Đắk Nông: Hàng loạt trường lạm thu vì Phòng GD-ĐT làm ngược quy trình, bỏ quên phụ huynh?
Dù chưa họp phụ huynh nhưng các trường đã xây dựng kế hoạch huy động nguồn tự nguyện tài trợ, nguồn thỏa thuận và được Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt.
Tuy nhiên, khi triển khai, hàng loạt trường bị phụ huynh phản đối vì kế hoạch này có nhiều khoản thu “vô tội vạ”.
Phụ huynh bức xúc vì thu “vô tội vạ”
Hai năm liên tiếp, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đều có phụ huynh phản ánh về tình trạng thu chi đầu năm học. Theo đó, nhiều khoản thu được nhà trường đề ra không hợp lý, mặc dù đã có ý kiến về những khoản thu này.
“Đầu năm, nhà trường huy động khoảng 1,2 triệu đồng cho 4-5 loại quỹ, riêng quỹ xây dựng là hơn 600.000 đồng. Số tiền này nếu phục vụ học sinh thì chúng tôi không phản đối. Thế nhưng cơ sở vật chất của nhà trường đã khang trang rồi, năm nào cũng huy động mà phụ huynh thì chẳng biết sử dụng vào việc gì”, một phụ huynh khối 3 bức xúc.
Đầu năm, Trường Lê Đình Chinh huy động khoảng 1,2 triệu đồng cho 4-5 loại quỹ
Cũng theo phụ huynh này, mấy năm nay nhà trường còn nghĩ ra việc quản lý thêm các cháu 30 phút đầu giờ và 20 phút cuối giờ. Mỗi học sinh đăng ký phải đóng 100.000 đồng/1 tháng. “Nếu cháu nào không đăng ký thì đi học giờ giấc như bình thường. Nhưng vì phần lớn các bạn đều vào học trước nên thương con, phụ huynh buộc phải đăng ký theo”.
Tương tự, tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp) nhiều phụ huynh phản ánh về các khoản đóng góp đầu năm học. Một lá đơn được nhiều phụ huynh đồng loạt ký, gửi lên các cơ quan của huyện Đắk R’lấp.
“Nếu nói thực sự thì số tiền cũng không nhiều, nhưng năm nào cũng thu cùng một khoản. Mấy năm nay chúng tôi đóng góp, nhưng chỉ biết chi các khoản chung chung, có những khoản chi không phù hợp. Đặc biệt mang tiếng là tự thỏa thuận nhưng nhà trường tự áp đặt luôn số tiền mà phụ huynh phải đóng”, một phụ huynh khác bức xúc.
Nội dung phản ánh của phụ huynh trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân
Tại trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp), nhiều phụ huynh cũng không đồng tình với các khoản tự nguyện đóng góp và vận động tài trợ khi phải đóng khoảng 1- 1,2 triệu đồng đầu năm học mới.
“Cũng như mọi năm, gọi là tự nguyện, tự thỏa thuận nhưng đều theo định mức và áp đặt như thế. Khi họp thì cũng có phụ huynh có ý kiến, nhưng cuối cùng cũng phải đồng ý hết vì con còn học ở đây vài năm nữa mà”, một nữ phụ huynh than thở.
Video đang HOT
Không riêng gì ba trường học trên, hàng loạt phụ huynh ở các trường mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đều có ý kiến về các khoản vận động, thỏa thuận, viện trợ, tài trợ của nhà trường.
“Kiểm soát lạm thu” dẫn đến… lạm thu
Ông Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh thừa nhận, hai năm qua nhà trường đều có phụ huynh phản ánh về tình trạng thu chi đầu năm học. Tuy nhiên, nhà trường tổ chức huy động, vận động theo tinh thần thỏa thuận, tự nguyện của các phụ huynh.
Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân bị phụ huynh tố lạm thu
Tương tự, ông Hoàng Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũng khẳng định, thực hiện theo đúng tinh thần của các thông tư của Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông. “Đúng là nhiều phụ huynh có ý kiến về các khoản thu nên đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa thu đồng nào cả”, ông Tâm phân trần.
