Đắk Nông tăng cường bảo vệ rừng trong mùa khô 2019
Tây Nguyên đang ở vào mùa khô. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của El Nino nên mùa khô năm nay tại Tây Nguyên sẽ diễn biến hết sức phức tạp, nắng nóng kéo dài.
Để bảo vệ rừng trước nguy cơ cháy, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Việc đốt rẫy của nông dân nếu không đề phòng sẽ dễ lây lan, gây cháy rừng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh này có hơn 255.000 hecta rừng, đạt tỷ lệ che phủ gần 40% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 205.000 hecta, còn lại là rừng trồng, rừng sản xuất do các doanh nghiệp, người dân quản lý.
Điều đáng nói, phần lớn dện tích rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là rừng khộp và rừng lá kim, nên nguy cháy rừng vào mùa khô là rất cao. Trước tình hình đó, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tập trung nhân lực, trang thiết bị để bảo vệ rừng hiện có. Đồng thời khoanh vùng, đánh dấu những điểm, khu vực rừng có nguy cơ cháy cao để tăng cường tuần tra, sẵn sàng bố trí lực lượng ứng phó để kịp thời xử lý khi có cháy xảy ra.
Video đang HOT
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, theo dự báo mùa khô năm nay ở Tây Nguyên do chịu ảnh hưởng của El Nino nên nắng nóng kéo dài và diễn biến phức tạp. Từ đó nguy cơ cháy rừng là rất lớn. Vì vậy, ngay sau tết nguyên đán, các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Đắk Nông đã rất chú trọng đến công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Sở NN&PTNT tỉnh thường xuyên chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức các đợt diễn tập với các chủ rừng cũng như với các lực lượng liên quan như: công an, quân đội nhằm chủ động có biện pháp phòng chống cháy rừng hữu hiệu nhất.
Tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, các đơn vị kiểm lâm tập trung lực lượng, phương tiện để ứng phó với nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác về phòng, chống cháy rừng đối với với chủ rừng; tăng cường các biển báo cấm lửa, cấm các hoạt động đốt thực bì để làm rẫy cũng như thường xuyên tuần tra, kiểm soát, không để người dân vào rừng đốt rẫy, bắt ong gây nguy cơ cháy rừng.
Tại huyện Đắk Mi, đây là huyện có hơn 20.000 hecta rừng, trong đó rừng khộp (hay còn gọi rừng thưa lá rộng) chiếm hơn 70%. Theo ông Đặng Quốc Anh, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) thì, do phần lớn rừng của huyện Đắk Mi là rừng khộp rụng lá theo mùa. Đặc điểm của rừng khộp là cây rừng phát triển mạnh vào mùa mưa và rụng lá vào mùa khô, cộng với lớp thực bì gồm các loại cỏ, cây bụi mọc dày… nên loại rừng này rất dễ cháy và cháy lan rất nhanh.
“Mặc dù với diện tích rừng lớn và rất dễ xảy ra cháy, nhưng trên địa bàn huyện Đắk Mil chỉ có 2 đơn vị chủ rừng quản lý và bảo vệ. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm cũng rất mỏng, đơn vị chỉ có 11 người nên việc tổ chức phòng cháy chữa cháy rừng là rất khó khăn. Để đảm bảo đủ lực lượng vừa tuần tra, kiểm tra cũng như tăng cường các hoạt động tuyên tuyền, sẵn sàng ứng phó khi có cháy, đòi hỏi chúng tôi phải thường xuyên đôn đốc các đơn vị chủ rừng cũng như phải phối kết hợp với các lực lượng có liên quan mới thực hiện được”- ông Đặng Quốc Anh, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Mil chia sẻ.
Hiện nay đang vào thời điểm năng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng tại Đắk Nông rất cao
“Bên cạnh vấn đề khó khăn về nhân lực, thì tình trạng người dân canh tác gần rừng, đốt rừng làm nương rẫy … cũng là một mối nguy hại đối với rừng trong điều kiện thời tiết khô hạn như hiện nay. Chính vì thế công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân sống gần rừng cũng như cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng được các lực lượng chức năng chú trọng thực hiện thường xuyên hơn” – ông Đặng Quốc Anh cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Sơn ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil thì, từ xưa nay rừng là nguồn sinh kế nuôi sống người dân. Mọi hoạt động của người dân ở đây đều gắn với rừng. Điều đáng nói là trong những năm trước đây, người dân hay lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy. Tuy nhiên, do được chính quyền và ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động, giờ đây bà con không còn lấm chiếm đất rừng nữa và thay vào đó là được chính quyền tạo điều kiện, nhận khoán rừng để cùng nhau trồng và bảo vệ rừng.
