Đắk Nông: Hàng chục người dân “vây” nhà máy sản xuất gỗ
Liên tiếp trong 2 ngày, hàng chục người dân tại xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song, Đắk Nông) mang theo băng rôn, căng lều trước nhà máy sản xuất gỗ của Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF BISON ( Công ty MDF BISON) và yêu cầu công ty này khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện chính quyền địa phương đang tổ chức cho hai bên đối thoại để có hướng xử lý.
“Ăn mắc màn, ngủ đeo khẩu trang”
Trong suốt 2 ngày 11 và 12.5, hơn 50 hộ dân các thôn Thuận Tân, Thuận Tiến và Thuận Thành (đều thuộc xã Thuận Hạnh, Đắk Song) mang theo xe kéo nhỏ, ô tô, băng rôn kéo đến trước trụ sở nhà máy sản xuất gỗ của Công ty MDF BISON dựng lán trại, phản đối việc công ty gây ô nhiễm.
Dân mang xe, dựng lều trước nhà máy sản xuất gỗ để yêu cầu xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Trọng Cường (thôn Thuận Tân) cho biết, hành động của người dân lần này xuất phát từ việc nhiều năm qua họ bị “tra tấn” bởi tình trạng ô nhiễm do nhà máy sản xuất gỗ của Công ty MDF BISON gây ra.
“Từ năm 2009, khi nhà máy này bắt đầu đi vào hoạt động, chúng tôi đã chịu khói bụi, thậm chí ăn cơm còn phải mắc màn, ngủ phải đeo khẩu trang, nước thối chảy tràn ra nhà… Chúng tôi kiến nghị rất nhiều, chính quyền các cấp cũng vào cuộc giải quyết nhưng không có kết quả…”- anh Cường nói.
Xe kéo nhỏ của người dân “án ngữ” trước cổng nhà máy.
“Mùi thối quá chúng tôi không ngủ được nên gọi cho lãnh đạo Công ty. Họ cứ hứa hết lần này đến lần khác, nhưng không khắc phục nên mới ra cơ sự này. Việc chúng tôi kéo đến đây cũng chỉ mong Công ty làm sao phải đảm bảo môi trường để cuộc sống người dân khỏi đảo lộn”- ông Bạch Hưng Trung, một người dân khác cũng ở thôn Thuận Tân nói.
Video đang HOT
Cũng theo phản ánh từ người dân, mấy ngày gần đây tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Từ khu vực hồ chứa nước thải của nhà máy bốc ra mùi hôi thối theo gió phát tán vào khu vực dân cư khiến nhiều hộ dân mất ăn, mất ngủ. Tình trạng này đã được người dân báo với chính quyền địa phương song chưa được giải quyết.
Trước tình trạng tụ tập đông người, chính quyền địa phương các cấp đã cho lực lượng vận động, yêu cầu người dân không gây mất trật tự an toàn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục. Tuy nhiên, người dân vẫn cương quyết “bám trụ” trước cổng nhà máy, đề nghị lãnh đạo Công ty BISON xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Băng rôn của người dân phản đối việc sản xuất gây ô nhiễm của công ty BISON.
Lãnh đạo xã Thuận Hạnh, ông Phạm Văn Công – Chủ tịch HĐND xác nhận có tình trạng ô nhiễm tại nhà máy sản xuất gỗ của Công ty BISON. Theo ông Công, chính quyền địa phương, công ty và nhân dân đã nhiều lần họp bàn để giải quyết tình trạng trên nhưng vẫn chưa có kết quả. “Chúng tôi đang tích cực vận động bà con tuân thủ pháp luật, chờ cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời yêu cầu công ty nhanh chóng khắc phục sự cố và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường”- ông Công nói.
Phản ánh của dân là đúng
Sáng 13.5, để xử lý sự việc trên, UBND huyện Đắk Song đã tổ chức cho người dân đối thoại với Công ty BISON. Cuối buổi sáng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Phò, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, hiện cuộc đối thoại vẫn chưa có kết quả.
Về phía Công ty BISON, PV đã liên hệ để tìm hiểu thông tin nhưng hiện công ty này vẫn chưa có phát ngôn nào. Chiều 12.5, nhiều PV đến nhà máy để quay phim chụp ảnh nhưng bị ngăn không cho vào khuôn viên.
Được biết, ngày 12.4.2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đã có thông báo khẳng định phản ánh của dân là đúng; quá trình sản xuất gỗ của Công ty BISON có phát sinh bụi, mùi hôi. Kết quả khảo sát thực tế tại nhà của các hộ dân sống xung quanh nhà máy phía cuối hướng gió cho thấy, có bụi sợi gỗ lưu lại trên bề mặt các vật dụng sinh hoạt, cây cối và có mùi đặc trưng là cay, hắc của hóa chất phát sinh từ nhà máy này. Kết quả đo nồng độ bụi không khí môi trường xung quanh nhà máy ngày 5.3.2017 tại hai hộ dân cũng vượt từ 1,23 đến 1,28 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, kết quả đo trung bình 24 giờ.
Hiện lãnh đạo địa phương đang tổ chức cho người dân đối thoại với Công ty BISON.
