Đắk Nông tăng cường xét nghiệm để ngăn bệnh bạch hầu lây lan
Sở Y tế Đắk Nông và các địa phương đang tập trung rà soát, ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan trên diện rộng sau khi xuất hiện ba ổ dịch tại tỉnh này…
Cụm dân cư có ổ dịch đang được cách ly – Video: A.KHOA
Ngày 25-6, ông Hà Văn Hùng – phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông – cho biết địa phương đang tập trung rà soát, ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan trên diện rộng, đồng thời tổ chức dập 3 ổ dịch tại tỉnh này.
Theo ông Hùng, hiện nay ngành y tế tập trung nhân lực, vật lực tổ chức kiểm tra, khám sàng lọc tất cả các khu dân cư của người Mông sinh sống để ngăn chặn ổ dịch mới.
Ngoài các ổ dịch tại huyện Krông Nô và xã Quảng Hòa, Đắk R’măng (huyện Đắk Glong) đang được tập trung sàng lọc, kiểm tra để dập dịch, sở cũng cử cán bộ y tế đến các xã Quảng Sơn và Đắk Som (Đắk Glong) để điều tra, truy dấu vết các trường hợp liên quan.
Sở Y tế Đắk Nông lấy mẫu các cụm dân cư để ngăn chặn bệnh bạch hầu – Ảnh: TR.TÂN
Đến nay, tại hai xã này, Sở Y tế Đắk Nông đã lấy mẫu gần 150 trường hợp để đem đi xét nghiệm, nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc dương tính với bệnh bạch hầu sẽ triển khai các biện pháp ngăn chặn.
Cũng theo ông Hùng, đến chiều 25-6, số ca dương tính với bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh là 12 người, trong đó có 1 bé gái tử vong, số còn lại đã và đang điều trị. Có 20 người tại 3 ổ dịch nghi ngờ có khả năng nhiễm bạch hầu đang được theo dõi, điều trị cách ly tại các bệnh viện.
Sở cũng đã lấy mẫu gần 750 người tại 3 ổ dịch và đến nay số dương tính vẫn 12, âm tính 550 người và còn 182 mẫu chưa có kết quả.
Tại các ổ dịch vẫn đang được cách ly theo quy định – Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Hùng thông tin thêm ngoài việc phun hóa chất khử trùng, tiêu độc tại các địa phương có ổ dịch, sở cũng tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, tại tất cả các cụm dân cư tại Đắk Glong và Krông Nô đang được tầm soát để ngăn chặn bệnh lây lan.
“Tại các địa phương khác, thực tế ngành y tế chưa đủ nhân lực để khám sàng lọc, kiểm tra. Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều có các trạm y tế nên đơn vị cũng yêu cầu các địa phương tổ chức sàng lọc, kiểm tra để ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng”, ông Hùng nói.
Ngành y tế Đắk Nông phun hóa chất sát khuẩn tại các khu dân cư tại xã Quảng Hòa, Đắk Glong – Ảnh: TR.TÂN
Vì sao bệnh bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông?
Vì sao tại Đắk Nông lại xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu như vậy? Liệu đây có phải là hệ quả của trào lưu anti vaccine hay không?
Liên quan đến các ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, đến nay, đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bệnh này, trong đó 1 bé gái 9 tuổi ở xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong đã tử vong. Dù Việt Nam chưa thanh toán được bệnh bạch hầu nhưng đã có vaccine phòng bệnh. Vậy vì sao tại Đắk Nông lại xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu như vậy? Liệu đây có phải là hệ quả của trào lưu anti vaccine hay không? Bộ Y tế có giải pháp gì phòng chống dịch bệnh bùng phát diện rộng?
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Khu vực điều trị bệnh nhân bạch hầu tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
PV: Thưa bà, bạch hầu là bệnh hiếm gặp nhưng đang liên tiếp xuất hiện tại Đắk Nông, trong đó 1 bé gái đã tử vong và hàng trăm người đang phải cách ly, theo dõi. Nguyên nhân nào khiến dịch bệnh bùng phát và gây hậu quả nghiêm trọng như vậy?
Bà Dương Thị Hồng: Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) hơn 30 năm qua đã triển khai tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em dưới 1 tuổi. Chính vì vậy chúng ta đã khống chế cơ bản bệnh bạch hầu, số ca mắc gần đây chỉ là rải rác nhưng là điều trăn trở của Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh này là đối với những tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn khó tiếp cận với hoạt động tiêm chủng, đồng thời cũng chưa nắm được đầy đủ thông tin cũng như chưa hiểu rõ về vai trò quan trọng của vaccine trong việc phòng chống bệnh bạch hầu. Chính vì vậy con của họ không được tiêm hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ nên dễ mắc bệnh.
Mặt khác, theo thời gian, miễn dịch có được từ tiêm vaccine bạch hầu sẽ giảm dần theo thời gian nên nhiều trường hợp vẫn có thể mắc bệnh bạch hầu mặc dù trẻ đã tiêm đủ 3 mũi trước 1 tuổi.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh bạch hầu hiệu quả các quốc gia cần tiêm vaccine có thành phần bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, lúc 12-23 tháng tiêm mũi 4, lúc 4-7 tuổi tiêm mũi 5 và khi 9-15 tuổi tiêm mũi 6.
PV: Bà vừa nói đến việc tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu, vậy Chương trình Tiêm chủng mở rộng có giải pháp gì để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng?
Bà Dương Thị Hồng: Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Dự án TCMR sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh tăng cường công tác tiêm chủng, tiêm vét cho trẻ chưa đủ 4 mũi tiêm trước 24 tháng tuổi, đồng thời triển khai tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi tại các vùng nguy cơ cao.
Tại các địa phương miền núi khó khăn, để tăng cường việc tiếp cận đối tượng tiêm chủng, dự án TCMR sẽ tiếp tục triển khai các điểm tiêm chủng ngoài trạm y tế xã, mang vắc xin đến gần người dân hơn. Đồng thời, trong giai đoạn này, Dự án TCMR có thể tăng tần xuất thực hiện tiêm chủng tại các thành phố lớn, không chỉ tổ chức 2 buổi mỗi tháng như hiện nay.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lây lan tại cộng đồng, Dự án TCMR cũng đã, đang và sẽ có những hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả, đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh.
PV: Vậy bà có khuyến cáo như thế nào đối với người dân và chính quyền địa phương trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu?
Bà Dương Thị Hồng: Điều quan trọng là các ông bố bà mẹ cần tuân thủ tuyệt đối lịch tiêm chủng cho con mình. Để nâng cao miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ cho con theo lịch, cha mẹ cũng lưu ý việc cho trẻ tiêm trong các chiến dịch, hoạt động tiêm bổ sung do Bộ Y tế tổ chức. Hãy tự trang bị cho con mình hành trang tốt nhất là sức khỏe - phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin dự phòng hiệu quả nhất là tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.
Bộ Y tế khuyến cáo: Bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở Việt Nam, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin và tiếp xúc với mầm bệnh Đến nay các ổ dịch bạch hầu ở Việt Nam hiện đã ổn định, tại huyện Krông Nô đã qua 16 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và tại huyện Đắk Glong đã qua 4 ngày không ghi nhận thêm trường hợp dương tính. Trong tháng 6/2020, Việt Nam ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đắk...