Theo tìm hiểu, dù chưa họp phụ huynh nhưng từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9, các trường trong huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đã lập Kế hoạch huy động nguồn tự nguyện tài trợ và nguồn thỏa thuận. Trong đó nhà trường tự xây dựng các khoản huy động với số tiền cụ thể. Sau đó kế hoạch này được gửi về Phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp phê duyệt mà bỏ qua vai trò, quyền lợi của phụ huynh học sinh.
Danh sách các khoản tự nguyện đóng góp của trường tiểu học Bùi Thị Xuân
Theo một cán bộ ngành giáo dục, việc làm này là sai quy trình và đã vô tình gây áp lực lên trường và phụ huynh. Từ đó dẫn đến việc phụ huynh tố trường lạm thu còn trường phải tìm cách thu đủ số tiền mà Phòng GD-ĐT đã phê duyệt.
“Theo quy trình, nhà trường phải họp, thỏa thuận với phụ huynh về các khoản thu, số tiền thu. Sau khi phụ huynh đồng ý thì mới xây dựng kế hoạch để gửi lên Phòng GD-ĐT phê duyệt rồi triển khai thu. Tuy nhiên với cách làm như hiện nay, Phòng GD-ĐT đã làm mất đi quyền lợi tự thỏa thuận của phụ huynh, dẫn đến việc nhiều phụ huynh không đồng ý khoản đó, nhưng Phòng duyệt rồi thì bắt buộc phải nộp”, cán bộ ngành giáo dục cho hay.
“Phụ huynh là chính. Nhưng với cách làm hiện nay thành ra quyền lợi phụ huynh bị hạn chế. Chính Phòng GD-ĐT đang làm ngược, gây bất bình cho nhân dân”, một hiệu trưởng tại huyện Đắk R’lấp than phiền.
Theo tìm hiểu, việc xây dựng kế hoạch vận động của các trường do ông Đặng Bá Hiệp, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp yêu cầu và phê duyệt. Sau khi các đơn vị gửi kế hoạch lên, ông Hiệp trực tiếp phê ở phía sau, đồng ý cho các trường thu các khoản đã xây dựng.
“Kế hoạch này phải được các bộ phận chuyên môn của Phòng GD-ĐT thẩm định, tham mưu rồi Trưởng Phòng GD-ĐT mới phê duyệt. Việc phê duyệt, đồng ý cho các trường thu phải bằng văn bản, chứ không được ký trực tiếp vào đó”, một cán bộ ngành giáo dục thông tin.
Hàng loạt trường bị phản ánh lạm thu do Trường Phòng GD-ĐT làm sai quy trình
Trong khi đó, theo một cán bộ đang công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp, kế hoạch của các trường phần lớn chưa được bộ phận chuyên môn tham mưu. Sau khi hàng loạt trường bị phản ánh về tình trạng thu chi và Hội đồng Nhân dân huyện đi kiểm tra, giám sát, ông Hiệp mới ra một văn bản chỉ đạo, mang tính “chữa cháy”. Trong đó có nêu rõ, việc phê duyệt chỉ là chủ trương để nhà trường có cơ sở thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Bá Hiệp, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp cho biết, việc ông đề nghị các trường xây dựng kế hoạch, gửi lên Phòng là để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học.
Tuy nhiên khi được hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng hàng loạt trường bị tố lạm thu, ông Hiệp khẳng định: “Việc phê duyệt kế hoạch chỉ là để cho các đơn vị có cơ sở thực hiện. Có nhiều trường hiểu lầm về việc phê duyệt này nên ngay sau đó tôi đã có văn bản chấn chỉnh”.
Dương Phong
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Hiệu trưởng để xảy ra lạm thu vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ?
Theo phản ánh của giáo viên, tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, thành phố Thanh Hóa xảy ra tình trạng lạm thu, mất đoàn kết nội bộ nhưng hiệu trưởng vẫn được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Thanh Hóa cho rằng, trong năm học 2017 - 2018, nhà trường đạt được nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, hiệu trưởng cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo công tác thu, chi trong nhà trường.