Trên cơ sở báo cáo này, ngày 3.5, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã có Công văn yêu cầu Công ty BISON điều chỉnh công nghệ, nâng cao hiệu suất xử lý bụi, khí thải và mùi hôi phát sinh từ hoạt động sản xuất của nhà máy. Đồng thời có biện pháp khắc phục triệt để mùi hôi phát sinh từ hệ thống lưu chứa và xử lý nước thải; không để nước tồn đọng lâu ngày trong các hồ chứa lót bạt; khắc phục hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; có giải pháp để bảo đảm không để nước mưa chảy tràn qua hệ thống nước thải…
Theo Danviet
Sống chung với nước thải: Tỉnh "bật đèn xanh" để doanh nghiệp xả thải
Ngày 2/5 có bài phản ánh tình trạng người dân ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) kêu trời vì sống chung với mùi hôi thối từ nước thải của khu công nghiệp An Phú (xã An Phú, TP.Tuy Hòa) do Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên quản lý.
Sống chung với nước thải: Tỉnh "bật đèn xanh" để doanh nghiệp xả thải
Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp An Phú, nơi UBND tỉnh Phú Yên cho phép doanh nghiệp được đấu nối nước thải chưa qua xử lý
Theo tìm hiểu của PV, tỉnh Phú Yên đã "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp xả thải.
Theo thiết kế, trạm xử lý nước thải khu công nghiệp (KCN) An Phú có công suất 200 m3/ngày đêm. Tiêu chuẩn nước khi xả ra môi trường phải đạt loại A. Nước thải từ các nhà máy sản xuất trong KCN trước khi đấu nối về trạm phải được xử lý đạt tiêu chuẩn loại B.
Tuy nhiên, hiện tại có 2 doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản là Công ty TNHH thủy sản Hải Tinh và Công ty cổ phần thủy sản Tôm Vàng chưa xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B vẫn được đấu nối về trạm xử lý nước thải chung của KCN.
Việc 2 DN này xả thải chưa qua xử lý là do UBND tỉnh Phú Yên "bật đèn xanh". Theo đó, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã ký Thông báo số 150/TB-UBND ngày 6/3/2017 cho phép Công ty Hải Tinh đấu nối nước thải chưa qua xử lý vào trạm xử lý nước thải tập trung KCN An Phú.
Thông báo ghi rõ: "Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Hải Tinh hoạt động sản xuất trong mùa vụ hải sản, phục vụ các đơn hàng đã ký, chấp thuận đề nghị của Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên, cho phép Công ty Hải Tinh được đấu nối nước thải chưa qua xử lý vào trạm xử lý nước thải tập trung của KCN An Phú, với lưu lượng 10 m 3 /ngày đêm trong thời gian 6 tháng, để đơn vị đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sơ bộ và hoàn tất các thủ tục hồ sơ theo quy định".
Ngoài ra, trả lời PV, đại diện Công ty Tôm Vàng cho biết sở dĩ họ xả thải trực tiếp chưa qua xử lý vào trạm xử lý nước thải tập trung KCN An Phú là do có sự đồng thuận của Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên.
Việc 2 DN được đấu nối nước thải thô về trạm xử lý tập trung dẫn đến nồng độ ô nhiễm nước thải tăng cao. Do dung lượng trạm xử lý nhỏ, việc tiếp nhận nước thải hạn chế nên đã xảy ra tình trạng DN xả thải trộm qua đường dẫn nước mưa.
Ông Phạm Văn Cẩm, Đội trưởng Đội dịch vụ thuộc Trung tâm dịch vụ công ích (Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Phú Yên), giải thích: "Thỉnh thoảng các DN lại bị mình đóng nước (nước thải - PV) do dung lượng tiếp nhận hạn chế. Vậy là các DN hoạt động nhiều bị bí và xả trộm, xả lén qua đường nước mưa. Khi dân phản ánh thì cả lực lượng bảo vệ và anh em của trạm cũng tăng cường kiểm tra" (!).
Ông Chế Bá Thịnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Yên), nói thẳng: "Do các anh (Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên - PV) xuê xoa với nhau, chứ nói thật chưa đủ điều kiện, chưa hoàn tất các thủ tục quy định thì làm sao hoạt động được. Đúng ra phải xử lý việc này theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nếu cần thiết thì xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động. Đây là vấn đề căn cơ để giải quyết vấn đề gây ô nhiễm".
Ông Lê Văn Thành, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên, thừa nhận có tình trạng hôi thối từ chất thải của KCN An Phú. Ông Thành lý giải nguyên nhân là do trạm xử lý nước thải tập trung của KCN An Phú quá tải, đồng thời ông Thành đưa ra giải pháp tạm thời là cho xe bồn chuyển nước thải ở KCN An Phú sang KCN Hòa Hiệp để xử lý.
"Quá trình vận chuyển sẽ giám sát chặt chẽ, không để DN đổ bừa bãi ra môi trường. Vấn đề khử mùi, chúng tôi sẽ làm hệ thống phun quay để hạn chế mùi hôi. Về lâu dài, chúng tôi gia hạn trong vòng 3 tháng 2 DN trên phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B trước khi đấu nối với trạm xử lý nước thải tập trung của KCN An Phú", ông Thành nói và kiến nghị Sở TN-MT Phú Yên thành lập đoàn thanh tra để lấy mẫu nước xác định nguyên nhân nguồn nước ở khu dân cư Liên Trì 2 bị ô nhiễm.
(Theo Thanh Niên)
Thảo luận các giải pháp cấp bách hỗ trợ nông dân Nhằm tìm giải pháp thực hiện 3 nhiệm trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới, hôm nay, 27.4, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) lần thứ 11, khóa VI, chính thức khai mạc tại TP.HCM. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo T.Ư Hội NDVN, Chủ tịch Hội Nông dân các tỉnh,...