Cho biết thêm về những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm kêu gọi người dân cùng đồng hành bảo vệ rừng, ông Trần Nguyên Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao (huyện Đắk Mil) khẳng định thêm: Vào mùa khô hàng năm, UBND xã cùng Ban lâm nghiệp xã phối hợp với kiểm lâm huyện và các ban quản lý rừng phòng hộ cũng như Bộ đội Biên phòng và các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về ý nghĩa thiết thực của việc bảo vệ rừng; phân tích và kêu gọi người dân không được lấn chiếm đất rừng, đốt rừng làm nương rẫy. Nhờ làn tốt công tác này mà tình trạng phá rừng tại địa phương thời gian qua đã giảm hẳn; ý thức của người dân trong bảo vệ, phối hợp cùng với chính quyền và ngành chức năng để sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng, nên trong những năm vừa qua tỉnh Đắk Nông không để xảy ra những vụ cháy rừng nghiêm trọng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 6 vụ cháy rừng làm thiệt hại 4,6 hecta, trong đó rừng tự nhiên 4 vụ với hơn 2,8 hecta. Bước vào mùa khô năm 2019 này, tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường phòng chống cháy rừng, kiên quyết không để cháy rừng xảy ra trên diện rộng, nhất là đối với rừng tự nhiên./.
Bài, ảnh: Đình Tăng
Theo ĐCSVN
Nắng nóng, liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng ở Lai Châu
Từ ngày 20/4 ngược trở lại ngày 18/4, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng và thảm thực vật, bước đầu gây thiệt hại cho một số diện tích rừng trồng và rừng tái sinh trên địa bàn.
Cụ thể, chỉ trong ngày 18/4 đã liên tiếp xảy ra năm vụ cháy tại các xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên), Nậm Manh, Nâm Ban (huyện Nậm Nhùn), Ma Quai (huyện Sìn Hồ) và Nùng Nàng (huyện Tam Đường). Ngay sau khi phát hiện có cháy, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện huy động lực lượng tại chỗ với số lượng hàng nghìn người như dân quân, kiểm lâm, bộ đội và người dân địa phương tiến hành dập lửa. Các đám cháy đều được khống chế và dập tắt sau từ 3 đến 5 giờ nên không gây thiệt hại lớn.
Hiện tại tỉnh Lai Châu có tổng diện tích rừng trên 445 nghìn ha, độ che phủ đạt gần 50%, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 427 nghìn ha, rừng trồng hơn 18 nghìn ha. Trước thời tiết nắng nóng trong những ngày qua, địa phương đã thành lập ba tổ công tác và đang tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng tại các huyện, thành phố.
Chi Cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho biết: Đến nay diện tích rừng và diện tích thảm thực vật bị thiệt hại do cháy đang được các lực lượng chức năng thống kê. Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng cấp tỉnh cũng đã thành lập các đoàn công tác và yêu cầu chính quyền địa phương các cấp duy trì chế độ trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ.
Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng cấp tỉnh cũng yêu cầu lực lượng phòng chống cháy rừng các cấp cử các tổ công tác xuống cơ sở, tăng cường kiểm tra để có phương án xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng. Các địa phương được yêu cầu thực hiện tốt các chế độ thông tin báo cáo từ cơ sở thôn, bản đến Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng các cấp và tăng cường kiểm tra công tác tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm và các vùng giáp ranh, chủ động các phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng để sẵn sàng sử dụng khi có cháy rừng xảy ra.
Theo Việt Hoàng (TTXVN)
Chương trình OCOP Đăk Nông: Nhiều sản phẩm lợi thế cạnh tranh cao Ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Nông cho biết, địa phương được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng để triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm-OCOP dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Từ nay đến năm 2020, Đăk Nông sẽ tập trung vào...