Việc đánh giá, phân loại không khách quan tại Trường Tiểu học Điện Biên 2 khiến giáo viên có đơn kiến nghị kéo dài.
Trước đó, như báo Dân trí đã phản ánh, năm học 2017 - 2018, tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, ngoài nghi vấn "bớt xén" suất ăn của học sinh, phụ huynh còn tố nhà trường thu nhiều khoản vô lý.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có kết luận kiểm tra, trong đó chỉ ra nhà trường chi sai mục đích nguồn thu, chi mua bàn ghế cho học sinh bán trú; ngoài chi trả công cho người dọn vệ sinh trường lớp, còn chi phí vệ sinh môi trường, vật liệu, nước uống và chi cho cán bộ giáo viên nhà trường dọn vệ sinh các ngày khai giảng, ngày lễ là không đúng.
Đồng thời, nhà trường đưa ra mức thu cao, ngoài chi bảo trì máy tính, đã chi sai mục đích trong việc mua máy tính; hợp đồng với trung tâm tổ chức dạy học kỹ năng sống và tiếng Anh trong giờ học chính khóa.
Ngoài ra, thu sai quy định tiền xã hội hóa giáo dục, chi quỹ hội cha mẹ học sinh sai mục đích; tổ chức thu tiền vận động phụ huynh học sinh học trái tuyến là sai quy định...
Trong khi đó, để chấn chỉnh vấn đề lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân, hàng năm, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đều có hướng dẫn các khoản thu chi ngoài ngân sách và chấn chỉnh tình trạng lạm thu đã được ban hành. Trong đó, yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.
Tuy nhiên, với hàng loạt những vi phạm trong vấn đề thu chi đã được chỉ ra tại Trường Tiểu học Điện Biên 2, nhưng người đứng đầu đơn vị này vẫn không bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý người đứng đầu để xảy ra lạm thu chưa thực sự nghiêm theo quy định.
Tại biên bản kiểm tra, giải quyết phản ánh của báo chí, mạng xã hội về công tác bán trú và việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với viên chức quản lý giáo dục tại Trường Tiểu học Điện Biên 2 kết luận: Bà Trần Thị Vân (Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên 2) là người đứng đầu nhưng chưa làm tốt công tác điều hành, để xảy ra sự không thống nhất trong nội bộ Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường và phản ánh của báo chí, mạng xã hội nhưng chưa tự giải quyết, xử lý để ổn định tình hình.
Hơn nữa, hiệu trưởng nhà trường còn bị cấp dưới kiến nghị về việc có dấu hiệu trù dập cá nhân khi cố tình đánh giá không khách quan, dân chủ, "vượt mặt" quy định của nhà nước.
Theo Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức quy định: Trường hợp theo phân cấp quản lý cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.
Trường để xảy ra lạm thu, mất đoàn kết nội bộ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, tại Trường tiểu học Điện Biên 2, hiệu trưởng lại trực tiếp ký đánh giá, phân loại đối với cấp phó không do mình bổ nhiệm.
Việc để xảy ra lạm thu, mất đoàn kết nội bộ nhưng bản thân hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên 2 vẫn được phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ khiến giáo viên bức xúc có đơn thư kiến nghị.
Ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa cho rằng, do phòng đã đánh giá, phân loại trước khi giáo viên có ý kiến.
Việc đánh giá, phân loại không khách quan khiến giáo viên có đơn kiến nghị kéo dài đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Theo ông Tạ Hồng Lựu, hiện Phòng GD&ĐT đang làm dự thảo báo cáo UBND thành phố về những vấn đề nêu trên.
Trần Lê
Theo Dân trí
Trường Nguyễn Du huy động hơn 472 triệu đồng thay cửa phòng học xuống cấp Để sửa chữa hệ thống cửa phòng học xuống cấp nghiêm trọng, Trường tiểu học Nguyễn Du (Hải Phòng) đã huy động tài trợ hơn 472 triệu đồng từ phía phụ huynh. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An, Hải Phòng) kiến nghị về một số khoản...