc Covid-19 nên cần phải cách ly điều trị sẽ vừa tốt cho bản thân, vừa tránh lây lan cho cộng đồng thì hầu hết các bệnh nhân đều hợp tác. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ.
Nữ điều dưỡng chia sẻ: "Có 1 bệnh nhân người nước ngoài dù được các bác sĩ giải thích về sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng vẫn không hợp tác. Trong ngày đầu tiên nhập viện, bệnh nhân này không chấp nhận để chúng tôi thực hiện tiêm, truyền. Việc uống thuốc, mặc dù mỗi người đều được chuẩn bị một cốc đựng nước mới nhưng bệnh nhân đó vẫn cho rằng, cốc bị bẩn và yêu cầu đối cốc khác. Thực sự cả bác sĩ và các điều dưỡng đã khá vất vả để thuyết phục và giải thích cho những trường hợp như vậy".
Theo điều dưỡng Lan Anh, có trường hợp bệnh nhân người nước ngoài dù được các bác sĩ giải thích về sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng vẫn không hợp tác. Trong ngày đầu tiên nhập viện, bệnh nhân này không chấp nhận để các điều dưỡng thực hiện tiêm, truyền.
Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa ẩm thực cũng là một vấn đề phát sinh khi điều trị và chăm sóc cho các bệnh nhân người nước ngoài. Theo chia sẻ của nữ điều dưỡng, trên thực tế, bên cạnh những món ăn Việt Nam, Bệnh viện đã có chuẩn bị suất ăn riêng cho người ngoại quốc, với các món như: bánh sandwich, xúc xích, mì ý... Tuy nhiên, việc đáp ứng khẩu vị của tất cả các bệnh nhân ngoại quốc ngay từ đầu là không hề dễ.
Chị cho biết: "Những ngày đầu tiên, các món ăn được chúng tôi chuẩn bị cho bệnh nhân người nước ngoài thường không hợp khẩu vị. Là người trực tiếp mang đồ ăn đến cho từng bệnh nhân, chúng tôi đã trò chuyện và lắng nghe phản hồi của họ về món ăn, sau đó báo lại với khoa Dinh dưỡng để gia giảm lại cho phù hợp. Nhờ đó mà chỉ sau vài ngày, các bệnh nhân nước ngoài đã không còn phàn nàn với món ăn mà Bệnh viện đã chuẩn bị. Thậm chí, nhiều bệnh nhân sau một thời gian lại chuyển sang lựa chọn cả các món ăn Việt Nam, trong số đó phở và thịt kho tàu là 2 cái tên được ưa thích nhất".
Lớp học tiếng Anh đặc biệt của những chiến binh áo trắng
Qua quá trình chăm sóc cho các bệnh nhân người nước ngoài, điều dưỡng Lan Anh nhận thấy rằng, sự khác biệt về ngôn ngữ chính là một trong những rào cản lớn nhất giữa các nhân viên y tế và bệnh nhân, đặc biệt là với lực lượng điều dưỡng, những người trực tiếp chăm sóc và thực hiện y lệnh thuốc.
Sự khác biệt về ngôn ngữ chính là một trong những rào cản lớn nhất giữa các nhân viên y tế và bệnh nhân.
Chị chia sẻ: "Một số trường hợp cần những giải thích, tư vấn chuyên sâu thì giữa chúng tôi và bệnh nhân gặp khó khăn trong việc hiểu ý nhau. Giải pháp tình thế lúc đó là kết hợp với cử chỉ, dùng các phần mềm chuyển ngữ hoặc viết ra trên giấy để truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tôi và các đồng nghiệp đều cho rằng, cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh của chính mình sẽ là giải pháp tối ưu nhất".
Vậy là hàng đêm, sau khi hết giờ làm việc, nhiều điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lại trích một khoảng thời gian nghỉ ngơi, để mày mò, bồi bổ thêm kiến thức ngoại ngữ. Phương pháp học, theo điều dưỡng Lan Anh chia sẻ, cũng rất thực tế và khẩn trương theo tinh thần "chống dịch như chống giặc": "Dựa vào nhiệm vụ hàng ngày được giao, chúng tôi sẽ lên mạng tìm những từ vựng, những cách đặt câu mà mình thường phải sử dụng để giao tiếp với bệnh nhân như: cách hỏi thăm tình hình sức khỏe chi tiết, cách trao đổi về các thủ thuật y khoa. Tôi và các bạn đồng nghiệp cùng phòng cũng thường dựng tình huống để trò chuyện tiếng Anh nhằm tăng khả năng giao tiếp".
"Giám khảo" môn tiếng Anh của các điều dưỡng, không ai khác, chính là bệnh nhân nước ngoài đang điều trị. Việc những người ngoại quốc này ngày càng dễ tiếp thu thông tin được truyền đạt hơn, cuộc giao tiếp ít phải phụ thuộc vào ứng dụng chuyển ngữ, cử chỉ hơn là minh chứng chân thực nhất cho nỗ lực trau dồi kiến thức của Lan Anh cũng như các đồng nghiệp của mình.
Việc có thể tự tin giao tiếp với các bệnh nhân người nước ngoài đã giúp các y, bác sĩ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
"Việc có thể tự tin giao tiếp với các bệnh nhân người nước ngoài đã giúp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn, đồng thời thấu hiểu hơn những tâm tư, nguyện vọng của họ. Quả thực qua quãng thời gian này, tôi cảm thấy mình trưởng thành và hoàn thiện hơn rất nhiều".
Cảm xúc đặc biệt từ những lời cảm ơn xuyên biên giới
Chăm sóc cho các bệnh nhân người nước ngoài dù gây ra một vài khó khăn cho đội ngũ nhân viên y tế, nhưng khi những rào cản về văn hóa và ngôn ngữ được xóa nhòa, thì chính họ lại mang đến những kỉ niệm, cảm xúc đặc biệt cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Lời cảm ơn nghẹn ngào của bệnh nhân Covid-19 người Anh ngày ra viện
"Các y, bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống tôi", đó là chia sẻ của bà Shan, bệnh nhân Covid-19 người Anh trong ngày ra viện. Bà Shan cùng chồng đều là những người tuổi đã cao và sau khi nhập viện đều có diễn tiến nặng. Được cứu thoát khỏi cửa tử và đón nhận sự chăm sóc tận tình của những con người ở một đất nước xa xôi, bà Shan không thể giấu nổi những giọt nước mắt, khi bày tỏ lòng cảm kích của mình với các chiến binh áo trắng.
Câu chuyện của bà Shan là một trong rất nhiều những lời cảm ơn, chia sẻ đầy xúc động của các bệnh nhân người nước ngoài dành tặng y, bác sĩ Việt Nam trong ngày được ra viện.
Về phía các blouse trắng, việc đón nhận tình cảm xuất phát từ trái tim, của những con người sống cách xa hàng ngàn cây số, đem đến những xúc cảm đặc biệt.
"Chăm sóc cho các bệnh nhân là nhiệm vụ và nghĩa vụ của những điều dưỡng như chúng tôi. Tuy nhiên, khi nhận được những lời cảm ơn của bệnh nhân chúng tôi vẫn có những cảm xúc rất đặc biệt, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và còn là niềm tự hào với nghề nghiệp mà mình đã chọn" - Nữ điều dưỡng trẻ cười nói.
Minh Nhật
Bác sĩ tuyến đầu "bật mí" về kiểu tóc đặc biệt của lực lượng chống dịch Nhiều y, bác sĩ ở các cơ sở y tế tuyến đầu chống Covid-19 đều có chung một kiểu tóc cắt sát, khác hẳn với diện mạo "bồng bềnh" ngày thường. Vậy lí do là gì? Bác sĩ tuyến đầu "bật mí" về kiểu tóc đặc biệt của lực lượng chống dịch Nếu thường xuyên theo dõi các thông tin về dịch Covid-19,...